Dù cảnh báo rất nhiều nhưng các trang thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như Lazada vẫn "ung dung" cho các cửa hàng đăng bán các sản phẩm nhái thương hiệu lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người dùng và danh tiếng của các nhà sản xuất.
Nokia 3310 nhái đang bán trên Lazada
Độc giả A. Tuấn có phản ánh rằng: "Tôi có nhu cầu mua Nokia 3310 nên lên website Lazada để tìm và đặt mua. Khi truy cập vào trang web này, tôi thấy có một cửa hàng giảm giá đến 44%, đưa mức giá về chỉ còn 389 ngàn đồng. Đây thực sự là một mức giá quá hấp dẫn và tính đặt hàng để mua ngay".
Tuy nhiên, A. Tuấn nói rằng, do lo ngại là hàng nhái nên đã liên hệ cửa hàng này để tìm hiểu thì được cho biết, đây là hàng loại 1, xuất xứ tại Đài Loan. Mang câu chuyện hỏi một số bạn bè, A. T mới biết đây là hàng giả, hàng nhái chứ không phải là Nokia 3310 chính hãng.
Hàng nhái tràn lan trên trang thương mại điện tử của Lazada
Khảo sát nhanh của Dân trí trên website bán hàng của Lazada, các mặt hàng đang được phản ánh đều đang được bày bán công khai. Khi truy cập thử cửa hàng "Tinh hoa Công nghệ" trên sàn Lazada, điện thoại 3310 được bán ở mức 389 ngàn đồng. Tuy nhiên, trong phần hỏi đáp về sản phẩm, nhiều người đặt câu hỏi đây là hàng chính hãng, có giống FPT bán không? Đại diện cửa hàng này nói rằng đây là hàng loại 1, hàng do Đài Loan sản xuất và không nói rằng đó là hàng nhái để nhằm qua mặt khách hàng.
Ở gian hàng "Di động Số Đại dương", cửa hàng này cũng đăng tải nhiều mẫu Oppo F5 với các mức giá khác nhau, từ 2,74 triệu đồng đến 2,78 triệu đồng, đúng như phản ánh của độc giả.
Chia sẻ với Dân trí, anh Tuấn Hà cho biết: "Thương mại điện tử có ưu điểm giúp cho các cửa hàng tiết kiệm chí mặt bằng, thậm chí về cả yếu tố nguồn nhân lực nhằm cho ra kết quả cuối cùng đưa mức giá thấp nhất có thể. Bên cạnh đó, nhờ các đợt flash sale, nhiều người thích đặt hàng trên trang thương mại điện tử hơn thay vì lựa chọn cách mua sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên, Lazada quản lý các nhà bán lẻ chưa chặt chẽ, vẫn để hàng nhái tràn lan với giá siêu rẻ sẽ gây chú ý đến người dùng. Khi nhìn lướt qua, những người không có nhu cầu mua, đồng thời chưa biết hàng nhái sẽ nghĩ rằng hàng xách tay (trốn thuế) có giá chênh lệnh quá lớn so với hàng chính hãng. Kể từ đó, họ cho rằng hàng chính hãng đánh thuế cao, đổ nhiều tiền vào quảng cáo, tiếp thị, nhân viên.... đã khiến giá bán quá cao so với hàng chính hãng".
Anh Tuấn Hà cho rằng, nếu mua nhầm hàng nhái, sản phẩm cho trải nghiệm rất tệ, lỗi vặt, tinh thần không thoải mái. Đáng chú ý hơn, người dùng mua nhầm hàng nhái sẽ đánh giá thương hiệu đó làm sản phẩm kém chất lượng, lừa dối khách hàng, không đúng như hãng quảng cáo. Đặc biệt, nếu mua nhầm điện thoại nhái, người dùng đó sẽ nghi ngờ độ trung thực từ thông tin của hãng sản xuất, thậm chí có thể lên án những trang công nghệ đã review sản phẩm không đúng như họ đã trải nghiệm.
Chia sẻ thêm, anh Tuấn Hà cho biết, vì mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, người mua nhầm hàng nhái sẽ ngay lập tức lên tiếng ở nhiều group trên Facebook khiến cho nhà sản xuất lớn cũng bị ảnh hưởng phần nào. Trong trường hợp, sản phẩm nhái là điện thoại Android, người mua nhầm hàng nhái sẽ cho rằng phần cứng cao mà máy vẫn chạy rất chậm, lên án hệ điều hành Android cho trải nghiệm rất tệ. Khi đó, hãng sản xuất lớn bị ảnh hưởng thương hiệu vì hàng nhái, thậm chí buộc phải quay lưng lại với thương mại điện tử như Lazada.
Điện thoại cỏ bán tràn lan
Theo một người chơi điện thoại cổ có tiếng tại TPHCM, đây là những chiếc điện thoại "cỏ", chứ nếu hàng thật thì giá không thể rẻ như vậy. Những chiếc điện thoại này đánh vào tâm lý chung của người dùng ham rẻ nhưng mong sản phẩm còn nguyên vẹn và đẹp, nhiều chủ cửa hàng đã và đang có nhiều chiêu trò hơn để có thể bán được hàng và thu về lợi nhuận không hề nhỏ.
Vì vậy, trước khi mua sắm người dùng nên tìm hiểu kỹ càng sản phẩm và quyết định mua sắm. Thậm chí, việc mua sắm không chỉ hên xui về chất lượng mà nó cũng luôn tiềm tàng nhiều nguy hiểm thường trực, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi vì những sản phẩm trên được bán trôi nổi và chưa qua một đơn vị kiểm định nào nên cũng có thể hiểu rằng, nó chưa có thể đảm bảo an toàn khi sử dụng...
Trước đó, trong quý I/2017, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận 11 đơn của nhiều người tiêu dùng khiếu nại về việc mua hàng tại trang web Lazada.vn . Cụ thể, những vấn đề người tiêu dùng thường xuyên khiếu nại bao gồm: thời gian giao hàng chậm nhưng không được giải quyết; mặt hàng điện tử nhận được có thông số khác biệt so với quảng cáo trên trang web; đơn hàng bị hủy không lý do, người tiêu dùng phải đặt lại nhưng với giá cao hơn thời điểm đặt hàng trước; giao hàng lỗi nhưng qua 2 tháng vẫn không nhận lại hàng.
Ngay sau sự việc này, phía Lazada đã lên tiếng và khẳng định sẽ rà soát lại quy trình và triển khai giải pháp cho một số vấn đề mà người tiêu dùng chưa hài lòng. Đặc biệt, đại diện sàn này cũng nói rằng, chắc chắn trong thời gian tới, tỷ lệ hiển thị giá sai gây hiểu lầm và thất vọng ở người tiêu dùng sẽ được hạn chế tối đa.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, câu chuyện hàng rởm, hàng không đúng quảng cáo vẫn xuất hiện nhan nhản và đang làm ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng.
Đặc biệt hơn, Lazada được xem là đơn vị thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay nhưng chính cung cách làm việc và những điều đã thể hiện trong thời gian qua nó sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người dùng và khó để cho thị trường này phát triển.
Do đó, điều mà người dùng cần đó là những giải đáp rõ ràng, hãy cho họ được niềm tin trước khi muốn cho thị trường này phát triển.
Gia Hưng