DANH CA THÁI THANH
TIẾNG HÁT VƯỢT THỜI GIAN
ĐÃ BỊ ALZHEIMER
Gửi những ai yêu tiếng hát Thái Thanh để
“vĩnh biệt linh hồn” người ca sĩ tài danh này: tuy bà chưa chết nhưg
linh hồn Bà đã bị gã Alzheimer (là bệnh thoái hóa cả não bộ không hồi
phục) cướp đi rồi. Bà hiện sống trong Nursing Home tại Hoa Kỳ.
Không chỉ một người, tiếp cận “hiện
tượng” Thái Thanh từ góc độ “tiểu sử” – một tiểu sử “trải dài” vài thời
kỳ lịch sử thăng trầm của đất nước, mà chủ yếu là “đất nước” VNCH trước
1975 – cùng toàn bộ gia tài đồ sộ năm bẩy trăm ca khúc bà đã hát từ dân
ca, tình ca, tâm ca, bi ca, hoan ca, hùng ca, đạo ca…, đã gọi bà là
tiếng “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi“.
Cũng không chỉ một người, từ góc độ
“thưởng thức ca nhạc”, mệnh danh bà là “tiếng hát vượt thời gian”,
“giọng ca vàng không tuổi” – chính xác là “The Ageless Golden Voice“,
như được in trên bìa một băng nhạc Sài Gòn xưa. Những danh xưng ấy dành
cho Thái Thanh tất nhiên không thuyết phục tất cả mọi người, mà chỉ đúng
đối với những ai yêu mến bà. Vì sao ? Giọng hát của nữ danh ca này
không dành cho những đôi tai :
- không chuộng các “âm tần cao“
- và/hay không chuộng các “cường độ biểu cảm – đặc biệt là bi cảm quá lớn” (gọi nôm na là “quá mùi“).
Tuy nhiên con số những kẻ yêu (giọng hát)
Thái Thanh là không nhỏ, và trong số ấy cũng không hề thiếu những tên
tuổi lớn các nhà làm văn học nghệ thuật (như nhạc sĩ Phạm Đình Chương,
nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Cung Tiến, danh cầm Nghiêm Phú Phi,
nhà
văn kiêm nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa,
…), cho nên những lời xưng tụng dành cho người ca sĩ ấy không thể “hàm
hồ” được; chúng tất yếu phải “chính xác” và “xứng đáng”.
Trong chủ quan hạn hẹp của người viết bài
này, tiếng hát Thái Thanh có thể ví như một “đặc sản”, chỉ dành cho
những kẻ “sành điệu”, đồng thời cũng từ chối quyết liệt những ai không
là “đồng điệu”.
Bạn sẽ nhăn mặt : “Làm gì có một đặc sản
như thế” ? Xin thưa rằng có : Quả sầu riêng ! Đúng vậy, mặc ai có thể
“bịt mũi xua tay”, vẫn không hiếm người lõi đời “nghiện” nó, xem nó là
“số Một“, và nó luôn là một trong những loại quả “quí và đắt nhất”. Vậy
thì, vâng, có nhiều người tôi quen biết “nghiện” Thái Thanh (và nghiện
cả sầu riêng) ! Thậm chí đối với họ chỉ có mỗi một mình Thái Thanh biết
“hát”, còn những ca sĩ khác chỉ là “phát âm một cách khổ sở”. (Tôi nhớ
đến truyện biếm “Tiếng hát” khi nghe ai phát biểu về Thái Thanh tương tự
như vậy.)
Nói về “ngôi vị” của Thái Thanh trong
giới ca sĩ Sài Gòn trước 75 có lẽ không ai chính xác bằng “người trong
giới”, đặc biệt là một trong các danh ca hàng đầu thuở ấy – Lệ Thu.
Năm 1970, nhân chuyến tham dự khai mạc
Hội Chợ Osaka, Nhật Bản, Lệ Thu đã trả lời phỏng vấn của báo chí : “Nếu
chị Thái Thanh có mặt ở đây và hát, mọi người sẽ cúi đầu khâm phục !“.
Cũng chính Lệ Thu, trong một ca khúc hải ngoại nhớ về Sài Gòn, đã “sửa”
ca từ của một câu khi hát “Đâu rộn ràng tiếng hát Thái Thanh ?” Kiêu
ngạo và đắt giá nhất trong giới ca sĩ ngày đó, Lệ Thu chỉ chấp nhận
“nghiêng đầu” trước Thái Thanh.
Sự thật thì sao ? Mặc dầu Thái Thanh đi trước cả về tuổi đời lẫn tuổi
nghề so với hai diva Lệ Thu và Khánh Ly (cũng như với hầu hết các ca sĩ
khác), giọng ca lẫn cách hát của bà vẫn “trẻ trung”, “hiện đại” và “độc
đáo” nhất, đặc biệt với những ca khúc này :
1) CHUYỆN TÌNH BUỒN – 2) ĐẠO CA 8 – GIỌT CHUÔNG CAM LỘ – 3)
ĐẠO
CA 9 – CHẮP TAY HOA – 4) ĐÊM MÀU HỒNG – 5) NGÀY XƯA HOÀNG THỊ – 6) RU
TA NGẬM NGÙI – 7) TẠ ƠN ĐỜI – 8) TIẾNG HÁT TO – 9) TÌNH SẦU DU TỬ LÊ
Tôi vẫn tin là bạn không cần nhìn các ca
sĩ (Việt Nam) “làm trò” khi họ hát, mà chỉ cần nghe cách phát âm cũng đủ
để phân biệt và xếp hạng họ là loại ca sĩ nào. Nhưng đối với Thái Thanh
thì khác, bạn nên ngắm “khẩu hình” của bà lúc bà hát – cái cách bà cấu
âm (articulate) từng “âm”, từng “chữ” – chuyển động của má, môi, cơ
miệng, lưỡi, hàm (răng) trên, hàm (răng) dưới, xương quai hàm; điều đó
tác động đến cả cặp lông mày, cũng như vầng trán, và tất nhiên rồi, cả
đôi mắt nữa. Mà không chỉ thế, hãy nhìn thanh quản ở cổ, nhìn hai vai,
và tay,.., của người hát.
Cách “phát âm” / “cấu âm” của Thái Thanh,
bắt đầu từ “bộ máy phát âm”, đã tác động hoàn toàn tự nhiên đến các cơ
trên mặt, rồi lan tỏa toàn thân. Khi hát, Thái Thanh như “đang bơi”, hay
“đang bay”, (theo nghĩa đen) trong âm nhạc, và toàn bộ ngôn ngữ cơ thể
của người ca sĩ ấy toát lên thông điệp này: Được cất tiếng hát, đối với
bà, là Tất Cả – là Sự Sống, là Hạnh Phúc vô bờ.
Nghe Thái Thanh hát :
- Ly Rượu Mừng – Ban Thăng Long
- Giòng sông xanh – Thái Thanh (2 versions)
- Tinh Ca – Thái Thanh
- Nụ Tầm Xuân – Bài Ca Sao – Thái thanh / Ý lan
- Hòn Vọng Phu 1-2-3 nhạc Lê Thương – Thái Thanh & nhóm Ngàn Khơi
- Ban Hợp Ca Thăng Long : An homage
- Liên khúc Phạm Duy – Thái Thanh
Tiểu sử
Phạm Thị Băng Thanh sinh năm 1934 tại Hà
Nội trong một gia đình có truyền thống văn nghệ. Cha của bà là ông Phạm
Đình Phụng, có 2 vợ, vợ trước sinh ra Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm, vợ
sau sinh ra Phạm Thị Quang Thái, Phạm Đình Chương và con út là Phạm Thị
Băng Thanh.
Năm 1951, Băng Thanh đi hát theo chị
Quang Thái trong vùng kháng chiến với nghệ danh Thái Thanh. Cũng trong
năm này Thái Hằng cưới nhạc sĩ Phạm Duy. Khi gia đình Phạm Duy dinh tê
về Hà Nội rồi chuyển vào Sài Gòn sống, Thái Thanh cũng đi theo.
Năm 1956, Thái Thanh kết hôn với tài tử
Lê Quỳnh tại Sài Gòn. Bà sống ở khu vực gần chợ Thái Bình. Năm 1965 bà
ly dị Lê Quỳnh sau khi đã có chung với nhau 3 con gái và 2 con trai. Sau
biến cố 1975, bà ở lại Việt Nam cho đến năm 1985 thì sang Hoa Kỳ định
cư.
Gia đình
Gia đình Thái Thanh có nhiều người thành danh trong lĩnh vực âm nhạc, ngoài Thái Thanh ra, thì chị Phạm Thị Quang Thái
cũng
là ca sĩ nổi tiếng với nghệ danh Thái Hằng. Anh trai bà, Phạm Đình
Chương là một nhạc sĩ lớn của tân nhạc Việt Nam và cũng là một ca sĩ với
nghệ danh Hoài Bắc. Người anh cùng cha khác mẹ Phạm Đình Viêm được biết
đến nhiều với nghệ danh Hoài Trung. Bốn anh chị em Thái Hằng, Thái
Thanh, Hoài Trung, Hoài Bắc, đều trong ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng
thời bấy giờ
Thái Thanh trở thành em dâu của nhạc sĩ
Phạm Duy sau khi ông này lấy Thái Hằng làm vợ, nên cũng là dì của các ca
sĩ Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo sau này. Ngoài ra bà còn là cô ruột
của ca sĩ Mai Hương, con gái Phạm Đình Sỹ và kịch sĩ Kiều Hạnh.
Thái Thanh có với tài tử Lê Quỳnh 5 người
con : con cả là Lê Thị Ý Lan sinh năm 1957, Lê Xuân Việt sinh năm 1958,
Lê Thị Quỳnh Dao sinh năm 1960, Lê Thị Thanh Loan sinh năm 1962 và Lê
Đại sinh năm 1964. Trong số đó, Lê Thị Ý Lan sau này trở thành ca sĩ nổi
tiếng Ý Lan, còn Lê Thị Quỳnh Dao cũng đi hát với nghệ danh Quỳnh
Hương. Các cháu ngoại của bà cũng có nhiều người đi theo con đường ca
hát như Mai Linh, Ý Thi, Thanh Hương, Quỳnh Trang
Sự nghiệp
Phạm Thị Băng Thanh bắt đầu sự nghiệp ca
hát từ năm 13-14 tuổi. Bà sở hữu một giọng hát cũng như lối hát đặc
biệt, mang tính chất opera nhưng chịu nhiều ảnh hưởng của Chầu văn, quan
họ, chèo là những bộ môn nghệ thuật được bà tự rèn luyện, học tập từ
thuở nhỏ tại quê hương miền Bắc. Giọng hát của bà có âm vực rộng, nằm
giữa nữ trung và nữ cao, nên thể loại nhạc bà hát cũng rất đa dạng,
phong phú.
Thời kỳ đầu, bà đi hát theo chị là ca sĩ
Thái Hằng ở các chiến khu Việt Minh với các bài tân nhạc thời kỳ đầu,
hay các bài dân ca mới của Phạm Duy. Đến năm 1951, bà chính thức lấy
nghệ danh Thái Thanh cho giống người chị Thái Hằng.
Năm 1951, bà theo gia đình Phạm Duy vào
Sài Gòn lập nghiệp. Tại đây bà tiếp tục đi hát với các chủ đề về quê
hương và tình cảm đôi lứa. Giọng hát của bà tỏ ra rất thích hợp với các
loại nhạc đa dạng của nhạc sĩ Phạm Duy, từ những bài nhạc kháng chiến,
nhạc quê hương, nhạc tình, nhạc xã hội, cho tới các bản trường ca đều
được bà để lại một dấu ấn lớn. Bên cạnh đó, bà cũng là ca sĩ hát thành
công rất nhiều ca khúc tiền chiến xưa, hay nhạc tình đương thời của các
nhạc sĩ trẻ hơn.
Bà thật sự nổi tiếng trong thập niên 1950, được rất nhiều giới yêu thích từ giới trí thức cho tới bình dân.
Bà
được coi như một diva tầm cỡ nhất của Việt Nam thời đó. Tiếng hát của
bà ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh, truyền hình
của Việt Nam Cộng Hòa. Trong giai đoạn đầu thập niên 1970, bà cùng với
ban hợp ca Thăng Long thường xuyên biểu diễn tại vũ trường ăn khách Đêm
màu hồng.
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Thái
Thanh ở lại Việt Nam. Ban đầu bà được chính quyền mời biểu diễn các ca
khúc cách mạng, nhưng Thái Thanh không chấp nhận. Do không có thái độ
cầu thị, bà bị cấm hát suốt 10 năm, cho đến khi rời khỏi Việt Nam.
Năm 1985, Thái Thanh sang Hoa Kỳ định cư
cùng với gia đình. Tại đây bà tiếp tục đi diễn, thâu âm, tham gia những
đêm nhạc lớn cho mình. Bà là khách mời danh dự của nhiều đêm nhạc hội
lớn của Paris By Night. Bà cũng được mời thu thanh trên nhiều CD của
trung tâm Diễm Xưa. Tại quận Cam, bà cùng với nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi
từng mở ra một lớp dạy hát, đào tạo ra một số ca sĩ trẻ.
Năm
2002, bà chính thức tuyên bố giải nghệ sau một đêm diễn cùng với các
con cháu. Tuy nhiên khoảng thời gian sau đó, thỉnh thoảng bà vẫn tham
gia giọng hát của mình vào các đêm diễn với vai trò đặc biệt.
Năm 2005, một đêm nhạc thính phòng nhằm
mang tên “Vinh danh Thái Thanh, tiếng hát vượt thời gian” được tổ chức
tại Montreal, Canada, với sự tham gia của Thái Thanh cùng nhiều ca sĩ
nổi tiếng của thế hệ sau như Tuấn Ngọc, Ý Lan, Trần Thu Hà,… Trong đêm
nhạc này màn trình diễn của bà được đánh giá là xuất sắc, dù trước đó đã
có nhiều nghi ngờ về tuổi tác, cũng như sức khỏe của bà.
Năm 2006, bà trở lại là nhân vật chính trong đêm nhạc “Thái Thanh và ba thế hệ”.
Clip : Ngày Tết của gia đình nghệ sĩ Thái Thanh – Ý Lan – Quỳnh Hương
Đánh giá
Giọng ca Thái Thanh được giới nghiên cứu
đánh giá cao, và cũng là đề tài ca ngợi của giới văn nghệ sĩ tại miền
Nam trước 1975 và tại hải ngoại sau 1975. Nhạc sĩ Phạm Duy, người song
hành với Thái Thanh trong phần lớn các ca khúc của mình,
từng cho rằng không ai có thể thay thế được Thái Thanh trong sự diễn tả những sáng tác của ông.
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn là tác giả của
nhiều bài viết về Thái Thanh, phần lớn là những bài phát biểu cảm tưởng.
Theo ông, trường hợp của Thái Thanh là một “trường hợp hãn hữu”, và
“Máu lửa, chiến tranh, bom đạn, chia cắt, người sống, người chết, nước
mắt, mồ hôi, thấm nhập vào âm nhạc của chúng ta như thế nào, đều được
phản ánh qua tiếng hát Thái Thanh.”
Bên cạnh đó, nhiều nhà phê bình, văn nghệ
sĩ cũng có những bài nhận định về Thái Thanh, những bài này thường mang
tính ca ngợi, như Thái Thanh – tiếng hát trên trời của Thụy Khuê, Thái
Thanh – tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi của Đỗ Việt Anh, Nụ tầm thanh của
Hoàng Hải Thủy… Giọng hát Thái Thanh được nhà văn Mai Thảo tặng cho một
biệt danh mà sau này thường được người ta nhắc đến, một cách trân trọng,
bên nghệ danh của bà : “Tiếng hát vượt thời gian”.
Một số trích dẫn
- “Tiếng hát vượt thời gian” Mai Thảo
- “Tôi thấy được hết những hạch tuyến
nơi cổ họng, những tế bào, những bộ phận lớn nhỏ đã phụ họa với nhau để
phát ra những âm thanh trong, ấm, thanh tao và diệu kỳ kia. Tôi chưa gặp
Thái Thanh lần nào cả, Steve ạ. Hãy nghĩ rằng cô trẻ, đẹp và đằm thắm
như giọng hát của cô, và chỉ giữ lại từng đó thôi. Nếu ta nghiêng mình
lệch đi một tý, bình diện với thời gian thay đổi, thì cô Thái Thanh đã ở
bên kia tự bao giờ rồi, ví dụ năm ngàn năm về trước hoặc năm ngàn năm
về sau.” Thích Nhất Hạnh
- “Em hát cho vàng tan nát đá
Em hát cho anh biết ngậm ngùi”
Hoàng Hải Thủy
-
“Sau khi nghe nàng hát, có khi chúng
ta cảm thấy nơi chính mình một chút bâng khuâng, lúc bấy giờ có lẽ là
niềm “nhớ nhung cõi trời” -mà Beaudelaire đã nói- dù sao giọng hát Thái
Thanh vẫn không phải là giọng u buồn. Giọng Thái Thanh là một giọng ca
hoan lạc, giọng hát của hạnh phúc ca xướng, giọng hát của hạnh phúc nói
chung. Hãy nghe nàng vào lúc cao hứng nhất, khi giọng hát của nàng vụt
nở như một nụ cười hiền dịu hướng về cõi đời này, hãy chăm chú lắng
nghe… Giọng hát Thái Thanh lúc đó qua từng nhịp thơ và từng nhịp nhạc,
như chỉ muốn nói với ta có một lời. Lời nói tình yêu.” Georges Etienne Gauthier
(theo Wikipedia
http://cafevannghe.wordpress.com/2013/07/02/nhung-my-nhan-sai-gon/