Đã có nhiều thông tin lo ngại lò vi sóng sẽ gây nên những “bữa ăn hạt nhân” - làm thực phẩm biến chất, gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách.
Lò vi sóng có sóng độc hại?
Trước thông tin có nhiều tiềm ẩn bất ổn và nguy cơ đe dọa sức khỏe cho người ăn khi chế biến bằng lò vi sóng như: Hóa chất độc hại và chất gây ung thư từ nhựa nóng, giấy bìa có thể rơi vào thức ăn; Làm thay đổi cấu trúc phân tử thực phẩm, ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng trong thức ăn, tạo chất độc hại; Phát ra bức xạ ảnh hưởng đến tim và đường huyết; Nếu liên tục ăn thức ăn chế biến từ lò vi sóng khiến não liên tục phát ra xung điện, làm cơ thể có thể không chuyển hóa sản phẩm được tạo ra trong thực phẩm, chặn lại hoặc biến đổi ra hormone nam và nữ; Khoáng chất trong rau quả bị thay đổi thành các gốc tự do gây ung thư dạ dày, đường ruột… Lâu dài sẽ tạo ra các tế bào ung thư, thay đổi thành phần hóa học của máu, tạo nhiều hợp chất hóa học khác như benzen (có trong thuốc trừ sâu), formaldehyde (hợp chất bảo quản tử thi), các mutagents (gây biến đổi gen)…
GS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa – ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, lò vi sóng dùng sóng điện từ cực ngắn, làm nước trong thực phẩm chuyển động nhanh, mạnh, sinh nhiệt và làm chín thức ăn. Nếu đun nấu trên bếp thường nhiệt độ làm chín thực phẩm từ ngoài vào trong thì ở lò vi sóng thực phẩm được làm chín từ trong ra, nên thời gian nấu nhanh hơn 4 lần. Ưu điểm của lò vi sóng là làm nóng các món kho, hấp, luộc… chỉ mất 3/4 thời gian so với đun nấu thông thường.
Người sử dụng cần tìm hiểu những kiến thức cần thiết khi dùng lò vi sóng.
|
Với ý kiến cho rằng, tiếp xúc với năng lượng vi sóng bị nghi ngờ là có thể gây ra ung thư, GS Trần Hồng Côn cho rằng đó chỉ là nghi ngờ và các nhà khoa học đang nghiên cứu sâu rộng về tác hại của năng lượng điện từ trong lò vi sóng có gây hại cho sức khỏe hay không.
GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm cũng cho rằng, sóng bức xạ của lò vi sóng nếu dùng đúng quy trình, đóng chặt cửa lò thì không nguy hại tới sức khỏe. Tuy lò phát ra sóng, nhưng tia bức xạ cường độ nhỏ vẫn trong phạm vi an toàn nên ảnh hưởng đến sức khỏe con người thấp, không gây đột biến nếu đóng chặt cửa lò khi đun nấu.
Nên đứng xa lò 50cm
GS.TS Nguyễn Duy Thịnh giải thích, lò vi sóng sử dụng sóng điện từ cực ngắn, tần số cao, làm chín thức ăn nhanh, ít bị phân hủy vitamin. Chưa có gì chứng minh được rõ ràng sự độc hại của lò vi sóng.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, thực tế các bức xạ trong lò vi sóng đã bị triệt tiêu trước khi ra khỏi lò nhờ miếng kính có chắn sóng. Nhưng khi lò hoạt động, mọi người vẫn nên đứng xa lò ít nhất 50cm (nhất là với lò cũ) để tránh bức xạ. Đặc biệt phụ nữ mang thai, trẻ em càng không nên đứng gần khi lò vi sóng hoạt động.
Nếu trong các gia đình không có bếp riêng, sử dụng nơi đun nấu chung với phòng ngủ thì không nên sử dụng lò vi sóng. Tránh đứng lâu trước lò khi đang hoạt động. Khi mở lò nên đứng xa và tránh hướng cửa mở để lỡ có trục trặc (nứt, vỡ, nổ…) đồ trong lò còn có cơ hội tránh kịp.
Theo chuyên viên điện lạnh Phạm Thi (thuộc Tập đoàn điện tử LG), lò vi sóng có thể gây bỏng do hơi nước thoát ra từ lò, bức xạ bị rò rỉ do hư hỏng lò… Nếu bị rỉ sét thì có thể gây nguy hiểm bởi đó là dấu hiệu rò rỉ vi sóng, cần xử lý ngay kẻo kim loại dưới lớp rỉ sẽ tiếp xúc, tạo tia lửa hoặc phóng điện hồ quang nhiều lần làm hỏng lò. Nếu thay thế hoặc sơn lại bên trong cần gọi thợ đúng chuyên môn.
Nên và không nên khi sử dụng lò vi sóng
Nên
Dùng đồ thủy tinh, sành sứ (tránh đồ sứ thủ công vì dễ có chì) là tốt nhất. Đồ chứa nên lớn hơn thức ăn nhiều để tránh trào. Với món lỏng (canh, sữa…) chứa trong đồ rộng miệng để tránh nứt vỡ; Nếu đun nấu đồ hộp, cần dùng kim, đũa chọc thủng màng ngoài để tránh nứt vỡ làm thức ăn bắn bẩn lò.
Có thể để một ly nước trong lò để hút điện từ tránh hỏng ống magnetron.
Khi lò hoạt động cần đóng chặt cửa lò, đứng cách lò ít nhất 50cm. Quay thức ăn xong tắt lò 2 – 3 phút hãy mở cửa lấy thức ăn để tránh bị bỏng.
Hàng ngày lau chùi, giữ cửa lò sạch, không vênh để cửa luôn khép kín và không bị rò sóng. Vệ sinh lò bằng dấm, nước chanh, baking soda, chất tẩy rửa tự nhiên.
Không nên
Không dùng đồ kim loại, bát đĩa nhựa để làm nóng vì có thể sinh ra tia lửa điện, phản xạ vi sóng khiến thức ăn không nấu chín mà còn cháy nổ, hư hại lò. Đồ nhựa có thể tạo chất độc ám vào món ăn, đặc biệt là bình sữa nhựa trẻ em. Không dùng các hộp xốp, bao giấy nâu, bát đĩa một lần vì hóa chất độc khi nóng có thể khuếch tán vào thức ăn.
Không hâm nóng hoặc nấu các hộp thực phẩm đậy kín vì khi tăng nhiệt độ, áp suất cũng tăng cao sẽ gây nổ.
Không đặt lò nơi có độ ẩm hoặc sát các đồ điện khác. Khi đun nấu nếu thấy khói trong lò nên cúp điện ngay.
Không chạy lò khi không có thực phẩm trong lò; Không chiên rán ngập mỡ trong lò vì chất béo quá nóng gây cháy.
(Theo GS.TS Nguyễn Duy Thịnh)
Theo Trà Giang/ Gia đình.net