Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

WAL-MART ĐI THEO CÁC NGUỒN CUNG ỨNG

SGTT.VN - Trước đây, việc tập trung mua hàng chi phí thấp của Wal-Mart đã thúc đẩy hoạt động gia công hàng hoá ở nước ngoài. Trong vài tháng gần đây, Wal-Mart Stores Inc. đã quảng bá một hình ảnh yêu nước mới trong phong trào “Sản xuất tại Hoa Kỳ”.
Một kệ những mặt hàng “Sản xuất tại Hoa Kỳ” được bày bán tại Walmart Supercenter ở Arkansas. Ảnh: Reuters
Hãng bán lẻ khổng lồ Wal-Mart cho biết sẽ dẫn đầu việc đổi mới nền sản xuất của Hoa Kỳ và đem công ăn việc làm quay trở về Hoa Kỳ với cam kết sẽ mua 50 tỉ USD hàng hoá sản xuất tại Hoa Kỳ trong mười năm tới.
Thực tế, phong trào “Sản xuất tại Hoa Kỳ” của Wal-Mart cũng chỉ đi theo hiện tượng “về nguồn” vốn đã diễn ra trước đó rồi.
Trong nhiều trường hợp, các nguồn cung ứng của Wal-Mart đã quyết định sản xuất tại Hoa Kỳ do chi phí lương tăng cao tại Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác, kết hợp với năng suất lao động và tính cơ động gia tăng ở Hoa Kỳ, khiến việc gia công sản xuất bên ngoài không còn hấp dẫn nữa. Một số nhà sản xuất nhận thấy họ có thể thu lợi nhuận khi sản xuất trong nước một số loại hàng hoá nhất định mà họ đã từng đưa đi gia công ở nước ngoài. Và các nhà bán lẻ như Wal-Mart hưởng lợi nhờ mua được hàng hoá gần các trung tâm phân phối và các cửa hàng với chi phí vận chuyển thấp hơn, vừa có tiếng tốt qua việc bán nhiều sản phẩm do Mỹ chế tạo hơn.
Đây không phải là một nỗ lực PR, mà là một nỗ lực có định hướng kinh tế, tài chính và toán học, theoBill Simon, giám đốc điều hành của chuỗi Walmart. Sáng kiến này đến giờ vẫn còn khiêm tốn. Đối với một công ty với doanh thu 466,1 tỉ USD hàng năm trong, khoản chi tiêu thêm 50 tỉ USD cho cả một thập kỷ chỉ đơn thuần là con số mang tính tượng trưng. Ngoài ra, đơn vị Walmart chính của Mỹ chủ yếu bán hàng tạp phẩm và đã thu mua 2/3 lượng hàng hoá – kể cả nhiều loại thực phẩm – từ các nguồn ở Mỹ.
Dù vậy, cam kết này của Wal-Mart cũng là một chuyển đổi mang tính biểu tượng quan trọng. Một nhà bán lẻ mà trong nhiều thập kỷ đã khiến hàng trăm công ty Mỹ di chuyển sản xuất ra nước ngoài nhằm cắt giảm chi phí, lại đang kêu gọi họ quay về, thậm chí còn khuyến khích họ bằng chính sách mua hàng dài hạn hơn.
Hampton Products International – nguồn cung ứng khoá và phụ tùng cửa cho các nhà bán lẻ, kể cả Wal-Mart – lại là một hình ảnh khác. Chẳng cần lời kêu gọi của Wal-Mart, tổng giám đốc H. Kim Kelley cũng đã phục hồi sản xuất của nhà máy tại Wisconsin vào năm 2008. Quyết định quay về chỉ là một phép tính đơn giản nhưng hấp dẫn.
Trong 6 năm qua, giá thành phụ kiện tại Trung Quốc đã tăng 24% từ 1,77 USD lên 2,2 USD do đồng tiền Trung Quốc tăng giá và chi phí lao động tăng. Cộng thêm chi phí vận chuyển và thuế má, giá sản phẩm giao tới Hoa Kỳ lên tới 2,53 USD. Khi chuyển sản xuất về nước, Hampton có thể sản xuất với giá thành chỉ 2,16 USD, tiết kiệm được 15%, thậm chi tính cả khoản đầu tư cho nhà máy mới. Ông Kelly nói, “Lợi ích rất rõ ràng, chúng tôi cắt giảm được chi phí, cải thiện tính bền vững, giảm chi phí tồn kho thành phẩm và tạo nhiều việc làm ở Mỹ.”
Việc hỗ trợ của Wal-Mart là nhằm vào các chủng loại sản phẩm khó sản xuất với giá cạnh tranh ở Mỹ. Nhà bán lẻ này có kế hoạch bán tất cả mọi thứ từ bóng đèn GE làm ở Ohio và Illinois đến tivi của Element Electronics Corp sẽ được lắp ráp tại Nam Carolina.
Dù Wal-Mart vẫn từ chối ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp, nhiều công ty đôi khi sẽ đầu tư dựa trên nhu cầu dự kiến từ nhà bán lẻ. Ngoài ra, Wal-Mart đã giúp một số nhà cung cấp tiếp xúc với các quan chức phát triển kinh tế tiểu bang để xin giảm thuế hoặc các ưu đãi khác.
Renfro Corp đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất vớ ở Mỹ hai năm trước đây, bằng khoản đầu tư hơn 10 triệu USD vào hai nhà máy ở Tennessee và Alabama và tuyển dụng gần 250 công nhân mới. Giám đốc điều hành Bud Kilby cho biết họ sẵn sàng làm hơn cả những gì mà Wal-Mart đã yêu cầu và sẽ đầu tư ít nhất 10 triệu đôla nữa và tạo ra thêm 195 việc làm.
Gloeckler nhớ lại khi 1888 Mills LLC đến với Wal-Mart vào năm 2012, họ dự báo chi phí sản xuất khăn tại Hoa Kỳ đã gần bằng với chi phí sản xuất ở nước ngoài. Công ty dệt này đã cảm thấy có thể đặt hàng máy móc mới để giúp giảm chênh lệch chi phí, nhưng chỉ khi họ có một cam kết nhiều năm với Wal-Mart.
Wal-Mart đã đồng ý nhận khăn “Sản xuất ở đây” của 1888 Mills trong một số năm không được tiết lộ. Wal-Mart cũng thoả thuận khởi đầu sẽ cung cấp khăn cho 600 cửa hàng và sau đó sẽ bổ sung thêm khi sản xuất tăng lên. Khăn “Sản xuất ở đây” đang bán chạy hơn 30% so với loại được sản xuất bên ngoài nước Mỹ.
Đa số các chuyên gia sản xuất đều hoan nghênh cam kết của Wal-Mart mua hàng hoá Mỹ, mặc dù quy mô của cam kết của Wal-Mart chẳng gây được ấn tượng gì với họ cả, nhưng Wal-Mart cho biết 50 tỉ USD chỉ là điểm khởi đầu.

Mai Chuyên (Theo Reuters)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét