Thời
gian gần đây, thông tin về khả năng chữa bách bệnh của cây mật nhân
(cây bách bệnh) xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng Internet
khiến nhiều người không tiếc tiền của, công sức để vào tận rừng sâu núi
hiểm để tìm cây mật nhân. Nhưng sự thật có phải như vậy? Mật nhân có
đúng là thần dược chữa bách bệnh?
Đổ xô đi tìm thần dược?
Người dân các huyện miền núi ở
Phú Yên, Gia Lai, Bình Định, Quảng Nam thời gian gần đây đổ xô lên rừng
tìm mật nhân. Nhiều cánh rừng ngổn ngang cây bị đốn, rễ bị đào.
Tại thị trấn Phước Sơn (Quảng Nam), nhiều gia đình đã tự ý dựng bảng hiệu rao bán mật nhân ngay trước ngõ vào nhà.
Theo những người dân ở đây, sau
khi đào lên khỏi mặt đất, gốc và rễ mật nhân sẽ được cưa nhỏ từng khúc
đem rửa sạch rồi chẻ thành từng lát mỏng phơi khô. Khi dùng chỉ cần bỏ
một vài lát vào chén nước sôi hoặc cho vào rượu ngâm vài ngày rồi lấy ra
uống sẽ trị được bách bệnh...
“Bệnh gì uống
cũng hết. Đau dạ dày, đau khớp, viêm xoang, viêm gan, nhức mỏi tay chân,
biếng ăn mất ngủ... đều dùng cây này để chữa. Có thể ngâm rượu từ 3 - 5
ngày là uống được hoặc chẻ nhỏ ngâm trong nước sôi 15 phút rồi uống như
uống nước chè”.
Trên những cánh rừng Hòn Đen,
Buôn Kít thuộc 2 xã Sông Hinh và EaTrol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên),
mỗi ngày có đến gần trăm người vào rừng tìm mật nhân. Không chỉ người
dân địa phương, các nơi như Tuy Hòa (Phú Yên), Bình Định, Khánh Hòa cũng
lên đây tìm cây thuốc.
Không chỉ lên rừng khai thác, rễ
cây mật nhân được một số người sang Campuchia mua với giá rẻ như củi
rồi vận chuyển mang về Việt Nam qua các cửa khẩu Hoa Lư (huyện Lộc
Ninh), Hoàng Diệu (huyện Bù Đốp) rồi bán với giá phổ biến từ 40.000 -
50.000 đồng/kg. Mỗi chuyến xe tải chở từ 1,5 - 2 tấn rễ cây mật nhân.
Tác dụng không như lời đồn thổi
Cây mật nhân có tên khoa học là Eurycoma longifolia Jack,
còn có tên gọi khác là cây bá bệnh hay bách bệnh, thuộc họ thanh thất.
Đây là loại cây nhỡ, cao khoảng 2m. Lá kép 10 - 36 đôi mọc đối, không
cuống; mặt trên xanh bóng, mặt dưới trắng, cuống lá màu nâu đỏ. Có lông ở
nhiều bộ phận. Cụm hoa hình chùm kép hay chùm tán, mọc ở ngọn, cuống có
lông màu gỉ sắt. Hoa màu đỏ nâu. Quả hình trứng, hơi dẹt, có rãnh giữa,
khi chín màu vàng đỏ, chứa 1 hạt, hạt có nhiều lông ngắn.
Ở Việt Nam, bách bệnh có nhiều ở các tỉnh vùng Tây Nguyên. Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ thân, rễ, lá phơi hay sấy khô
Bách bệnh là cây thuốc dân gian,
nhưng đã được các nhà y dược thử nghiệm ứng dụng với ký sinh trùng sốt
rét, làm lợi mật, có tác dụng kích dục nam và làm chậm quá trình sơ gan
và ung thư. Các chất quassinoid
và alcaloid được chiết xuất từ mật nhân có vị đắng có màu vàng, giúp
tăng năng lượng hoạt động và sức bền, thúc đẩy sản xuất hocmon sinh dục
nam nội sinh.
Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ
cây dùng với các trường hợp ăn uống không tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, đau
mỏi lưng. Rễ chữa khí hư huyết kém, ăn uống không tiêu, trong ngực có
cục tích, gân khớp cứng, xương yếu, chữa tứ thời cảm mạo, sốt rét, ngộ
độc và say rượu. Quả chín ăn được, chữa lỵ và tiêu chảy. Lá nấu nước trị
ghẻ, lở ngứa.
Hiện nay, bách bệnh được khai
thác theo nghiên cứu nước ngoài dùng làm thuốc kích dục nam. Tuy nhiên,
phải có công nghệ tách chiết quassinoid,
alcaloid rồi kết hợp với một số chất bổ trợ khác để thay viagra. Tại
Việt Nam, hiện chưa có công nghệ tách chiết này, người dân dùng thuốc
theo phương thuốc dân gian, trong khi để thuốc phát huy tác dụng, cần
kết hợp với các vị thuốc khác. Chính vì vậy, cần khẳng định, mật nhân
không có tác dụng chữa bách bệnh như đồn thổi. Để sử dụng mật nhân chữa
bệnh, cần có chỉ định của các thầy thuốc, lương y có kinh nghiệm.
Một số đơn thuốc có bách bệnh
-Chữa liệt nửa người, do khí suy, phong tê, mình lạnh tê dại (Ôn kinh trợ dương điều khí thang): Rễ bách bệnh
4g, rễ đinh lăng 10g, xấu hổ sao 8g, dây đau xương 8g, đậu chiều sao
8g, dây trâu cổ 8g, cây thần sa 6g, bạch hồ tiêu (hồ tiêu sọ) 5g, quế
chi 5g, gừng sống 3g. Sắc uống.
- Chữa âm huyết suy kém, tê bại nửa người, nóng đau (Tư
âm bổ huyết thang): Rễ bách bệnh 6g, đậu đen 12g, hà thủ ô 10g, dây gùi
8g, rau muống biển 8g, rễ nhàu 8g, rễ ô môi 8g, cỏ xước 8g, tang chi
8g, dây ký ninh 2g. Sắc nước uống.
- Chữa đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi chướng bụng
(Bá ứng tiêu hạ tán): Rễ bách bệnh 50g, vỏ quýt 100g, hoắc hương 100g,
củ bồ bồ 100g, dây mơ 100g, cam thảo nam 100g, hậu phác 100g, củ sả 50g,
củ gấu 50g, tiêu lốt 50g. Các vị rửa sạch, sấy khô, tán bột. Ngày uống
12g, trẻ em giảm liều tùy theo tuổi.
Lưu ý: Những
người có đề kháng yếu (trong cơ thể mang nhiều bệnh liên quan đến nội
tạng như gan, mật, dạ dày...), nếu sứcdùng mật nhân sẽ nguy hiểm đến
tính mạng.
Cần có biện pháp bảo tồn
Hiện nay, do giá thu mua tăng
cao nên hằng ngày có rất nhiều người dân ở nhiều địa phương đổ xô lên
rừng để khai thác mật nhân. Trong khi đó, hiện chưa có công trình khoa
học hay văn bản nào cho rằng loài cây này chữa được bách bệnh, vì thế
ngành kiểm lâm không thể cấm người dân khai thác. Cứ tiếp tục tình trạng
này, cây mật nhân sẽ bị tận thu tận diệt. Chính vì vậy, cần có những
biện pháp cấp thiết để tuyên truyền cho người dân biết về tác dụng chữa
bệnh của cây và cần có chế tài đủ mạnh để hạn chế tình trạng khai thác
tràn lan như hiện nay.