Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

PHÁ NÚI XÂY KHU DU LỊCH TÂM LINH NƠI CỘT CỜ LŨNG CÚ

TTO - Đứng trên di tích cột cờ Lũng Cú hiện nay, nhìn về phía đông bắc, du khách sẽ thấy một ngọn núi đá vôi "toang hoác" cả mảng sườn. Và những con đường dẫn vào một khu du lịch tâm linh đang được mở ra.

Phá núi xây khu du lịch tâm linh nơi cột cờ Lũng Cú - Ảnh 1.
Cột cờ Lũng Cú (ảnh chụp tháng 3-2019) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Về cảnh quan, nhìn cũng tơ hơ mất mỹ quan nhưng mà dự án cũng phải tạo mặt bằng thì phải phá một số chỗ.
Ông Vàng Mí Cấu (bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú)
Nhìn sang phía bắc là đền Hộ Quốc (đền thờ Lý Thường Kiệt), nơi đây cũng đang xây dựng khẩn trương trên cánh đồng Thèn Pả vốn trước đây là ruộng canh tác của đồng bào. Còn phía tây của cột cờ đã được quy hoạch dựng một đại tượng Phật ở thôn Lô Chải, xã Lũng Cú, đứng bên hồ Mắt Rồng 1 của di tích cột cờ Lũng Cú.
Đây là ba hạng mục của dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) do UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt cho chủ đầu tư là Tập đoàn Phúc Lộc.
Phá núi xây khu du lịch tâm linh nơi cột cờ Lũng Cú - Ảnh 3.
Dự án tại Lũng Cú (ảnh chụp ngày 2-3-2019) - Ảnh: Q.ĐỊNH
Phá núi xây khu du lịch tâm linh nơi cột cờ Lũng Cú - Ảnh 4.
Núi đá vôi bị xẻ 'toang hoác' để xây chùa ở phía đông bắc cột cờ Lũng Cú (chụp ngày 20-10-2019) - Ảnh: HỮU THẮNG
Thế chân vạc ôm trọn cột cờ
Theo quyết định của UBND tỉnh phê duyệt, Tập đoàn Phúc Lộc sẽ đầu tư xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú tại thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú với tổng diện tích quy hoạch hơn 56ha, tổng mức đầu tư khoảng 889 tỉ đồng, xây dựng các công trình tâm linh, khu nhà khách, khu dịch vụ. Công trình đã được khởi công từ năm 2016, với sự chứng kiến của những lãnh đạo tỉnh Hà Giang.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú Vàng Mí Cấu cho biết hiện hạng mục chùa đã dựng được 6-7 tòa nhà, cơ bản đã xong. Con đường rộng 33m, dài 1,7km qua cánh đồng vào chùa đã giải phóng mặt bằng, tôn mặt đường xong. Hạng mục đền Hộ Quốc cũng đang cấp tập xây dựng nhưng "chưa đâu vào đâu". Còn hạng mục đại tượng Phật thì chưa khởi động.
Ông Cấu cho biết thêm dự án thuộc quần thể cao nguyên đá Đồng Văn. Ban đầu người dân khá bức xúc vì dự án lấy đất canh tác của dân và đặc biệt là phải dịch chuyển mồ mả, điều với người dân tộc Mông là "chưa thấy bao giờ".
"Chúng tôi phải tuyên truyền rất vất vả, rằng sau này dự án hoàn thành, khách khứa đến nhiều dân có thể chuyển dịch sang buôn bán thì bà con mới vui vẻ. Giờ bà con nhận hết tiền đền bù rồi (?)", ông Vàng Mí Cấu nói.
Về việc phá núi xây các công trình du lịch tâm linh, ông Vàng Mí Cấu cũng thông tin: dự án được UBND tỉnh cho phép quy hoạch điểm mỏ khai thác vật liệu ngay tại chỗ.
"Tỉnh đồng tình cho đơn vị thi công bạt núi để tạo mặt bằng, đồng thời khai thác đá tận dụng luôn vật liệu tại chỗ cho các công trình xây dựng. Tạo xong mặt bằng thì đá thu được cũng đủ xây dựng các công trình", ông Vàng Mí Cấu giải thích.
Một đại diện của Đồn biên phòng Lũng Cú cũng cho biết dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú gồm ba hạng mục chùa, đền, đại tượng Phật nằm ở ba phía của cột cờ Lũng Cú, tạo thành thế chân vạc bao quanh cột cờ Lũng Cú. Ba hạng mục đều tựa lưng vào núi, quay mặt vào cột cờ quốc gia và mở đường đi tới cột cờ.
Như vậy ba hạng mục của dự án du lịch này đã ôm lấy ba mặt của núi Rồng nơi có cột cờ Lũng Cú. Mặt thứ 4 chính là công trình bảo vệ biên giới tại trung tâm xã Lũng Cú nằm ở phía nam.
Phá núi xây khu du lịch tâm linh nơi cột cờ Lũng Cú - Ảnh 5.
Một góc khác nhìn về Lũng Cú (ảnh chụp tháng 3-2019) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cảnh báo
Ngày 11-6-2018, hai năm sau khi dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú khởi công xây dựng, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã ban hành công văn số 2532/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Hà Giang về dự án này, trong đó đưa ra nhiều lưu ý và cảnh báo.
Tại văn bản này, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã yêu cầu phải bổ sung các giải pháp chỉnh trang cảnh quan di tích cột cờ Lũng Cú và cảnh quan tự nhiên vốn có bao quanh 2 hồ nước tại di tích.
Bộ cũng yêu cầu dự án phải được thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó cần đề xuất được những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh gây ảnh hưởng tới di tích cột cờ Lũng Cú và hoạt động phát triển du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu và khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn.
Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch yêu cầu phải tính toán giảm quy mô xây dựng các công trình, đảm bảo bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi và cảnh quan môi trường tự nhiên.
Ngoài ra bộ cũng lưu ý dự án cần phải xin ý kiến của một số bộ, ngành liên quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam... và của nhân dân địa phương để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai dự án.
Tiến sĩ Mai Thanh Sơn (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng với dự án này, trước khi thực hiện tỉnh phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, dự án nằm trên khu vực rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng thì cần phải có quyết định phê duyệt của Bộ Quốc phòng.
Dự án cần phải có kế hoạch sắp xếp lại lao động cũng như các phương án chuyển đổi sinh kế cho người dân tại chỗ bị ảnh hưởng bởi dự án, bởi du lịch chỉ mang lại lợi ích cho một số người, trong khi có thể tước đi sinh kế của nhiều người khác.
Đặc biệt, tiến sĩ Mai Thanh Sơn nhấn mạnh dự án nằm ở vị trí địa đầu Tổ quốc, một vị trí có tính thiêng trong lòng người dân cả nước nên rất cần được minh bạch thông tin. Bằng không, dự án đặt người dân vào sự đã rồi thì rất dễ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng hướng về nơi "tột Bắc" (chữ nhà văn Nguyễn Tuân dùng cho Lũng Cú) của Tổ quốc.
Phá núi xây khu du lịch tâm linh nơi cột cờ Lũng Cú - Ảnh 6.
Cột cờ Lũng Cú trong sương (ảnh chụp tháng 3-2019) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017, khu bảo vệ cảnh quan di tích cột cờ Lũng Cú, diện tích 101,5ha, gồm có phạm vi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia cột cờ Lũng Cú và khu vực phụ cận.
Quy hoạch cũng nhắc nhở việc cần bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi kết hợp bảo tồn di tích cột cờ Lũng Cú, cột mốc biên giới phía Bắc, phát triển du lịch tham quan, dã ngoại.
Thêm một dự án "rầm rộ"
Ngoài dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, Tập đoàn Phúc Lộc đồng thời được giao thực hiện dự án xây dựng cấp bách cơ sở hạ tầng bảo vệ biên giới tại trung tâm xã Lũng Cú, sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Ông Tạ Quang Tiến - phó bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú - cho biết dự án này nằm ở phía nam của cột cờ Lũng Cú - cũng đang được làm rầm rộ.
Một số hình ảnh ở Lũng Cú (ảnh chụp tháng 3-2019) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phá núi xây khu du lịch tâm linh nơi cột cờ Lũng Cú - Ảnh 9.
Phá núi xây khu du lịch tâm linh nơi cột cờ Lũng Cú - Ảnh 10.
Phá núi xây khu du lịch tâm linh nơi cột cờ Lũng Cú - Ảnh 11.
Phá núi xây khu du lịch tâm linh nơi cột cờ Lũng Cú - Ảnh 12.
https://tuoitre.vn/pha-nui-xay-khu-du-lich-tam-linh-noi-cot-co-lung-cu-20191020215559587.htm

CẢ HỘI THẢO 'CHOÁNG VÁNG' KHI BIẾT 18 DI SẢN NỔI TIẾNG SÀI GÒN BIẾN MẤT

TTO - Đó là cầu Ba Cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á trên kênh Hàng Bàng (quận 6), tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của TP trong Sở Cảnh sát PCCC, thương xá Tax, Nhà đèn Chợ Quán, cầu Nhị Thiên Đường...

Cả hội thảo choáng váng khi biết 18 di sản nổi tiếng Sài Gòn biến mất - Ảnh 1.
Cầu ba cẳng ở kênh Hàng Bàng (quận 6, TP.HCM) nay không còn nữa - Ảnh tư liệu
Một đặc điểm nổi trội của di sản văn hóa là giá trị sử dụng, "nếu không có giá trị sử dụng, di sản chỉ là di vật hoặc kỷ vật, mang giá trị lịch sử của di tích, mà khó phát huy các giá trị về văn hóa".
Giới chuyên môn về đô thị và di sản vừa gặp nhau tại hội thảo khoa học Di sản đô thị ở TP.HCM trong quá trình hiện đại hóa: Bảo tồn để phát triển bền vững để "góp thêm một tiếng nói" về hướng đi cho công cuộc phát triển đô thị song hành với bảo tồn di sản.
Hội thảo được ba đơn vị: khoa sử Trường đại học Khoa học, xã hội và nhân văn TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM và Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM cùng phối hợp tổ chức sáng 18-10 tại TP.HCM, thu hút hơn 50 tham luận.
“KTS danh tiếng nhất thế kỷ 20 là Le Corbusier có một câu nói đại ý rằng diện mạo của một TP có tuổi đời lâu năm giống như một khuôn mặt người, mà đã là khuôn mặt người lớn tuổi thì không thể không có nếp nhăn, có vết nám, thậm chí là cả những vết sẹo, nhưng đó mới là khuôn mặt người, nếu không có chúng thì là khuôn mặt của manơcanh, bóng mịn, vô hồn. Những di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc chính là những nếp nhăn của khuôn mặt TP.
TS Nguyễn Minh Hòa
Current Time0:03
/
Duration1:30
Auto
Tìm giải pháp bảo tồn và phát huy các công trình kiến trúc cổ ở TP.HCM
Tình trạng xâm lấn di tích
TS Trần Ngọc Khánh lưu ý mọi người phân biệt hai khái niệm di sản và di tích. Theo ông, "di sản là tất cả các sản nghiệp con người thời trước để lại cho con cháu đời sau. Di sản, vì vậy, mang ý nghĩa nhân văn, tích chứa nhiều tiềm lực của đời sống, nên được gọi là di sản văn hóa".
Một đặc điểm nổi trội của di sản văn hóa là giá trị sử dụng, "nếu không có giá trị sử dụng, di sản chỉ là di vật hoặc kỷ vật, mang giá trị lịch sử của di tích, mà khó phát huy các giá trị về văn hóa" - TS Trần Ngọc Khánh nhấn mạnh.
Và trong khi TS Khánh nhắc lại khái niệm di sản đô thị xuất hiện lần đầu tiên bởi tác giả G. Giovannoni (1873-1943) trong một bài báo từ năm 1913, TS Phan Đình Nham đưa ra một câu hỏi gây bối rối: "Cả nước có 27 di sản văn hóa, trong khi đó vì sao TP.HCM chưa có một di sản văn hóa nào?".
Thoát khỏi các vấn đề lý thuyết, ThS Nguyễn Mậu Hùng đến từ Đại học Huế lên tiếng cảnh báo về tình trạng "xâm lấn và chiếm dụng ngang nhiên" di tích lịch sử ở nhiều đô thị cả nước, trong khi đó tình trạng di sản bị xâm hại cũng không phải hiếm.
Những cái tên tại TP.HCM như chùa Giác Lâm, chùa Phụng Sơn, lò gốm Hưng Lợi được ông dẫn ra để minh chứng rằng nếu không cải thiện được tình trạng xâm lấn di tích và xâm hại di sản thì câu chuyện về bảo tồn và phát triển sao cho bền vững còn xa vời lắm.
Cần thông tin về di sản bị phá hủy ở ngay công trình mới
TS Nguyễn Minh Hòa "gây choáng" hội thảo khi đưa ra một danh sách gồm 18 công trình đã biến mất trong quá trình chúng ta xây dựng và phát triển TP.HCM.
Có thể kể ra những cái tên quen thuộc một thời: địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son và ụ tàu, cầu sắt trong Thảo cầm viên, cầu Ba Cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á trên kênh Hàng Bàng (quận 6), tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của TP ở khuôn viên Sở Cảnh sát PCCC, trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, công viên Chi Lăng, quán cà phê Givral, thương xá Tax, Nhà đèn Chợ Quán, cầu Nhị Thiên Đường, vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn...
Và ông Hòa đề xuất cách làm của các nước, khi xây dựng phát triển đô thị nếu vì bất khả kháng phải chấp nhận đánh đổi di sản để đem lại "lợi ích lâu dài và lớn gấp nhiều lần" thì cũng cần làm "phụ lục" di sản bị phá hủy ở ngay tại công trình mới (bảng giới thiệu, hình ảnh, một chút hiện vật còn sót lại, mô hình thu nhỏ của công trình/di sản lúc còn tồn tại...).
Trong công tác bảo tồn và phát triển, ông Hòa cũng nêu một tình trạng tồn tại đến nay rất khó chấp nhận, là "chúng ta chưa có một danh sách và lý lịch đầy đủ về các di sản, di tích văn hóa - lịch sử - kiến trúc trên địa bàn TP.HCM".
Theo ông, không chỉ thống kê về tên gọi mà quan trọng là lý lịch của từng di sản. Phải làm bước đầu tiên đó đã, từ đó mới có thể biết tường tận về di sản, và như vậy mới có thể tính đến chuyện bảo tồn để phát triển bền vững.
Phong tặng thay vì xin cho
Ông Hòa cũng mạnh dạn đề nghị "không nhất thiết phải có đơn xin được xếp hạng di sản văn hóa của cộng đồng hoặc cá nhân nắm giữ di sản" như quy định lâu nay.
Thay vào đó, "nếu thấy di sản đó thực sự có giá trị thì cơ quan chức năng phong hạng (như thế giới vẫn làm) để làm tăng giá trị đối với uy tín của một TP và cho du lịch, còn công trình đó có là di sản hay không khi sửa chữa, cải tạo vẫn phải tuân theo Luật xây dựng".
Nhưng các câu chuyện bảo tồn di sản đô thị đều tập trung lại nơi chính quyền và nhà đầu tư - hai nhân tố "đang có vai trò quyết định" bên cạnh hai nhân tố khác là cộng đồng và các nhà chuyên môn, theo nhận định của TS Nguyễn Thị Hậu.
Từ phía ban tổ chức, ông Trương Kim Quân, giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM, chia sẻ rằng nhiệm vụ đặt ra bây giờ là "cân bằng được tốc độ đô thị hóa với vấn đề giữ gìn những di sản đã có".
Củ Chi: thu hút khách để di tích được "sống"
Tại buổi giám sát về công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị ngày 18-10 của HĐND TP.HCM, đại diện UBND huyện Củ Chi cho biết huyện có nhiều khó khăn về nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo tồn, duy tu các di tích.
Địa bàn huyện Củ Chi hiện có một di tích quốc gia đặc biệt (là địa đạo Củ Chi) và bốn di tích cấp TP. Có di tích xuống cấp lâu năm, công tác duy tu sửa chữa gặp khó khăn do thủ tục kéo dài và khó tìm đơn vị có chuyên môn.
Tại buổi giám sát, ông Trương Trung Kiên - trưởng Ban đô thị, HĐND TP.HCM - lưu ý UBND huyện Củ Chi trong việc thiết kế xây dựng các công trình trong khu di tích.
Theo đó, các công trình này cần được thiết kế theo hướng mở kết hợp với các chức năng sinh hoạt cộng đồng để thu hút được nhiều du khách và cả người dân địa phương đến với di tích.
"Về lâu dài việc này hỗ trợ bảo tồn di tích bền vững, vừa tạo nguồn thu xã hội hóa để tu bổ trở lại di tích. Còn ngược lại, di tích giống như nhà không có người ở" - ông Kiên ví von.
D.N.HÀ 

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

MANG SÚNG KHI DIỆN BIKINI - VÉN BỨC MÀN BÍ ẨN VỀ LỰC LƯỢNG NỮ BINH ISRAEL

VietTimes -- Nếu khi đến Israel bạn thấy hai hoặc ba cô gái mặc bikini và cười nói với bạn bè ở bãi biển Tel Aviv hay đứng trong quầy bar trong khi vẫn khoác trên mình khẩu súng trường tự động, thì đừng ngạc nhiên hay hoảng sợ vì họ chỉ đang thực hiện nghĩa vụ của mình.
Các nữ binh Israel sát cánh cùng các nam đồng nghiệp đảm đương mọi nhiệm vụ trong quân đội
Các nữ binh Israel sát cánh cùng các nam đồng nghiệp đảm đương mọi nhiệm vụ trong quân đội
Có lẽ trong phần lớn ấn tượng của mọi người, Mỹ là nơi kiểm soát súng lỏng lẻo nhất trong tất cả các quốc gia trên thế giới, nhưng mọi người thường bỏ qua tỷ lệ mang súng của người Israel. Ở hầu hết mọi nơi trên đất nước này, người ta đều có thể thấy người Israel với súng trường sau lưng “lắc lư đi dạo phố”, trong số đó có rất nhiều phụ nữ trẻ xinh đẹp.
Trên thực tế, chuyện mang súng bên mình của các cô gái người Israel có những lý do riêng của họ.
Mang súng khi diện bikini - Vén bức màn bí ẩn về lực lượng nữ binh Israel  - ảnh 1

Những cô gái Israel đang đeo súng này hầu như đều là những phụ nữ đang hoặc đã phục vụ trong quân đội thường trực Israel. Theo quy định của Luật Quốc phòng Israel, ngay cả trong thời gian không làm nhiệm vụ, tất cả binh sĩ Israel đang tại ngũ và trong ngạch dự bị đều phải luôn mang theo súng bên mình. Đây chính là lý do trực tiếp khiến các cô gái Israel phải đeo súng trường khi đang mặc bikini.
Súng trường gần như đã trở thành trang bị tiêu chuẩn của nữ quân nhân Israel. Trên mạng xã hội đầy các bức ảnh của các cô gái Israel chụp khoe bản thân, một bên với trang bị vũ khí đầy đủ và một bên là trong trang phục mát mẻ vào mùa hè. Có thể khi xem những tấm hình này, sẽ có người không hiểu: những cô gái này ăn mặc theo thể thống gì vậy? Làm sao có được sức chiến đấu khi chụp những bức ảnh như thế mỗi ngày? Mong các nhà chức trách Israel có liên quan hãy quản chặt họ...
Mang súng khi diện bikini - Vén bức màn bí ẩn về lực lượng nữ binh Israel  - ảnh 2

Thực tế hoàn toàn ngược lại! Để thu hút nhiều phụ nữ trẻ tham gia quân đội, quân đội Israel đã khuyến khích các nữ quân nhân đang tại ngũ post những bức ảnh “mát mẻ nhất” lên các trang mạng xã hội để thể hiện bộ mặt tinh thần tốt đẹp của lực lượng quốc phòng Israel. Năm 2007, Lãnh sự quán Israel tại New York đã cho đăng 5 bức ảnh cực kỳ quyến rũ của các nữ quân nhân Israel trên tạp chí nam nổi tiếng Maxim của Mỹ, khiến dư luận dậy sóng...
Mang súng khi diện bikini - Vén bức màn bí ẩn về lực lượng nữ binh Israel  - ảnh 3

Trên Internet, có những lời bình luận rằng “Gái Do Thái kỳ dị, không thích trang điểm thích súng ống”, nhưng vẻ đẹp quyến rũ của thân hình các cô gái Israel quả thật đã khiến cho giới mày râu đứng ngồi không yên.
Vào ngày 18 tháng 8 năm 1948, Thủ tướng Israel David Ben-Gurion đã ra lệnh tuyển dụng phụ nữ độc thân và phụ nữ có chồng mà chưa có con (sinh từ năm 1920 đến 1930) vào quân đội. Từ đó, phụ nữ Israel đã chính thức trở thành một bộ phận của quân đội thường trực Israel và dần dần phát triển, thực sự đã thành “một nửa bầu trời” trong quân đội.
Mang súng khi diện bikini - Vén bức màn bí ẩn về lực lượng nữ binh Israel  - ảnh 4

Cho đến nay, lính nữ chiếm khoảng 34%  tổng quân số quân đội thường trực và 57% số sĩ quan quân đội; có tới 92% vị trí trong quân đội mở cửa đối với phụ nữ Israel – đây là điều có một không hai trên toàn thế giới, không có ở bất cứ quốc gia nào khác.
Tương tự, theo thống kê của Quân đội Quốc gia Israel, trong hơn nửa thế kỷ từ 1962 đến 2016, đã có 535 nữ binh sĩ Israel hy sinh trong các hoạt động chiến đấu (con số này không bao gồm hàng chục nữ quân nhân đã thiệt mạng trong quân đội Israel trước năm 1962).  
Mang súng khi diện bikini - Vén bức màn bí ẩn về lực lượng nữ binh Israel  - ảnh 5

Là một quốc gia nhỏ với dân số chỉ 8,5 triệu người, lãnh thổ chỉ rộng hơn 10.000 km2 và bị kẹp giữa một số nước Ả Rập thù địch, quốc phòng là nền tảng lập quốc của Israel. Kể từ khi thành lập đất nước vào năm 1948 đến nay, Israel đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh quy mô lớn và có tới mấy lần đứng bên bờ vực đất nước diệt vong. Điều này khiến người Israel rất coi trọng quân nhân.
Bản thân Israel có dân số ít, nên chỉ có thể thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Luật nghĩa vụ quân sự của Israel quy định tất cả công dân nam từ 18 đến 29 tuổi, công dân nữ trong độ tuổi từ 18 đến 24 đều phải tham gia quân đội thường trực, trừ những trường hợp đặc biệt. Công dân nam phải thực hiện nghĩa vụ quân sự 3 năm và công dân nữ thì phục vụ quân đội 21 tháng. Ngoài ra, sau khi hết thời hạn phục vụ, tất cả quân nhân sẽ được chuyển đổi thành lính dự bị, trừ những trường hợp đặc biệt phải gia hạn thời gian phục vụ tại ngũ.
Mang súng khi diện bikini - Vén bức màn bí ẩn về lực lượng nữ binh Israel  - ảnh 6

Có lẽ sẽ có người đặt câu hỏi, tại sao những người vẫn còn là trẻ em chỉ mới 18 tuổi, lại sẵn sàng tham gia quân đội? Điều này không tách rời khỏi việc giáo dục lòng yêu nước và giáo dục quốc phòng ở Israel.
Từ khi bắt đầu vào bậc trung học (phổ thông cơ sở), mọi trẻ em Israel đều được nghiên cứu lịch sử phục quốc của người Do Thái rất chi tiết. Các em cũng sẽ bắt đầu học hỏi từ nhiều khía cạnh về việc dân tộc mình đã bị lưu lạc và phải chịu đựng những khổ nạn như thế nào. Trong quá trình này, trẻ em cũng đồng thời được học các môn học giáo dục quốc phòng có liên quan, như lịch sử chiến đấu của quân đội, kỷ luật quân đội và thậm chí cả chiến lược quân sự.
Mang súng khi diện bikini - Vén bức màn bí ẩn về lực lượng nữ binh Israel  - ảnh 7

Khi các thanh niên Israel trở thành tân binh theo pháp lệnh quốc gia, có một hoạt động không thể thiếu là đến thăm Bức tường Than khóc và Đài tưởng niệm vụ thảm sát Holocaust ở Jerusalem. Các tân binh sẽ đến Bức tường Than khóc trong đội ngũ chỉnh tề và lắng nghe sĩ quan hướng dẫn kể về lịch sử đau thương người Do Thái không chốn nương thân suốt hai nghìn năm, thánh đường bị phá hủy và cả dân tộc phải lưu lạc khắp nơi.
Nhờ hệ thống phòng thủ quốc gia hoàn chỉnh và nền giáo dục quốc phòng đã đi sâu vào lòng người dân mà Israel đã hình thành một mô thức chiến đấu “toàn dân đều là lính”.
Mang súng khi diện bikini - Vén bức màn bí ẩn về lực lượng nữ binh Israel  - ảnh 8

Cả nước Israel được chia thành 14 khu vực động viên, mỗi khu vực có các điểm tập kết và kho vũ khí quân dụng. Mỗi khu vực có thể có một hoặc hai lữ đoàn quân dự bị. Sau khi bước vào thế kỷ 21, Quân đội Quốc gia Israel đã thiết lập các binh trạm trên khắp thế giới để chuẩn bị nếu cuộc xung đột với người Palestine leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn trên thế giới thì người Do Thái trên khắp nơi có thể tham gia chiến đấu được ngay.
Với cách giáo dục như vậy, một dân tộc như vậy, kỷ luật như vậy, đã tạo nên một quân đội giống như sắt thép.
Mang súng khi diện bikini - Vén bức màn bí ẩn về lực lượng nữ binh Israel  - ảnh 9

Vào ngày 6 tháng 10 năm 1973, các quốc gia Ả Rập do Ai Cập, Syria đứng đầu và quân du kích Palestine nhân “Ngày lễ Rửa tội” của Do Thái giáo đã tiến hành một cuộc đột kích vào Israel. Quân đội Israel lúc đầu lâm vào tình trạng hỗn loạn chưa từng có, thậm chí quân đội Ai Cập đã đuổi được người Israel ra khỏi bán đảo Sinai. Quân đội Ả Rập trên tất cả các mặt trận cũng đã phá vỡ tuyến phòng thủ của quân đội Israel.
Mười lăm phút sau khi chiến tranh bùng nổ, Đài phát thanh Israel đã công bố các mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng và thông báo qua điện thoại, điện báo, thư, đài phát thanh... yêu cầu tất cả các quân nhân ngạch dự bị ngay lập tức đến các địa điểm được chỉ định.
Mang súng khi diện bikini - Vén bức màn bí ẩn về lực lượng nữ binh Israel  - ảnh 10

Trong vòng bốn mươi tám giờ sau khi chiến tranh bùng nổ, số lượng binh sĩ dự bị được huy động lên tới 330.000 và tổng binh lực đã trực tiếp tăng từ 120.000 trước chiến tranh lên 450.000 quân. Đồng thời, các nhà máy sản xuất ô tô và máy bay cũng nhanh chóng chuyển từ dân sự sang quân sự; các nhân viên kỹ thuật công trình và nhân viên sửa chữa cũng lần lượt đi ra tiền tuyến.
Israel nhanh chóng đảo ngược cục diện chiến tranh và kết thúc chiến tranh với phần thắng chỉ sau 20 ngày. Sau chiến tranh, tổng thống Ai Cập đã bị áp lực chính trị trở thành nhà lãnh đạo Ả Rập đầu tiên đến Israel để ký “Hiệp ước trại David” với sự chắp nối của Hoa Kỳ - đó là kết quả chung cuộc của cuộc Chiến tranh Trung Đông lần thứ tư (Chiến tranh Ngày Rửa tội).
Mang súng khi diện bikini - Vén bức màn bí ẩn về lực lượng nữ binh Israel  - ảnh 11
Tổng thống Mỹ (giữa) và Thủ tướng Israel (trái), Tổng thống Ai Cập (phải) gặp nhau ký kết Hiệp ước hòa bình Trại David sau Chiến tranh Ngày lễ Rửa tội năm 1973
Hai ngàn năm trước, Masada, được coi là thánh địa của người Do Thái, đã bị người La Mã chiếm giữ và 960 người gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em trong thành phố đã tự sát. Từ đó trở đi, dấu chân của người Do Thái biến mất khỏi Vùng Đất Hứa (Promised Land) và bắt đầu một cuộc lưu đày khắp thế giới trong hai ngàn năm. Hai ngàn năm sau, người Do Thái trên thế giới đã quay trở về vùng đất theo dấu chân của tổ tiên, ngay trước mắt của người Ả Rập và tạo lập nên bầu trời và mặt đất riêng.
Mang súng khi diện bikini - Vén bức màn bí ẩn về lực lượng nữ binh Israel  - ảnh 12

Ý thức khủng hoảng, ý thức hoạn nạn, tinh thần dân tộc, giáo dục quốc phòng, v.v., chạy xuyên suốt lịch sử của dân tộc Do Thái, cùng với sự phát triển của nhà nước Israel. Các thế hệ thanh niên Israel, đặc biệt là phụ nữ trẻ, đã không quay lưng lại với doanh trại quân đội; giống như những người đàn ông, họ cũng lái máy bay, điều khiển xe tăng và chiến đấu với kẻ thù bằng chính thân mình.
Cuộc sống quân ngũ là tuổi trẻ của các cô gái Israel và tuổi trẻ của hầu hết những người trẻ tuổi ở Israel.
Theo Sohu, Đa Chiều