VietTimes -- Mặc dù các địa phương ở Trung Quốc lần lượt bãi bỏ các biện pháp cách ly, phong tỏa chống dịch, khôi phục dần hoạt động sinh hoạt, di chuyển, sản xuất và học tập, vui chơi giải trí...nhưng tình hình có vẻ không như mong đợi. Đã xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng...
Ổ dịch lây nhiễm tập thể, 18 người bị bệnh từ một vụ tình ái rắc rối
Tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, một vụ lây nhiễm tập thể đã xảy ra sau một vụ tụ tập với ít nhất 18 trường hợp lây nhiễm virus Corona mới đã được xác nhận và ít nhất 456 người đã bị buộc phải cách ly. Theo báo chí địa phương, vụ lây nhiễm này bắt nguồn từ “quan hệ tình ái ngoài luồng”. Một người đàn ông họ Hàn mắc bệnh từ Mỹ về, sau đó truyền nó cho người phụ nữ hàng xóm nóng bỏng Tào A, người sau đó đã bí mật lây truyền virus cho bạn trai Lý B. Lý B lại truyền nó cho cô “bạn gái đích thực” và một vài cô gái khác. Bà mẹ của Tào A sau khi lây bệnh từ con gái cũng truyền lại cho người bạn trai của bà ta, dịch bệnh đã chia thành các ngả lan rất nhanh như thế.
Theo Kinh tế Nhật báo Trung Quốc, thủ phạm gây nên vụ lây nhiễm nhóm lớn ở thành phố Cáp Nhĩ Tân này là một người đàn ông họ Hàn trở về từ Hoa Kỳ. Hàn X đã quan hệ ngoài luồng với Tào A, 33 tuổi, người phụ nữ độc thân ở tầng trên cùng khu chung cư, Sau đó, virus được được Tào A truyền cho bạn trai Lý B, 32 tuổi và Lý B tiếp tục lây nhiễm virus sang cho “người yêu thực sự” cùng mấy “bạn gái” khác.
Vụ lây nhiễm tập thể do quan hệ tình ái phức tạp khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch (Ảnh: Getty).
|
Theo tin các báo, Tào A đã lây bệnh cho bà mẹ khi cô trở về nhà, và mẹ cô đã truyền virus Corona mới cho người bạn trai của mẹ cô. Sau đó, hai người này lây truyền cho một người bạn cùng ăn trong bữa tối, người này lại truyền tiếp virus cho người cha và anh chị em của anh ta. Khi họ đến bệnh viện khám bệnh, lại lây nhiễm cho nhiều bệnh nhân và gia đình của họ.
Tin trên báo chỉ ra rằng sau khi người đàn ông họ Hàn trở về Cáp Nhĩ Tân từ Mỹ ngày 19/3, ông ta được cho phép cách ly tại nhà, hai lần xét nghiệm virus đều âm tính, nhưng anh ta đã xuất hiện các triệu chứng và được chẩn đoán bị bệnh COVID-19 vào ngày 11/4. Khi cơ quan chức năng truy hỏi về các hoạt động diễn ra sau khi về nhà tự cách ly, anh ta đã che dấu do có “nhiều điều khó nói”. Chỉ sau khi Tào A và Lý B bị cáo giác nhiễm bệnh, Hàn X mới khai hết sự thật với cảnh sát. Lần theo toàn bộ sự việc, cơ quan chức năng cuối cùng đã tìm thấy 18 người đã được chẩn đoán bị bệnh và 456 người tiếp xúc gần gũi bị cách ly và theo dõi y tế. Cảnh sát địa phương đã lập án điều tra. truy cứu trách nhiệm về việc bà mẹ Tào A và bạn trai bà ta do mối quan hệ phức tạp đã không khai báo sự thực gây hậu quả nghiêm trọng .
Bởi vì câu chuyện quá rắc rối, phức tạp và ly kỳ, tin tức sau khi lan truyền lập tức gây nên cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng, có người bỏ công vẽ nên sơ đồ về vụ việc với những mối quan hệ phức tạp này, với 3 tuyến lây nhiễm chính của Hàn X, Tào A và người mẹ của Tào A với ghi chú trên bản đồ “Cặp bồ rất nguy hiểm, khi sung sướng phải thận trọng”.
Liên quan đến vụ việc này, theo Nhật báo Hắc Long Giang ngày 15/4, chiều cùng ngày, ông Vương Văn Đào, Phó Bí thư, tỉnh trưởng Hắc Long Giang đã chủ trì hội nghị về công tác phòng chống dịch, kịch liệt phê bình thành phố Cáp Nhĩ Tân và cá nhân Thị trưởng Tôn Ca vì “công tác phòng dịch không đủ mạnh, để tái xuất hiện các vụ lây nhiễm tập thể”.
Tỉnh trưởng Hắc Long Giang Vương Văn Đào (trái) hôm 15/4 đã phê phán Thị trưởng Cáp Nhĩ Tân Tôn Ca (phải) vì để xảy ra các vụ lây nhiễm tập thể (Ảnh: DF).
|
Tính đến ngày 16/4, tỉnh Hắc Long Giang đã có 861 người bị bệnh COVID-19, hiện vẫn còn 377 người đang điều trị. Riêng ngày 16/4 có 1.210 người bị sốt phải đến các phòng khám kiểm tra; trong 24 giờ qua toàn tỉnh có thêm 20 ca bệnh mới (16 ca ngoại nhập, 4 người bản địa) và 11 ca bệnh không có triệu chứng.
Liên tiếp xuất hiện các trường hợp người mang mã QR Xanh bị nhiễm bệnh
Ngày 12/4, thành phố Quảng Châu đã thông báo rằng một người mang mã QR sức khỏe màu Xanh xác nhận không bị bệnh nhưng đã dương tính với virus Corona mới. Đây là trường hợp thứ tư mang “mã QR Xanh” của Hồ Bắc nhưng đã xét nghiệm axit nucleic lại dương tính.
Tin cho biết, sau khi Vũ Hán và các thành phố ở tỉnh Hồ Bắc liên tiếp được bỏ phong tỏa, người dân địa phương có thể ra ngoài và tiếp tục làm việc với mã QR màu Xanh của Y tế Hồ Bắc. Tuy nhiên, kể từ ngày 13/4, theo thông báo chính thức của các địa phương thì đã có 4 trường hợp ở Quảng Châu, Huệ Châu và Cam Túc được xác nhận hoặc nhiễm bệnh không triệu chứng nhưng mang mã QR màu Xanh của tỉnh Hồ Bắc.
Bác sĩ Tống Kiến Tân, Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Hoa Khoa Đồng Tế, thành viên của Nhóm chuyên gia chống dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc, cho rằng sự xuất hiện của một số trường hợp mang mã QR Xanh nhưng nhiễm bệnh ở nhiều nơi cho thấy có một số lỗ hổng nhất định trong mã sức khỏe Hồ Bắc. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng ông không biết trách nhiệm thuộc về ai.
Mã sức khỏe là một chương trình số hóa tình trạng sức khỏe của một cá nhân. Nó chia mọi người thành ba loại, là “màu Đỏ, Vàng và Xanh lục”.
Những người bị sốt, được xác nhận bị bệnh và các trường hợp nghi ngờ được đưa vào diện mang mã Đỏ, bị hạn chế ra vào, cách ly tại nhà hoặc quản lý tập trung 14 ngày. Những người tiếp xúc gần gũi với những người bị bệnh được xác nhận được gán mã Vàng, sẽ bị hạn chế ra vào, cách ly tại nhà hoặc quản lý tập trung 7 ngày. Mã Xanh được dành cho người khỏe mạnh bình thường và có thể đi lại tự do.
Người dùng phải quét mã sức khỏe mỗi khi ra vào nơi công cộng và khu nhà ở. Nhờ đó, chính phủ có thể theo dõi hành tung của người chủ, vì thế dẫn đến nghi vấn về việc xâm phạm quyền riêng tư của người dân và tăng cường giám sát dân số, nên được coi là “cùm điện tử”.
Tờ United Daily News đã từng chỉ ra những khiếm khuyết, bất cập của hệ thống mã y tế. Ví dụ, tiêu chuẩn phán đoán sức khỏe không rõ ràng, thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra và gỡ lỗi. Nhà khai thác và chính quyền không thể giải thích rốt cục hệ thống mã được phân loại như thế nào? Vì sao người dùng được chia thành các màu như thế? Khi nào nó đổi màu? Tại sao nó đổi màu? Khi nào đột nhiên bị cách ly? Khi nào có thể ra ngoài? Tất cả đều có thể bị thao túng bởi những người không biết tên, cũng không thể đặt câu hỏi và kháng cáo.v.v.
Những vụ việc trên đây cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các ca bệnh không mang triệu chứng và số người Trung Quốc bị bệnh từ nước ngoài nhập cảnh đang làm dấy lên mối lo ngại về “làn sóng dịch thứ hai” có thể bùng phát.