Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

LÃO NGHỆ NHÂN NGUYỄN THỊ DẦN TRỌN ĐỜI GIỮ PHONG VỊ THANH TAO ĐẤT HÀ THÀNH

VietTimes -- 96 tuổi, lão nghệ nhân Nguyễn Thị Dần đã có một hành trình gần trọn thế kỷ gắn bó với loài sen đại đóa Bách Diệp Tây Hồ. Cụ Dần không chỉ là một bậc thầy về nghề ướp trà sen mà cụ còn cất giữ những kí ức đẹp đẽ, những câu chuyện như huyền thoại gắn với loài sen Bách Diệp Tây Hồ suốt cả thế kỉ qua.
Lão nghệ nhân Nguyễn Thị Dần cả đời gắn bó với loài sen Bách Diệp hồ Tây.
Lão nghệ nhân Nguyễn Thị Dần cả đời gắn bó với loài sen Bách Diệp hồ Tây.
Hồ Tây, Hà Nội, Việt Nam vốn là vùng trời nước gắn liền với bao câu chuyện huyền thoại, truyền thuyết và đi vào thơ ca Việt Nam từ bao đời nay. Kia đầm Cáo, nơi chàng Sùng Lãm- Lạc Long Quân diệt Cửu Bạch Hồ từ thời thượng cổ; đây Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh, nơi lưu giữ gót tiên và cuộc đàm đạo thơ văn của Người với trạng Nguyên Phùng Khắc Khoan. Và còn đây nữa, loài sen quý đại đóa hàng trăm cánh thơm ngát có tên Bách Diệp, loài sen cho đất Hà thành món đặc sản độc đáo: trà ướp hương sen được làm thủ công có một không hai.
Là nghệ nhân cao tuổi nhất của làng trà sen Tây Hồ, lão nghệ nhân Nguyễn Thị Dần cũng là một trong những công dân cao tuổi nhất tại Quảng Bá, Tây Hồ. Trong kí ức của cụ Dần, từ khi còn là cô bé con cụ đã được tắm mình trong làn hương thơm ngát của sen Bách Diệp. Cũng như cụ Dần, không một ai ở làng sen biết loài sen Bách Diệp đã xuất hiện ở vùng trời nước này như thế nào nhưng từ đời cha ông của cụ những người dân nơi đây đã sống bằng nghề bán hoa sen và ướp trà sen.
Cô bé tuổi trăng và bí quyết kinh doanh sen xuyên thế kỉ
Sống gần trọn 100 năm nghệ nhân Nguyễn Thị Dần vẫn giữ được sự minh mẫn, niềm đam mê công việc và nét đằm thắm của người phụ nữ Hà thành xưa. Gặp chúng tôi, cụ hồn hậu cho biết: “Bạn bè và những người cùng lứa với mình đã ra đi từ lâu lắm rồi. Mình đi bán sen từ năm 16 tuổi và đến giờ nghĩ lại cũng không thể tưởng tượng được mình có thể sống tới ngần này tuổi”.
Có lẽ từ thế kỷ trước, khi còn là cô bé con chớm tuổi cập kê, bắt đầu biết làm đỏm bằng cách khổ sở biến hàm răng trắng đều như hạt lựu thành hàm răng đen huyền, diện chiếc áo cánh gụ và vấn tóc làm duyên cụ Dần không thể nào tưởng tượng cụ có thể đam mê loài sen Bách Diệp này và gánh gánh hàng hoa đi xuyên qua hai thế kỉ.
Lão nghệ nhân Nguyễn Thị Dần trọn đời giữ phong vị thanh tao đất Hà Thành - ảnh 1
Nghệ nhân Nguyễn Thị Dần gần 100 tuổi mà vẫn mẫn tiệp
Trong kí ức thơm phức hương hoa sen cụ hồi tưởng lại không gian Hồ Tây với những đầm sen thơm ngát từ những năm đầu của thế kỷ trước: “Ngày đó khu vực Hồ Tây bát ngát các đầm sen, đến mùa, vào độ tháng 3, tháng 4 sen đã bắt đầu trổ bông, những bông sen đại đóa thơm ngát, những nụ sen đượm hương chứ không thưa thớt, lác đác và tàn lụi như bây giờ. Ngày đó những đầm sen và hoa sen ở đây có 10 phần thì tới nay chẳng còn đến 2 phần. Từ khi tôi còn nhảy chân sáo tôi đã cảm nhận được hương thơm ngào ngạt của hoa sen bao trùm không gian Hồ Tây mỗi độ mùa về. 
Lớn hơn một chút, tôi bắt đầu theo chân chị em bạn gom hoa sen ở các hồ gánh ra phố chợ bán lấy tiền dắt lưng làm vốn riêng. Khi đó, trong làng có nhiều gia đình làm nghề ướp trà sen nhưng gia đình tôi thì không làm, nên ban đầu tôi chỉ gánh hàng hoa đi bán sen thôi. Tôi có duyên với hoa sen và có duyên bán hàng nên bao giờ hoa của tôi cũng bán nhanh hết nhất. Mọi người phải khen là tôi bán hoa sen không bao giờ bị ế”. 
“Hoa sen mưa” và “huyền thoại” về sen Bách Diệp
Chỉ người làm nghề ướp trà sen, bán hoa sen hay thực sự yêu hoa sen mới hiểu khái niệm thế nào là “Hoa sen mưa”. 
Hoa sen mưa là chỉ những bông hoa sen bị gặp trận mưa rào vào đúng thời điểm hoa nở. Thời điểm đó là vào khoảng 3h sáng tới 6h sáng. Nếu vào thời điểm này mà có trận mưa to thì nước mưa trút xuống xối xả sẽ làm cho hoa sen nhanh bị rã cánh và mất mùi hương thơm. Do vậy, những ai buôn bán hoa sen hoặc chờ đợi những bông sen mới ngắt để ướp trà, thậm chí cả những ai thực sự yêu hoa sen và am hiểu về loài hoa này đều kiêng kị mua phải những bông Hoa sen mưa.
Lão nghệ nhân Nguyễn Thị Dần trọn đời giữ phong vị thanh tao đất Hà Thành - ảnh 2
Túi trà sen mang nhãn hiệu Bà Dần
Khi còn gánh hoa đi bán, chả may lúc ra chợ gặp phải cơn mưa to, bị khách hàng chê là mua vào Hoa sen mưa cụ Dần liền cho biết: “Hoa sen mưa là những bông sen nở đúng khi trời trút mưa to chứ lúc hoa nở trời không mưa, lúc ngắt hoa về bán không mưa mà mãi khi đi bán hoa mới gặp trời mưa thì sao lại phải lo Hoa sen mưa”.
Có lẽ, đây cũng là một trong những điểm đặc biệt của loài hoa này. Bởi có rất nhiều loài hoa đẹp và thơm ngát nhưng thường nở về đêm như: Hoa quỳnh, hoa nhài, hoa dạ lan hương, hoa cau…. Nhưng hoa sen lại chọn thời điểm là sáng sớm mà vào đúng 3 tiếng đầu ngày, khi bình minh bắt đầu ló rạng từ 3 giờ sáng đến 6 giờ sáng để bừng nở hay he hé những cánh sen tươi, khoe hương ngào ngạt.
Chưa có tài liệu khoa học nào công nhận sen Bách Diệp là loài sen đặc biệt quý hiếm nhưng bất kì ai biết về hoa sen đều công nhận sen đại đóa 100 cánh với tên gọi sen Bách Diệp ở Hồ Tây là loài sen độc đáo và khác hẳn với những bông sen khác có mặt tại Việt Nam ở thời điểm này.
Thiên nhiên dường như cũng chỉ ưu đãi cho riêng trời nước nơi đây khi loài sen hàng trăm cánh chỉ đặc biệt thơm và khoe hết sắc đẹp khi được trồng đúng ở nguồn nước Tây Hồ. Chỉ cần dịch sang nơi khác, ngay cận kề đó sen cũng bớt thơm, bông cũng thưa cánh hẳn đi. Cụ Dần cho biết: “Hai năm nay, do nước Hồ Tây ô nhiễm quá nặng nên sen không thể nào nở được hoặc có nở cũng không thể khoe hết sắc hương, không thể nở bung như chiếc bát mà cứ còi còi, nho nhỏ rồi chỉ được lứa đầu thì lụi. Chúng tôi còn phải mang giống sen ở đây đi nơi khác để trồng ví như mang lên phía trên hay sang rìa sông nhưng cứ ra khỏi vùng nước Hồ Tây thì sen kém hẳn mất hai ba phần. Nếu ngày xưa chỉ cần 100 bông đại đóa sẽ được một lạng chè ướp sen thì nay phải là 110 tới 120 bông. Chúng tôi còn chả dám mua sen ở nơi khác để ướp vì cho dù sen ở Tây Hồ không còn được như trước vẫn cứ thơm hương, đượm vị hơn”.
“Biệt dược” trà sen và nghệ thuật ướp trà hàng trăm năm
Cho tới bây giờ, ở ngưỡng xấp xỉ 100 tuổi chẵn cụ Dần vẫn đam mê công việc. Cụ giãi bày: “Các con và các cháu tôi nói tôi hãy nghỉ ngơi đi nhưng mình không thể bỏ công việc được. Chẳng phải do tôi thiếu tiền tiêu hay do tôi không yên tâm giao việc cho người khác mà vì không làm thì tôi nhớ công việc lắm. 
Lão nghệ nhân Nguyễn Thị Dần trọn đời giữ phong vị thanh tao đất Hà Thành - ảnh 3
 
Những bông sen được cụ Dần chọn phải là những bông sen được ngắt từ 3 giờ sáng, tới 6 giờ đã phải thu gom để mang về tách lấy gạo sen. Muốn gạo sen giữ trọn vẹn hương thơm và cho mẻ trà ngon thì cách tách gạo sen phải nhanh tay và ướp trà sớm, chậm nhất là phải xong lúc 10 giờ sáng để giữ cho hương sen tỏa ra từ gạo sen được nức mùi nhất. Sau đó cụ ủ trà sen trong một phòng riêng và phòng riêng ấy được đóng kín, sực nức hương sen và hơi nước nóng do đun sôi, đổ đầy thùng để quần trà xung quanh và phủ lên một tấm mền như một chiếc chăn- đây có lẽ là phương pháp ủ trà độc đáo và lâu đời nhất mà các nghệ nhân làng trà sen Tây Hồ còn giữ lại.
Bên cạnh các công đoạn ướp trà truyền thống theo nguyên tắc chung thì còn có những nguyên tắc bất thành văn được cụ Dần cho là bí quyết nhất định phải tuân thủ. Điều khá thú vị là ngoài mùa hoa sen nở cụ còn ướp trà cúc, trà nhài, trà bưởi nhưng chỉ riêng với trà sen không chỉ cụ Dần mà bà con nơi đây luôn phải nhắc nhớ nhau, đó là: khi bắt đầu ngồi tách gạo sen và từ lúc chuẩn bị các công đoạn đầu tiên cho mẻ trà ướp hương sen những người tham gia không được phép dùng nước hoa, đàn bà con gái bẩn mình không được làm, thậm chí, cả loại trà dùng để ướp cũng phải là loại trà mộc ngon nhất, không có tạp hương lẫn trong đó. 
Không biết do loài hoa sen vốn có khí chất thanh tao, cao nhã và đòi hỏi sự trân trọng, khác biệt không lẫn lộn hay bởi loài hoa ấy vốn thuần khiết trong trẻo và mang tính tâm linh đẹp đẽ hay không mà tự nhiên bắt buộc những nghệ nhân nơi đây phải tuân thủ nguyên tắc khó giải thích ấy. Nhưng sự thực đã chứng minh, từ khi cụ Dần còn là cô gái trẻ trung, tràn đầy sức sống cụ đã chứng kiến vụ một chum trà bị uổm, phải bán đổ bán tháo với giá rẻ mạt chỉ vì những người thực hiện không chịu tuân thủ nguyên tắc trên. 
Cụ Dần kể: “Dạo ấy, những người giám sát công việc tách gạo sen và ướp trà rất khắt khe khi kiểm tra các công đoạn làm trà. Có người phụ nữ bị tới tháng, được nhắc nhở phải dời bỏ vị trí và nghỉ làm tới khi sạch chu kì. Người phụ nữ đó bực mình phản kháng, đại ý là: đàn bà ai chẳng “bị” mà cứ phải vẽ vời ra chuyện nọ chuyện kia. Cứ làm đi xem có xảy ra chuyện gì hay không. Thế rồi mọi người nói chẳng được mới bảo nhau thử đánh dấu cái chum trà do người phụ nữ ấy phụ trách xem sự thể thế nào.
Thực ra khi đó nhiều người cũng bán tín bán nghi, muốn thử một lần kiểm chứng tin đồn và những bí quyết cổ truyền do các cụ để lại có thực không hay chỉ là sự kiêng kị cổ hủ. Nhưng rồi ai cũng thất kinh khi thấy chum trà đó bị biến màu và uổm hết. Kể từ bữa ấy, chúng tôi càng tin hơn vào những kinh nghiệm truyền miệng mà cổ nhân để lại”.
Cho tới nay, dù chỉ là món đặc sản dân giã, sản xuất với số lượng có hạn và xuất hiện vào đúng dịp đầu hè nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Dần có lượng khách hàng đáng nể với những đơn đặt hàng từ Mỹ, Pháp, Anh, Nhật… Những ai đã uống trà sen do chính tay lão nghệ nhân Nguyễn Thị Dần làm sẽ không thể nào quên được. Những cân trà ngon, đặc biệt được chọn lọc và ướp với lượng hoa sen nhiều sẽ có giá là 10 triệu đồng một kg; loại ngon theo cách truyền thống có giá là 7 triệu đồng, trà bông: được ướp trà ngon trong những bông hoa sen đẹp nhất có giá là 30 nghìn một bông.
Trong không khí cuối thu đầu đông xe xe lạnh thế này, không gì tuyệt bằng thưởng thức một tách trà sen từ nghệ nhân Nguyễn Thị Dần với hương sen thanh khiết, phảng phất những câu chuyện diệu huyền làm cho tinh thần sảng khoái, trí tuệ khai thông và tăng khả năng sáng tạo, tâm hồn thư thái và thêm yêu hơn mỗi giá trị của cuộc đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét