Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÓ TIN Ở LÀNG BUÔN “GÓC CON NGƯỜI”

Những ngôi biệt thự nguy nga mọc lên san sát, những chiếc xế hộp bạc tỷ trong các gia đình ở thôn Thiệu Tổ (xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) giống như một khu đô thị thu nhỏ và xứng đáng được mệnh danh là "làng đại gia". Khó ai có thể tin được, sự đổi đời này là nhờ vào nghề buôn tóc buôn "góc con người".

Buôn tóc “xài” xế hộp
Đó là câu chuyện đổi đời từ nghề buôn tóc của đại gia Bùi Văn Quốc và vợ là chị Trần Thị Hoàn (thôn Thiệu Tổ). Về thôn Thiệu Tổ, hỏi thăm ông trưởng thôn về một số đại gia buôn tóc tiêu biểu, ông không trả lời ngay mà cười xòa: "Danh sách thì nhiều lắm, các cô cứ đi quanh làng, chỗ nào cũng gặp được".
Pháp luật - Những câu chuyện khó tin ở làng buôn “góc con người”
Những ngôi biệt thự sang trọng "mọc lên như nấm" nhờ nghề buôn tóc.
Ban ngày ở Thiệu Tổ, cửa nhà nào nhà nấy đóng im ỉm, hỏi ra mới biết, các gia đình một là đi vào Nam mua tóc, hai là cùng đi các tỉnh miền núi phía Bắc và vùng dân tộc để "săn" tóc, đặc biệt là những mái tóc dài. Tìm tới gia đình đại gia Bùi Văn Quốc, ngôi nhà cao tầng khang trang, bên trong, những đồ dùng gia đình và bộ bàn ghế đắt tiền cho thấy sự đủ đầy, chịu chơi của gia chủ. Chỉ mới bắt đầu buôn tóc từ năm 2006 nhưng đến nay, vợ chồng "đại gia tóc" Hoàn - Quốc đã nhà cao cửa rộng và sắm ô tô Honda Civic để thuận tiện cho việc đi lại.
Ngả lưng ra chiếc ghế gỗ đồ sộ, cụ Bùi Ngọc Hưng (70 tuổi, bố anh Quốc) chậm rãi kể: "Hai vợ chồng con trai tôi bắt đầu đi buôn tóc từ năm 2006. Ngày đó, do có quen một vài lái buôn mạn Bắc Ninh qua Thiệu Tổ mua tóc, anh Quốc nhà này thấy có lãi nên theo nghề". Trước khi trở thành "đại gia tóc", anh Quốc đã bươn trải qua rất nhiều nghề, đã tha phương tận trong TP.HCM nhưng cũng chỉ tằn tiện kiếm đủ miếng ăn cho bản thân, không gửi về cho cha mẹ già được đồng nào. "Học hết lớp 12, không có điều kiện vào đại học, Quốc đi nghĩa vụ quân sự, khi về thì cu cậu theo học nghề thợ đục bàn ghế, tủ, sập gụ. Cặm cụi 1 năm làm khoán thợ mộc gần nhà, thu nhập của Quốc chỉ được vài chục ngàn/ngày, đói vẫn hoàn đói, cu cậu quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp", cụ Hưng tâm sự.
Chừng 3 - 4 năm bán bánh tẻ khắp đất Sài thành trên chiếc xe đạp cọc cạch, chẳng tích cóp nổi đồng nào, thấy phụ lòng cha mẹ già, năm 2003, anh Quốc quyết chí về quê cưới vợ. Hai vợ chồng chuyển nghề buôn nhôm, đồng cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Vừa chép miệng thở dài về một thời khốn khó, cụ Hưng tiếp chuyện: "Từ năm 2006, vợ chồng Hoàn - Quốc chở nhau xe máy đi khắp các tỉnh phía Bắc để buôn tóc. Ba năm sau thì sắm được xe ô tô tải hiệu Hyundai để tiện việc vận chuyển, buôn bán".
Vài tháng sau "đại gia tóc" này quyết định lên đời bằng xế hộp Honda Civic có giá trị hơn 700 triệu đồng. Hiện tại, đi "săn" tóc ở bất cứ đâu, hai vợ chồng lại vi vu xế hộp. Theo cụ Hưng, cả thôn Thiệu Tổ, các đại gia buôn tóc có thừa điều kiện mua ô tô tiền tỷ nhưng họ không thích.
Nói về nghề buôn tóc, cụ Hưng khẳng định, đây là nghề giúp làm giàu nhanh chóng, tuy nhiên, nghề này lãi to nhưng khi lỗ thì cũng lao đao không kém. Được biết, tóc sau khi mua về được chia ra làm 3 loại, tóc nóng là tóc được cắt ngay trên đầu, tóc tỉa là tóc được tỉa gọn gàng trên đầu và tóc rối. Trong đó, tóc tỉa là kiểu tóc có giá trị nhất vì dài, mượt lại được tỉa gọn gàng.
Với người buôn tóc Thiệu Tổ, người trực tiếp đi cắt, mua tóc mới là người có bí quyết để lựa được lãi nhiều, lãi ít, riêng những người đi buôn thì phải cầm thật chuẩn. Tóc sau khi chải mượt, gỡ rối được người Trung Quốc, Hồng Kông đến tận nơi mua. Tuy nhiên, một câu hỏi mà người dân Thiệu Tổ đều lắc đầu đó là không biết phía lái buôn Trung Quốc mua tóc làm gì. Có những thời điểm, tóc đã gom về, cả kho hàng giá bạc tỷ nhưng lái buôn Trung Quốc lại giở chứng, trả giá bèo bọt, chọn lựa kỹ càng, thi thoảng lại dọa ngừng mua để bà con lo sợ mà bán cho với giá rẻ.
Khi chúng tôi bày tỏ ý định chờ vợ chồng "đại gia tóc" Hoàn Quốc về để hỏi thêm câu chuyện thì cụ Hưng phân trần: "Hai vợ chồng nó đi giờ giấc thất thường lắm, có khi khuya mới về, cũng có khi đi vài ngày nếu mua được nhiều hàng".
Pháp luật - Những câu chuyện khó tin ở làng buôn “góc con người” (Hình 2).
Phân loại tóc trước khi tiêu thụ.
Buồn vui nghề buôn... “góc con người”
Nghề buôn tóc ở thôn Thiệu Tổ có thâm niên khoảng mười năm nay, thế nhưng, đây là một trong ba nghề chính giúp người dân nơi đây giàu lên một cách nhanh chóng. Qua cổng làng, đập vào mắt chúng tôi là những ngôi biệt thự 3 - 4 tầng nguy nga lộng lẫy của các "đại gia tóc". Vừa cất tiếng hỏi thăm nhà của một vài đại gia buôn tóc, chúng tôi nhận được ngay câu hỏi lại từ người dân nơi đây: "Đi bán tóc à? Kia kìa, nhà có cái cổng sắt màu xanh, ngay cổng có cây xoài to tướng kia là nhà Bốn Kim đó. Đằng kia là nhà Hoàn - Quốc... Ở làng này, ai chẳng biết các đại gia mới nổi từ buôn tóc".
Dọc theo đường bê tông chính của làng, chúng tôi chỉ thấy bóng dáng của người già và trẻ nhỏ ở nhà, rất ít gia đình có người lớn. Hỏi ra mới biết, những lao động chính trong gia đình, mới sáng sớm đã ra khỏi nhà. Hành trang họ mang theo là cây kéo, chiếc lược và những tải nhỏ đựng tóc. Cứ thế, họ đi khắp các ngóc ngách của các làng quê để săn lùng "một góc con người". Ở làng này, hầu như gia đình nào cũng có người làm nghề mua tóc. Khi mới bắt đầu, người dân Thiệu Tổ đi khắp huyện rồi khắp tỉnh để mua tóc. Đến khi cả làng đi buôn, người dân nơi đây mở rộng địa bàn vào cả trong Nam, thậm chí sang cả Lào và Campuchia mua tóc.
Ông Ngô Văn Thú, phó thôn Thiệu Tổ cho biết: "Từ ngày nghề buôn tóc phát triển mạnh, thôn Thiệu Tổ vắng vẻ hơn nhiều vì các gia đình chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà. Người lớn thì đi khắp nơi để thu mua tóc. Nhiều gia đình gửi con cái ở nhà cho ông bà trông, mình thì đi khắp Nam - Bắc để thu mua tóc. Có nhiều người vào miền Nam thu mua tóc từ 3 - 6 tháng mới về nhà một lần và ước tính trong đó hiện có khoảng trên 100 người của làng Thiệu Tổ. Trưa hôm qua, trên chuyến xe chạy vào miền Nam đã có tới 16 đôi (đều là người Thiệu Tổ) đi miền Nam "săn" tóc. Họ chủ yếu đi các tỉnh ĐắkLắk, Lâm Đồng, vào các thôn bản của người dân tộc mới có thể mua được nhiều hàng. Tóc mua xong sẽ được đóng gói chuyển ra Bắc, những người ngoài Bắc sẽ làm các công đoạn trước khi đem bán cho lái buôn rồi lại chuyển tiền vào Nam. Một năm, họa chăng những người buôn tóc này về nhà được vài ba lần nhân dịp giỗ, tết, thăm con cái, bố mẹ, có người thì biệt tăm cả năm trời".
Theo lời ông Bình, nghề buôn tóc cũng có vô vàn khó khăn, phải đi tới hang cùng ngõ hẻm, những vùng sâu, vùng xa mới mong mua được hàng. Đi như thế phải xa gia đình vài tháng trời... thế nên nếu gia đình gặp phải chuyện không may thì chẳng kịp về nhìn mặt lần cuối do cách trở về địa lý... Dù biết thế, nhưng vì "miếng cơm manh áo", nhiều người vẫn phải xa gia đình, gửi con cái cho ông bà già trông để kiếm sống. Nếu không may con cái hư hỏng do thiếu sự giáo dục của bố mẹ, họ chỉ biết tặc lưỡi đổ lỗi cho số phận mà thôi.
Một nửa dân của thôn đi buôn tóc
Vào thời huy hoàng, tóc có giá bán khá cao, loại đẹp nhất dài từ 50cm trở lên có giá khoảng 6.000.000 - 7.000.000 đồng/kg, từ 30 - 40cm có giá từ 3.500.000 - 5.000.000 đồng/kg, tóc xấu, tóc rối khoảng 2.000.000 đồng/kg trở lên. Ngày ấy, gần như ngày nào cũng có xe ô tô của người Trung Quốc sang thu mua tóc. Thế nhưng gần đây, phải 2 - 3 ngày mới có một chuyến xe tới thu mua tóc do đầu ra ế ẩm, đầu vào lại chững nhiều so với trước.
Ông Nguyễn Văn Bình, trưởng thôn Thiệu Tổ cho biết: "Thiệu Tổ có 400 hộ gia đình với 1.800 nhân khẩu thì có tới hơn 200 hộ làm nghề mua tóc (bình quân mỗi gia đình có từ 1 - 2 người làm nghề), chiếm trên 50% dân số của thôn. Nghề buôn tóc ở Thiệu Tổ phát trển mạnh cách đây khoảng 5 - 7 năm, vì lúc ấy thu nhập từ buôn tóc rất lớn. Chỉ vài năm ngắn ngủi mà nhiều người giàu lên trông thấy khiến dân làng đổ xô đi buôn tóc. Nhưng giờ nghề này chững lắm, cách đây khoảng 3 tháng là khá khó khăn, nhiều người mua tóc về nhưng không bán được".
Y.Dương - Hồng Mây

NGÔI LÀNG VIỆT NAM NỔI TIẾNG ÂU - MỸ NHỜ MÓN HÀNG ĐỘC

Đến thăm làng Đông Bích (xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng...

Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đậu ngay cổng là những chiếc xế hộp tiền tỷ. Không nhiều người biết rằng, chỉ cách đây khoảng 20 năm, nơi đây vẫn còn là một làng quê lạc hậu, nghèo nàn.
Đổi đời nhờ buôn tóc
Xen lẫn những ồn ào của cuộc sống phố thị, thi thoảng chúng ta vẫn nghe thấy tiếng rao của một người phụ nữ nào đó: “Ai tóc dài, tóc rối bán điii...”. Người cất tiếng rao đó chính là người làng Đông Bích, hoặc người đi thu mua tóc để về bán lại cho các đại lý ở làng Đông Bích.
Nhắc tới nghề buôn tóc, cái nghề đã giúp cả làng đổi đời, người dân Đông Bích vẫn nói vui với nhau rằng, đây là nghề “mua của người chán, bán cho người cần”, cứ nơi đâu có tóc là nơi đó có dấu chân của người làng Đông Bích. Hàng chục năm nay, người dân trong làng luôn tất bật, bôn ba xuôi ngược khắp cả nước, trải qua những ngày nhọc nhằn ăn nhờ ở trọ để mưu sinh bằng nghề buôn tóc.
Trong thực tế, một mớ tóc rối có thể gây phiền hà, vướng víu thậm chí làm mất thẩm mỹ chủ nhân nhưng lại là “miếng cơm manh áo” đối với người Đông Bích. Nghề buôn tóc cũng vì thế mà trở thành nghề truyền thống của làng, giống như bao làng nghề truyền thống khác.
Ngôi làng Việt Nam nổi tiếng Âu - Mỹ nhờ món hàng độc
Đường vào làng Đông Bích san sát những ngôi nhà cao tầng và xế hộp.
Ông Nguyễn Văn Huy, Trưởng thôn Đông Bích cho biết, nghề buôn tóc của làng bắt đầu từ năm 1996, đến nay được 23 năm, còn phát triển mạnh thì khoảng 15 năm trở lại đây. Ông Huy chia sẻ, khoảng 20 năm về trước, thôn Đông Bích còn rất nghèo, ngoài nghề nông thì người dân chủ yếu có một nghề phụ là đi thu mua phế liệu. Sau đó, từ chỗ chỉ có vài người đi thu mua tóc về bán lại, đến nay hầu hết người làng đều gắn bó với nghề buôn tóc.
Cũng nhờ nghề buôn tóc, cuộc sống của người dân trong làng đã thay đổi hoàn toàn. Cả thôn có hơn 400 hộ thì có đến 90% làm nghề buôn tóc, trong đó hàng chục hộ mở đại lý, hơn chục hộ thành tỷ phú, còn lại đều có cuộc sống giàu có, khấm khá. “Nếu không có nghề buôn tóc, chắc chắn cả làng không thể có được cuộc sống như bây giờ”, ông Huy chia sẻ.
Giáo viên, luật sư cũng bỏ nghề về buôn tóc
Kể về nguồn gốc nghề buôn tóc, ông Tạ Xuân Bắc (thôn Đông Bích), một trong những người gắn liền với nghề buôn tóc đã từ rất lâu cho hay, trước đây, làng Đông Bích cũng như bao vùng quê thuần nông khác, cuộc sống của người dân trong làng rất khó khăn. Trước năm 1995, nghề buôn tóc cũng bắt đầu xuất hiện manh nha, song chỉ có một vài hộ, chủ yếu đi thu gom tóc tại các vùng lân cận, sau đó đem bán cho các cửa hàng thời trang ở Hà Nội.
 
Ngôi làng Việt Nam nổi tiếng Âu - Mỹ nhờ món hàng độc
Hiện làng Đông Bích có hàng chục hộ mở đại lý thu mua tóc, mỗi tháng xuất khẩu vài chục tấn sang nước ngoài
Đến khoảng trước năm 1996, có một nhóm người làng đi buôn phế liệu sang Trung Quốc. Khi sang bên đó, nhóm người này gặp và được một số người bên đó cho biết đang thu mua tóc vụn. “Lúc đó mình mang mẫu tóc vụn sang được người ta đặt mua buôn. Vậy là nhiều người đi chợ thi nhau thu gom ở các hàng gội đầu, cắt tóc mang bán qua biên giới. Từ đó, làng nghề cứ phát triển lên, cả làng đều làm, nhà này làm được thì nhà kia cũng làm được, đua nhau thu gom tóc như đi thu mua phế liệu. Dần dần, người ta phân chia ra, ông chủ to thì đứng ra thu mua và các chủ bé đi gom về làng bán lại. Ai không làm chủ thì đi khắp nơi trong cả nước mua gom”, ông Bắc kể.
Sau này, các thương lái Trung Quốc kéo nhau nườm nượp về Đông Bích để đặt và thu mua hàng. “Người ta về đây đặt mua tóc theo từng loại, loại 10 phân, 20 phân, 30 phân đến 1m sẽ có giá tiền khác nhau. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều người dân trong làng đã lập công ty để mở rộng việc buôn bán. Ngày xưa là buôn bán theo kiểu thủ công, mua tóc về không biết sơ chế nhưng bây giờ nhờ máy móc công nghệ hiện đại, tất cả đều được xử lý để sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn”, ông Bắc nói.
Không những chỉ đi thu mua và bán lại, nhiều người trong làng còn ra nước ngoài tìm hiểu thị trường. Bởi thế, sản phẩm tóc của làng Đông Bích hiện còn được bán sang cả Mỹ, châu Âu, châu Phi và một số nước châu Á. “Bây giờ hầu như ở làng không bán hàng cho Trung Quốc nữa mà chủ yếu bán hàng cho châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, buôn bán theo đường chính ngạch chứ không theo đường tiểu ngạch nữa”, ông Bắc kể và không giấu vẻ tự hào: “Bây giờ làng thành đạt và con em nghèo khó đi lên, trở thành làng không có tệ nạn xã hội, người dân chịu khó làm ăn. Từ một làng thuần nông đến bây giờ hoàn toàn không có con lợn, con gà nào, không ô nhiễm môi trường, không tệ nạn, làng nghề rất sạch sẽ”.
Ngôi làng Việt Nam nổi tiếng Âu - Mỹ nhờ món hàng độc
Tóc khi mang về được xử lý thành sản phẩm
Anh Nguyễn Văn Tỉnh, một trong những ông chủ xưởng tóc ở Đông Bích cũng cho biết, để thu mua tóc, người làng đi khắp các nơi trong nước, thậm chí sang Lào, Campuchia, Indonesia vì thấy dễ mua hơn Việt Nam... Giá thu mua từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng tùy từng loại, tóc dài, dày và nguyên bản giá cao hơn tóc qua sử dụng hóa chất, nhuộm, ép...
“Sau đó, người ta mang về đây mình thu mua lại rồi mang đi giặt giũ, phơi phóng, phân loại... Ngày trước thường xuất sang Thái Lan, Trung Quốc, còn hiện tại ở đây có nhiều công ty xuất trực tiếp sang châu Âu. Ví dụ như bên thị trường Nga chuyên làm màu, bên châu Phi thì không cần làm màu. Tóc được phân chia thành nhiều loại theo chiều dài, màu tóc”, anh Tỉnh nói và cho hay, tóc phụ nữ Việt Nam được đánh giá cao hơn cả bởi tóc khoẻ, dài, óng mượt, có chất lượng cao nhất là ở các vùng cao như Sơn La, Điện Biên hay vùng đồng bào dân tộc miền Trung... Giá cả tùy thuộc vào độ dài, cân nặng và độ mượt, nhưng đắt nhất vẫn là tóc cái.
Tuy nhiên, khi được hỏi về giá các loại tóc cũng như thu nhập từ nghề này, anh Tỉnh không tiết lộ. Anh cho rằng, dân làm nghề coi đó là bí mật, nếu nói ra việc thu mua sẽ rất khó khăn.
“Ở đây xem cái nghề này là nghề truyền thống của làng, của xã rồi, nhiều người đi học các ngành như giáo viên, ngân hàng, luật sư nhưng sau cũng bỏ về quê để phát triển nghề truyền thống, bởi nguồn thu nhập tốt. Hiện nay, cứ mỗi tháng thôn Đông Bích lại xuất đi khoảng vài chục tấn sang nước ngoài. Nghề buôn tóc được xem là nghề chính, không chỉ đem lại thu nhập đáng kể mà tạo công ăn việc làm để người dân Đông Bích mọi lứa tuổi coi là động lực, chăm chút để kiếm tiền”, anh Tỉnh cho biết thêm.
(Theo Báo Giao thông)

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

DU TỬ LÊ, TÁC GIẢ 'KHÚC THỤY DU', QUA ĐỜI Ở TUỔI 77

Nhà thơ Du Tử Lê qua đời vào lúc 8 giờ 6 phút tối thứ hai 7-10 (theo giờ Mỹ) tại nhà riêng của ông ở Garden Grove (Mỹ), hưởng thọ 77 tuổi.
Du Tử Lê, tác giả 'Khúc Thụy Du', qua đời ở tuổi 77
Chân dung nhà thơ Du Tử Lê
Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam từng yêu thơ Du Tử Lê, đặc biệt bài hát Khúc Thụy Du vốn được nhạc sĩ Anh Bằng phổ từ bài thơ cùng tên của Du Tử Lê rất được ái mộ. Khúc Thụy Du được Du Tử Lê viết từ tháng 3-1968, như một phần cảm thức của người trẻ trước cuộc chiến đang lan rộng tại Việt Nam.

Ngoài ra, một số bài thơ khác phổ nhạc đã đi vào đại chúng như: Chỉ Nhớ Người Thôi Đã Hết Đời, Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn, Em Ngủ Trong Một Mùa Đông, Giữ Đời Cho Nhau, Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển…
Những năm gần đây, một số tác phẩm của Du Tử Lê đã in trong nước như: - Du Tử Lê tùy bút tuyển chọn (2015) ,Với nhau, một ngày nào (tản văn, 2018), Trên ngọn tình sầu (tập thơ, 2018), Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời (tùy bút dạng hồi ký, 2017), Khúc thụy du (tuyển thơ, 2018), Giữ đời cho nhau (tuyển tùy bút, 2018), Chúng ta, những con đường (thơ, 2019)...
Một số sách và bản thảo của Du Tử Lê vẫn đang được các đơn vị làm sách trong nước giao dịch với ý định sẽ ấn hành trong tương lai.
Với Huế, ngày 14/8/2016, nhà thơ Du Tử Lê đã có cuộc hội ngộ, giao lưu với bạn bè, văn nghệ sĩ Huế và nhiều tỉnh thành khác bên bờ sông Hương. 
Du Tử Lê là tác giả của 70 tập thơ, văn xuôi. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Indianapolis, Indiana (1969). Giải thưởng Văn chương toàn quốc tại Sài Gòn năm 1973 (tập Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972). Ông có tới 70 tập thơ và văn xuôi. Du Tử Lê cũng là nhà thơ châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ: Los Angeles Times (1983) và New York Times(1996). Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường đại học tại Hoa Kỳ và Châu Âu.
TG (tổng hợp)

ỨNG DỤNG ĐO CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ NÀO THAY THẾ ĐƯỢC AIRVISUAL?

Ứng dụng đo chất lượng không khí AirVisual đã bị chặn ở Việt Nam. Đâu là app kiểm tra chất lượng không khí thay thế AirVisual trên điện thoại di động?

Theo chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình, người dùng có thể sử dụng kết quả đo trên ứng dụng PAM Air để theo dõi chất lượng không khí. Đây là ứng dụng được phát triển bởi một nhóm các nhà khoa học trẻ Việt Nam. 
PAM Air là một phần của hệ sinh thái IoT 'PAM' do công ty D&L từ Việt Nam nghiên cứu và phát triển. Hệ sinh thái nào bao gồm các cảm biến, thiết bị phục vụ theo dõi, điều khiển, các phần mềm nền tảng IoT, công cụ phân tích dữ liệu.
Ứng dụng đo chất lượng không khí nào thay thế được AirVisual?
Người dùng có thể sử dụng ứng dụng PAM Air hoặc website Pamair.org để kiểm tra chất lượng không khí thay thế AirVisual. Ảnh: Trọng Đạt
Dữ liệu chất lượng không khí của PAM Air được lấy từ 2 nguồn chính là các thiết bị cảm biến chất lượng không khí do công ty D&L sản xuất, lắp đặt và vận hành và các nguồn dữ liệu khác mà PAM Air được phép thu thập và chia sẻ.
Người sử dụng có thể tham khảo các chỉ số do PAM Air cung cấp tại website Pamair.org hoặc tải về ứng dụng PAM Air dùng cho các thiết bị di động. 
 
Ứng dụng đo chất lượng không khí nào thay thế được AirVisual?
PAM Air đặt cảm biến tại rất nhiều khu vực khác nhau. Đây là một ưu thế lớn so với chỉ một vài điểm trong thành phố hay sử dụng các mô hình tính toán từ ảnh vệ tinh như của AirVisual. 
PAM Air sẽ cung cấp các tính các tính năng chính gồm tìm kiếm và xem chỉ số chất lượng không khí (AQI) thời gian thực theo địa điểm lựa chọn trên bản đồ, tìm kiếm các điểm đo chất lượng không khí theo tên hoặc vị trí địa lý, giá trị AQI trong 24 giờ gần nhất và giá trị trung bình giờ trong 24 giờ gần nhất của từng thành phần không khí được đo. Ứng dụng PAM Air cũng được tích hợp khả năng cảnh báo người sử dụng khi không khí bị ô nhiễm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, số liệu của PAM Air sẽ là nguồn thông tin tham khảo tốt bởi đơn vị này sở hữu nhiều điểm đo, các số liệu đều được cập nhật tức thời lên hệ thống. Hơn thế nữa, bên cạnh chỉ số hàm lượng bụi mịn có trong không khí, PAM Air còn cung cấp thông tin về độ ẩm và nhiệt độ môi trường ở cùng thời điểm.
Trọng Đạt