Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Tháng Giêng là tháng ăn chơi

(Tên những món ăn trong bài này đều có thật trong thực đơn và dược đơn)

* Tiểu phẩm

Sau hội Tết Núi Đất, các Kiến đi phó hội đều phờ râu. Sợ anh em trong nhóm Đạo Nổ mượn cớ đó trì hoãn công việc trong bang, chủ gánh Đỗ Xanh kêu anh em lại làm lễ khai nổ. Theo truyền thống, vào đầu năm, người ta chọn một ngày tốt nào đó để khởi đầu làm việc gọi là khai (mở) ... Chẳng hạn tao nhân mặc khách chọn ngày khai bút, tức là thảo vài chữ cho bút có trớn. Chú Kiến hôi chọn ngày để khai thân, tức đi tắm. Làm gì chăng nữa cả năm cũng phải tắm một lần.

Điểm hội ngộ của nhóm Đạo Nổ là Núi Đất. Mọi người đứng trước một cây cổ thụ mà thân nó có khắc đầy chữ và hình trái tim. Đây là cây nhân sinh ghi dấu định mệnh.
 
 
Đỗ Xanh nhìn lên một khoảng cao trên thân cây mơ màng: “Tà phong, tế vũ bất tu quy” (Gió ngả, mưa nghiêng, chẳng nên về) (1). Ngô Vàng nhìn vào những chữ ngoằn nghèo ở gốc cây, xổ tiếng Lào: “šb\hd…” (Lâu rồi mình chẳng yêu ai. Lâu rồi cũng chẳng có ai yêu mình.) (2) Kiến Đen rờ hình trái tim đã ngả màu đen, rên: “Love can touch us one time and last for a lifetime” (Đụng yêu một lần lãnh thẹo cả đời). (3) Lê Trắng che miệng cười nói thầm, “Hì hì… Thơ con cóc. Mấy ông này làm bộ đọc chữ trên thân cây… Kệ, hãy lo phần mình, ý dza… hôm nay nhóm có tiệc lớn, mình là thủ quĩ thế nào cũng phải chi tiền. Mình phải hạn chế họ chứ không thì vỡ nợ.”
 
Sau đó, mọi người dắt nhau đến cái quán cóc dưới gốc cây.
 
Đỗ Xanh: Phe ta! Trước khi khai mạc buổi họp, nhóm ta có lời khen hai vị phó hội Tết Núi Đất. Hai vị đã không làm mất mặt gánh xiệc ta. (Mọi người vỗ tay) Thưa quí vị, người xưa có phán: “Có ăn có nói” vậy trước khi khai khẩu chúng ta nên làm lễ khai vị. Đương nhiên phải như thế, đúng không ạ.
 
Lê Trắng: (giật mình nghĩ đến tiền phải chi ra. Cô mím môi trợn mắt suy nghĩ, rồi xuống tấn vòng tay đảnh lễ) Dạ thưa quan viên, năm nay là năm rồng, vậy xin phe ta (cười đắc ý) hì hì… ăn món gì cũng được, miễn món ăn ấy phải là thịt rồng. (Cười khoái chí).
 
Đỗ Xanh, Ngô Vàng và Kiến Đen chưng hửng ngồi nhìn nhau. Cuối cùng Đỗ Xanh lên tiếng:
- Thôi cũng được. (Nói to) Anh bồi ơi, cho chúng tôi món “Thanh long quá hải”.
 
Một cậu kiến, lưng dắt chiếc khăn lau màu cháo lòng, la lớn “Dạ có ngay”. Trong bếp có tiếng dầu mỡ cháy xèo xèo, một lát sau anh ta bưng ra một dĩa rau muống xào tỏi.
 
Anh bồi: Dạ! Các vị là khách xông đất, tức là khách sộp khai hàng (mở hàng). Bổn tiệm xin bồi dưỡng thêm món “Địa long” gọi là chút tri ơn.
 
Anh bồi đặt xuống bàn một cái dĩa có nắp đậy. Anh long trọng mở nắp ra. Đó là dĩa trùn đất xào hành ớt.
 
Đỗ Xanh: (Xòe bàn tay hướng về từng người) Xin mời. Xin mời. Xin mời.
 
Không ai cầm đũa trừ Đỗ Xanh. Kiến Đen nuốt nước bọt, rồi xoa bụng nói:
-  Cái món ăn chay nằm mộng này xin dành cho các vị tiền bối cõi trên. Hậu bối có lẽ phải cần chút thịt và chút cay. (Xoay người hướng vào bếp hét to) Anh bồi ơi lựa cho tớ 2 món “Ma cà rồng” thứ chiến nhá.
 
Anh bồi la lớn “Tưởng gì chứ, thứ đó thì có liền đây”. Lập tức anh bưng ra một dĩa tiết canh vịt và một ly rượu cắc kè hòa máu dơi đỏ ối. Kiến Đen múc một miếng tiết canh bỏ vào miệng, chiêu một hớp rượu, rồi ngửa mặt lên trời “khà” một tiếng. Hai hàm răng Kiến nhe ra nhểu những giọt rượu đỏ. Một con ruồi bay ngang qua vùng phủ hơi “khà” của Kiến Đen rớt xuống bất tỉnh. Lê Trắng kéo ghế lùi lại.
 
Ngô Vàng nhún vai lẩm bẩm:
- “Phèn” quá! Phàm luận về món ăn chơi ai qua mặt được dân Hậu Giang ta đây. (Nói to) Đỗ huynh và các đệ tử để lão nạp kêu món ăn cho. Này chú bồi, cho lão món “tiềm long vật dụng”.
 
Mọi người kinh ngạc thấy nhà bếp bưng ra một tô súp đục lờ lờ. Nhìn kỹ thì thấy dưới vài lá rau xanh đỏ, những khúc lươn đen thui chìm nổi ẩn hiện trong nước súp. Bà nội ơi, rồng ẩn mình đây ư.
 
 
Lê Trắng cúi thấp mặt nhìn tô súp. So với màu xanh của rau, mặt cô còn tái mét hơn, như mất máu. Cô méo miệng lẩm nhẩm tính tiền. Cuối cùng không chịu nổi cơn đau tim, cô xoa tay cười cầu tài nói:
-  Hì Hì, thôi bi nhiêu món cũng đủ rồi. Bây giờ mình vừa nhậu vừa thi nhau kể ra các móm ăn có tên rồng, hay long gì đó, mà nhà hàng này không có mới là hách. Dạ... ạ... ạ… xin chủ gánh nói trước. Ý…khoan.. (quơ tay ra dấu) Ý quên, phải nói có sách mách có chứng chứ không đượ c phịa ra đâu à nhen.
 
Đỗ Xanh vuốt râu trầm ngâm rồi đằng hắng:
- À hem, lão nghĩ nhà hàng này làm gì có cái món long tu. Long tu là râu rồng. Nó là loại cây tầm thường, vườn quê mọc đầy. Có nơi người ta chế biến ra món ăn, nhưng công dụng chính của nó dược thảo.
 
Long Tu (còn gọi là Lô hội)
 
Một loại Long tu khác.
 
Ngô Vàng: Miệt vườn Hậu Giang còn có Long Nhãn (mắt rồng). Tên chữ nghe choáng thế chứ nó chỉ là trái nhãn. Long nhãn còn có tên văn vẻ là “lệ chi nô” hay “á lệ chi”. Lệ chi là trái vải. Vì mùa nhãn tới ngay sau mùa vải như ả ô-sin theo hầu chủ, nên nhãn có tên là lệ chi nô.
 
Lê Trắng: Tiểu nữ còn nhớ hồi bé đi học ưa uống nước nhãn nhục. Thiệt là khờ, ly nước chỉ có vài cái cùi nhãn khô và tí đường. Vậy mà ngày nào cũng phải gặp chú bán nước ngoài cổng trường. Ôi cố nhân nay ở đâu (thở dài) À! Thế còn “cao ban long” là cái gì ạ?
 
Ngô Vàng: Ban long là rồng có đốm hoa. Thực ra cao ban long là cao nấu từ gạc con hươu đốm. Cao này có công dụng hoán cải chứng suy nhược. Ai ăn cao sẽ ăn ngon ngủ yên, đỏ da thắm thịt.
 
Kiến Đen: Té ra trên mặt rồng từ sừng đến râu cái gì ăn cũng được. Nhưng quí vị còn kể thiếu một vật. Hà hà đó là “long não” (óc rồng). À, nó là chất dầu hay bột tán ra từ lá cây long não để ướp quần áo cho thơm. Bọn chí rệp và gián ngửi phải mùi này là cứ lăn đùng ra giẫy tê tê.
 
Lê Trắng: (Tuổi rệp nên bị chạm tự ái) Huynh mặc cái áo bào sặc mùi long não mà chả thấy huynh có gì xảy ra. Nghẹt mũi kinh niên chăng?
 
Đỗ Xanh: Nói chung phàm cái gì thân thể uốn éo hay gai góc như rồng thì đều được gọi là rồng. Vì vậy mà có cây “thanh long”. Trái thanh long có công dụng giải nhiệt, bổ phổi, hạ đàm. Còn cái cây xương rồng vì có nhiều gai nên được dùng làm hàng rào ngừa trộm. Thân nó cũng được làm “gỏi xương rồng” để chữa viêm họng. “Hải long” là con cá đầu ngựa mình rồng. Người bình dân gọi là cá ngựa. Nó được dùng làm vị thuốc trị bổ thận.
 
Hải long
 
Còn cá rồng thứ thiệt (arowana) thì không ai ăn cả, vì nó là cá kiểng nhà giàu mới dám nuôi.
 
 
Cá rồng (Arowana) màu hồng và bạc
 
Ở bên Mỹ có loại cá lionfish, nhưng bên ta lại gọi là cá rồng. Nó vốn là loại cá kiểng, nhưng từ khi ông tiến sĩ hải dương học Lad Akins viết ra cuốn The Lionfish Cookbook (Sách dạy nấu ăn với món cá rồng), cá trở thành món ăn.
 
Cá rồng (Lionfish)
 
 
Kiến Đen: Cái gì có dáng rồng thì gọi là rồng. Nghe có lý. Vậy tại hạ đây, mình mặc áo thuê chín rồng chầu trái châu, nên trở thành “Kiến Rồng Đen.”
 
Lê Trắng: Áo rồng thì đã có “long y”. Long y là bộ da rắn lột đó ông ơi. Nó là vị thuốc trị bệnh viêm.
 
Đỗ Xanh: Thôi, chuyện còn dài lắm, nhưng gọi là khai vị thì đã dư đủ. Tiếp theo ăn là nói, vậy tiện đây chúng ta khai khẩu luôn cho đủ bộ nhe.
 
Kiến Đen: Ủa! Vậy chớ nãy giờ chưa ai nói gì hết sao?
 
Ngô Vàng: Ậy, “nói” đây là “phun châu nhả ngọc” chớ đâu phải là những tiếng ò í e. Ngô tôi đề nghị ta lấy Tê Hát Ka Tê mà lẩy, như  Kiều lẩy ý mà. Okey dokey! Theo thứ tự xin mời Đỗ huynh “phun” trước.
 
Đỗ Xanh: Trăm họ kiến ta
 
Ngô Vàng: Tết hay không Tết
 
Kiến Đen: Thành hôn … Ý quên…Tứ hải kết tình
 
Lê Trắng: Thuận hòa khét tiếng.
 
Bốn người giơ tay “high five” bốp bốp như pháo tết. Lê Trắng cười hi hí móc ví trả tiền nhà bếp. Cả nhóm xiết tay nhau rồi ra về. Mặt ai cũng rạng rỡ như hoa xuân.

ĐỖ XANH
(Elk Grove, California 8-2-2012)
------
(1) Câu thơ của Hân Tố Tố viết trên cây dù trao cho Trương Thúy Sơn mượn che mưa. Kim Dung. “Ỷ Thiên Đồ Long”.
(2) Thơ Bút Tre.
(3) Lời nhạc của James Horner. Bài hát “My Heart Will Go On” (vẫn sống trong tim em). Nhạc trong phim Titanic.

CÁ THÒI LÒI

Theo Từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, cá thòi lòi (danh pháp khoa học: Periophthalmodon schlosseri), là một loài cá thuộc họ Cá bống trắng (Gobiidae), được tìm thấy tại khu vực cửa sông, hạ lưu sông và biển tại khu vực Australia, Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Seychelles, Thái Lan và Việt Nam. Nó hay được tìm thấy nhất tại khu vực dọc theo các bãi bùn lầy cửa sông, trong khoảng nước có độ sâu có thể tới 2m. Nó sống trong hang đào trong bùn và hiện ra từ các hang hốc này này khi triều xuống, nhất là trong những ngày nắng đẹp trời. Nó có thể di chuyển nhanh qua bề mặt bùn lầy và có thể hít thở cả trong lẫn ngoài bề mặt nước. Cá thòi lòi có thể dài tới 27cm.
 
Cá thòi lòi theo đánh giá của FishBase có giá trị thương mại nhỏ. Theo Tuổi Trẻ Online thì cá thòi lòi được đánh giá là một sản vật của những vùng ngập mặn, bởi tuy hình dáng thuộc hàng "xấu nhất nhì", nhưng lại được trời phú cho thịt ngọt thơm, mềm mại, ăn đứt các loại cá sông như lóc, rô, trê, kèo hay chép... Các món ăn của người dân Nam Bộ với cá thòi lòi có: cá thòi lòi kho tiêu, cá thòi lòi kho tương, cá thòi lòi nướng, gỏi cá thòi lòi với lá lìm kìm v.v
 
Nguồn minh họa: Internet.

Tác giả Nguyễn Dũng hồi năm 2009 đã viết trên báo ở Việt Nam một phóng sự đi săn cá thòi lòi. Xin mời mọi người cùng đọc.
 
Xuyên rừng săn cá leo cây

Ngày qua ngày, có những phận người lầm lũi bất chấp lệnh cấm, lén lút vào Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ săn thòi lòi. Không chỉ vi phạm pháp lệnh bảo vệ môi trường, đội quân này còn đối mặt với muôn vàn nỗi khổ và hiểm nguy.

Cá thòi lòi leo cây. Nguồn minh họa: Internet.

Cực trăm bề…
 
Những ngày sống giữa rừng Vàm Sát (Cần Giờ, TPHCM) với cư dân bản địa, chúng tôi phát hiện ẩn sau dải rừng ngập mặn bao la kia là vô số phận người nghèo khó sống nhờ rừng, lệ thuộc vào rừng bằng những nghề cơ nhọc như mò ốc chày môi đỏ, đào sá sùng, câu cua... và săn cá thòi lòi.
 
Lúc này 7 giờ sáng, sau cữ cà phê, tôi hối ông Chín Quạnh, nhà ở ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn chuẩn bị lưới bọng đặng đi săn “cá mắt lồi”. Thấy ông lững thững tiến vào khoảng rừng tối tăm chỉ với cái xô nhựa cùng vài chục chiếc que và những tấm lưới bé xíu cỡ chiếc khăn lau mặt, tôi thắc mắc hỏi “đi bắt cá mà chú đem mấy tấm lưới cỏn con vầy bộ định vớt cá lòng tong hả?” thì ông cười: “Chú đúng là dân thành phố quê một cục. Thằng thòi lòi câu không được, bủa lưới chỉ phí sức nhọc công. Muốn săn được nó chỉ có cách duy nhất là đặt bẫy”.
 
Tùy mùa mà thủy triều ở Vàm Sát rút cạn khi chiều, lúc sáng, hoặc đêm. Mực nước hạ thấp là lúc mà cánh “thợ săn” xăm xăm vào rừng kiếm miếng cơm.
 
Phát hiện hang của loài “cá ma” này, họ chỉ việc cắm cây trước miệng hang rồi căng lưới và cứ thế chờ đợi con nước lên lấp kín. Không thể trụ lâu phía dưới, con thòi lòi ngoi lên thở và tự đúc đầu vào bẫy.

Cá thòi lòi trên bãi bùn. Nguồn minh họa: Internet.
  
Theo TS Lê Đức Tuấn (giám  đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ), hang cá thòi lòi thường ẩn dưới những bụi đước, sâu từ 1 - 1,5m. Mỗi chú thòi lòi thường đào từ 3 - 4 hang, các hang có ngõ ngách ăn thông nhau phòng khi miệng hang này bị bít thì tháo thân sang hang khác.
 
Một phường săn tên Hải cho biết, săn thòi lòi cực ở chỗ mỗi khi tác nghiệp phải tìm cắm hơn hai trăm cái bẫy. Khi cắm xong cái cuối cùng thì đáo lại chỗ cắm đầu tiên thăm bẫy, cứ thế mà đi cho đến khi gặp cái cuối cùng. “Đi hàng chục cây số giữa rừng vậy nhưng không phải cái bẫy nào cũng dính thòi lòi. Tìm được một cái hang đâu phải muốn cắm bẫy là được đâu. Tiếp đến mình còn phải dò tìm các hang còn lại vốc tay dùng đất bịt kín tránh thòi lòi thoát ra. Bắt được con thòi lòi trần ai khoai củ lắm!”.
 
“Vào rừng bẫy thòi lòi cũng có nghĩa là chấp nhận “hiến máu nhân đạo” cho lũ muỗi đói. Chuyện bị muỗi chích sưng người, vết chích làm độc lở loét, vết này chưa kịp lành thì vết khác bưng mủ... là một phần tất yếu của nghề nghiệp” - một phường săn tên Minh lúc ngồi nghỉ chân trên bộ rễ đước u nần ở chốt Cá Đao, xã An Thời Đông bộc bạch.
 
Dứt lời, Minh xắn tay áo, vén ống quần chỉ cho chúng tôi thấy hàng trăm vết thâm, có vết kéo sẹo lồi trông ớn lạnh, rồi bảo: "Do bị muỗi cắn nát bét vầy nên 10 tay săn thòi lòi thì hết 9 đứa bị sốt rét, tui cũng không ngoại lệ".
 
Nguy vạn kiểu!
 
Chuyến đi bẫy thòi lòi hôm đó, do mấy miếng bom còn ghim trong đầu trở chứng làm ông Sáu đau nhức dữ dội nên tôi phải dìu ông về, thành ra dù mất công lặn lội gần 2 giờ đồng hồ giữa rừng nhưng chẳng tóm được con thòi lòi nào cả.
 
Trong cái rủi chúng tôi gặp may. Khi gần bước ra khỏi cửa rừng, ông Sáu tình cờ gặp mấy người quen vốn là dân moi cua, bẫy thòi lòi chuyên nghiệp nên nán lại trò chuyện.
 
Anh chàng thợ săn tên Lê Bạt 34 tuổi nhìn như 50 do hậu quả của những năm tháng ăn uống thất thường, làm việc nhọc sức, bị lũ muỗi đói “chăm sóc” tận tình... trò chuyện: “Có mùa con nước giựt lúc đêm khuya, muốn săn được thòi lòi không còn cách nào khác ngoài việc phải bặm mình tiến vào màn đêm thăm thẳm với vô số hiểm nguy chực chờ.
 
Lúc đó không phải đi bẫy mà là đi soi. Con cá thòi lòi cũng như con ếch, bị ánh đèn rọi thẳng vào mắt thì nó cứ như bị thôi miên đứng yên một chỗ. Lúc đó mình chỉ cần tiến lại gần tóm bỏ vào rọ”.
 
“Đi trong rừng chỉ có  một phép là lội bộ. Bình thường đi lại nhiều  đứa bị dầm đâm bưng mủ đã đành, nay phải chạy như điên giữa đêm tối nên chuyện bị đạp trúng miểng bom, miểng dầm cắt sâu vào thịt da... là rất bình thường. Dân soi thòi lòi đứa nào cũng ít nhiều nếm trải cái mùi vị kinh khủng này cả. Tui có lần bị mảnh dầm gây thối thịt khiến bàn chân sưng vù tưởng hoại tử. Trước đó mấy thằng bạn của tui vốn là dân ở vùng ngoài như Tiền Giang, Bến Tre cũng do bị dầm đâm thối thịt phải tháo khớp”...
 
Theo tài liệu nghiên cứu “Định loại các loài cá nước ngọt Nam Bộ”, thòi lòi thuộc họ cá thòi lòi, bộ cá vược. Đây là loài sống riêng lẻ trong các hang dọc theo sông rạch, chịu ảnh hưởng của thủy triều. Có tập tính đánh nhau, thòi lòi có thể sống trên cạn khá lâu và di chuyển trên mặt đất dễ dàng.  Đầu cá thòi lòi hình trụ, mõm thẳng đứng, có hai hàng răng trên hàm trên, hàng ngoài có dạng răng chó. Hàm dưới chỉ có 1 hàng răng. Lưỡi tròn cụt, gần như gắn sát miệng.
Đêm tối cũng là thời điểm mà lũ rắn rời hang săn mồi. Mà rắn ở Cần Giờ toàn những loài độc địa có cú táp chết người như hổ chúa, hổ mang, cạp nong, mái gầm, rắn đai lớn, rắn roi mõm nhọn... Vấn đề ở chỗ không chỉ là tầm ngắm của con người, thòi lòi cũng là món khoái khẩu của những loài mãng xà độc địa này.
 
Bạn đồng nghiệp của Bạt tên thường gọi Sáu Cần Đước (thứ 6, quê ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An) trần tình: “Kiếm miếng cơm giữa rừng mình ên (một mình) đã khó huống chi tranh ăn cùng mấy ông mãng xà. Nhưng nếu mình sợ mấy ổng mà thu lu ở nhà thì biết lấy gì nuôi thân và cho vợ con, mẹ già bỏ bụng đây. Dành phải liều tới đâu hay tới đó!”.
 
Trong mấy anh đi bẫy thòi lòi ai cũng một lần bị rắn cắn. “Nhưng may mà tụi tui vào rừng toàn đi cặp đôi hoặc đi bộ ba nên khi có người bị rắn cắn là lập tức garô vết thương, nặn máu độc, đắp thuốc kịp thời. Nhờ vậy mà tai qua nạn khỏi. Tháng trước có thằng Minh người Bến Tre do không rủ được bạn đi cùng nên bạo gan vào rừng một mình. Nó đi lúc 10 giờ tối nhưng khi trời sáng rực, nắng lên cao vẫn chưa thấy về.
 
Linh tính chuyện chẳng lành, con vợ nó nhờ mấy anh em tui đi kiếm. Vào rừng, tụi tui phát hiện nó nằm ngất bên vũng máu bầm đen cùng đốt ngón tay đứt rời. Hỏi ra mới biết bị con rắn độc cắn, không có thời gian garô vết thương, sợ nọc độc chạy vào tim nên nó rút dao chặt bỏ lóng tay. Máu ra nhiều quá nên nó ngất xỉu” - Anh Sáu nhớ lại.
 
Trước khi tiến vào rừng kiếm miếng cơm, Lê Bạt đúc kết: “Nghề bẫy thòi lòi chỉ dành cho người mạt hạng không đất đai, không nhà cửa hoạc nếu có cũng chỉ là cái chòi nhỏ con con rách nát, trống trước hụt sau như tui. Nghề này đã cực lại nguy, do hổng biết làm nghề gì khác nên anh em tụi tui phải cố mà đeo, riết rồi thành nghiệp”.
 
Không biết khi thưởng thức hương vị mê hồn của những chú cá thòi lòi ma quái, liệu các vị khách sành ăn người thành phố có nghĩ đến những cảnh đời thòi lòi mạt hạng phải bán sức, bán mạng giữa rừng sâu?
 
Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ được coi là “thủ phủ” của cá thòi lòi. Gọi là thòi lòi vì giống cá này có cặp mắt nhô hẳn lên đầu, lúc nào cũng thao láo. Cá thòi lòi có tiếng là loài cá lặn giỏi, nhảy nhanh mà… leo cây cũng khéo. Thòi lòi còn “nức tiếng” ranh ma, hiếu chiến và đa nghi, thế nên được đặt cho cái tên “loài cá ma quái”.
 
Là loài cá nhỏ con, có ngoại hình không bắt mắt, thậm chí quái dị, nhưng cá thòi lòi “nhỏ con mà ngon độ, ngon cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”. Thịt thòi lòi dai, ngọt như thịt gà lại đẫm vị lạ chỉ có ở vùng nước lúc mặn lúc lợ. Vì vậy mấy năm qua thòi lòi trở thành món đặc sản mà du khách sành ăn ngắm tới. Cứ vào cuối tuần, khách thành phố lại đổ về đây thưởng thức những món ăn được chế biến từ cá thòi lòi.
 
Khu vực Nhà Bè cũng có nhiều hàng quán treo biển “chuyên đặc sản thòi lòi”. Thòi lòi hút hàng đến độ các tay “thầu thòi lòi” đi gom hàng không chỉ ở Cần Giờ mà cả các tỉnh miền Tây khác nhưng cũng không đủ phục vụ nhu cầu của thực khách.
 
Nguyễn Dũng
(Bee.net.vn)

Cá thòi lòi nướng muối ớt. Nguồn minh họa: Internet.

Năm 2011, tác giả Thanh Ly có một bài viết thú vị về chuyện ẩm thực với cá thòi lòi.

Về miền Tây ăn cá thòi lòi

Cá thòi lòi thuộc họ cá bống, có hình dạng rất xấu xí, sống trong những nơi hiểm hóc như rễ, lùm bụi hay đất bùn sâu của vùng nước ngập mặn miền Tây nước ta.

So với những loại cá sống trong nước thì loại cá này có điểm khác biệt là thường sống, chạy, nhảy kiếm mồi trên mặt nước, nhảy lên đất cạn thậm chí chúng được mệnh danh là loại cá có khả năng trèo lên cây.

Cá thòi lòi nướng. Nguồn minh họa: Internet.

Cá thòi lòi xuất hiện nhiều khi triều xuống, rượt bắt bằng tay thì không ăn thua, vì chúng phóng chạy xuống hang hoặc lặn dưới nước cực nhanh. Muốn bắt cá thòi lòi có thể dùng cần câu để câu vào lúc ban ngày hoặc dùng đèn để soi cá nếu là ban đêm. Do cá thòi lòi ăn tạp nên mồi câu cũng không kén lắm, có thể dùng con tép nhỏ phân ra làm nhiều miếng mồi hay dùng con trùn đất hoặc hạt cơm cũng được...

Thịt cá thòi lòi dai, thơm và ngọt có thể chế biến thành những món như nướng, kho tiêu, nấu canh chua ăn ngon không thua gì cá lóc, cá rô đồng.

Đơn giản và chế biến nhanh nhất là món cá thòi lòi xiên que tre nướng trên lửa than ủ đượm hồng. Vốn là loại hiếu động nên thịt cá thòi lòi ít mỡ, nên khi nướng thường phết thêm bên ngoài chút dầu để cho khỏi cháy. Chỉ một loáng là mùi thơm của cá lan tỏa trong không gian khiến ai cũng thấy thòm thèm. Món này ăn chấm với muối ớt chanh đúng là đúng điệu nhất.

Vì thuộc loại họ cá bống nên cá thòi lòi ngon nhất và được nhiều người thích vẫn là cá thòi lòi kho tiêu. Cá thòi lòi sau khi làm sạch, bỏ mắt, miệng, ruột và đánh sạch vẩy, rồi cho vào nồi đất ướp gia vị như nước màu, nước mắm, đường, bột ngọt, tiêu xay trộn đều vào thịt cá. Xong bắc nồi lên bếp để lửa riu riu. Đợi đến khi gần cạn nước, cá có mùi thơm, rồi nhấc xuống. So với cá bống cát, bống tượng kho tiêu cũng thơm ngon không thua kém. Món này ăn với cơm nóng hổi hay bỏ vào ăn với cháo trắng thì ngon không gì bằng!

Món canh chua cá thòi lòi cũng là món ngon không kém, đặc biệt trong những ngày hè nóng bức, món này dường như phổ biến hơn. Chọn những con cá thòi lòi tươi sống, làm sạch, để nguyên con. Khi nấu canh cho thêm rau thơm như quế, ngò xắt nhỏ và các loại rau quả như cà chua, đậu bắp, rau muống, sau đó mới từ từ cho cá vào. Muốn có vị chua thơm có thể dùng lá me, khế, trái giác… khi canh vừa sôi, cho thêm đường, bột ngọt, nước mắm, sả, ớt, tỏi vào nồi. Món canh chua này ăn với cơm hay chan bún ngon đáo để, cái vị ngọt, béo của cá thòi lòi quyện cùng với mùi thơm nồng của rau ăn chẳng thể nào ngán.

Khô cá thòi lòi Nguồn minh họa: Internet.

Nhìn hình dáng cá thòi lòi bên ngoài chẳng ai ưa được nhưng lại là món thơm ngon khi qua bàn tay chế biến của người dân xứ miệt vườn miền Tây. Đây là nguồn thực phẩm góp phần làm phong phú thêm bữa cơm hằng ngày của người dân nơi đây và là món ăn đặc sản cho những người phương xa khi đến với mảnh đất này.

Thanh Ly
(Báo Lao Động)

 
* Nguồn: Internet (Dân Trí Online 2009, Lao Động 2011xin cảm ơn tác giả).
* Người tìm chọn và chia sẻ: KIẾN TỪ ĐƯỜNG (22-2-2012)



Cá kèo và cá thòi lòi

Do chúng có kích thước và hình dáng hao hao nhau, người ta dễ lầm cá kèo với cá thòi lòi. Thật sự là cả hai loài cá này đều thuộc họ cá bống trắng (Gobiidae). Nhưng cái khác ở con cá thòi lòi là nó có hai con mắt lồi ra như mắt ếch và nhô hẳn trên đầu (vì thế mới bị người Việt gọi là "thòi lòi"). Nó cũng có hai cái vây to và khỏe có thể dùng như hai cái chân để chạy, nhảy và... leo cây. (Nhiều người tưởng lầm rằng thòi lòi có 2 chân, thiệt ra là 2 cái vây).

Cá kèo.

Cá thòi lòi
 
 http://www.trunghockientuong.com/knowledge/2012/120222_kientuduong_cathoiloi.htm

CÁ KÈO

Theo Từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, cá kèo hay cá bống kèo (danh pháp khoa học: Pseudapocryptes elongatus) là loại cá sông thuộc họ cá bống trắng (Gobiidae), phổ biến ở miền Tây Nam Bộ. Thịt cá mềm, được dùng để chế biến ra nhiều món ăn như lẩu cá kèo, cá kho tộ, cá kho rau răm,...
 
 
Nguồn minh họa: Internet. [Xin click lên ảnh để mở ảnh lớn hơn]
 
Thầy Nguyễn Văn Hòa của Gia đình THKT tả tình tả cảnh con cá kèo mà thầy cô nướng lên chiêu đãi thầy trò THKT như sau: Cá kèo dài như con cá chạch. Ngày xưa người bình dân hoặc học trò nghèo mới ăn cá kèo. Xưa ta thường thấy cá kèo được bày bán dưới dạng phơi thành khô. Bây giờ khan hiếm thành ra đặc sản; nhiều quán ăn chế biến thành nhiều cách khác nhau: nướng, chiên, nấu canh chua với lá giang; hoặc kho mặn... cá kèo kho nồi đất bưng lên còn nóng sốt, ặn kèm với rau muống xào tỏi; ăn cơm quên thôi!"
 
Cá kèo kho ớt. (Nguồn minh họa: Internet.)
 
Tác giả Phan Trung Nghĩa hồi năm 2005 đã viết trên báo ở Việt Nam một ghi chép về con cá kèo ở miệt Cà Mau. Xin mời mọi người cùng đọc.
 
“Cá kèo nổi như mù u rụng”

Những người nông dân lớn tuổi ở vùng bán đảo Cà Mau nổi tiếng cá kèo có một câu nói “cửa miệng”: “Cá kèo nổi như mù u rụng”. Mù u rụng nổi dày đặc ra sao thì tôi chưa thấy nhưng hình ảnh cá kèo nổi dày đặc vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của tôi. Đó là vào những con nước rong của những tháng giáp Tết tại các đầu kênh, mặt đập... cá kèo từ biền, trảng, ruộng... lũ lượt đổ xuống và nổi dày mặt kênh, nhìn xuống nước chỉ thấy toàn đầu cá kèo.

Lẩu cá kèo. (Nguồn minh họa: Internet.)

1. Khoảng 10 năm trước, trong lần đi công tác ở huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) rồi ghé chơi ở huyện đội, thấy hang cá kèo đầy ở con rạch sau hè mà nhà bếp lại không có gì ăn, tôi cởi áo ra nhảy xuống. Mấy tay huyện đội bảo: “Nhà báo mà bắt được con cá kèo nào thì cứ đem lên lưng tôi mà nướng”. Cá kèo đúng là khó bắt thật, nó trơn tuột và lùi bò rất nhanh trong bùn nước, thế nhưng tôi bắt chưa đầy 1 giờ đã được khoảng 2kg cá, con nào con nấy to bằng ngón tay cái. Mấy tay huyện đội cứ thò lò con mắt nhìn nhà báo như một giống vật lạ từ hành tinh khác đến. Mấy “chả” có biết đâu đó là “nghề của chàng”.

Thuở nhỏ, trưa đi học về, ăn cơm xong là tôi cùng mấy thằng nhóc trong xóm, mỗi đứa ôm một cái can nhựa nhảy ùm bơi qua sông đi thụt cá kèo. Cái can nhựa vừa dùng làm phao lội qua sông nhưng cũng là một thứ giỏ đựng cá. Hồi đó, đất quê tôi là ruộng “thào lềnh”, nghĩa là mặt ruộng nhão nhoẹt quanh năm, nước lên, nước ròng rút xuống. Đất như thế cá kèo sinh sản ghê lắm. Không ai thấy cá kèo có trứng bao giờ nên nông dân quê tôi nói: “Cá kèo do đất sinh”. Sau này, tôi mới biết ấu trùng cá kèo theo nước từ biển xâm nhập vào lục địa. ở vùng bán đảo Cà Mau xưa có đến nửa diện tích chịu ảnh hưởng của triều biển Đông, vì thế cá kèo vào sinh sôi trên một diện tích vô cùng rộng lớn và chính vì thế bán đảo Cà Mau nổi tiếng là vương quốc cá kèo.

Cá kèo kho tộ. (Nguồn minh họa: Internet.)

Vào đầu mùa mưa cá kèo xâm nhập vào đất liền.

Chúng rất thích ở những vùng đất lầy lội, đặc biệt là những vũng trâu nằm, những mảnh ruộng cầm vịt. Ta đi ngang là chúng chạy vào hang ào ào như có ai ném đất xuống nước. Cá kèo có thể sống được và phát triển nhanh ở những vùng đất mà “mưa già” nước đã ngọt. Khoảng tháng 8 âm lịch là cá kèo lớn. Tập tính của chúng là khi nước rong tràn lên ruộng (đặc biệt là vào các con nước rằm và ba mươi các tháng 9, 10, 11, tháng chạp âm lịch) thì lũ lượt tràn xuống kênh mương để tìm đường ra sông lớn. Đó là lúc nông dân đặt các phương tiện đánh bắt cá kèo, nhịp điệu cuộc sống nông thôn bỗng sôi nổi khác thường.

Ở quê tôi xưa, hầu như nhà nào cũng có một vài cái nò đặt tại các mặt đập. Nhiều gia đình còn đóng đáy tại các kênh rạch quanh làng và đóng đáy trên sông Bạc Liêu. Nông dân xưa có câu “thấy cá kèo phát sợ” với nghĩa cá kèo nhiều đến độ ăn nó riết rồi ngán... Nhớ năm đó, cũng chỉ cách đây hơn 10 năm thôi, Tết tôi về quê chơi, thằng em út tôi ham đánh bài bỏ cái nò không ai đổ cá, tôi đành xắn quần lội xuống kênh đổ nò, nhưng kéo hoài mà cái nò không lên được mặt nước, tôi phải ngoắc thằng em ở xóm tiếp kéo lên. Hai anh em trầy trật mới khiêng nổi cái nò lên và đổ ra gần 100kg cá kèo.

Chuyện đó cũng không ăn thua gì với mấy năm trước, anh Tư tôi đặt một miệng đáy nhỏ trên một con rạch sau đất của làng, nước rong tháng chạp năm đó đổ một đụt đáy cả tấn cá kèo. Trên mặt kênh cá kèo nổi đầu không thấy nước, chúng lũ lượt vào đáy đến cột đáy xiêu vẹo, đổ đáy mà chậm trễ là sập đáy như chơi. Không còn lu, hũ nào rọng cá cho hết, anh em phải xúm nhau đào một cái hầm to gần trại đáy để rọng cá. Cá hồi đó rẻ lắm, bán không ai muốn mua. Có lúc cá nhiều quá phải xả đụt đáy bỏ cho cá ra sông lớn.

Cá kèo kho rau răm. (Nguồn minh họa: Internet.)

2. Vùng đất muối ven biển Bạc Liệu, Sóc Trăng nổi tiếng Nam kỳ xưa cũng là vùng đất của cá kèo. Ngay từ thời đại địa chủ Trần Trinh Trạch (cha của công tử Bạc Liêu) làm chủ 10 ngàn ha thì đất đã được khai thác cá kèo. Mùa hạn thì làm muối, đến mùa mưa dân Bạc Liêu lại thuê đất của điền chủ để đặt cá kèo. Nói cho chính xác không phải thuê đất mà là thuê kênh.

Trước đó, người Pháp cũng có quy hoạch vùng muối này, cứ cách 1.000 mét là họ cho đào một con kênh dùng để dẫn nước mặn vào làm muối và cho ghe xuồng vào vận chuyển muối đi. ở giữa hai con kênh gọi là “lô”, kênh thì gọi là kênh số 1, số 2, số 3... Những người thuê các con kênh này đã cho xây dựng những cái nò rất to. Khi nước rong tràn vào, cá trên lô muối đổ xuống kênh và vào nò thì cứ hai người đứng xúc cá, 5 - 7 người khiêng không kịp. Cá kèo được vô thùng sắt, ghe xuồng tấp nập vận chuyển vào chợ Bạc Liêu để lên xe hàng đi về Sài Gòn và lục tỉnh. Cá chết thì làm khô. Khô cá kèo cũng là một đặc sản có tiếng đến bây giờ.

Cá kèo đã làm đời sống người nông thôn vùng bán đảo Cà Mau thêm phong phú. Xin trở lại chuyện lũ nhỏ chúng tôi đi bắt cá kèo. Có rất nhiều cách bắt cá kèo. Nếu đi thụt thì chúng tôi chọn ngày nước kém, khi đó cá vào hang và chọn ruộng ít cỏ, đặc biệt là đất cầm vịt đẻ, đó là loại đất mềm và rất nhiều hang cá kèo. Cá kèo đang lên ăn mà thấy bóng người là lặn vào hang ngay. Hang cá kèo thường có đến 2 - 3 miệng.

Người không có kinh nghiệm thọc tay vào miệng hang này nó sẽ nhảy ra đằng miệng kia cho nên phải một tay thụt hang một tay chặn “ngách”, có khi còn phải sử dụng cả chân, nếu đó là hang 3 miệng. Cách bắt thứ hai là đi soi ban đêm, đó là lúc nước rong dâng cao mà cá kèo lại không chịu chạy nò... thế là chúng tôi xách đèn rồi dùng một công cụ bằng tre giống như cái nơm chụp cá nhưng nhỏ hơn để bắt cá kèo. Có khi soi một đêm được 5 - 7 kg cá. Hồi xưa, không chỉ riêng lũ nhỏ chúng tôi mà ở vùng đất ngập mặn của bán đảo Cà Mau có một đội quân đi soi đêm rất hùng hậu, đèn sáng rực như một thành phố về đêm.
 
Cá kèo nướng muối ớt. (Nguồn minh họa: Internet.)

3. Người Bạc Liêu hay nói: “Cá kèo dễ ăn”, nghĩa là nấu kiểu gì ăn cũng ngon và người có khó tính mấy cũng ăn được. Những bữa cơm đạm bạc của người bình dân xưa thường chỉ có cá kèo kho tiêu, kho lạt, những đêm đàn ca thì nấu cháo cá kèo. Có bữa bắt không được cá thì ăn cá kèo khô nướng chấm nước mắm dầm me. Những ông chủ trại đáy, những người lớn tuổi của Bạc Liêu xưa có một cách ăn là dùng đũa gắp cái đầu con cá kèo rồi bỏ vào miệng tuốt một cái, trên đầu đũa chỉ còn lại bộ xương cá. Họ bảo: “Con cá kèo khúc đuôi và đầu có vị ngon khác nhau, biết khách khứa thích khúc nào mà để lại, thôi thì ăn nguyên con cho đẹp lòng nhau, cho xứng tầm cỡ xứ sở cá kèo”.

Năm đó, tôi có ông khách văn nghệ người Hà Nội vào thăm, tôi đãi bạn bằng món đặc sản cá kèo kho mắm. ông khách gắp con cá kèo rồi tròn xoe mắt nhìn ra chiều kinh sợ: “ối cha mẹ ơi con cá rắn, trông kinh quá...”. Tôi cười sặc sụa và động viên: “ông cứ thử xem”. Một con, hai con và sau đó thì văn sĩ đất Hà thành cứ xoắn lấy cái lẩu mắm. Cá kèo dễ ăn như thế đó.

Ngoài ra, hương vị của nó cũng khó quên lắm. Tôi có một thằng bạn đi thụt cá kèo ngày bé giờ lên Sài Gòn làm ăn rất giàu, có điều nhà nó ít khi thiếu cá kèo. Nếu người nhà đi chợ mua không có cá tươi thì trong nhà cũng còn cá khô. Mỗi lần mệt, nó kêu nấu một nồi cháo trắng rồi ngồi ăn với cá kèo kho tiêu hoặc cá kèo khô nướng đến vã mồ hôi. Hầu như lúc nào nó ăn cơm với cá kèo cũng được. Có người thắc mắc thì nó bảo: “Mình quanh năm suốt tháng bận bịu, ít khi về thăm quê cũ, đó cũng là một cách làm cho mình đỡ nhớ quê ấy mà”.

Cá kèo Bạc Liêu bây giờ không còn nhiều nữa vì hai lần gặp “vận hạn”. Lần thứ nhất là hồi mới giải phóng, kéo dài đến hơn chục năm, với tinh thần “tất cả cho cây lúa”, đất vùng nhiễm mặn bị ngăn mặn để trồng lúa, cá không còn đất sống.
 
Khô cá kèo. (Nguồn minh họa: Internet.)

Đến thời kỳ thứ hai là phong trào nuôi tôm. Người ta cũng lấy nước mặn vào nhưng trước khi thả tôm các chủ vuông tôm đã xử lý các chất hóa học để tiêu diệt mầm bệnh và ấu trùng cá kèo cũng bị tiêu diệt theo. Thế cho nên cá kèo tự nhiên đã không còn bao nhiêu, người Bạc Liêu đã phải xoay qua nuôi cá kèo kết hợp với nuôi tôm. Năm 2004 toàn tỉnh có 200 ha cá kèo nuôi. Lợi nhuận mỗi hécta cũng vài chục triệu đồng. ở Bạc Liêu bây giờ có rất nhiều cư dân ven biển đi vớt cá kèo con ở biển đem về bán.

Có lúc tôi ngồi ngẫm nghĩ, giá mà sinh thái vùng bán đảo Cà Mau giữ được như xưa, mật độ cá kèo cũng y như thế thì với thời giá hiện nay nông dân ở đây chắc sẽ làm giàu như chơi. Giờ đây, đời sống sôi động mùa cá kèo và những bữa cơm bình yên không còn nữa, thay vào đó là những ông chủ vuông tôm ngày đêm nơm nớp lo âu bởi các căn bệnh của tôm.

Mỗi một vùng, miền có riêng một sản vật, một tập quán đẹp để tạo ra bản sắc của vùng, miền ấy. Cá kèo mất đi thì một trong những nét riêng của vùng bán đảo Cà Mau ấy cũng sẽ nhạt dần.

Phan Trung Nghĩa

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

TIỂU SỬ SĨ PHÚ



Mặc dù mãi đến 4 tuổi mới biết nói, nhưng cậu bé Sĩ Phú đã chứng tỏ với mọi người rằng cậu là một thiên tài về âm nhạc lúc chỉ mới lên 5, 6 tuổi. Cậu ca hát nghêu ngao suốt ngày và hát rất hay.

Sĩ Phú sinh ngày 9 tháng 1 năm 1942, tại Bonneng Thaket , Lào. Năm 1945, anh theo gia đình từ Lào về Hà Nội lúc được 3 tuổi.

Năm 1954, theo chân hàng triệu người Việt yêu chuộng tự do, gia đình anh di cư vào Nam. Gia đình anh cư ngụ tại Sài Gòn cho đến ngày sang Hoa Kỳ vào năm 1975.

Tốt nghiệp Trung Học lúc chưa đầy 16 tuổi. Vào đại Học Khoa Học lúc 16 tuổi. Vừa tròn 18, anh đã là giáo sư đệ Nhất Cấp, dạy Toán và Lý Hoá ở hai trường Trung Học La San Nghĩa Thục và Thăng Long tại Sài Gòn (1960-1961). Gia nhập Không Quân vào năm 1962, anh theo học khóa huấn luyện quân sự tại Nha Trang. Từ năm 1963 cho đến 1965, anh được gửi qua Hoa Kỳ 3 lần để học lái trực thăng chiến đấu và các lớp huấn luyện quân sự khác.

Sau biến cố Mậu Thân, từ phi đoàn, anh được Bộ Tư Lệnh Không Quân gọi về để giao phó một chức vụ mới. Anh được giao phó chức Trưởng Khối Cổ động Tuyên Truyền và Trưởng Ban Tâm Lý Chiến cho Sư đoàn 5. Anh phụ trách các chương trình phát thanh, phát hình của Không Quân trong đó, có chương trình Tuyển Mộ Phi Công cho Không Lực VNCH ở đài Truyền Hình Quân đội. Anh cất tiếng hát bài hùng ca đầu tiên trên đài Truyền Hình Sài Gòn vào năm 1968 trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Không Lực VNCH.

Năm 1970, anh được cử sang Hoa Kỳ lần thứ tư để theo học khóa huấn luyện phim ảnh và báo chí. Trong dịp này, nhờ vào tài ăn nói Anh Ngữ lưu loát và trí óc linh động thông minh, sau khi đệ trình một luận án, anh được Bộ Tư Lệnh Không Quân Hoa Kỳ chọn để trao tặng bằng thưởng cao quý nhất chưa từng phát ra cho người ngoại quốc bao giờ. Đó là bằng thưởng "Người Hùng Biện Giỏi Nhất" trong ngành báo chí điện ảnh của Không Lực Hoa Kỳ. Đây là một vinh dự chẳng những riêng cho anh, mà là cho cả Không Lực VNCH thời bấy giờ.

Ngày 30 tháng Tư năm 1975, anh là một trong những người cuối cùng rời Việt Nam trên chuyến máy bay quân sự cuối cùng rời Tân Sơn Nhất. Định cư tại miền Nam California, anh theo học đại Học và tốt nghiệp bằng Kỹ Sư Viễn Thông và theo dòng đời, như bao nhiêu người khác, anh lập gia đình và đi làm việc tại một hãng Mỹ. Năm 1983, rời miền Nam California nắng ấm, anh theo hãng làm việc dọn lên trên thành phố San Jose. Năm 1987 anh cho ra đời CD "Có Tình Nào Không Phai" trước khi lui vào bóng tối để sống một cuộc đời âm thầm, giản dị. Mãi đến năm 1995, vì tình yêu mến thính giả và bạn bè vẫn còn mãi trong anh, Sĩ Phú cho ra đời CD "Tà áo Xanh" và "Trái Tim Hững Hờ" (nhạc ngoại quốc lời Việt).

Cuối năm 1997, anh thực hiện CD "Còn Chút Gì để Nhớ" nhưng bị dở dang... nhưng may mắn thay, anh lại có dịp tiếp tục với công trình này và đã thu âm 10 bản nhạc cho CD này vào cuối năm 1999. Tháng 4 năm 1999, anh bị bệnh nặng và bị khám phá mang bệnh ung thư phổi. Trở về miền Nam California, anh được Ngọc Lan, người bạn tri kỷ cuối đời săn sóc chu đáo trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. Ngày 22 tháng 6 năm 2000, Ngọc Lan và Sĩ Phú cho ra mắt CD cuối cùng của Sĩ Phú "Còn Chút Gì để Nhớ". Đêm ra mắt CD được sự ủng hộ rất đông đảo của thính giả yêu thương của anh. Hai mươi bảy ngày sau, tức là ngày 19 tháng 7 năm 2000 anh đã thua cuộc chiến với căn bệnh ung thư hiểm nghèo, vĩnh viễn từ giã cuộc đời. Hưởng dương 58 tuổi.

Anh để lại 3 người con đã trưởng thành, một anh, một chị và Ngọc Lan, người bạn tri kỷ cuối đời mà anh đã giới thiệu với khán thính giả trong đêm ra mắt CD của anh như một "Thiên Thần đã đến ở cuối đời tôi".

http://forum.tkaraoke.com/tkf_postst531_Tieu-su-ca-si-Sy-Phu.aspx

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

AI KHÔNG NÊN ĂN CUA ĐỒNG

Cua đồng là món ăn dân dã quen thuộc của người Việt Nam và là món ăn được ưa chuộng trong những tháng cuối hè, đầu thu - thời điểm cua ngon béo nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn nhiều.

>> Ăn khuya - lợi và hại
>> Hâm nóng thức ăn đúng cách
>> Những quan niệm sai lầm khi chế biến trứng

Ai không nên ăn cua đồng




Món bổ, thuốc hay

Về dinh dưỡng: sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam do viện Dược liệu (bộ Y tế) ấn hành cho biết, trong 100g thịt cua đồng chứa 12,3% protid; 3,3% lipid; 5.040mg% Ca; 430mg% P; 4,7mg% Fe; 0,01mg% vitamin B1; 0,51mg% vitamin B2; 2,1mg% vitamin PP; 0,12mg% vitamin B6; 125mg% cholesterol; 0,25mg% melatonin... Đặc biệt, mai cua có nhiều chất chitin.

Theo kinh nghiệm dân gian, để trẻ nhỏ cứng cáp, nhanh biết đi, người ta dùng cua đồng làm sạch, bỏ chân, càng, mai, yếm, chỉ lấy mình cua, rang nhỏ lửa cho vàng và khô. Giã nhỏ, rây lấy bột mịn. Hàng ngày, dùng bột cua quấy với bột gạo cho trẻ ăn, mỗi lần 1 - 2 thìa nhỏ.

Về dược tính: trong Lĩnh nam bản thảo, Hải Thượng Lãn Ông ghi: “Điền giải là tên gọi cua đồng. Ngọt lạnh, ít độc hay sinh phong. Nối gân, tiếp xương, chữa phong nhiệt. Trừ mụn độc lở, huyết kết thông”. Sách Namdược thần hiệu của Tuệ Tĩnh ghi: điền giải có vị mặn, mùi tanh, tính hàn, hơi độc, tác dụng liền gân, nối xương, trị nhiệt tả, ngộ độc, máu kết cục, lở ghẻ. Sách Dược tính chỉ nam của ông ghi: điền giải có tác dụng tán tà nhiệt trong lồng ngực, thông được kinh mạch, làm cho năm tạng khỏi buồn phiền, giải được độc do thức ăn, liền được gân, thêm sức cho xương, bổ ích khí lực, tống được các vật kết đọng trong người, phá được chứng ứ huyết do vấp ngã hoặc bị đánh chấn thương, sốt rét... xMột số thử nghiệm trong phòng nghiên cứu ở Nhật ghi nhận, dung dịch trích bằng ether hay ethanol từ cua đồng có hoạt tính làm hạ huyết áp ở mèo, làm co thắt bắp thịt tử cung nơi chuột, đồng thời kích thích sự bài tiết của các hạch nội tiết.

Những người không nên ăn cua đồng

Do cua đồng có tác dụng phá khối u, tống xuất khối cục tồn đọng nên đông y khuyên phụ nữ có thai tránh ăn cua đồng.

Người đau ốm mới khoẻ, hệ thống tiêu hoá còn yếu cũng không nên ăn.

Người có biểu hiện tỳ vị hư hàn (cảm giác sợ lạnh) cũng cần hạn chế. Nếu bị tiêu chảy, không ăn cua đồng.

Gạch cua có nhiều cholesterol, nên người huyết áp cao, bệnh tim mạch cần hạn chế dùng.

Khi ăn cua, nên ăn cùng lá tía tô, gừng để làm giảm bớt tính hàn. Cua đồng cũng chứa nhiều sodium và purines nên không thích hợp cho người bị bệnh gút.
  http://vn.nang.yahoo.com/ai-kh%C3%B4ng-n%C3%AAn-%C4%83n-cua-%C4%91%E1%BB%93ng-165200915.html

VIDEO LIVESHOW CHẾ LINH – 30 NĂM TÁI NGỘ

[Che Linh 30 nam tai ngo khan gia Viet Nam] 30 năm cách xa, khoảng thời gian dài để người đi luôn hướng về tổ quốc còn người ở nhà không thôi mong ngóng. Khán phòng TT Hội nghị Quốc gia tối 21/10 không một chỗ trống. Liveshow “Chế Linh – 30 năm tái ngộ” kết thúc nhưng nhiều người vẫn còn ngơ ngẩn vì tai họ dường như vẫn muốn nghe, con tim vẫn muốn rung động cùng Chế Linh.
Video liveshow Chế Linh – 30 năm tái ngộ | Một lần cuối – Chế Linh
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=TuRvQ4pk1vU
Có thể nói “Chế Linh, 30 năm tái ngộ” đã tái hiện lại một bức tranh sống động về những ca khúc đã một thời và mãi mãi gắn liền với tên tuổi ông. Khán giả có dịp nghe lại những: Đoạn buồn cho tôi, Mười năm tình cũ, Nụ cười chua cay,Tình kỹ nữ, Thói đời, Hòn vọng phu, Một lần cuối, Linh hồn tượng đá… với giọng hát khỏe và “đúng chất” Chế Linh

Video liveshow Chế Linh – 30 năm tái ngộ | Nụ cười chua cay – Chế Linh và các con
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=kI5iNv8RaCo 
“Chế Linh, 30 năm tái ngộ” nhân vật chính là Chế Linh. Bên cạnh đó, khán giả thủ đô còn được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc ấm cúng, thân mật với những giọng ca vàng hải ngoại khác mà so về độ tuổi cũng xấp xỉ Chế Linh hoặc chỉ kém hơn vài hoặc chục tuổi như: Đức Huy, Sơn Tuyền, Hương Lan, Tuấn Ngọc, Thái Châu, Mạnh Đình.
Video liveshow Chế Linh – 30 năm tái ngộ | Riêng một góc trời , Thành phố buồn– Chế Linh & Tuấn Ngọc
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=uMkuIaguNi0 
Không chỉ góp vui bằng ca khúc tự sáng tác mà nhạc sĩ, ca sĩ Đức Huy còn đảm nhận vai trò MC bên cạnh Kỳ Duyên. Tuy nhiên, anh chưa có sự tung húng thú vị khi song hành cùng người đẹp này, đôi chỗ hơi diễn quá. Như giả vờ nói lắp vì xúc động trước nhan sắc của Kỳ Duyên hay cách “bắt chước” kéo dài giọng của Chế Linh.
Video liveshow Chế Linh – 30 năm tái ngộ | Thói đời – Chế Linh
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=Bqm8NTJiU-Y 
Nếu như Chế Linh – Sơn Tuyền, 2 người nghệ sĩ từng đứng chung trên sân khấu biểu diễn và ở đêm diễn lần này họ hòa giọng trong “Mai lỡ mình xa nhau” và “Con đường xưa em đi” rất ngọt ngào và tình cảm thì hai khách mời Thái Châu và Mạnh Đình có vẻ hơi “lép vế” bởi giọng hát không mấy ấn tượng trong màn solo riêng.
Ca sĩ Hương Lan đã trình diễn ca khúc gắn liền với tên tuổi của chị như: Qua cơn mê, Lâu đài tình ái. Và khi “Đoạn cuối tình yêu”, “Đừng nói xa nhau” được Lan Hương cất lên trong màn song ca cùng Chế Linh cả khán phòng đã vỡ òa trong những tràng pháo tay ròn rã. Hai giọng ca vừa hát vừa hóa thân vào chính nhân vật để dòng cảm xúc lan truyền tới khán giả tạo nên sức sống trường tồn cho chính nó.
Video liveshow Chế Linh – 30 năm tái ngộ | Chế Linh song ca Hương Lan
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=JNfM9iNm8u0 
Không chỉ hát song ca với Hương Lan, Sơn Tuyền mà Chế Linh còn lần đầu tiên hát chung với nam ca sĩ Tuấn Ngọc trong một liên khúc ca khúc làm nên tên tuổi của hai người là: Thành phố buồn, Riêng một góc trời. Sự kết hợp khá thú vị tạo nên những ấn tượng nhất định cho khán giả. Nhưng đáng tiếc ở phần hát solo Tuấn Ngọc vẫn mắc phải lỗi đó là… quên lời (trong ca khúc Ru đời đi nhé).
Video liveshow Chế Linh – 30 năm tái ngộ | Linh hồn tượng đá – Chế Linh
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=wTx7CLN2j_M 
Liveshow “Chế Linh, 30 năm tái ngộ” được xem là thành công một phần bởi ban nhạc hải ngoại Asia chơi khá ăn ý và chất lượng âm thanh tốt. Chương trình đã cho khán giả Thủ đô sống lại những hoài niệm cũ, những bài hát cũ đã từng quen thuộc, gắn bó nhiều năm. Một đêm nhạc của những hoài niệm đẹp, cho cả Chế Linh và những khán giả của ông.
Video liveshow Chế Linh – 30 năm tái ngộ | Hồn vọng phu – Chế Linh
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=Ve88xKaubQ4 
Để tri ân các khán giả Hà Nội, giọng ca vàng Chế Linh cùng những khách mời sẽ có thêm một buổi biểu diễn vào tối 12/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Bên cạnh đó ông cũng sẽ tiếp tục hành trình lưu diễn ở Đà Nẵng, Hải Phòng và TP.HCM vào các ngày 29/10 – 5/11 và 19/11.
Theo VietnamNet.vn, VnExpress.net.
http://kienthanh.wordpress.com/2011/10/23/video-liveshow-ch%E1%BA%BF-linh-30-nam-ti-ng%E1%BB%99/ 

CHỮ "ĐÁ" NGHĨA

KIẾN MZ bình "loạn"
 
 
 
 
Lãng mạn

Nguồn minh họa: Internet.

Lãng mạn được ghép bởi hai chữ Hán: “lãng” (sóng nước) và “mạn” (đầy tràn). Hiểu theo nghĩa chiết tự, lãng mạn là sóng tràn bờ, chỉ một sự phóng túng, tự do, vượt lên trên mọi ràng buộc.

Thật khó mà giải thích rõ ràng lãng mạn là gì, bởi lẽ nó rất đa dạng và mỗi người có thể giải thích một cách khác nhau tùy theo nhu cầu và cách hiểu của mình.

Lãng mạn là một trạng thái tâm lý giữa mộng và thực, nó cũng hàm nghĩa là trữ tình với cung bậc mộng mơ, nên thơ.

Hầu như ai yêu nhau cũng muốn tình yêu của mình được ướp bằng gia vị lãng mạn. Lãng mạn tạo thêm hương vị cho tình yêu, chấp cánh cho tình yêu bay bổng, tạo ra nhiều kỷ niệm cho hai người mà họ sẽ nhớ mãi cho tới khi hết yêu nổi nhau.

Nhưng lãng mạn cũng phải có nghệ thuật và những giới hạn của nó. Nếu lãng mạn mà vô duyên sẽ thành “lãng nhách”, mà có ý đồ xấu sẽ thành “lãng gian”; còn nếu quá trớn dễ thành “lãng mạng” (lãng phí tính mạng).
 
KIẾN MZ bình "loạn"
 
 
 
 
 
Đào hoa

Nguồn minh họa: Internet.

Có người biểu "đào hoa" là cách đọc theo tiếng Hán của "hoa đào", giống như "mai hoa" là "hoa mai" vậy mà.

Nhưng theo ngôn ngữ thường ngày, đào hoa được dùng để chỉ những đấng liền ông có nhiều hơn một người tình. Với một mức độ nào đó, "đào hoa" là cách nói văn chương, lịch sự của cụm từ "ba lăng nhăng", hay bình dân hơn là "dê xồm", hoặc thô tục hơn là "già không bỏ, nhỏ không tha".

Còn để chỉ những chàng trai lịch thiệp, phong nhã được nhiều cô gái rung động con tim, người ta dùng từ "hào hoa".

Phải công nhận rằng ông bà mình dùng chữ "đào hoa" quá đã. Nó chính xác cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. "Đào hoa" là "đào" cây "hoa" lên mang về nhà mình xài. Đào một cây thì chẳng ai nói, còn mấy ông "đào" tá lả cây "hoa" quả là tham quá chừng!
 
KIẾN MZ bình "loạn"
 
 
 
 
 
Hậu mạt chược là mạt trượt

Nguồn minh họa: Internet.

Thầy Đỗ Hiền triết vừa tìm lại được bạn xưa, thầy Trịnh Đình Loạt, sau 42 năm xa nhau, đã vội chuyển cho Kiến MZ thắc mắc của nhân vật Người Ngây Thơ rằng: Xin cho hỏi chơi mạt chược là chơi cái gì? Có phải nguyên văn tiếng Nam bộ là "mạt trượt"? Chơi bài kiểu gì mà một bên bị trượt, một bên bị mạt, thì... I dunno man - Người ngây thơ.
 
Thú thiệt là trong Tứ đổ tường, mỗi thứ Kiến MZ chỉ dính có một nửa (xách chứ không hút, cờ chứ không bạc, chè chứ không rượu, gái chứ không trai), nên cái vụ này nằm ngoài vòng "đá" của Kiến MZ. Đành phải trổ tài sục sạo thôi.
 
Mạt chược là một môn chơi cờ có nguồn gốc Trung Hoa. Mạt chược là từ Hán Việt kép, được phiên âm theo tiếng Quảng Đông "Ma-Tước" (con chim sẻ). Còn phiên âm theo tiếng Phổ thông (Quan Thoại) là "Ma-Gioong", vì thế trong tiếng Anh, mạt chuợc được dịch là Mahjong. Sở dĩ có tên mạt chược là vì con bài thứ nhất của bộ bài, tức con Nhất Sách, có ký hiệu là con chim sẻ.
 
Quân cờ mạt chược na ná như domino của phương Tây. Bộ bài mạt chược của người Hoa chỉ có 144 quân. Người Việt "giàu tính sáng tạo" bổ sung thêm, lên tới 160 quân và thậm chí còn hơn thế nữa. 4 hay 6 người chơi. Mạt chược được chơi trên một chiếc bàn vuông. Chơi mạt chược được gọi là xoa mạt chược. (Xin click vào đây để tìm hiểu thêm về mạt chược.)
 
Do hậu quả của mạt chược mà người ta đọc trại nó thành mạt trượt. Đam mê mạt chược cầm bằng là sẽ "mạt rệp" và "trượt trớt lớt". Cũng như mọi loại cờ bạc khác, mạt chược được "thằng Bần" gọi là bác (cờ bạc là bác thằng bần). Và suy ra, không phải chỉ có mạt chược, mà các món cờ bạc đều có hậu quả là "mạt trượt".
 
Hy vọng Người Ngây Thơ chỉ hỏi cho thỏa óc tò mò, chớ đừng nên dựa thế gần gũi như hình và bóng với thầy Đỗ Hiền triết mà rủ rê thầy Đỗ Xanh, cô Nước Biếc, thầy Loạt và phu nhân gầy một bàn mạt chược nhé. Hồi xưa họ dạy chung trường THKT, nay lại là láng giềng của nhau nơi xứ người, cũng đủ một bàn mạt chược rồi đó. Báo hại từ rày thầy Đỗ tót ra Động Đình Hồ không phải để thiền mà là để nghiền ngẫm nước cờ xoa mạt chược thì... thiện tai! thiện tai!

KIẾN MZ bình "loạn"
 
 
 
 
 
Lì xì

Nguồn minh họa: Internet.
Lì xì là một trong những tập tục (tốt xấu thì hạ hồi phân giải) của Năm mới ở một số nền văn hóa châu Á.
Đó là một phong bao màu đỏ (red envelope), được gọi là hóngbāo trong tiếng Phổ thông, Ang Pao trong tiếng Min Nan, Lai See trong tiếng Quảng Đông, Sae Bae Don (세뱃돈/歲拜돈) trong tiếng Triều Tiên,…
Theo Bách khoa Từ điển mở Wikipedia, gốc gác của lì xí có lẽ từ thời nhà Thanh ở Trung Hoa. Hồi đó, người già có tập tục dùng một sợi chỉ đỏ xỏ những đồng tiền kim loại gọi là yāsuì qián ( 歲錢 hay 压岁钱), có nghĩa là “tiền xua đuổi tà ma”, với niềm tin rằng nó sẽ giúp người già tránh được bệnh tật và cái chết. Sau này, khi ngành in phát triển, người ta dùng các phong giấy màu đỏ để đựng tiền thay cho sợi chỉ đỏ xỏ tiền.
Số tiền chứa trong bao lì xì luôn là một con số chẵn, tức số hên, đặc biệt là những số mà âm tiếng Hoa đọc trại lên có nghĩa là tốt đẹp, sung túc như 88, 168,… Nhưng người ta kị các số 4 (như 40, 400, 444,…) vì trong tiếng Hoa, số 4 có âm là “tứ”, tương tự như “tử” (chết).
Lì xì chủ yếu là cho trẻ nhỏ mang ý nghĩa lấy hên đầu năm mới.
Nhưng người lớn sau này biến tướng lì xì thành một dạng trả ơn, cống nạp, hối lộ,… Lì xì cũng không phải là từ người lớn hay bậc bề trên tặng cho trẻ em hay cấp dưới, mà thường là của cấp dưới biếu xén cấp trên hay người mà mình nhờ vả. Và nó được ứng dụng mọi lúc, không phải chỉ có trong dịp tết nhất.  
Đó là cách cắt nghĩa theo bài bản. Còn xét dưới góc “đá nghĩa”, lì xì ngay trong bản thân tên gọi đã thể hiện thuộc tính của tập tục này. Đó là người cho thì “lầm LÌ mà XÌ tiền ra”, còn người nhận thì phải “làm mặt LÌ lợm để người ta chịu XÌ tiền ra”.
KIẾN MZ bình "loạn"
 
 
 
 
 


Ôn cố tri tân

Nguồn minh họa: Internet.

Ôn cố tri tân là một thành ngữ Hán Việt có nghĩa là ôn lại chuyện cũ để biết làm chuyện mới. Nói cho gọn là "rút kinh nghiệm" đó mà.

Vào mỗi cuối năm, từng tập thể, từng cá nhân có tập tục tốt đẹp là tổng kết lại một năm qua và đề ra kế hoạch cho năm mới. Và năm mới chỉ có thể thành công dựa trên những nền tảng (cả những thành quả lẫn những kinh nghiệm) của năm cũ.

Có điều hỗng giống ai là dịp cuối năm đầu tiên kết nối lại được với nhau, bà con Gia đình THKT mình lại không ôn cố tri tân như thiên hạ mà hè nhau đi vọng cố nhân. Chẳng lẽ phiên bản 2010 ôn cố tri tân của THKT là "ôn cố nhân, tri tân nhân"?

Thiệt tình, ai chẳng có cố nhân để nhớ. Chí ít cũng một người. Đó là chưa kể các bậc "nguyên soái tình trường" có danh sách cố nhân dài sọc như sớ Táo quân: A Lìn, sà-rông, răng khểnh, môi vều,... chỉ nghe liệt kê thôi cũng biết cuộc đời ốm o triền miên. Chỉ có kẻ bạc tình, có trăng quên đèn mới không nhớ cố nhân. Nhưng vọng thì cũng có ba bảy đường vọng. Vọng sao cho vui cửa, êm nhà mới đáng là THKT chân nhân! Chữ "vọng" còn cặp kè với chữ "tưởng" thành "vọng tưởng" những chuyện hão huyền, viễn vông. Bởi vậy mới cần tới câu:
Cố nhân là của ngày xưa
Vọng thì cứ vọng, nhưng chừa tưởng ra!

Thôi thì hãy làm theo cái nghĩa tích cực của "ôn cố nhân, tri tân nhân" là rút kinh nghiệm (ôn) với người xưa mà biết (tri) xử sao cho tốt đẹp với người nay!

Gia đình THKT mình chỉ toàn là những hảo hán, những anh thư giàu tình cảm và tình nghĩa, bởi nếu thiếu hai cái chữ "tình" này thì chúng ta đâu thể xúm xít quây quần bên nhau, bất chấp không gian và thời gian, như thế này!

KIẾN MZ bình "loạn"
 
 
 
 
 
Ăn

Một cuộc thi ăn. Nguồn minh họa: Internet.

Thầy Đỗ Xanh ở Elk Grove mới chuyển cho Kiến MZ một thắc mắc đầy cắc cớ mới của Người Ngây Thơ. “Không hỏi về ý nghĩa của từ ngữ mà hỏi về tâm lý được không? Số là ai cũng biết chữ "ăn" nghĩa là ăn. Nhưng tại sao người ta lại nói là: ăn ảnh, ăn tiền, ăn mảnh, ăn cái khỉ mốc, ăn bẩn... và còn nhiều nữa?”

Có lẽ cái ngữ cảnh của cái động từ “ăn” này nó same same với cái cụm từ “Ngây thơ vô số tội”.

Hình như ngoại trừ cái thuật ngữ “ăn ảnh” (chụp ảnh lên hình rất đẹp, mà tiếng Mỹ bồi gọi là “eat photos”, tiếng Pháp con sen là “manger les photo”) ra, thì mấy cái từ “ăn” kia hàm ý tiêu cực, có nghĩa xấu. Riêng “ăn tiền” thì thuộc loại “pêđê”, vì có cả nghĩa tốt (cái lọ hoa này thiệt là ăn tiền) lẫn nghĩa xấu (làm cái gì hắn cũng muốn ăn tiền).  

Động từ “ăn” trong mấy cái cụm từ xấu xí này chỉ có nghĩa bóng, dùng để chỉ cái hành động vơ vét, tư lợi, tư túi,… với cái ý nghĩa chung “ăn trên đầu trên cổ thiên hạ” (như “ăn mảnh”, “ăn bẩn”,…) hay “bị thiệt thòi” và “bị gánh chịu” (như “ăn cái khỉ mốc”, “ăn cái giải gì”, “ăn đòn”,...). Nó còn có một biến cách là “nuốt”.

“Ăn” cũng còn được xài trong những hành động bạo lực như “ăn đòn”, “ăn tát”, “ăn đá”,...

Ngay cả trong thành ngữ tục ngữ cũng có những câu như: “thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ”.

Để thể hiện sự bất bình, phản đối của người bị buộc phải cho “ăn”, người ta thường dằn dỗi: “ăn dộng gì thì ăn dộng đi”.

Bởi vậy mới có thơ rằng:
Ăn thì ba bảy đường ăn,
Ta cười, kẻ mếu thì ăn giống gì?

KIẾN MZ bình "loạn"
 
 
 
 
 
Độc thân

Nguồn minh họa: Internet.

Vì sao độc thân xưa nay không hề là một “sự lựa chọn tất yếu” của bất cứ giống loài nào? Vì sao người bình thường nói chung là hỗng khoái sống độc thân?

Độc thân là từ Hán Việt để chỉ người sống một thân một mình, sống mình ên, không phải là cô độc, mà là hỗng chịu lấy vợ, lấy chồng. Người Mỹ gọi là “single” (nó khác với “alone” có nghĩa là sống một mình).

Độc thân có thể là một sự lựa chọn cá nhân của ai đó mà ta cần tôn trọng.
Nhưng độc thân cũng có ba bảy đường.

“Độc thân một mình” là độc thân chánh hiệu con nai vàng.

“Độc thân nhiều mình” là kẻ có họ hàng với gã Don Juan.

Độc thân là hậu quả của việc hồi còn “mơn mởn xuân thì” mình làm “cao giá” (có khi biện minh rằng “cao số”).

Độc thân là bởi “ế độ”, đợi tới già háp mà hỗng có ai chịu rước!

Bên cạnh đó, nhiều người hỗng khoái độc thân bởi… tự ái. Độc thân trong tiếng Hán còn có nghĩa là “con khỉ một mình”. Không “nổi sảy” sao được khi mình đường đường một “đống” mà bị thiên hạ xách mé gọi là cái con “nhảy nhót trên cây”, nhăn răng khọt khẹt chọc cười bá tánh. Trong gia phả nhà họ khỉ xưa nay chỉ nghe có một mình Tề Thiên Đại Thánh là có danh giá. Còn lại thì toàn là một đám khỉ… múa gậy. Chưa kể có khi độc thân còn bị coi là cái loài “khỉ độc”, chuyên làm hại người ta.

Về khía cạnh tài chính, độc thân ở Mỹ bị đánh thuế thu nhập cá nhân "tơi tả" hơn người có vợ chồng. Xin mời tham khảo biểu thuế của cơ quan thuế nhà nước Mỹ.

Độc thân chánh hiệu chỉ là thiểu số. Còn độc thân giả tưởng thì mới là đa số người. Bởi có ai có vợ có chồng mà lại không có những lúc mơ tưởng mình vẫn còn… độc thân! Mà "mơ tưởng" thì được xá tội, còn "tưởng bở" mới là oan khiên!
 
KIẾN MZ bình "loạn"
 
 
 
 
 
Ngưỡng mộ

Từ điển tiếng Việt giải thích rằng: ngưỡng mộ là “khâm phục, tôn kính, lấy làm gương để noi theo”.

Ngưỡng mộ được ghép từ hai từ Hán Việt. Ngưỡng: ngước lên. Mộ: yêu mến.

Nhưng chớ có tươm tướp mà sướng cái bụng khi được ai đó nói rằng họ “ngưỡng mộ” bạn. Trong ngữ cảnh này, coi chừng bạn bị trù ẻo… chết đó. Ngưỡng: thấy. Mộ: mồ. Vậy, “ngưỡng mộ” còn là “thấy nấm mồ” của bạn đó!

Bởi lẽ đó, mình là người Việt thì chỉ nên xài ngôn ngữ Việt. Nếu cảm thấy “khoái” Kiến MZ thì cứ việc nói là mình “khoái”. Xin đừng bao giờ “ngưỡng mộ” Kiến MZ nhé!

KIẾN MZ bình "loạn"
 
 
 
 
 
Đa tạ

Khi cảm ơn nhau một cách trang trọng, người ta thường dùng chữ “Đa tạ!”. Đó là một từ Hán Việt, mà “đa” là nhiều, “tạ” là cảm ơn. Vậy “đa tạ” là “cảm ơn nhiều lắm”. Nó tương tự như trong tiếng Anh, ta nói: “Thank you very much”.

Nhưng cái mà, Kiến MZ là người Việt gốc… tràm. “Tạ” được người Việt dùng để chỉ trọng lượng “100kg”. Bởi vậy, trong bụng vẫn khoái “đa tấn” hơn “đa tạ”.

Mổ xẻ cái từ “đa tạ”, Kiến MZ ngộ ra rằng: phải chăng “đa tạ” xuất phát từ một thực tế cuộc sống là:
Cám ơn phải có cái chi
Cám ơn suông có khác gì... cám heo!


Bởi hai tiếng “cảm ơn” bằng lời nói nhẹ tựa bông gòn, nên biết nói bao nhiêu câu cho nặng đủ một tạ, huống chi tới “nhiều tạ”, người ta bèn nghĩ cách quy đổi tiếng “cảm ơn” thành vật chất có trọng lượng. Cái đó gọi là “quà cáp”. Vì lẽ đó, bây giờ, người ta thường quen cảm ơn một cách rất “nặng tay”. Mức độ của sự “cảm ơn” được đo và tỷ lệ thuận với trọng lượng của quà cáp. Rồi theo sự phát triển của mức sống, cái khái niệm “trọng lượng” và “nặng tay” được hiểu với nghĩa “giá trị”. Tới lúc này, người cảm ơn không gói quà cáp bằng giấy bông giấy hoa nữa mà bằng những chiếc phong bì. “Trọng lượng” của chiếc phong bì đó được định lượng bằng “tổng giá trị thị trường” của những gì chứa trong đó, chớ không chỉ phụ thuộc vào độ dày mỏng.

Minh họa: Internet.

Kiến MZ lòng dặn lòng chớ bao giờ để mình đem lòng mê cái sự "đa tạ". Kiến MZ chỉ bày tỏ với người giúp mình, làm ơn cho mình những lời "cảm ơn" từ tận đáy tim mình.
 
KIẾN MZ bình "loạn"
 
 
 
 
 
Buồn cười

Minh họa: Internet.

Ngạc nhiên chưa ngôn ngữ Việt! Đã buồn mà lại còn cười được. Có mà tưng tửng, man man.

Thật ra, “buồn cười” là cách nói của người miền Bắc tương tự như “mắc cười” ở miền Nam. “Buồn” là một cảm giác bứt rứt, ngứa ngáy, cục cựa, muốn thực hiện một hành động nào đó của cơ thể. Người miền Bắc còn dùng từ “buồn” tương tự như “nhột” ở miền Nam.

Nhưng rốt cuộc, buồn thì có thể và có nên cười không? Nên quá đi chớ. Càng buồn gắt, ta càng phải tìm cách để cười cho đã, cho quên đi nỗi buồn. Đó là lý do khi tâm trạng buồn bực, căng thẳng, người ta đi xem phim hài, kịch hài. Chớ nếu đã buồn mà còn đi coi bi kịch nữa thì chắc có nước bị tống tiễn ra… Bình Hưng Hòa!

Coi truyện lịch sử, truyện giang hồ, ta thấy các anh hùng hào kiệt trước khi bị kẻ thù hành quyết thường bật cười hào sảng, cười ha hả, cười bất khuất. Người ta trước khi chết mà còn cười được thì huống hồ chi mình mới chỉ buồn một chút lại không thể cười được.

Đúng là chuyện này buồn cười thiệt hé!

KIẾN MZ bình "loạn"
 
 
 
 
 
"Run" và "rung"
Minh họa: Internet.

Chỉ khác nhau có cái đuôi “g” mà hai chữ “run” và “rung” đã ở hai đầu cách biệt.

Xét về cơ bản, “run” chỉ một phản ứng của động vật, còn “rung” là một trạng thái của “tĩnh vật”. Một con chim run rẩy, một căn nhà rung động.

Trong khi không thể sử dụng “run” cho tĩnh vật, người ta vẫn có thể sử dụng “rung” cho động vật, cụ thể ở đây là con người. Lúc này, “run” là một trạng thái vật lý, còn “rung” là một trạng thái tâm lý. Thân thể run rẩy, tâm hồn rung động. Ngay cả ở cái hành động “rung đùi” cũng là thể hiện cái tâm trạng đắc ý, hả hê. Ở đây ta không thèm bàn tới “rung” với vai trò một tác động đối với một cái gì đó bên ngoài (như rung chuông, rung cây nhát khỉ,…)

Người ta “run” khi cảm thấy bất an, sợ hãi hay thể xác và tinh thần bị suy yếu tới mức kiệt quệ (đói run, lạnh run, già yếu run lẩy bẩy,...). Nói tóm lại, "run" là khi con người bị bất ổn. Còn người ta “rung” lúc cảm xúc trào dâng. Đó là “rung động”, kể cả "rung đùi". Cái nghiệt ngã ở đây cũng tương tự như “chữ tài liền với chữ tai một vần” (Truyện Kiều), “rung động” khi cảm xúc đẹp, lãng mạn, nhưng chỉ cần thêm dấu sắc thành “rúng động” là rơi vào tâm trạng bàng hoàng, kinh sợ.

Thường thì “rung” đi trước, “run” theo sau. Anh chàng đi từ chỗ “rung động” trước một cô gái mới gặp phát triển dần tới chỗ “run rẩy” tỏ tình. Cũng có ông “năm bó”, “sáu bó” dạn dày tình trường chớ hề “run rẩy” khi tỏ tình, nhưng vẫn “run rẩy” trước “cơm” khi xé rào “rung động” với “phở”.

Còn trong trường hợp "run" đi trước thì cầm chắc là do người đó có "tà ý" - tâm bất an, xác rục rịch. Ai biểu chưa chi, mới ngó thấy cô nàng là đã "run rẩy" rồi.

Đó là chuyện tiếng Việt nhà mình. Còn “run” và “rung” trong tiếng Anh hay Anh – Việt đề huề thì sao?

Trong tiếng Anh, “run” là động từ “chạy”, còn “rung” là quá khứ phân từ của động từ “ring” (rung chuông, chuông reo,…). Ta thử kết hợp chúng lại và tán hén. Khi “gấu mẹ vĩ đại” ở nhà, ông anh nhà ta đã phải “run” (tiếng Anh, chạy) mất dép hay “run rẩy” (tiếng Việt) như cầy sấy khi điện thoại “rung” (tiếng Anh, reng chuông) hay “rung” (tiếng Việt, khi bật chế độ “bí mật”) mà nhác thấy người gọi là… “gấu yêu”. Xin nói rõ, ở đây chỉ là tán cho vui, không hề có ý “ám chỉ” quý ông THKT nhà mình ở xứ người nghen. Hồn ai nấy giữ mà!

Ngay cả trong cái thành ngữ "hit and run" nữa. Người Việt mình có thể hiểu "đụng" (hit) rồi "chạy" (run), hay "đụng" rồi "run"; hoặc "hít" ai đó rồi "chạy" hay "hít" mà "run". Hít ở đây có hai nghĩa "hun hít" và "ngửi". (Ừ, xin tạt ngang một chút, có ai "hun" mà hỗng tranh thủ "hít" hay không ta? Thực tế, hun mà không hít thì khó lòng đạt tới cái cảm xúc "rung động", thường là bởi "run rẩy" mà quên béng cái vụ hít).
 
KIẾN MZ bình "loạn"
 
 
 
 
 
Từ "đá lông nheo" tới "bồ đá"

Minh họa: Internet.

Đã có đá banh, đá cầu, đá cá,… thì chớ nên ngạc nhiên khi có “đá lông nheo” – một trong những loại hình “đá người”. Đá lông nheo diễn ra giữa hai người khác phái của hầu hết nhân loại (sở dĩ nói “hầu hết” là vì vẫn còn một thiểu số “xăng pha nhớt” hay người Tây gọi là ladyboy, còn người Thái kêu là kathoey).

Mà cái chuyện “đá mắt” này là cái gien di truyền do ông bà ta từ nhiều đời trước truyền lại cho con cháu à nghen. Từ lâu lâu lắm rồi, văn chương thi phú nhạc họa đều tốn biết bao giấy mực cho cái vụ “liếc mắt đưa tình”.

Ta thử làm một vòng Thi đàn nhé.

Thi sĩ Đinh Hùng say sưa nói nhiều về đôi mắt:
Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn tôi không nói năng...

(Tự tình dưới hoa)

Nuớc buồn cũng bởi mắt em xanh
Hồ biển rưng rưng biếc mấy thành?...

(Nụ cười thương nhớ)

Tôi nhìn cặp mắt trong xanh ấy
Để thấy hồn tôi trong mắt xanh.

(Hương)

Ngay cả nhà thơ “đạo sĩ” Phạm Thiên Thư khi xuống núi cũng phải thốt lên:
Mắt em không chấn song
Mà cầm gian Nhật Nguyệt

(Mắt xanh)

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cho Từ Hải tới tận thanh lâu hỏi Thúy Kiều:
Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?


Bích Khê “máu lửa” hơn khi tả:
Ôi! cặp mắt của người trong tơ ngọc
Sáng như gươm và chấp chóa kim cương!
Mỗi cái ngó là một vì sao mọc!
Mỗi liếc yêu là phảng phất mùi hương.
Hai mắt ấy chói hào quang sáng ngợp
Dẫn hồn ta vào thế giới thiêng liêng.

(Cặp mắt)

Tế Hanh từng dằn dỗi khi bị người trong mộng quăng cục lơ:
Anh tưởng chỉ cần trông thấy thôi
Là em hiểu rõ lòng anh rồi.
Mối tình chan chứa trong đôi mắt,
Anh biết làm sao nói những lời…

(Hờ hững)

Nguyễn Bính thì ám ảnh bởi đôi mắt nhung tới mức tình nguyện làm nô lệ cho nó:
Phải chăng tôi đã yêu rồi?
Hồn xin quỳ dưới mắt người từ đây
Đêm qua buồn quá tôi say
Đã mơ một giấc mơ đầy mắt nhung!

(Mắt nhung)

Không chỉ tương tư màu áo của người ta, Nguyên Sa còn tơ tưởng đôi mắt:
Em tìm âu yếm trong đôi mắt
Thấy cả vô cùng dưới đáy sông

(Em gầy như liễu trong thơ cổ)

Trong khi đó, nhà thơ “con nai vàng ngơ ngác” Lưu Trọng Lư thấy coi mòi lãng mạn chưa chắc cú bèn giở cái chiêu hơi bị “tàn nhẫn” – “móc mắt” người tình làm của riêng:
Mắt em là một dòng sông
Thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em.

Phép gì khỏi nhớ đừng trông
Mắt em bỏ túi, vắng lòng đem soi.

(Đôi mắt)

Không chỉ có các ngài tao nhân mặc khách, dân gian ta cũng có câu ca dao:
Trời sinh con mắt là gương
Người ghét ít ngó, người thương ngó hoài


Đó đó, khi có tình ý với ai, người ta thường có “ám hiệu” bằng cái nháy mắt, nheo nheo mắt; riêng mấy cô thì khi cảm xúc trào dâng trước người ấy thường cứ chớp chớp mắt lia lịa giống như bị bụi rơi vô mắt. Đó là “đá lông nheo” chớ còn gì. Mà đá nhiều thì trách sao lông nheo không bị rơi rụng.

Nhà thơ Đoàn Thị Tảo viết trong bài thơ “Cho một ngày chị sinh” để tặng chị mình là nhà văn Đoàn Lê (sau này được Trọng Đài phổ nhạc thành bài "Chị tôi"):
Thế là chị ơi
Rụng bông gạo đỏ

Còn ở đây, Kiến MZ học đòi mà cảm thán rằng:
Thế là em ơi
Rụng lông nheo rồi…


Rồi khi đạt tới level “cao cao bên cửa sổ, có hai người… kiss nhau” thì lúc ấy môi chạm môi, mũi quẹt mũi, mắt đụng mắt, lông nheo quện lông nheo lại rụng mất mấy sợi lông nheo nữa. Vậy là người ta càng yêu nhau nhiều, càng bị rụng lông nheo nhiều. Nói theo ngôn ngữ toán học, số lượng lông nheo rụng tỷ lệ thuận với cường độ tình yêu. Hay nói theo ngôn ngữ văn chương, “lông nheo là bằng chứng của tình yêu”. Mà hễ rụng nhiều thì phải cấy bù. Đó là lý do mà các cô đang yêu thường phải đi tới mỹ viện cấy hay gắn lông mi giả.

Giờ sang cái vụ vì sao bồ đá lại đau như bò đá? Chính xác là “đau hơn” chớ hỗng phải “đau như” đâu. Bò đá bất quá là đau cái thể xác bên ngoài, nhất là cái… bàn tọa, chịu khó về dán salonpas mấy bữa là êm. Còn bồ đá thì cú nào trúng phóc ngay tận tim cú đó, biểu sao mà không đau thấu tâm can cho đặng. Bồ đá còn đụng tới cả cái sĩ diện, cái niềm kiêu hãnh của giống đực, vốn tự kiêu là mình là giống chuyên đi chinh phục, sát phạt quần hồng (xin đừng lầm với “quần hùng”).

Nếu xét về mối quan hệ giữa “đá lông nheo” và “bồ đá” thì cái sau là hệ quả của cái trước – một cái kết hỗng phải happy end.
 
KIẾN MZ bình "loạn"
 
 
 
 
 
Chọc, ghẹo, chọc ghẹo, ghẹo chọc
Cả 4 chữ chọc, ghẹo, chọc ghẹo, ghẹo chọc đều mang ý nghĩa “lành mạnh” là đùa vui nhau.

Minh họa: Internet.

Chọc mang ý nghĩa đùa cợt nhau, phá nhau (như nghĩa của từ “trêu” ở miền bắc). “Thằng A bị lũ bạn học chọc hoài về cái tật mít ướt.”

Ghẹo thì ngoài ý nghĩa tương tự như “chọc”, còn có thể mang một nghĩa “romantic” nữa là “tán…gái”. “Bọn con trai Khu Thành Công khoái ghẹo mấy đứa con gái Khu Nhà thờ.” Khi nũng nịu thì cái chữ “ghẹo” được biến âm thành “dẹo”. “Cô ơi, bạn N nó dẹo em kìa.”

Khi kết hợp cả hai chữ “chọc” và “ghẹo” thành “chọc ghẹo” hay “ghẹo chọc”, cường độ của “hành vi” không hề tăng “double” mà ngược lại còn được làm cho mềm đi, nhẹ đi. Nó chung chung hơn. Và “chọc ghẹo” trở thành “trung tính”, không còn mang ý nghĩa “romantic” nữa.

Chọc ghẹo “lành mạnh” phải xuất phát từ cái tâm hướng thiện và dựa trên nền tảng tình thương mến thương nhau. Chọc ghẹo cho nhau vui, tăng thêm tình thân ái, để lại những kỷ niệm mai sau còn nhớ. Chọc ghẹo "lành mạnh" có mục đích duy nhất là cho tất cả đều vui, và làm cho người được chọc ghẹo thêm "đáng yêu" hơn. Dứt khoát đó không phải là kiểu chọc ghẹo khiến cho người khác (cả người bị chọc ghẹo lẫn đệ tam nhân) bị tổn thương và trở nên "đáng thương".

Tất nhiên, phàm thì là mà rằng trên đời này hành động nào cũng phải có liều lượng, giới hạn. Quá đáng thì mất vui, gây mất đoàn kết nội bộ, thậm chí tệ hại nhất là “đôi ngã chia ly”. Quá đáng ở đây có hai lẽ: Một là, quá liều lượng, vượt qua khả năng chịu đựng của người được (hỗng phải bị) chọc ghẹo. Hai là, thiếu ý tứ, mà bà con Nam bộ gọi là “vô duyên… thúi!”

Ngoài ra, cũng hên xui thôi. Cùng một cái tổ ong, nhưng có khi, có người chọc vào chỗ “cát” thì tha hồ nếm mật ngọt; còn có lúc, có kẻ chọc phải chỗ “hung” thì bị đám ong túa ra chích cho tới mức mẹ ruột cũng không còn nhận ra nổi mặt mày thằng con cưng.

Cứ coi các thành viên “năm bó”, “sáu bó” có giác của Từ đường THKT chọc ghẹo nhau thì hiểu ngay mà. Hỗng trách mà có không ít bà con khai thiệt, hễ vô Từ đường là cười đau bụng. Mà cười được thì có nghĩa là lòng vui, tâm trạng thư thái, suy ra sẽ thêm yêu đời, thêm khỏe ra, thêm sống lâu hơn. Mà Từ đường nhà mình hoàn toàn “free” cái khoản thuốc bổ cười này. Ai cần xài bao nhiêu, cứ thoải mái mà lấy, thậm chí lấy nhiều còn được “bonus” nữa.

KIẾN MZ bình "loạn"
 
 
 
 
Bất hiếu
 
Mùa nắng nóng người ta dễ tìm tới cái món gọi là "bất hiếu". Hỗng lẽ do nóng quá người ta dễ nổi quạu, nổi điên, tới mức cha mình mà cũng "vũ tử" (biến thể từ "vũ phu")? Tội bất hiếu đó đáng để lãnh "cầu đầu trảm".
Còn ở đây, "bất hiếu" đã lắm. Giữa cơn nắng nóng, cháy khát cả cổ mà có một ly đá chanh thì còn gì bằng! Mà "đá chanh" lại là nói lái của "đánh cha". Đánh cha đích thị là bất hiếu rồi còn gì!
 

Bún Xiêm Lo


Hôm rồi thầy Đỗ Hiền Triết chuyển cho Kiến Bình “loạn” thắc mắc của Người Ngây Thơ về món bún Xiêm Lo mà thầy Ngô Nguyên Trái của mình mở quán kinh doanh sau một lần được học trò ở Mộc Hóa dẫn đi “cháp” món này.
Mới nghe cái tên bún Xiêm Lo thì người từng ăn sẽ nghe thoang thoảng đâu đây mùi bún rất đặc trưng của nó, còn người chưa ăn thì nghĩ ngay đây là một món ẩm thực Khmer.
Nhiều người cho đây là một món hợp tấu Việt – Khmer. “Xác” là canh rau tập tàng Nam bộ. Còn “hồn” là bún nước lèo.
Thật ra, đây là một loại canh ăn với bún. Nó giống như canh cà chua với thịt nạc heo băm vo viên chan vào bún gọi là bún mọc. Canh Xiêm Lo ăn với bún thành ra bún Xiêm Lo.
Trong một bài viết về bún Xiêm Lo trên báo Thanh Niên có nói: “Nhiều trưởng lão ở Sóc Trăng cho rằng Xiêm Lo là tác phẩm của cuộc phối ngẫu giữa anh chồng người Việt và vợ Khmer kén ăn. Bởi ban đầu, nguyên liệu nấu canh này là cá đồng (cá lóc hoặc lươn), tép bạc. Mắm nêm canh là bù-hốc, được làm bằng cá tạp loại nhỏ: sặc, rô, cửng, tốp…Rau nấu canh là bầu non hoặc rau ngổ. Nghe qua, chắc không ít bạn nghi ngại vì canh này "ô hợp" quá. Song chẳng phải vậy. Món này có mùi thơm độc đáo lắm. Đó là kết quả của sự cộng hưởng, thăng hoa của củ sả đập giập, thính gạo nếp và mắm bù-hốc đã khử tanh bằng dầu (mỡ) gia thêm tỏi, ớt. Và vị ngọt cũng thế, đó là sự giao hưởng giữa chất đạm cá đồng, tép tươi với đạm của mắm.”
Nhưng đó là Xiêm Lo của các chuyên gia ẩm thực.
Còn với Kiến Bình “loạn”, khác à nghen.
Cái tên Xiêm Lo cho thấy một sự tự tin vào chất lượng, đồng thời đe dọa, hăm he đối thủ cạnh tranh. Nó hàm ý, món bún này ngon tới mức mà người Xiêm (tức láng giềng Thái Lan) phải lo lắng. Người Thái vốn nổi tiếng với món canh lẩu Thái vừa chua té… nước miếng, vừa cay chảy nước mắt, nước mũi. Đối thủ của nó chính là bún Xiêm Lo.
Tuy nhiên, đó là lý lẽ của những ai nặng nợ với bà con Khmer, từng tơ tưởng một tấm Xà-rông quấn trên mình một nàng Khmer họ Thạch. Còn với những ai thường xuyên lai vãng tới Pattaya mải mê ngắm nhìn mấy nường Kathoey (tên gọi của giới tính thứ ba ở Thailand) chuyển đổi giới tính thì ắt hiểu theo một hướng ngược lại 180 độ. Bún Xiêm Lo có nghĩa là bún dở ẹt tới mức người Xiêm phải lo rằng nó sẽ bị ế nhề ế nhệ.
Chẳng biết ai đúng ai sai, nhưng khi sực nhớ tới chủ quán bún Xiêm Lo Thạch Xà-rông là ngài Ngô Vàng, ta không khỏi nơm nớp lo sợ. Bậc thầy “ma-kết-tinh” (ma kết hợp với tinh thành quỷ) này lừng danh là người đụng cái gì ế cái nấy. Chán món bắp gia truyền, ngài chuyển sang bán cà chua – thành cà chua ế, bán gừng – thành gừng dội khẩu, nay vừa mới quấn xà-rông mở quán bún Xiêm Lo được mấy bữa lại rắp ranh dòm ngó tới món thuốc đông y Đả Hoài Hương Đặc Dược. Hèn gì mà lâu lâu ghé qua lại thấy ngài Ngô Vàng ngồi giữa đám ruộng ngô mà cạp bắp!
 

Cá mú
 
Thầy Đỗ Hiền triết vừa chuyển tới Kiến MZ thắc mắc của Người Thắc Mắc về từ "cá mú".
1. Cá mú là tên một loài cá nước mặn, sống ở các vùng biển nhiệt đới và á nhiệt đới, tập trung nhiều ở Thái Bình Dương. Họ cá mú còn có tên khác là họ cá song (tên khoa học Serranidae). Việt Nam có tới 30 loài cá mú. Cá mú thuộc nhóm cá dữ, ăn mồi động vật sống. Cá mú khổng lồ có thể nặng tới 20kg hoặc hơn. (Xin click vào đây để chiêm ngưỡng dung nhan loài cá mú đỏ). Cá mú luôn là loại cá được ưa chuộng hàng đầu trong các loài cá biển vì thịt trắng, ngọt, dai, thơm ngon. Ở nhà hàng, người ta chuộng loại cá mú trên dưới 1kg cho vừa ăn. (Xin click vào đây để thưởng thức mòn cá mú hấp).
2. Có lẽ do quá được "ngưỡng mộ" bởi cái tính "hẩu xực" mà từ cá mú còn được dùng làm danh từ chung chỉ các loại cá. Như người ta nói: "thịt thà cá mú".
3. Những người đi biển, nghề sông nước, kiêng cữ gọi chính tên của một vài loài cá. Như cá voi, cá ông được gọi là ngài hay ông. Như vậy, "cá mú" có thể là cách gọi kị húy của "cá mập", vì "mú" còn có nghĩa là mập, to con.
4. Nếu từ "cá mú" được phát ra từ cửa miệng của những chuyên gia nói lái như bạn Lê Ngọc Điền nhà mình, thì bạn phải cẩn trọng. Bởi có thể nó không phải là loài động vật dưới nước mà lại là một con "chim cái". "Cá mú" được đọc lái từ "cú má" = "cú mẹ" => "chim cái".
5. Cũng kiểu nói lái, "cá mú" là kết quả của cách nói vừa lái, vừa lẹo (miệng) của "má cú" = "má cứu", để diễn tả một chuyện vô phương cứu chữa, chỉ thua 'trời cứu" thôi. Thí dụ: "Cá mú mày rồi đó con ơi!" có thể hiểu là "Má cứu mày rồi đó con ơi!".
6. Khi nghe dân cá độ bóng đá nói với nhau, từ "cá mú" có thể có nghĩa là "bắt cá đội MU". (MU: Manchester United).
7. Bọn tội phạm có thể dùng từ lóng "cá mú" để báo là "không có công an". "CA", viết tắt của "công an", thường bị gọi là "cá". "Mú" còn có nghĩa là "không", "hết sạch".
8. Mặc dù "mú" còn có nghĩa là mập, nhưng "gái mú" không hề có nghĩa là "gái mập". Từ lóng (slang) "gái mú" này được dùng để chỉ cái vụ "gái trai" của dân ăn chơi. Nó cũng đồng nghĩa với "gái gú".
9. ... Hình như Kiến MZ hơi bị quởn đó nghen!
 

Các thầy
 
Ngồi đọc đi đọc lại các trang viết trên Web THKT sao mà thắm đậm tình nghĩa thầy trò quá chừng. Nhưng tôi bỗng giựt mình, run rẩy khi phát hiện một "chi tiết chết người". Đó là khi mọi người dùng cách xưng hô "các thầy" coi rất trang trọng, tôn kính nhưng lại quên đi mất tiêu rằng "các thầy" còn là cách nói lái của "cầy thác", mà "cầy thác" có nghĩa là "chó chết".
Vì lẽ đó, từ nay xin mọi người hãy dùng cách xưng hô đầy đủ là "các thầy cô" chớ đừng dùng "các thầy" nữa nhé. (NGUYỄN CÔNG PHONG bình "loạn").
 

Chợ búa
 
Cái Người Thắc Mắc lại mới nhờ thầy Đỗ Hiền triết  chuyển tới Kiến MZ thắc mắc về từ "chợ búa".
1. Cứ suy diễn theo cách gọi như chợ cá, chợ thịt,... thì "chợ búa" đơn giản là nơi chuyên bán... búa rồi chứ gì. Tới đây, bạn có thể chạm mặt một khách hàng thường xuyên là Chú Cuội. Chàng ta liên tục mua búa cho bén về chặt mớ cành đa đem bán lấy tiền mua thẻ cào gọi điện "tám" với chị Hằng Nga.
2. Nhưng thông dụng nhất là "chợ búa" được dùng để chỉ công việc buôn bán nói chung ở chợ. "Đi chợ búa kiếm chút tiền độ nhật." Khi nói tới những người sống ở chợ, buôn bán ở chợ, người ta chỉ gọi là "dân chợ"; còn nếu thêm từ "búa" thành "dân chợ búa" thì lại mang nghĩa xấu; kêu lạng quạng có thể bị chém bằng búa!
Còn vì sao lại gọi là "chợ búa", thì theo tài liệu gia truyền khai quật được dưới những tảng đá Núi Đất, hồi xưa, người bán hàng ở chợ không "chém" người mua hàng bằng dao (đặc biệt là dao cạo) như hiện nay, mà thường dùng búa. Vì thế, bên quầy tính tiền, người ta không treo thẻ môn bài mà lủng lẳng những cây búa luôn được mài bén ngót. Từ đó chợ được gọi là "chợ búa". 
 

Dao động
 
Trong bất cứ tình huống nào, dù thật nguy kịch, ta cũng không được dao động. Bởi dao động đồng nghĩa với thất bại, với tiêu đời.
Dao dộng là một cách nói tắt của "động dao, động thớt". Nghĩa là chuẩn bị ra tay dùng dao mà hạ thủ. Không chết cũng bị thương là cái chắc!
 

Đại nhân
 
Bà con ta, nhất là từ khi rộ lên phong trào phim bộ chưởng Hồng Kông, dùng cái danh xưng chữ Hán này để gọi các bậc trưởng thượng, những người quyền cao, chức trọng, đáng tôn kính.
Theo ngữ nghĩa này thì toàn thể Gia đình THKT đều là các đại nhân, vì đều đã ở vào cái độ tuổi mà người đời phải tôn kính (...và chuẩn bị... tôn thờ).
Nhưng nếu coi đây là một từ Hán Việt giao duyên thì "đại nhân" còn có nghĩa là "kẻ chuyên làm đại". Mà suy cho cùng cũng nào có sai. Phàm thì là mà rằng các "đại nhân" quyền cao chức trọng thường dễ lộng quyền tự cho mình có cái quyền "làm đại".
Vì lẽ đó,
1. Khi được ai đó gọi là "đại nhân", ta chớ tự đắc, coi chừng mình bị hắn "chửi" là "kẻ chuyên làm đại, làm bậy".
2. Khi được xưng tụng là "đại nhân" theo nghĩa tích cực, ta phải tự dặn lòng mình rằng: hãy luôn cẩn trọng, đừng có "làm đại".

Đạo sĩ
 
Thầy Đỗ Ngọc Trang từ Elk Grove chuyển thắc mắc của Người Ngây Thơ hỏi về "đạo sĩ".
 
Theo Việt Nam Từ điển Khai Trí Tiến Đức, đạo sĩ là người theo đạo thần tiên của Lão giáo. Nói nôm na là người tu tiên giữa cõi nhân trần. Cái này coi bộ là cái "ám ảnh" đạo sĩ của thầy Nguyễn Văn Hòa. Khác với "thiền sĩ" Đỗ Xanh trốn Nước Biếc Phu nhân ra động Đình Hồ ngồi nhập thiền một mình thoát tục, "đạo sĩ" Hòa Guitar ngồi tựa vào Nước Ngọc Phu nhân gảy đàn tình tang mà tu tiên. Nhưng coi chừng có người vịn cớ mần "đạo sĩ" để né việc nhà, có ông nại cớ để trốn việc chồng! Thiện tai, thiện tai!
 
Nói chung, đạo sĩ là những người tu hành của các giáo phái, khác với tu sĩ là nhà tu hành của các tôn giáo. Đạo sĩ có thể có bùa phép, và điều hấp dẫn nhất là có thể có đạo sĩ chồng, đạo sĩ vợ, đạo sĩ con, đạo sĩ cháu,...
 
 
Người ta cũng thường dùng danh xưng "đạo" cho những người có hành vi, cách sống khác bình thường, khác thiên hạ. Nó gần giống như "dị nhân".
 
Hồi trước 1975 ở Saigon có thời gian rộ lên những ông đạo, bà đạo thuộc loại... "trời thần". Chẳng hạn có một ông bữa nọ hỗng biết ăn trúng thứ gì mà bắt đầu có cách đi đứng kỳ cục là cứ đi 3 bước thì lùi lại 2 bước. Thiên hạ phong cho ông ta ngoại hiệu "đạo Chậm". Bữa nọ, đang di chuyển cà giựt cà tàng kiểu hỗng giống ai ở khu vực công viên Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành, ông ta "mót" quá, chịu không nổi nên "tháo nước trong người" ngay tại chỗ. Khi nhác thấy cảnh sát xách dùi cui chạy tới, ông "đạo" nhà ta hoảng hồn ba chân bốn cẳng bỏ chạy có cờ. Vậy là mất ngoại hiệu "đạo Chậm".
 
Cứ chiếu theo tiền lệ thì mấy vị trong cái gánh xiếc "Đạo Nổ Ngàn Phương" của thầy Đỗ Xanh cũng có thể được gọi là "đạo sĩ". Bởi thiên hạ làm xiếc người, xiếc thú, còn họ chơi khác thường làm xiếc chữ. Họ lại có cái công phu "nổ banh xác" luôn, nổ tới mức Bác Ba Phi sống lại cũng phải bái làm sư phụ! Cứ coi cái công phu "đạo nổ" của thầy Ngô Vàng ắt rõ!
 
Còn trong quân đội, hỗng rõ "đạo sĩ" nằm ở khúc nào trong nhóm hạ sĩ quan: hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ?
 
Giới văn nghệ thì tẩy chay những kẻ bị dán cái mác "đạo sĩ", viết tắt của "đạo chích văn chương". Đó là những kẻ "cầm nhầm" văn thơ của người khác làm của mình.
 

Đâm chuột
 
Ở Mộc Hóa có một món đặc sản là thịt chuột đồng. Bữa nọ, có anh bạn được hỏi: "Mùa hè mỗi ngày ông đi "đâm chuột" mấy lần?" Lâu rồi thiên hạ truy bắt dữ quá, chuột đâu còn nhiều mà ngày nào cũng đi đâm. Bởi vậy, anh bạn trả lời: "Năm bữa nữa tháng mới làm một lần". "Trời thần đất quỷ ui, sao ông ở dơ dữ vậy? Ai mà chịu đời cho nổi! Hôi rình! Thúi hoắc!"
Này nhé, "đâm chuột" tức là "đâm tí". Mà "đâm tí" là nói lái của "đi tắm" đó mà!
 

Giả đò

Đò dọc là đò chạy dọc theo sông, từ địa phương này tới địa phương khác. Thí dụ ngày xưa dân THKT ngồi tắc ráng chạy từ Cai Lậy vô Mộc Hóa.
Đò ngang là đò chở khách từ bờ bên này qua bờ bên kia sông. Thí dụ ngày xưa đi đò dưới chân cầu Cá Rô để từ thị xã Mộc Hóa qua xã Bình Hiệp.
Gọi đò là đứng trên một bờ sông cất tiếng gọi đò đưa mình qua sông. (Nhưng ra Huế, đứng trên bờ sông Hương mà "gọi đò" thì có khi không phải để qua sông mà là ... ra giữa sông!).


Nhưng giả đò thì hỗng phải là đò giả. Nó lại có nghĩa là giả bộ, làm bộ.
Hãy nghe bà Tám kêu thằng con: "Mày giả đò qua nhà cô Chín mượn cái phảng để coi tía mày đang mần cái giống gì ở nhà cỗ mà hễ xổng một cái là tót ngay qua bển."
Tội nghiệp thầy Ngô Nguyên soái, chuyên gia gọi đò của THKT. Thầy đã thắc thỏm, khắc khoải, thống thiết khan cả tiếng, rát cả họng gọi đò hết sớm lại chiều mà cô lái đò năm xưa cứ "giả đò" không nghe!
Đò ngang, đò dọc gọi đò
Trách sao cô lái giả đò không nghe...
 

Hành hương
 
Theo từ điển chính thống, hành hương là ra khỏi nơi mình ở, nơi mình thường sống để đến một nơi linh thiêng nào đó.
Nhưng không chỉ có ý nghĩa tâm linh, hành hương còn là một từ tượng hình, tượng cảnh. Bởi ở các nơi thờ tự, cúng bái, thiên hạ thường đốt hương (nhang) mù mịt. Vì vậy, hành hương còn có nghĩa là "hành hạ mấy cây hương" (đốt lu bù) hay bị "hành hạ bởi hương" (do ngột ngạt mùi khói hương).
 

Hấp hôn
 
Ai cũng biết "hấp" là làm cho nóng lại. Như hấp cơm. Nó na ná như "hâm" (hâm canh). Nhưng "hâm" thì dùng lửa bếp tác động trực tiếp lên xoong chảo, còn "hấp" thì chủ yếu dùng nguồn nhiệt tạo hơi nóng để làm cho vật thể nóng lên. "Hấp" vì thế sẽ "đổ nhiều mô hôi".
Suy ra: "hấp hôn" là làm nóng lại cuộc hôn nhân. Sở dĩ dùng "hấp hôn" hay hơn "hâm hôn", vì chuyện này cần phải "đổ nhiều mồ hôi nước càng tốt" và một lẽ nữa là nó gợi ngay liên tưởng đến từ bà con "hấp hối". Cuộc hôn nhân mà không được làm nóng, giữ nóng liên tục thì dễ dàng đi tới... hấp hối! vậy thì, tùy bạn chọn: hấp hôn hay hấp hối!
 

Ít ly
 
Hôm rồi một số thầy trò THKT về thăm lại Mộc Hóa. Về Đồng Tháp Mười mà không bị đổ rượu mới là chuyện lạ! Nhưng sao mới uống có "ít ly" lại xỉn quắc cần câu vậy cà?
Xét đúng bài bản thì tuy "ít ly", nhưng dân Đồng Tháp Muời chơi toàn ly cối rượu đế, chịu đời sao thấu!
Còn xét về nghĩa tửng từng tưng, "ít ly" là style nói lái của "y lít" đó mà!
Kiểu nào cũng từ chết tới bị thương!
 

Làm thinh
 
- Thầy Ngô Nguyên Soái: Kiến MZ ơi, trong tiếng Việt chúng ta, từ Thinh có nghĩa là Thanh (tiếng động). Nhưng tại sao ngày xưa, nhiều lần tôi đã "làm thanh" với một cô hàng xóm (dung nhan cũng khá đèm đẹp) để được làm quen nàng, nhưng mà rồi nàng lại cứ… "làm thinh"?! Đáng lẽ "làm thinh" đúng nghĩa là nàng phải lên tiếng trả lời “yes” hay “no” cho tôi chứ, đàng này cô nàng làm thinh lại có nghĩa là… nín thinh! Ôi! sau lần đó về nhà nhớ lại, tôi bị.. "buồn ba bốn ngày"! Còn chần chừ chi nữa mà Kiến MZ không bình loạn dùm cái từ ngữ rắc rối, khó hiểu này đi, kẻo không, có người hiểu lầm rồi lại phải bị… "buồn xong vẫn buồn"! Mong Kiến MZ đừng... làm thinh trước khẩn cầu này. Đa tạ.
- Dạ thưa thầy Ngô Nguyên... Trái (dạ xin lỗi, Bắp Nguyên Soái; lại nhầm thầy Ngô Nguyên Soái), đã có lệnh của thầy thì làm sao học trò dám... làm thinh!
Ở đây có 2 kịch bản.
1. "Thinh" có nghĩa là "thanh". Thật may cho thầy Ngô vì ngày đó cô hàng xóm "làm thinh" (với nghĩa là nín thinh). Nếu cô ấy mà "làm thanh" rùm beng lên khắp đầu làng cuối xóm thì thầy chắc ê ẩm cái tấm thân "cá lành canh truyền thống" rồi. Vấn đề ở đây cần phải giải mã là vì sao cô hàng xóm lại "làm thinh" khi thầy Ngô "làm thanh"?
2. "Thinh" theo ngôn ngữ của quý phụ nữ. Các chuyên gia nói rằng phụ nữ thường nói hay làm ngược với những gì lòng mình nghĩ. Thí dụ, "phụ nữ nói có là không, nói không là có". Cô hàng xóm "làm thinh" có nghĩa là đồng tình và nhá đèn xanh "tới luôn bác tài"! Vấn đề ở đây cần phải giải thích là vì sao thầy Ngô Nguyên Soái lại không nhận ra "tín hiệu" của cô hàng xóm?
 

 

Mệt nghỉ
 
Ở đây, mệt nghỉ không có nghĩa là "mệt rồi thì nghỉ". Mệt nghỉ không phải là nghỉ mệt. Mệt nghỉ ở đây hàm nghĩa là vô số tận, nhiều lắm, không hết. Thí dụ: Xài tiền mệt nghỉ. Ăn mệt nghỉ. Khi nghe ông chủ bảo "Làm mệt nghỉ" mà bạn hí hửng rằng "làm tới khi nào mệt thì nghỉ" thì chắc chắn bạn sẽ phải húp cháo vì bị cho nghỉ vĩnh viễn!
 

Nghệ nhân
 
Nghệ nhân là một người khéo tay, khéo chân, đạt tới mức thượng thừa trong một môn nghệ thuật nào đó. Từ điển giải thích như vậy.
Nhưng tìm đỏ con mắt, lục tung cả cái bộ đại từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia cũng không tìm ra ở đâu cắt nghĩa "nghệ nhân" là một thuật ngữ y khoa. Cũng không rõ các bác sĩ trong Phòng mạch THKT đã từng học qua chưa? Thì nè, "nghệ" là màu vàng (vàng như nghệ đó mà), còn "nhân" là người. Nghệ nhân - người màu vàng đích thị là người mắc bệnh gan rồi. Mà đây là giai đoạn hết thuốc chữa à nghen, vì bình thường thì người bệnh gan chỉ vàng hai con mắt thôi, đàng này vàng tới nguyên cả body thì chí nguy rồi.
Vì thế, từ nay, có ai xưng tụng (hay chửi rủa, tùy ngữ cảnh) mình là "nghệ nhân", bạn cũng đừng có quá "ham" mà bị "hố" đó nghen!
 

Nhớ thương
 
Nhớ thương là để xác định cái sự nhớ cồn cào ruột gan này là do “thương quá là thương” mà ra. Tiếng Anh thường dùng động từ “miss”. Nó phân biệt với “nhớ” (remember) là một trạng thái của bộ não để nhắc nhớ, nhớ lại, thí dụ như “nhớ ai để đòi nợ”.
Nhưng nhớ thương cũng có năm bảy đường. Nhớ thương… yêu thì thật ấm lòng, còn nhớ thương… hại thì nhói con tim.
Quả là ba mẹ thật sáng suốt và nhìn xa trông rộng khi đặt tên con gái rượu là Nhớ Thương. Nó hàm nghĩa “nhớ một người tên Thương” hay nhắc nhở “nhớ thương nó với nhé”.

Học Việt văn Trung học, mình từng bình giảng bài ca dao mà nhà phê bình Hoài Thanh đánh giá là “hay nhất Việt Nam”. Nó như vầy:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề.
(Xin click vào đây để nghe bài hát Thương ai, nhớ ai do nhạc sĩ Phạm Duy phát triển từ bài ca dao này).

Kiến MZ có người anh em Kiến Đen hồi THKT từng trồng cây tràm (ở KT hiếm có cây si) với một nàng tên Nhung ở nhà thờ Mộc Hóa. Gã bèn hì hục mần bản nhạc có tên là Nhớ nhung, kết bằng câu xanh dờn: “Nhớ nhung nhiều, trọn đời anh nhớ nhung”. Kiến Đen tính là khi gặp nàng Nhung sẽ “khè” rằng: “Anh nhớ em tới mức làm nhạc nhớ em nè!” - (Nhung, viết hoa). Còn với mấy nàng có tên không hợp để mần thơ, mần nhạc thì gã dụ khị: “Anh nhớ nhung em quá chừng nên mần nhạc nhớ nhung nè!” – (nhung, viết thường). Hỗng biết từ sáng tới giờ gã đang mần cái gì mà gọi điện không nghe máy!
 

Ôn cố tri tân

Ôn cố tri tân là một thành ngữ Hán Việt có nghĩa là ôn lại chuyện cũ để biết làm chuyện mới. Nói cho gọn là "rút kinh nghiệm" đó mà.
Vào mỗi cuối năm, từng tập thể, từng cá nhân có tập tục tốt đẹp là tổng kết lại một năm qua và đề ra kế hoạch cho năm mới. Và năm mới chỉ có thể thành công dựa trên những nền tảng (cả những thành quả lẫn những kinh nghiệm) của năm cũ.
Có điều hỗng giống ai là dịp cuối năm đầu tiên kết nối lại được với nhau, bà con Gia đình THKT mình lại không ôn cố tri tân như thiên hạ mà hè nhau đi vọng cố nhân. Chẳng lẽ phiên bản 2010 ôn cố tri tân của THKT là "ôn cố nhân, tri tân nhân"?
Thiệt tình, ai chẳng có cố nhân để nhớ. Chí ít cũng một người. Đó là chưa kể các bậc "nguyên soái tình trường" có danh sách cố nhân dài sọc như sớ Táo quân: A Lìn, sà-rông, răng khểnh, môi vều,... chỉ nghe liệt kê thôi cũng biết cuộc đời ốm o triền miên. Chỉ có kẻ bạc tình, có trăng quên đèn mới không nhớ cố nhân. Nhưng vọng thì cũng có ba bảy đường vọng. Vọng sao cho vui cửa, êm nhà mới đáng là THKT chân nhân! Chữ "vọng" còn cặp kè với chữ "tưởng" thành "vọng tưởng" những chuyện hão huyền, viễn vông. Bởi vậy mới cần tới câu:
Cố nhân là của ngày xưa
Vọng thì cứ vọng, nhưng chừa tưởng ra!

Thôi thì hãy làm theo cái nghĩa tích cực của "ôn cố nhân, tri tân nhân" là rút kinh nghiệm (ôn) với người xưa mà biết (tri) xử sao cho tốt đẹp với người nay!
Gia đình THKT mình chỉ toàn là những hảo hán, những anh thư giàu tình cảm và tình nghĩa, bởi nếu thiếu hai cái chữ "tình" này thì chúng ta đâu thể xúm xít quây quần bên nhau, bất chấp không gian và thời gian, như thế này!
 

Ông nội... dư

Thú thiệt, lần đầu tiên trong đời Kiến MZ mới được nghe tới cái từ “ông nội dư” do thầy Ngô Nguyên soái xưng danh. Nói theo style của thầy Đỗ Hiền triết thì ở đâu mà “tòi” ra thêm mấy ông nội, bà nội vậy ta?
Hy vọng “ông nội dư” ở đây chỉ có nghĩa như vậy. Đó là có thêm mấy ông nội “ngang hông”, mấy ông nội “khuyến mại” (bonus grandpa), mấy ông nội ăn theo. "Ông nội dư" được ông nội "chân truyền" ban tặng cho bằng hữu có chọn lựa trong buổi trà dư tửu hậu, không có gì phải ràng buộc như "ông nội nuôi".
Riêng với thầy Ngô Vàng thì thầy ấy sắc phong danh xưng "ông nội dư" với tiêu chuẩn không hề dễ xơi như ăn xôi bắp đâu: Cha mình kết giao thâm tình như anh em ruột với người bạn nào đó thì con của mình gọi những người đó là "ông hay bà nội dư". Tình cảm của đứa trẻ hoàn toàn thực sự xem "ông bà nội dư" như là ông bà nội ruột. Và quan trọng nhất là chỉ khi nào những người lớn này xét thấy thực sự họ yêu thương nhau như anh em ruột. Từ "ông bà nội dư" không thể bạ ai cũng gọi được vì "ông bà nội dư" là danh hiệu cao quí, trân trọng của những tấm lòng với tấm lòng. Đây là danh xưng cổ và không được phổ biến lắm nên ít người biết và hiểu.
Chẳng rõ là với số lượng "ông bà nội dư" có thể đông tới cả tiểu đội, trung đội như vậy, liệu có phải lập ra "hội đồng ông bà nội dư" không?
Cũng có điều còn cà ngơ cà ngất: ông nội "chân truyền" gọi là "ông nội ruột", vậy sao anh em kết nghĩa thâm tình với ông nội ruột lại không được gọi luôn là "ông nội ruột dư" cho nó tiện hơn?
Quả thiệt là cháu nội có số đẻ bọc điều nên ngoài ông nội “có sẵn để xài” còn có thêm một mớ “ông nội dư” sơ-cua. Giống như cô cháu Bạch Tuyết có 7 “ông nội” chú lùn. Đó là một loại của dư, của để.
Cầu mong “ông nội dư” ở đây được gọi hỗng phải theo kiểu “Hội đồng Dư” trong vở cải lương Tiếng hò sông Hậu, một ông hội đồng thất nhơn thất đức top-level!
Ông nội ngang hông mừng vui và hạnh phúc khi được xưng tụng là “ông nội dư”. Còn ông nội “chân truyền” mà để bị gọi là “ông nội dư” thì thiệt là tiêu Vên Vên. Ngay cả các vị được xưng tụng là "ông bà nội dư" cũng phải ráng mà sống sao cho xứng đáng. Kẻo không thôi lại bị thằng cháu nó lầu bầu: "Có một ông nội đã mệt thấy mụ nội (xin lỗi) rồi, đàng này có cả bầy ông nội dư, bà nội dư! Chịu đời sao thấu!" 
Tất nhiên trên đời này phàm có dư thì ắt có thiếu. “Ông nội thiếu” hàm nghĩa là “thiếu ông nội”, một cách gọi kiêng húy để chỉ những ông nội đã phủi cẳng nhảy lên ngồi tréo nguẩy trên bàn thờ! Bất hạnh thay cho cháu nào sinh ra không còn ông nội nữa. Làm sao có được cái hạnh phúc được bú sữa ông nội… pha? Có chăng chỉ có thể xài tạm sữa ông già Longevity Milk mà thôi!
 
 
Kiến MZ là người nói có sách, mách có chứng. Nếu sữa bò là sữa vắt từ con bò, thì sữa ông già vắt từ đâu?
 

Răng khểnh
 
Răng khểnh là chiếc răng mọc lệch, nhô lên khỏi hàng ngũ. Nếu nó chỉ nhô lên vừa phải và nằm ở vị trí đắc địa trông hay hay đáo để thì có duyên và được gọi là răng khểnh. Còn nếu ngược lại, nó bị gọi là răng nanh.
Nhưng kinh nghiệm cho thấy, răng khểnh chỉ có duyên khi nó ngự trong khuôn miệng của người mà ta yêu thương. Còn nếu không, chiếc răng mọc vô trật tự đó chỉ làm cho cái "bản mặt khó ưa thêm đáng ghét"! Thiên hạ gọi là răng "lòi sỉ".
 
Ảnh chỉ mang ý nghĩa minh họa cho một chiếc răng khểnh rất duyên, không hề có liên can gì tới chiếc "răng khểnh nghiệp chướng" của thầy Ngô Nguyên soái.
 
Tiếng Anh gọi răng khểnh là irregular tooth, chỉ rõ là thứ vô trật tự, bất quy tắc. Mà trên đời này, cái gì bất quy tắc thì tới 99% là đáng ghét rồi. Thí dụ, học ngoại ngữ, ai cũng khiếp sợ ba cái động từ bất quy tắc (irregular verb), danh từ bất quy tắc,... Có lẽ chỉ có 1 thứ bất quy tắc duy nhất đáng yêu, chính là việc chia cái động từ... yêu. Cái sự chia động từ yêu thì chẳng ai giống ai, không tuân theo một quy tắc nào hết. Tới mức ông hoàng thi ca lãng mạn Xuân Diệu còn phải thốt lên "Làm sao định nghĩa được tình yêu. Có nghĩa gì đâu một... cái khều (xin lỗi, buổi chiều)".
Xét về phương diện nha khoa, răng khểnh là kẻ thù số 1 của các nha sĩ. Nó bị quy trách nhiệm làm "ảnh hưởng xấu tới vệ sinh răng miệng".
Xét về mặt tình nghĩa keo sơn của Gia đình THKT, răng khểnh gây tổn thương tinh thần và tổn hại vật chất cho thầy Ngô Nguyên soái. Qua chứng cứ do thầy Ngô Bảo Toàn không đánh mà khai, răng khểnh đích thị là răng nanh. Mà răng nanh thì của loài thú ăn thịt sống. Bằng chứng là chiếc răng khểnh năm xưa đã xơi tái hàng chục con heo (heo đất cũng là heo) của thầy Ngô nhà mình! Tội nghiệp ông thầy, không thể nào mập ra nổi chỉ vì 40 năm nay cứ phải hì hục "Bắc thang lên hỏi ông Trời,... (tự ý đục bỏ câu bát)".
 

Sà-rông, sà-lỏn, và hầm nắng
 
Hỗm rày nghe võ lâm đồn rằng thầy Đỗ Hiền triết đang rắp ranh lập gánh xiếc chữ, hình như – cũng theo đồn đại – để có cái chức danh “giám đốc” oách như thiên hạ. Chưa kịp xác minh thì sáng nay Kiến MZ đã nhận được thư thầy Đỗ chuyển tới hai câu đố chữ mới đọc thiếu điều muốn té giếng của Người Ngây thơ (không biết có “vô số tội” không?) Đó là: Cớ sao trong hầm lại có nắng? Sà-rông và sà-lỏn, cái nào có trước?
Cái hầm nắng này có lẽ nó cũng “sêm-sêm” như cái hầm gió. Hình như chỉ có ở xứ “Mi-chỉ-gàn” mới có cái hầm nắng như thế. Phải chăng “hầm nắng" là viết gọn từ “hầm tránh cái nắng quái cuộc đời”? Hầm có nắng nếu không phải là nắng nhân tạo thì đích thị là có lỗ mọi rồi. Nhưng suy cho cùng, hầm có nắng bởi vì có mây hồng, mây hồng chỉ xuất hiện ở những nơi có nắng (khôn cãi trời đất luôn vì tối thui ai mà thấy được mây hồng thướt tha cỡ nào).
 
Thiếu nữ Khmer trong những chiếc sà-rông truyền thống.

Còn sà-rông, sà-lỏn ư?
Vào cái thời ăn lông ở lỗ, sau khi tò mò nếm thử “trái cấm”, Adam và Eva mới khám phá được trên thân thể mình có những vị trí quá độc địa, cần phải che đậy làm... của riêng (chủ yếu họ sợ kẻ khác thấy được mà nảy sinh tà ý “chôm” mất chứ không phải vì mắc cỡ - như nhiều nhà nghiên cứu suy diễn đâu). Do phụ nữ vốn tính e thẹn (ở đây không bàn tới nó là thuộc tính hay sự giả đò), nên có nhu cầu che đậy cao hơn. Vì thế mà sà-rông ra đời trước. Nhưng phụ nữ là sinh vật duy nhất có gene thời trang hòa trong máu (nồng độ tùy người) nên phải thay xiêm đổi áo liền tù tì. Cái sà-rông đầu tiên bị loại ra, bỏ thấy uổng, nên Adam dùng để may cái sà-lỏn cho mình. Nó có cái vòng lẩn quẩn thế này: sà-rông may sà-lỏn, rồi sà-lỏn kiếm tiền chạy ra fashion shop mua sà-rông cho người may sà-lỏn.
Có một chi tiết là cả sà-rông lẫn sà-lỏn đều là trang phục phi giới tính (unisex), nam hay nữ đều mặc được tuốt luốt.
Xin hỏi lại Người Ngây thơ: cớ sao không hỏi luôn 2 câu nữa cho nó đủ bộ tứ: Tại sao trái đậu lại có hột đỗ? Tại sao kiến đen lại đen thui?
 

Sáng kiến

Người ta dùng từ “sáng kiến” để chỉ ý tưởng mới, nhất là để giải quyết một vấn đề gì đó. Nhưng vì sao lại là sáng kiến, chứ không là “trưa kiến”, “tối kiến”?

Cách dùng từ “sáng kiến” này có luận cứ khoa học rõ ràng và vững chắc. Trước nay các nhà nghiên cứu đều nhận ra rằng: sau một đêm được nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng, bộ não con người sáng suốt và minh mẫn nhất là vào buổi sáng. Vì thế, cũng chỉ có thể là sáng suốt chứ không có trưa suốt, tối suốt. Xin mở ngoặc nói thêm: “trưa suốt” là chỉ người trưa nào cũng làm một giấc thẳng cẳng, còn “tối suốt” là chỉ kẻ tối nào cũng la cà nhậu nhẹt.

“Sáng kiến” còn được viết tắt bởi cụm từ “sự SÁNG suốt của dân KIẾN Tường”. Có nghĩa là bà con THKT mình ai cũng có một bụng đầy sáng kiến. Mức độ thế nào chỉ tùy thuộc vào đêm hôm trước ngủ nhiều hay ít, ngủ ngon hay không ngon.

Xét về ngôn ngữ học Hán – Việt, “sáng kiến” (buổi sáng gặp nhau) là một thói quen đã trở thành thuộc tính của Gia đình THKT kể từ hạ tuần tháng 3-2010. Buổi sáng thức dậy, vừa nhâm nhi cà phê hay nhẩm xà, các thành viên THKT thường vào Web THKT để gặp nhau và coi có gì mới không.
 

Sinh nhật
 
Cái từ sinh nhật quá đỗi quen thuộc này coi vậy mà rắc rối à nghen.
Từ kép chữ Hán này dịch sát sàn sạt là "ngày sinh". Nhưng nó lại không dùng để chỉ ngày ai đó thật sự cất tiếng khóc chào đời mà dùng cho ngày kỷ niệm ngày sinh của người đó.
Tiếng Anh phân biệt rất rõ: birthday là sinh nhật, còn date of birth hay day of birth là ngày sinh.
Đối với người Việt Nam, sinh nhật có nghĩa là kỷ niệm ngày sinh từ năm thứ hai trở đi. Chứ kỷ niệm ngày sinh lần thứ nhất, tức tròn một tuổi, người Việt mình gọi là thôi nôi.
Thế rồi, từ năm 60 tuổi trở đi, đặc biệt vào các năm chẵn chục, người ta không gọi là sinh nhật mà là mừng thọ. Ai sống tới 60 tuổi thì bắt đầu được con cháu mừng thọ. Năm 80 tuổi, 90 tuổi được gọi là thượng thọ. Còn 100 tuổi là đại thọ. (Xin lưu ý là từ 60 tuổi đã là thọ, còn việc phân chia "đẳng cấp" thọ thì còn tùy từng nơi. Có khi 70 tuổi đã được gọi là thượng thọ, 90 tuổi đã là đại thọ.)
Nhưng có khi nào bạn nhận ra cái sự bất hợp lý này chưa? Đã gọi là "sinh nhật" (mừng ngày sinh) thì phải tổ chức mỗi tháng một lần chứ. Thí dụ, Kiến MZ sinh ngày 28 thì lẽ ra hàng tháng cứ tới ngày 28 là "tiến hành" nhận quà cáp thiên hạ! Nào có ai gọi là "sinh nguyệt" hay "sinh niên" đâu mà phải đợi một năm mới mừng một lần!
 

Tái ngộ
 
Theo từ điển chính thống, tái ngộ có nghĩa là gặp lại (tiếng Anh là meet again). Nó được ghép bởi hai từ Hán Nôm: tái (lại) và ngộ (gặp).
Còn theo Giang hồ Đại từ điển Tầm nguyên (hình như của nhà xuất bản Tầm Bậy do chuyên gia Tầm Bạ biên soạn), sở dĩ cái vụ gặp lại được gọi là tái ngộ vì xuất phát từ thực tế: khi gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, người ta dễ xúc động tới mức gương mặt "tái" đi coi rất "ngộ"! Tất nhiên cũng có nhiều tình huống khác khiến người ta tái mặt, nhưng những kiểu "tái" đó coi không có "ngộ". Thí dụ, mặt tái vì giận hay mặt tái vì sợ thì không thể nào coi ngộ được hết.
 

Tế nhị
 
Vì sao chuyện "tế nhị" chỉ nên hành xử ở chốn riêng tư, không nên bày ra trước mặt bàn dân thiên hạ?
Rất đơn giản, ta chỉ việc chiết tự và phân tích hai chữ này. Tế nhị ở  đây được xét như một từ Hán nôm. "Tế" là "cúng" và "nhị" là "hai". "Tế nhị" có nghĩa là "cúng hai", mà "cúng hai" là cách nói lái của "cái hun".
Vì thế, người "tế nhị" sao lại "hun" nhau giữa thanh thiên bạch nhật ở chốn đông người?
 

Thất kinh
 
Đây là một thuật ngữ (term) trong ngành sản phụ khoa. Nó được ghép bởi THẤT (mất, không còn) và KINH (kinh nguyệt). Thất kinh có nghĩa là có thai. Từ này đặc biệt tượng thanh, tượng hình mô tả cảnh mặt mày xanh lè, mồ hôi đầm đìa, chân tay lẩy bẩy đối với những ông chán cơm, thèm phở hay những chàng ăn cơm trước kẻng khi thất kinh nghe nàng báo thất kinh!
Thi hào Nguyễn Du cũng từng vận dụng thuật ngữ này. Trong Truyện Kiều, ông đã mô tả kỳ án nàng Kiều có thai (với ai à ta?) bằng câu:
Đầy sân gươm tuốt sáng lòa,
 
Thất kinh nàng chửa biết là làm sao.

Tình già

Tình yêu đích thực làm gì có tuổi để mà cân đong đo đếm là tình già, tình non, tình trẻ, tình xồn xồn.
Vì thế, "tình già" ở đây, chí ít là trong Gia đình THKT, chỉ nên hiểu là "tình của người già".
Khi đã yêu thì bận tâm chi là già hay trẻ. Khi đã yêu thì ai cũng như ai thôi, cũng cuồng nhiệt, cũng đắm say, cũng ngô nghê, cũng sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. Yêu là lý lẽ của con tim, cái lý trí mà xía vô là hư bột hư đường ráo trọi.
Kiến Đen từng viết trong bài thơ Yêu:
Yêu nhau mặn muối cay gừng
Xìu xìu ển ển thì đừng có yêu!
 

Tình thân
 
Tình thân thường được dùng và khoái được dùng với cái nghĩa của cụm từ "tình cảm thân thiết".
Có nghĩa là tình thân có cấp độ cao hơn tình cảm bạn bè bình thường. Nó cũng phi giới tính (unisex), nam hay nữ đều dùng được và không hề gây ngộ nhận Pattaya. Và như vậy, giữa hai thể nhân khác phái tính, từ tình thân phát triển tới tình yêu có phần gần hơn, dễ hơn. Tất nhiên là còn phải trông mong vào sự hên xui và duyên số!
Rõ ràng chẳng phải ai cũng có thể được trao, được hưởng quy chế tình thân. Nó là một loại "limited edition" (phiên bản hạn chế) và thậm chí "selected edition" (phiên bản chọn lọc) của tình cảm giữa người và người.
Tình thân không phải là thứ bất biến, thậm chí còn dễ biến đổi hơn nhiều thứ trên đời này, mà thường nhất là bị hao mòn qua thời gian và không gian. Bởi vậy, cả hai phía đều phải có ý thức và cùng nỗ lực không ngừng để duy trì cấp độ của tình thân.
Nhưng tình thân còn mang một cái nghĩa xam xám. "Thân" trong tiếng Hán Việt là cái con khỉ. Vậy, tình thân có khi bị biến thành "tình cái con khỉ", "tình của con khỉ". Thật ra, loài khỉ cũng có cái tình của nó, và nếu thấy loài người dùng chữ "tình thân" với hàm ý xấu, nó có thể khởi kiện ra tòa án Thiên nhiên vì cảm thấy mình bị xúc phạm.
Chỉ có điều, khỉ là khỉ, người là người, tình cảm của loài người mà bị coi giống như tình cảm của loài khỉ thì chỉ còn có nước ngước mặt lên trời mà cười ba tiếng, khóc ba tiếng, rồi cảm thán: "Trò khỉ!".
 

Tội tình
 
Trong nhạc phẩm Bài không tên số 4, nhạc sĩ Vũ Thành An trăn trở: "Nói cho quên đi những tội tình". Rồi dân gian ta khi ám chỉ chuyện "hành hạ" nhau lại có cách nói là "làm tình, làm tội" nhau. Nghe mà chết khiếp! Cái nào cũng mệt mỏi đứ người cả.
Sao mà "tội tình" đến như vậy?
"Tội tình" trong ngữ cảnh này là cách nói rút gọn của cụm từ "tội lỗi về tình yêu". Bạn có thấy "tội tình" không?
 

Trăng mật
 
Thầy Ngô Bảo Toàn:
Một hôm đi ngang qua nhà vợ chồng anh chị Tám Nhiều hàng xóm, vô tình pha thêm chút "hữu ý", Ngô Nguyên soái tôi được thưởng thức một cuộc tranh luận thật là thú vị cũa hai nhân vật này! Chuyện vầy nè: Anh Tám hỏi chị Tám: Tui đố bà vậy chớ chữ Trăng Mật có nghĩa là gì? Chị Tám cười sằng sặc và trả lời: Dễ ẹt! Trăng Mật có nghĩa là hôm đám cưới xong, hai vợ chồng lựa ngày nào trăng thiệt sáng rồi rủ nhau ra trước sân nhà và lấy mật ra... chấm ăn! Anh Tám nạt to: Tầm bậy, tầm bạ không hè! Trăng Mật có nghĩa là sau ngày cưới, tân lang và tân nương rủ nhau ra sau sân nhà đặng.. Trật Măn!? Nguyên soái tôi thú nhận là... "điếc" luôn, bởi lẽ mình chả hiểu được ý tứ cũa hai vợ chồng này là thế nào! Vậy, Kiến MZ còn chần chờ gì nửa mà không bình "loạn" dùm mọi người để thống nhất nghĩa từ này cho rõ ràng, thích đáng hơn. Kẻo có người hiểu theo kiểu riêng của mình thì... "mệt mỏi" lắm đó.
+ Hình như thời trai trẻ ở THKT, thầy Ngô Nguyên soái gài bẫy hoài mà cứ bị trật vuột nên giờ thua me gỡ bài cào, rắp ranh gài bẫy học trò chơi.
Trăng Mật theo cái nghĩa mà quý thầy cô Việt Văn khuyên dùng là thời gian lãng mạn (trăng) và ngọt ngào (mật) đầu tiên của một cặp vợ chồng. Rất tiếc là nó được xác định chỉ tồn tại có một... Tuần trăng mật. Tiếp ngay sau đó là những năm tháng "dập mật" vì gánh nặng cơm áo gạo tiền và trân mình chịu đựng lẫn nhau của đôi vợ chồng. Nhưng Tuần trăng mật quý giá đó cũng chỉ có ở những đôi tân hôn "cân đối được thu chi" hôn lễ, còn với những tân lang tân nương xui xẻo thất thu thì giai đoạn "dập mật" bắt đầu ngay từ đêm tân hôn!
Trong trường hợp này, vợ chồng anh chị Tám Nhiều đã ứng dụng tập quán Trăng Mật theo đúng nghĩa đen thui của nó!
Còn Trật Măn ư? Kiến MZ chẳng dại mà đút đầu vô bẫy của thầy Ngô đâu. Chỉ dám giải thích lòng vòng bằng cách chiết tự là: Trật có nghĩa như trong câu "trật áo cho người ta xem lưng", và Măn có nghĩa như trong câu "trẻ em măn vú mẹ". Còn ai hiểu sao và lắp ghép như thế nào thì Kiến MZ vô can!
 

Trần tục
 
Xin nói ngay đây là một chữ chẳng thanh thoát chút nào. Nó được ghép bởi hai chữ "TRẦN truồng" và "TỤC tĩu".
 

Trung dung
 
Thuyết Trung dung là một triết lý sống của Nho giáo. Trung là không ngả về một thái cực nào; dung là dung hòa, thích hợp với hoàn cảnh. Và từ xa xưa, đây là một trong những triết lý sống của người Á Đông.

Theo Yahoo! Hỏi & Đáp, với câu hỏi: “Theo bạn, thuyết Trung dung có còn giá trị và ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta như thế nào?”, câu trả lời được nhiều người đồng tình nhất là: “Sách Trung Dung do Tử Tư soạn ra dựa trên cơ sở một thiên trong Kinh Lễ. Tử Tư là học trò của Tăng Tử, cháu nội của Khổng Tử, thọ được cái học tâm truyền của Tăng Tử. Trong sách Trung Dung, Tử Tư dẫn những lời của Khổng Tử nói về đạo "trung dung", tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử, để cuối cùng thành thánh nhân.” Cách sống này còn được “diễn nôm” theo kiểu “khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”.

Thật ra, không phải dễ đạt được lối sống Trung dung đâu. Cần phải có bản lĩnh và sự thấu nhận. Trung dung là dung hòa những cái thuận nghịch, mâu thuẫn trong cuộc đời để có thể sống tốt mình, đẹp đời. Nếu không cẩn trọng, người ta dễ trở thành ba phải hay bất cần đời.
 

Trung dung là một triết lý sống. Vì thế, nó có mặt trong mọi ngõ ngách cuộc sống.

Trong giới tính học, Trung dung là để chỉ giới tính thứ ba – cái giới tính mà:
Người kia chẳng gái, chẳng trai
Ngọt ngào làm vợ, lai rai làm chồng


Trong nhân tướng học, Trung dung là đi chàng hảng, hai hàng.

Trong bộ môn xiếc, Trung dung là kỹ năng làm xiếc con lăn.

Trong dân gian học, Trung dung là cái bập bênh.


Trong đo lường học, Trung dung là cái cân đĩa.

Trong lao động học, Trung dung là người có khả năng "bắt cá hai tay", thậm chí mỗi tay một con, hai chân còn tranh thủ khoèo thêm 2 con nữa.

Trong tình học, Trung dung là người “sáng chở cơm đi ăn phở, trưa đèo phở đi ăn cơm.”

Trong thiền học, Trung dung là một cách thiền lửng lơ con cá vàng, người ngồi thiền một mắt nhắm phiêu diêu, một mắt liếc coi nhất cử, nhất động của phu nhân mình.

Trong đạo học, Trung dung là nhà đạo sĩ ngồi dựa vào phu nhân xinh đẹp mà tu tiên.

Người bày ra cái vụ "dzô dziên" mà lại "có duyên" cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi thuyết Trung dung.

Trong Gia đình THKT, Trung dung là Fan Club của cô Huỳnh Trung Dung – nữ chưởng môn phái Núi Bà Đen
 

Tương tự
 
Từ điển chính thống giải nghĩa "tương tự" là giống nhau, na ná nhau. Tiếng Anh là similar. Nhưng "tương tự" còn là một danh từ ghép chỉ một sản vật.
"Tương" là một thức ăn chay làm từ đậu nành. Tương hột đó. Còn "tự" là chùa. Vậy "tương tự" là chỉ loại tương hột làm ở... chùa, để phân biệt với tương làm ở nhà!
 

Tử y và tử trực
 
Chữ "tử y" (tử: chết, y: áo) để gọi cái áo mặc cho người chết. Nhưng nó cũng là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Đâu, bạn ra chợ cá Mộc Hóa tìm mua vài con ếch to đem về nhờ bà xã nấu cho nồi "cháo ếch". Bây giờ, bạn trổ tài nói lái nhé: "cháo ếch" tức "chết áo", mà "chết áo" dịch ra tiếng Hán là "tử y".
 
Chữ "tử trực" (tử: chết, trực: thẳng), nghĩa là xác chết được để nằm xuôi tay, thẳng cẳng. Nhưng nó cũng chỉ một loại gia vị quen thuộc. Này nhé, "tử" là "con", và "trực" là "ngay". Vậy "tử trực" là "con ngay", mà "con ngay" nói lái là "cay ngon". Chỉ có trái ớt thì cay mới ngon thôi! (NGUYỄN CÔNG PHONG bình "loạn")
 

Về hưu
 
Về hưu là một động từ được chia chung cho tất thảy thành viên Gia đình THKT. Người thì đã chia động từ này ở thời quá khứ (đã), người thì còn ở thời tương lai gần (sắp).
 
Về hưu có nghĩa là đã tới hạn hết tuổi lao động theo luật định của từng nước. Thí dụ, ở Việt Nam, tuổi hưu là 60 (nam) và 55 (nữ). Còn ở Mỹ, nam nữ đều 65 tuổi mới về hưu. Đó là tính trong trường hợp bình thường. Còn có những người nghỉ hưu non trước tuổi (hoặc tự nguyện, hoặc bị bắt buộc)

Về hưu, nghỉ hưu hay hưu trí đều cùng nghĩa, tiếnh Anh gọi là retire. Nhưng nhiều người thích dùng chữ "về hưu" hơn, bởi nó nhẹ nhàng, không gây cảm giác... "hết thời".

Cảm nhận và thái độ của người ta đối với về hưu có nhiều sắc thái, cung bậc:

- Kẻ tiêu cực: Híc, vậy là hết còn được làm việc nữa rồi.
- Người tích cực: Wow, mình đã hoàn thành nhiệm vụ của một đời người.
- Kẻ bi quan: Mình hết thời rồi, coi như tàn một kiếp người.
- Người lạc quan: Vậy là từ nay mình có quyền nghỉ ngơi, có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Những ai thuộc dạng tiêu cực và bi quan sẽ còn khổ sở, đau đớn hơn nữa nếu như trước khi về hưu thuộc hàng có chức, có quyền.

Những người có đủ thâm niên để hưởng trọn lương hưu hay hưởng mức lương hưu kha khá thì nhẹ nhàng, thoải mái hơn những ai có ít năm lao động.

Nhưng bất luận thế nào, người ta sẽ phải tốn thời gian, nhiều hay ít tùy từng tạng người, để làm quen với cuộc sống về hưu trong giai đoạn đầu. Bởi dù muốn hay không, về hưu cũng làm xáo trộn mọi nếp sinh hoạt nhiều chục năm qua.

Việc đầu tiên là tối hôm trước, ta quẳng cái đồng hồ báo thức đi, sáng mai có thể ngủ nướng tới... khét thì thôi!
 

Vọng cổ và vặn cổ
 
Từ xưa tới nay, bản vọng cổ luôn được xem là bản chủ lực của nhạc tài tử cải lương. Nó không thể thiếu trong bất cứ cuộc chơi đờn ca tài tử hay trên sân khấu cải lương nào. Về Đồng Tháp Mười mà thiếu câu vọng cổ cũng giống như cô thôn nữ thiếu cái áo bà ba. Bản vọng cổ do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác tại thị xã Bạc Liêu. Từ cái tên ban đầu là Dạ cổ, nó được đổi thành Dạ cổ hoài lang rồi cuối cùng là vọng cổ như ngày nay. Tất nhiên, bản vọng cổ ngày nay đã trải qua nhiều cải biên. (Xin tham khảo).
Còn vặn cổ là một động tác tương tự như bẻ cổ. Nhiều người có thói quen vặn vẹo, lúc lắc cái đầu qua lại cho các khớp cổ kêu răng rắc, nói là cho nó hết cứng cổ. Ở ngữ nghĩa tệ hại nhất, vặn cổ có nghĩa là làm cho gãy cổ. Như vặn cổ gà, hăm he nhau "tao vặn cổ mày bây giờ",...
Vậy thì cớ sao lại tạt qua cái vụ "vặn cổ" khi nói về "vọng cổ"? Bài hát vọng cổ sẽ cực kỳ mùi mẫn, chết lòng người khi được ca đúng bài bản và có giọng ca tốt. Còn nếu không, vọng cổ sẽ tra tấn người nghe như thể là bị "vặn cổ" vậy đó! Tóm lại, hát đúng, hát hay: vọng cổ; hát sai, hát dở: vặn cổ!
 

Xuôi, xui và suôi
 
Thầy Ngô Bảo Toàn:
Thầy có một thắc mắc nhỏ (như con thỏ!) này muốn nhờ Kiến MZ "bình lọan" giùm thầy (chi phí masage tay thầy hoàn toàn... cam chịu!). Số là vầy: thầy có một người bạn dạy môn Văn và sau này là nhà văn có tên tuổi. Hôm gặp nhau ở quán cà phê máy lạnh, bên ly cà phê "ấy" chồn thơm phức hòa lẫn trong tiếng nhạc du dương, bạn thầy tâm sự thế này: Tôi có hai đứa con. Thằng nếp nhà tôi may mắn cưới được con vợ ngoan hiền. Tình thông gia chúng tôi không có gì phải phàn nàn, chê trách. Anh Xuôi tôi vui vẻ, chị Xuôi tôi hiền lành. Tội nghiệp con tẻ nhà mình lấy nhằm thằng chồng nát rượu, ham mê cờ bạc! Đã thế, anh Xui và chị Xui này cũng không ra gì. Rồi anh thở dài và lẩm bẩm: Suôi với gia, rõ chán mớ đời!
Kiến MZ ơi, Thầy điên đầu với anh bạn già qua mấy chữ Xuôi, Xui, Suôi?!
Vậy, em còn chần chờ gì nữa mà không "bình loạn" giùm thầy cho tỏ tường (như cục... đường).
+ Thật ra thì thầy Ngô Nguyên Soái ăn thịt thỏ ragu xong tráng miệng bằng "cục đường" rồi quăng cục muối cho Kiến MZ mà thôi. Báo hại Kiến MZ phải chạy về động Bàng Tơ thỉnh giáo Trạng Quỳnh tổ sư. Thật ra đây là một kiểu chơi chữ không chỉ có tượng hình, tượng thanh mà còn cả tượng cảnh (ngộ) nữa.
Xuôi: Có được rể hiền, dâu ngoan này đúng là "xuôi chèo mát mái" rồi.
- Xui: Gặp phải ông rể "trời đánh ba búa mà vẫn nhăn răng" và ông bà "xui" không biết điều như vậy quả là "xui xẻo tận mạng" rồi.
- Suôi: Từ này chớ hề có trong tiếng Việt mà là một style đọc từ "sui". Hình như là kiểu phát âm chữ "u" dài của người Hà Nội. Nó giống như một sự dung hòa giữa "xuôi" và "xui", thôi thì cam chịu thôi, "xui" nào cũng là "xuôi"!
Xin mở ngoặc nói thêm: theo từ điển, không có chữ "xuôi gia" hay "xui gia" mà phải là "sui gia".
 
 
 http://www.trunghockientuong.com/blog/chudanghia_001.htm