Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

TÌM LẠI DẤU XƯA VÙNG ĐẤT HAMU LITHIT…

 

BT- Lịch sử đã ghi lại, trên con đường khai phá phương Nam, vùng đất được mang tên Bình Thuận hình thành từ năm 1697, đời chúa Nguyễn Phúc Chu. Bấy giờ chúa mới đặt dinh Bình Thuận, vùng ven biển có 4 đạo là: Phan Rang, Phố Hài, Phan Thiết và Ma Ly. Chúng tôi có nhiều lần điền dã cố tìm hiểu vùng đất mà người Chăm xưa gọi là Hamu Lithit (ruộng gần biển) để khi người Việt vào khai phá thì trở thành địa danh Phan Thiết.

rung-ngap-man.jpg
Rừng ngập mặn Phú Hài. Ảnh Đỗ Hữu Tuấn

Qua tư liệu lịch sử, được biết trước đó cư dân Chăm đã rời xa biển (?) tập trung về ở vùng Ma Lâm làm ruộng (Hamu Akam - Ruộng cây Mã tiền), lấy nước sông Quao (Kronquao), đầu nguồn Cà Tót (Catel) trồng lúa, trồng bông dệt vải… Từ vùng đất đồi động cao với 3 ngọn tháp Chăm bên cửa Pajai (Phố Hài), thủ phủ của người Chăm xưa ở nam Bình Thuận nhìn xuống bên kia sông là vùng đất thấp; nơi ngã ba sông Cầu Ké hợp lưu sông Cái (nay thuộc địa bàn phường Thanh Hải) ra tới biển có một địa danh dân gian gọi từ xưa cho tới nay là bãi “Cột Thẻ” (trong dân gian truyền lại tại đây có cắm một cây cột gỗ rất to, trên thân cột có treo một cái thẻ cũng bằng gỗ khắc mấy chữ Hán quy định ranh giới giữa 2 đạo Phố Hài – Phan Thiết, nay không còn song dân gian đã quen gọi nơi này là bãi “Cột Thẻ”).

Nhánh sông cầu Ké bắt nguồn là con suối Lạng từ núi Ông chảy xuống, về đến Cây Ké bên trên đình làng Phú Hội chảy vào bàu sen trước đình làng rồi uốn khúc quanh co chảy qua Phú Hội, Đại Nẫm, Xuân Phong, xuống cầu Sắt (tỉnh lộ 8), rồi cầu Sở Muối (quốc lộ 1) xuống cầu Ké (gọi là cầu Ké vì bên bờ sông có nhiều cây Ké cổ thụ), hợp lưu với sông Cái ra cửa Phú Hài (tại xóm Cầu Sắt nay thuộc khu phố 4, phường Xuân An có một khu mộ cải táng tập trung và nằm rải rác trong vườn đất, tổng cộng các phần mộ vô danh này có khoảng 365 cái. Theo nhiều người dân ở đây và các nhà nghiên cứu thì đây là khu mộ của các chiến sĩ vô danh trong cuộc chiến tranh giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh (1776 – 1789), theo đó cho thấy vào thời điểm này đã đi được bằng xuồng ghe từ cửa Phố Hài lên vùng trên này. Nhánh sông ở dưới hạ lưu chảy giữa một vùng bãi bồi láng nước mênh mông với màu xanh cây bần, cây mắm, đến khi cư dân Việt vào khai phá thành đồng muối (Phan Thiết - Trinh Tường) bên này sông và bên kia sông (Phú Hài cùng xóm Láng Lại An hạ); phải chăng vùng đất hạ lưu sông Cái và sông Cầu Ké chính là vùng mà người Chăm xưa gọi là Hamu Lithit (?).

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara trong bài “Văn hóa biển của người Chăm” cho biết: “Yếu tố văn hóa biển hiện diện trong các ẩm thực dâng cúng cho thần linh và bữa cơm thường ngày của người Chăm. Trong một số lễ tục người ta quy định bắt buộc phải có các món ăn được chế biến có nguồn gốc từ biển. Ở lễ Rija Harei, Rija Dadep của tộc họ có các món cá khô, khô cá đuối dành riêng để dâng cho các Patra của tộc họ. Đặc biệt, trong lễ Ngap Yang Puis, Payak do các chức sắc Kadhar, Pajuw hành lễ bắt buộc phải có cá khô nướng, khô cá nhám (Ikan Yuw) dâng cho thần linh và tổ tiên”. Đối chiếu với tục cúng đất, cúng ruộng (ruộng lúa và ruộng muối) của người Việt, chúng tôi thấy đều phải có lễ vật là khô cá nhám và khô cá đuối, chắc chắn đó là sự tiếp biến văn hóa trên vùng đất mới mà người Việt đến sinh cơ lập nghiệp; đặc biệt trong tâm thức cư dân Việt, gạo và muối là sản vật thiêng liêng do trời đất ban tặng, cho nên trong cuộc cúng đất đai, cô bác… phải có chén gạo muối (đến hiện đại ngày nay vẫn còn giữ lễ). Còn đối với nghề làm nước mắm truyền thống, các nhà nghiên cứu đều thống nhất có nguồn gốc từ ngư dân Champa, chủ nhân của vùng đất giàu tài nguyên hải sản này. Khi đánh bắt quá nhiều cá tôm họ đã biết bảo quản bằng phơi khô, sử dụng muối ủ chượp (từ chượp cũng từ tiếng Chăm mà ra) trong các chum vại, khi người Việt vào mới tiếp thu cách làm này chuyền sang làm nước mắm trong các thùng gỗ có sức chứa tới 5 - 10 tấn cá.

Tư liệu lịch sử địa phương cho biết người Việt và người Hoa vào cửa Phố Hài trước, sau đó mới vào Phan Thiết. Ngư dân vào lập vạn, không rõ năm, song đối chiếu với năm 1725 cộng đồng thương nhân người Hoa lập Thiên Hậu cung thì vạn phải có trước, còn trong Phan Thiết năm 1762 mới lập vạn Thủy Tú và năm 1770 người Hoa mới lập Quan đế miếu. Thuở ban đầu ngư dân vào cửa Phố Hài khai cơ lập nghiệp là ngư dân Quảng Bình (có ý kiến cho rằng Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kỉnh đưa người quê quán ông là Quảng Bình vào trước), lập vạn và giữ tên là vạn Phú Bình cho tới nay (tư liệu điền dã, những ngư dân gốc Chăm ở Quảng Bình rất giỏi đi biển, tiếng Chăm gọi là dân “bồ lô”, đến những năm 1960 chúng tôi vẫn còn nghe gọi những người Quảng Bình đi biển là dân “bồ lô”). Tiếp sau là ngư dân Nam - Ngãi - Bình - Phú, rồi nông dân, thợ thủ công, thầy đồ nho theo ghe vào lập cơ nghiệp mới. Từ đây, một số nông dân đi về hướng Lại An, Phú Long…Đó là hướng đi theo dòng sông chính (sông Cái), còn một hướng theo nhánh sông cầu Ké lên trên cầu Sở Muối, cầu Bến Lội, đọc lại lịch sử vùng trên này thì được biết tiền hiền làng Đại Nẫm là họ Phạm, gốc người Bình Định, lúc đầu các hộ vào ở cửa biển Phú Hài rồi đi về hướng tây trên này lập nghiệp. Một số người gốc Quảng Nam thì khai thác ngay vùng đất có tên từ xa xưa của cư dân Chăm là (Bà) Sa Động, vỡ ruộng cát trồng khoai và đồng ngập mặn có tên là hói Bà Vạn làm muối, trên động cát có một cây cám cổ thụ và đi xuống ruộng muối có con dốc mọc nhiều cây trâm nên đặt tên cho vùng này là xóm động Cây Cám – dốc Cây Trâm (nay thuộc phường Phú Thủy). Xưa có câu hát: “Ai về Cây Cám ăn khoai/Đi lên Đại Nẫm ăn xoài chín cây” hoặc “Khoai lang chấm muối khoai bùi/Lấy chồng Đại Nẫm biết mùi bưởi thơm”…

Từ thời chúa Nguyễn đến triều đình Huế và sau này thực dân Pháp đều coi muối là mặt hàng chiến lược. Chính từ thuở ban đầu hạt muối đã góp phần lớn làm nên diện mạo Phan Thiết, bởi từ muối mới làm nên cá khô, nước mắm… xuất đi các nơi và xuất khẩu của Phan Thiết, đồng thời chính muối cũng là một mặt hàng xuất khẩu. Năm 1851, vua Tự Đức chuẩn cho dân Bình Thuận lập các Hộ (ngành nghề sản xuất kinh doanh sinh nhiều lợi do nhà vua cho phép, quản lý, thu thuế) theo lời xin của Kinh lược sứ Phan Thanh Giản (Đại Nam thực lục chính biên), Phan Thiết có các Hộ: Hộ Bạch đàm (đệm trắng) thường dùng làm buồm ghe (đệm buồm), bao bì đựng muối và hải sản khô (bao đệm)…; Hộ ghe bầu (tiếp thu từ ghe “prau” của người Chăm có nguồn gốc từ Mã Lai), có trọng tải lớn chở được 10.000 - 20.000 tĩn nước mắm; Hộ nước mắm, chế biến nước mắm (hàm hộ) và hải sản khô; Hộ muối, làm ruộng muối; có thể nói sự phát triển ban đầu của Phan Thiết là từ cá và muối mà ra.

Từ thị xã 100 năm (ngày 20/10/1898, vua Thành Thái xuống Dụ đặt Phan Thiết là thị xã), ngày 25/8/1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/1999/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận và được nâng cấp lên đô thị loại II. Từ đây các công trình lớn mọc lên làm thay đổi diện mạo đô thị Phan Thiết, lớn nhất là công trình san lấp cánh đồng muối và ao hồ hàng trăm ha xây dựng khu dân cư Hùng Vương, khu dân cư Đông Xuân An, trung tâm thương mại Bắc Phan Thiết, khu chế biến hải sản Phú Hài… với 2 trục đại lộ Hùng Vương – Tôn Đức Thắng và nhiều tuyến đường ngang dọc. Có thể nói cánh đồng muối đã có vai trò lịch sử trên 100 năm qua từ buổi ban đầu nhân dân khai phá làm nên hạt muối góp phần tạo nên một thương hiệu nước mắm Phan Thiết nổi tiếng, ngày nay chuyển mình cho một Phan Thiết đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phần cuối khu Hùng Vương còn lại 32 ha nằm giữa 3 phường: Phú Thủy, Thanh Hải và Phú Hài trước đây khu vực này là đất nuôi tôm, làm ruộng muối nhưng hiện tại lùm bụi phát triển tự nhiên như sú, bần, cây mắm… như “nhớ lại thuở ban đầu” tạo nên một cánh rừng ngập mặn với mảng xanh được xem là lá phổi xanh của thành phố, các loại cây trong rừng trở thành nguồn cung cấp thức ăn và là nơi trú ngụ cho nhiều loài thủy sinh, cá… Không chỉ thế “đất lành chim bay về đậu”, nhiều đàn chim, cò về trú ngụ, tìm thức ăn tạo nên cảnh quan vô cùng thơ mộng, hữu tình cho những người yêu quý thiên nhiên và là nơi hấp dẫn cho những nghệ sĩ đến săn ảnh. Do đó, tỉnh đã quyết định giữ lại toàn bộ diện tích này làm công viên cây xanh, chỉnh trang 2 bên bờ sông tạo nên 1 khu sinh thái đẹp giữa lòng thành phố.

Qua đó, các kiến trúc sư Công ty Infinitive Architecture (TP.HCM) đã phối hợp với các kỹ sư, kiến trúc sư của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh bắt tay vào thiết kế, lên ý tưởng độc đáo cho khu rừng ngập mặn duy nhất còn sót lại của thành phố biển. Vào cuối tháng 10/2021, Dự án Công viên sinh thái rừng ngập mặn Phú Hài – Phan Thiết được xướng tên danh dự trong Giải Kiến trúc cảnh quan 2021 của Architecture MasterPrize (AMP). Đây là giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc, được thành lập bởi Farmani Group (Mỹ) với hàng ngàn dự án tham gia từ 65 nước.

*

Tháng chạp lại về, tháng của giỗ chạp, người người sửa sang mồ mả tổ tiên ông bà chuẩn bị đón tết. Một năm vất vả lo toan với mùa dịch giã, rồi cũng qua đi. Đứng trên ngọn đồi cao Phú Hài giáp với Phú Long giữa vùng đất cằn khô được sử dụng làm nghĩa trang Phan Thiết với lớp lớp là mả xây được ốp gạch men láng bóng thay cho những nấm mộ đất xa xưa, chợt thấy ấm lòng vui với cuộc sống hôm nay ngày thêm phát triển. Từ trên cao nhìn về hướng nam với cửa biển Phú Hài tới bãi biển Đồi Dương xa xa một màu biển biếc, với trung tâm thành phố được mở rộng về hướng bắc nhà cửa tầng cao mọc lên trên vùng đất mà xưa kia từ Hamu Lithit đến nhấp nhô nước bạc của cánh đồng muối trắng. Con sông Cái uốn lượn giữa xóm làng xanh mới, xa xa ngọn núi Tà Dôn sừng sững nhô lên như một chứng nhân với màu xanh cũ tự thuở xa xưa, xa tít nữa là rặng núi Ông của cuối dãy Trường Sơn gợi lên biết bao điều mến yêu quê hương, đất nước.

GHI CHÉP: VÕ NGỌC VĂN

https://baobinhthuan.com.vn/tim-lai-dau-xua-vung-dat-hamu-lithit-94749.html

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

CHỢ PHIÊN ONLINE NGÀY GIÁP TẾT

 

TTO - Từ khi chợ đêm Tủa Chùa được mở cũng là lúc nhiều người dùng smartphone bán hàng bên cạnh những chị em người Mông, người Xạ Phang xúng xính váy áo. Ngày giáp Tết, hình ảnh chợ phiên online này càng sinh động lẫn lạ lẫm hơn...

Chợ phiên online ngày giáp Tết - Ảnh 1.

Bán hàng online ở chợ đêm Tủa Chùa - Ảnh: V.TUẤN

Cứ đêm thứ bảy hằng tuần, hàng chục người livestream chuyên nghiệp, mỗi người cả dàn điện thoại 3, 4 chiếc bán hàng online nhộn nhịp.

Biệt đội livestream

"Sâm đương quy size VIP nhé các bác. Mỗi củ 8 lạng em bán với giá 120.000 đồng. Bác nào mua về ngâm rượu size to này là phù hợp nhất nhé. Hàng hiếm, tìm cả chợ chỉ có vài củ to thế này thôi. 120.000 đồng nhé, loại thường chỉ có 100.000 đồng thôi... OK anh, em chốt nhé..." - chị Hoàng Liên, người đã livestream bán hàng thảo dược ở chợ Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) 5 năm nay, liên tục vui vẻ giới thiệu và chốt đơn cho khách.

Dãy kế bến, chị Huyền bê nguyên dàn 4 chiếc điện thoại, đèn led, pin dự phòng và 3 người "phụ tá" liên tục giới thiệu cây ba kích tím, củ tắc kè, lan rừng, sâm cau... cho khách. Chị Huyền bận đến nỗi ngoài 3 người chạy bở hơi tai để chọn hàng cho khách xem trực tiếp lại còn có thêm anh chồng toát mồ hôi hột ghi đơn, đánh dấu từng món hàng đã "chốt". Cảnh bán hàng online tít tận miền núi mà khiến dân phố thị cũng phải lác mắt.

"Biệt đội livestream" bán hàng ở chợ phiên đặc biệt này có nhiều người tất bật suốt đêm. Nào bán lan, nào thảo dược, nào các loại nấm quý, nào đặc sản thịt treo gác bếp, măng khô... những sản vật nào có ở Tây Bắc là được bán ở chợ Tủa Chùa.

Những giò lan rừng xếp riêng thành bãi, giá từ vài chục nghìn đến gần 1 triệu đồng. Những loại thảo dược chỉ có giá bằng 2/3 hoặc một nửa so với giá ở miền xuôi. Người livestream không nói thách, khách mua chốt đơn miễn mặc cả. Từ chập tối đến rạng sáng, chợ đêm sơn cước loang loáng ánh đèn và giọng cười nói của sơn nữ bất chấp sương lạnh vùng cao rơi xuống như mưa phùn.

Ở góc chợ, Sùng Thị Trào nhanh tay gom mấy bó sâm cau đỏ vào một túi, đánh dấu đơn khách vừa "chốt" rồi vén rộng miệng một chiếc bao bên cạnh. Một người phụ nữ đưa dàn điện thoại sát miệng bao cho khách xem, nhanh nhảu: "Hôm nay em có cả cây "mú từn", các anh chị nhé! Bác nào có "chim gật gù, chim hót không hay" thì mua loại này về ngâm rượu uống, đảm bảo "một người khỏe, hai người vui" các anh chị nhé. "Mú từn 70k là 1kg, mua combo 3kg giá 200k. Em miễn phí ship cho các anh chị mua từ 3kg trở lên nhé...".

Thứ bảy nào cũng vậy, Sùng Thị Trào và anh chồng chất cả đống hàng, chăn chiếu, áo mưa... lên xe máy xuống chợ. Nhà Trào cách chợ Tủa Chùa hơn 20km. Vợ chồng sơn nữ này biết đi rừng hái cây thuốc từ nhỏ. Từ ngày có chợ đêm, chị có thêm nghề hái cây thuốc, nồi cơm của cả nhà Trào không còn trông vào cây lúa, cây ngô trên núi nữa.

Phiên chợ gần Tết, chị Trào mang xuống chợ chục cân sâm cau, một bao nấm ngọc cẩu đã phơi khô, thêm vài chục cân ba kích và ít thịt sấy, măng khô. Đến chợ, chị bày ra rồi ung dung ngồi để những người khác đến livestream bán hàng cho mình. Bên cạnh, anh chồng căng chiếc ô, rải chăn ra ngủ ngon lành. Sáng mai hết hàng, cả hai vợ chồng đi ăn phở, uống rượu với bạn ở chợ phiên rồi mới về.

"Chợ bình thường mình được một triệu thôi. Chợ gần Tết, hái được nhiều ba kích hơn thì bán được ba triệu gì đấy. Tết này chỉ bán cây thuốc sắm Tết thôi, không phải bán trâu, bán ngô nữa" - Sùng Thị Trào vui vẻ chia sẻ.

Gian bên cạnh, hai chị em Tẩn Mí Khé, Tẩn Mí Quai bận rộn xếp lại đống sâm đương quy. Nhà Khé ở tận Sìn Hồ (Lai Châu), cách Tủa Chùa hơn 120km, trồng hơn 1ha đương quy ở vườn sau núi. Đến vụ thu hoạch thì dịch giã hoành hành, chợ gần nhà ế, khách mua không có, mối buôn cũng không, Khé và em gái chở hơn tạ đương quy đi Tủa Chùa bán online kiếm cái Tết "xôm xôm".

Tẩn Mí Quai bận rộn xếp từng loại củ đương quy to nhỏ vào từng nhóm để khách dễ chọn. Những củ đương quy to bằng cổ chân có giá khoảng 120.000 đồng/kg. Có khách xem qua livestream trả giá gấp đôi, miễn giữ được hình dáng nguyên vẹn của củ sâm khi chuyển hàng.

"Mình mang xuống đây thì nhờ các chị livestream ấy bán hộ thôi - Tẩn Mí Quai nói - Mình cũng chưa biết dùng điện thoại thông minh, mà bây giờ nhiều dịch, không có người mua ở chợ thì chỉ nhờ bán qua điện thoại thôi".

Mọi thảo dược ở đây đều tươi roi rói nha. Bà con trên bản hằng ngày tranh thủ lên rừng thu hái rồi cuối tuần xuống chợ. Bán thảo dược, đặc sản được nhiều tiền hơn lúa, ngô.

Chị Hoàng Liên

Chợ phiên online ngày giáp Tết - Ảnh 3.

Chị Hoàng Liên giới thiệu khách mua sâm đương quy - Ảnh: V.TUẤN

Phong phú sản vật núi rừng

Chị Hoàng Liên - được cho là người đầu tiên dùng điện thoại livestream bán hàng ở Tủa Chùa - tắt livestream lúc 23h. Lần này chị đã livestream suốt 6 tiếng, chốt đơn mỏi tay. Chị cho hay vì dịch nên chợ không còn đông như trước. Khách du lịch không đến, người mua buôn trực tiếp trước đây cũng không đến, chợ chỉ toàn người bán nhưng hàng vẫn "chạy".

"Ngày trước, có đêm chúng tôi livestream đến gần sáng, chưa kịp nghỉ thì 7h sáng lại livestream tiếp vì khách muốn xem hàng. Bây giờ đang có dịch, ban quản lý chợ hạn chế giờ bán, hạn chế người đến chợ để phòng dịch" - chị Hoàng Liên nói.

Theo chị Liên, Tủa Chùa là phiên chợ thảo dược đông vui nhất miền Bắc. Khi mới hình thành, chợ bán chủ yếu là lan rừng, các loại thảo dược rồi đặc sản vùng cao từ hạt gia vị, thịt sấy, mật ong, măng khô...

Chị Liên có một hiệu thuốc nam ở thị trấn Tủa Chùa, chị chọn nơi này vì nguồn nguyên liệu của bà con lúc nào cũng dồi dào, phong phú. Lúc mới bán hàng online, gần như cả chợ chỉ có chị Liên làm cách này. Thỉnh thoảng có thanh niên người Mông livestream bán lan, bán cây thuốc nhưng không đều. Khoảng 2 năm trước, nhiều người nhận thấy việc bán hàng online "làm ăn" khá nên học theo. Đến giờ đã nhiều người bán, ai cũng biết dùng cả dàn điện thoại livestream.

Chợ Tủa Chùa trước đây chỉ họp vào sáng chủ nhật. Mặt hàng phong phú nhất là các loại thảo dược, đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Lâu ngày, chợ thành một điểm hẹn cuối tuần của bà con trong vùng. Không chỉ ở Tủa Chùa mà những người ở cách xa hàng trăm cây số như Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu), Thuận Châu, Quỳnh Nhai (Sơn La) hay ở tận Lào Cai, Yên Bái cũng vui vẻ lặn lội đến chợ.

Họ đến từ hôm trước, mang theo phong lan, nấm rừng, cây thuốc... hay bất cứ thứ gì có thể bán được và ngủ lại chợ. Thế rồi nhu cầu trao đổi, mua bán ngay từ đêm thứ bảy hình thành. Chính quyền thị trấn quy hoạch lại rồi mở thêm những phiên chợ đêm online sinh động có một không hai ở miền Bắc.

Chợ phiên online ngày giáp Tết - Ảnh 4.

Chị em Tẩn Mí Khé, Tẩn Mí Quai vượt hơn 120km để bán củ đương quy ở chợ Tủa Chùa - Ảnh: V.TUẤN

Những người phụ nữ livestream tắt điện thoại lúc 2h sáng. Họ tranh thủ chợp mắt nhưng những "phụ tá" vẫn tất bật đóng hàng, ghi địa chỉ để chuyển đi. Trong các lều chợ, nhiều người đã ngáy o o bên đống thảo dược. Sáng chủ nhật, chợ đông hơn. Họ chờ người livestream bán nốt số hàng, còn họ sẽ nhận tiền, đi ăn phở, uống rượu với bạn bè và cười nói vang cả miền sơn cước...

Chợ phiên Tây Bắc giữa lòng Tây NguyênChợ phiên Tây Bắc giữa lòng Tây Nguyên

TTO - Nằm cách trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) 4 giờ đồng hồ đi xe máy có một chợ phiên mang đậm bản sắc của người Mông miền Tây Bắc.

VŨ TUẤN

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2022

DỰ ÁN RỪNG NGẬP MẶN PHÚ HÀI – PHAN THIẾT

 

Dự án rừng ngập mặn Phú Hài – Phan Thiết: Được xướng tên danh dự trong Giải Kiến trúc cảnh quan 2021 của Mỹ

10/11/2021, 07:22

BT- Sau chuyến khảo sát thực tế hồi tháng 4/2021 của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, dự án xanh công viên sinh thái Rừng ngập mặn Phú Hài đã được phối cảnh và mới đây được xướng tên trong cuộc thi về kiến trúc danh giá của Mỹ. Đây là điều đặc biệt như chính sự đặc biệt cho khu rừng ngập mặn duy nhất còn sót lại của thành phố biển.

Toàn cảnh rừng ngập mặn Phú Hài. Ảnh: Ngọc Lân

Khu rừng hơn 32 ha giữa lòng thành phố

Rừng ngập mặn có từ lâu đời, nằm giữa 3 phường: Phú Thủy, Thanh Hải và Phú Hài, kề đường Hùng Vương nối trung tâm Phan Thiết đi Mũi Né. Trước đây, khu vực này là đất nuôi tôm, làm ruộng muối nhưng hiện tại, người dân không còn canh tác nên các cây, lùm bụi phát triển tự nhiên như sú, bần, cây mắm… tạo mảng xanh khá bắt mắt. Không chỉ vậy, rừng ngập mặn còn được xem là lá phổi xanh của thành phố, các loại cây trong rừng trở thành nguồn cung cấp thức ăn và là nơi trú ngụ cho nhiều loài thủy sinh, cá… Không chỉ thế, nhiều đàn chim, cò về trú ngụ, tìm thức ăn tạo nên cảnh quan vô cùng thơ mộng, hữu tình và là nơi hấp dẫn cho những nghệ sĩ đến săn ảnh.

Theo phê duyệt của UBND tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 1616/QĐ-UBND ngày 13/7/2020, toàn bộ khu đất rừng ngập mặn rộng hơn 32,3 ha này sẽ được chia làm 2 khu vực: xây dựng khu dân cư (gần 10 ha) và khu công viên (hơn 22 ha). Trong đó, Nhà nước sẽ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với gần 10 ha khu vực xây dựng khu dân cư để tái đầu tư thực hiện khu vực công viên.

Tuy nhiên, trong chuyến khảo sát bằng ca nô dọc theo khu vực rừng ngập mặn, ven sông Phú Hài hồi tháng 4/2021, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh: “Hiện tại, khu rừng ngập mặn đã hình thành thảm xanh rất đẹp. Khu vực này còn thu hút rất nhiều cò, các loại chim hội tụ về sinh sống, tạo nên không gian sống trong lành. Việc thực hiện quy hoạch khu dân cư tại đây sẽ khiến TP. Phan Thiết mất đi 1 khu rừng ngập mặn hiếm hoi, lớn nhất còn sót lại ở địa phương này”.

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy đề xuất Thường trực Tỉnh ủy cần nghiên cứu, giữ lại toàn bộ diện tích này làm công viên cây xanh, chỉnh trang 2 bên bờ sông tạo nên 1 khu sinh thái đẹp giữa lòng thành phố. Theo đó, sẽ quy hoạch làm quảng trường, cải tạo thành những lối đi như những con kênh dưới tán cây của rừng ngập mặn. “Với ý tưởng này, tỉnh sẽ tạo khu sinh thái ngập mặn đặc biệt cho người dân thành phố, thậm chí tạo điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch. Hiện nay ngân sách tỉnh còn khó khăn, nhưng không nhất thiết phải đấu giá 1 phần đất khu vực này, có thể lựa chọn những khu vực đất khác đấu giá, lấy kinh phí tái đầu tư lại khu rừng ngập mặn”, Bí thư Tỉnh ủy cho biết thêm.

Ý tưởng thiết kế độc đáo

Từ những ý tưởng trên của Bí thư Tỉnh ủy, các kiến trúc sư Công ty Infinitive Architecture (TP.HCM) đã phối hợp với các kỹ sư, kiến trúc sư của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh bắt tay vào thiết kế, lên ý tưởng độc đáo cho khu rừng ngập mặn duy nhất còn sót lại của thành phố biển.

Theo nhóm thiết kế, để bảo tồn và phát triển hệ thực vật hiện có, chúng tôi đưa ra giải pháp tận dụng yếu điểm địa hình hiện trạng ô lưới nông nghiệp để phát triển ý tưởng, bằng cách khai thông, cải thiện môi trường nước, dòng chảy, làm liền mạch hệ thống mặt nước nhờ các khoảng mở thông được quy hoạch hợp lý trên các bờ mương hiện hữu. Đồng thời gia tăng các điểm đấu nối ra sông ở vành đai, bảo vệ chống sạt thuộc dự án kè đang triển khai của thành phố. Khi phát triển ổn định, đây sẽ là quần thể cảnh quan song hành, thủy bộ cài răng lược, có hình thái mê cung tự nhiên, phù hợp cho hình thức du lịch trải nghiệm khám phá cả trên cạn và dưới nước.

Ngoài ra, dự án sẽ có nhiều khu vực chức năng như nhà lưu niệm/điều hành, bãi cắm trại, tháp ngoạn cảnh, cafe, nhà hàng, cầu tàu, nhà huấn luyện thuyền kayak... với nhiều đường trên cọc bên dưới và trên cao liên thông với nhau, đủ cho nhu cầu dạo bộ, xe đạp, và cứu hộ tức thời, kết hợp với đường bộ cơ giới ở vành đai dọc theo kè bao. Tại tâm điểm của công viên này, sẽ tổ chức một tháp ngoạn cảnh với chức năng như nhà trung tâm, sân khấu đa năng. Công trình này có cấu trúc 3 cánh tương ứng với 3 khán đài mở, thông gió tự nhiên, có cấu trúc cộng hưởng âm dành cho các cuộc biểu diễn văn hóa văn nghệ ở các dịp lễ hội. Du khách có thể đi đến ngoạn cảnh cao nhất bằng các bậc tam cấp trong lòng mỗi khán đài này, đi ngược trở xuống từ trên mái và tiếp tục chuyển sang 2 cánh còn lại để khám phá các hướng khác nhau trước khi trở về điểm xuất phát. Đây là cấu trúc đa năng ở dạng vòng lặp vô tận, biểu trưng cho sự phát triển đa hướng và không ngừng; mối quan hệ hài hòa của thiên thời - địa lợi - nhân hòa, mong muốn phát triển bền vững của thành phố.

Phần còn lại của công viên là khu dịch vụ - văn hóa - công cộng, gồm một bảo tàng văn hóa, công trình thương mại dịch vụ và trục phố đi bộ hiện đại... Trục phố này được chấm phá bằng những ban công chìm vươn ra phía mặt nước, hướng về phía khung cảnh vườn ngập mặn. Đây là trải nghiệm cảnh quan đối lập rất thú vị giữa đô thị và tự nhiên, mang lại cảm giác về sự cân bằng, hoàn thiện cho môi trường đô thị thành phố Phan Thiết, đô thị của du lịch và văn hóa. Thiết kế quy hoạch đang được điều chỉnh, báo cáo để thông qua, tiến hành bước phê duyệt dự án đầu tư, triển khai xây dựng.

Dự án Công viên sinh thái rừng ngập mặn Phú Hài – Phan Thiết được xướng tên Danh dự trong Giải Kiến trúc cảnh quan 2021 của Architecture MasterPrize (AMP) vào cuối tháng 10/2021. Đây là giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc, được thành lập bởi Farmani Group (Mỹ) với hàng ngàn dự án tham gia từ 65 nước. Giải thưởng về nhiếp ảnh, thiết kế và kiến trúc trên thế giới này nhằm tôn vinh những cá nhân hay đội ngũ vượt qua các ranh giới để thiết lập nên tiêu chuẩn mới và truyền cảm hứng phát triển nghệ thuật.

M.Vân