Royal Albert Hall là 1 công trình được xếp hạng nổi tiếng nằm ở phía Bắc của vùng South Kensington, London và cũng là công trình kiến trúc quý giá nhất của Anh. Royal Albert Hall là tổ chức từ thiện được đăng ký tín nhiệm quốc gia và không nhận bất cứ khoản tài trợ nào từ các tổ chức công cộng hay chính phủ. Hội trường này có sức chứa (theo tiêu chuẩn an toàn hiện nay) là 5.267 người.
Adele trình diễn Set Fire To the Rain tại Royal Albert Hall
1. Dấu ấn của lịch sử
Từ khi được khánh thành vào năm 1871 bởi Nữ hoàng Victoria, rất nhiều các nghệ sỹ nổi tiếng thế giới đã đến và biểu diễn tại đây. Hội trường còn là nơi được sử dụng để tổ chức những lễ hội văn hóa của Anh như The Prom Concert (đã được tổ chức thường xuyên mỗi mùa hè từ năm 1941 đến nay). Royal Albert Hall tổ chức hơn 390 show trong khán phòng chính mỗi năm, trong đó có các show âm nhạc classical, rock, pop, ballet, opera, công chiếu phim với dàn nhạc live, các show thể thao, lễ trao giải hay các sự kiện giáo dục, hoặc các buổi trình diễn từ thiện và tiệc mời hạng sang. Các khu vực khác không phải khán phòng thì được sử dụng để tổ chức thêm khoảng 400 sự kiện khác mỗi năm.
Royal Albert Hall lúc đầu được dự định đặt tên là Central Hall of Arts and Sciences, tuy nhiên sau đó được đổi lại thành Royal Albert Hall of Arts and Sciences bởi Nữ hoàng Victoria khi bà đặt viên gạch nền móng cho nó vào năm 1867. Quyết định này là để tưởng nhớ Hoàng tử Albert, chồng của bà, đã mất hồi 6 năm trước. Điều này khiến cho hội trường trở thành 1 kiến trúc tưởng niệm Hoàng tử Albert, với phần trang trí là đài tưởng niệm được đặt ở phía Bắc Kensington Gardens, hiện tại đã được ngăn cách với hội trường bởi Kensington Gore.
Vào năm 1851, công trình triển lãm Great Exhibition (điều đã khiến cho Crystal Palace được xây dựng) được tổ chức tại Hyde Park, London. Sự kiện này đạt thành công to lớn và dẫn đến việc Hoàng tử Albert đưa ra ý định khởi tạo 1 chuỗi các cơ sở để nâng cao hiểu biết văn hóa của người dân trong khu vực, mà sau đó được gọi là Albertopolis. Ủy ban Hoàng Gia của Great Exhibition mua lại Gore House và phần đến nền của nó theo khuyến nghị từ chính Hoàng tử. Công trình xây dựng diễn ra khá chậm và năm 1861 thì Hoàng tử Albert mất mà chưa nhìn thấy ý tưởng của mình đơm hoa kết trái. Tuy nhiên 1 đài tưởng niệm được đề xuất xây dựng cho Hyde Park, với 1 hội trường ở phía ngược lại.
Đề xuất này được thông qua và vị trí đó được mua bởi 1 phần lợi nhuận từ Great Exhibition. Khi số tiền còn lại được quyên góp đủ, tháng 4/1867 Nữ hoàng Victoria ký Hiến chương Hoàng Gia xây dựng Hall of Arts and Sciences và đặt viên đá nền móng đầu tiên vào ngày 20/5. Hội trường được thiết kế bởi kỹ sư xây dựng dân sự Francis Fowke và kỹ sư Hoàng Gia Henry Y. D. Scott, sau đó xây dựng bởi The Lucas Brothers. Thiết kế của hội trường có ảnh hưởng nhiều từ các đường nét hí trường cổ đại, đồng thời cũng được kết hợp với ý tưởng và phong cách của Gottfried Semper khi ông này làm việc tại Bảo tàng South Kensington. Cirque d'Hiver vừa được khánh thành ở Paris cách đây không lâu cũng được báo chí đương đại xem là 1 kiến trúc có thiết kế vượt trội.
Hội trường được xây dựng chủ yếu bởi gạch Fareham Red với các khối đất sét trang trí được cung cấp bởi Gibbs and Canning Limited ở Tamworth. Mái vòm (thiết kế bởi Rowland Mason Ordish) được xây dựng bởi sắt rèn và được tráng men. Phần khung mái vòm được thử nghiệm lắp đặt ở Manchester sau đó được tháo rời thành các phần nhỏ và vận chuyển đến London bằng xe ngựa. Khi mái vòm được lắp đặt lại và tháo các thanh đỡ ra, khu vực xây dựng chỉ còn lại các tình nguyện viên để quan sát phòng khi nó rơi xuống. May mắn là nó chỉ bị trễ xuống khoảng 5/16 inch. Hội trường được lên kế hoạch hoàn thành vào Giáng Sinh năm 1870 và Nữ hoàng có đến vài tuần trước đó để theo dõi cũng như kiểm tra quá trình xây dựng.
Lễ khánh thành cho hội trường diễn ra vào ngày 29/3/1871 với bài diễn văn được đọc bởi Edward, Hoàng tử xứ Wales vì Nữ hoàng Victoria quá xúc động. Ở 1 số thời điểm, Nữ hoàng cũng nhận xét rằng hội trường khiến bà nhớ đến các kiến trúc hiến pháp ở Anh.
Ngay trong buổi hòa nhạc đầu tiên, lỗi âm học của hội trường nhanh chóng bị nhận ra khi có tiếng vang quá mạnh. Các kỹ sư thử khắc phục điều này bằng cách lắp đặt thêm 1 miếng bạt vải bên dưới mái vòm. Thiết kế này có giúp đỡ phần nào và cũng giúp che nắng cho người đi xem hòa nhạc, tuy nhiên lỗi tiếng vang vẫn không được giải quyết triệt để. Người ta đùa nhau rằng: "Albert Hall là nơi duy nhất mà các nhạc công chắc chắn có thể nghe tác phẩm của mình 2 lần". Ngày 4/8/1874 người ta tìm thấy 1 lượng lớn các thùng rượu phía dưới hầm của hội trường, kết quả là The Wine Society ra đời. Nhiều buổi tiệc trưa đã được tổ chức nhằm công khai số rượu này và Tướng Henry Scott đề xuất kiến tạo 1 công ty hợp tác kinh doanh rượu.
Năm 1936, hội trường là nơi diễn ra cuộc diễu hành khổng lồ để chức mừng Đế chế Anh nhân dịp 100 năm ngày sinh của Joseph Chamberlain. Tháng 10/1942, hội trường chịu vài thiệt hại nhỏ do đánh bom của Thế Chiến 2, tuy nhiên hầu như là không thiệt hại quá nhiều do các phi công Đức sử dụng tòa nhà như mốc vị trí.
Năm 1949 phần bạt vải được thay thế bằng các bạt nhôm bên dưới mái bằng kính để cố gắng giải quyết vấn đề tiếng vang. Tuy vậy lỗi này vẫn chưa thể giải quyết được mãi cho đến năm 1969 khi các đĩa tán âm fibreglass được lắp đặt bên dưới trần.
2. Những kế hoạch trùng tu
Từ năm 1996 đến 2004 hội trường trải qua quá trình trùng tu và tái cơ cấu, được hỗ trợ 20 triệu bảng Anh từ Heritage Lottery Fund và thêm 20 triệu bảng Anh từ Arts Council England nhằm "giúp tòa kiến trúc đạt được tiêu chuẩn tổ chức sự kiện và các buổi trình diễn của thế kỷ tiếp theo. 30 "dự án kín đáo" được thiết kế và theo dõi thực hiện bởi các kiến trúc sư và kỹ sư của BDP mà không làm ảnh hưởng đến lịch tổ chức các sự kiện. Các dự án này gồm có cải thiện sự thông thoáng cho khán phòng, thêm các quầy bar và nhà hàng, cải thiện chất lượng ghế ngồi, cơ sở kỹ thuật tốt hơn, cũng như cải thiện các khu vực hậu trường. Kiểu phân bố ghế ngồi hình tròn đã được xây dựng lại vào tháng 6/1996 để khách ngồi thoáng chân hơn, dễ di chuyển hơn và cũng nhìn rõ sân khấu hơn.
Dự án trùng tu lớn nhất của hội trường là xây thêm cổng số 12, kèm theo đó là nhà hàng ở tầng 1, rạp chiếu phim ở tầng trệt và nhà để xe tầng hầm. Tuy phần lớn thiết kế bên ngoài của tòa nhà không đổi khác là mấy, nhưng các bậc thang dẫn xuống đường Prince Consort đã phải được đập đi để mở đường vào cho xe hơi, cộng thêm bãi chứa cho 3 chiếc HGV chở thiết bị cho các show diễn. Cả hội trường vẫn được trang trí theo phong cách Victorian. Hơn 5000 km vuông thảm mới cũng được trải trong các phòng, bậc thang và hành lang, đặc biệt hơn là chúng đều được thêu góc để trải theo đường cong của tòa nhà.
Trong khoảng năm 2002 ~ 2004, The Great Organ (hay còn được biết đến với tên gọi The Voice of Jupiter) được xây dựng lại rất hoành tráng bởi Mander Organs. Kiến trúc này được xây dựng bởi "Father" Henry Willis vào năm 1871 và được xây lại bởi Harrison & Harrison vào năm 1924 và 1933. Hiện đây là chiếc pipe organ lớn thứ 2 thế giới với 9.997 ống và 147 stop. Chiếc lớn nhất là Grand Organ ở nhà thờ Liverpool với 10.268 ống.
Nửa đầu năm 2011, một số thay đổi được áp dụng cho khu vực hậu trường để tăng lượng nhân công chăm sóc khu vực này, đồng thời cũng thêm các phòng thay trang phục ở gần hơn với sân khấu. Mùa hè năm 2012 phần canteen và một số khu vực thay trang phục tiếp tục được mở rộng và trùng tu bởi nhà thầu 8Build.
Năm 2013 khu vực rạp chiếu phim và cổng số 12 được tu sửa lại hiện đại hơn để xây dựng thêm Café Bar ở tầng trệt, kèm theo các quầy bán hàng và phòng vệ sinh. Khi khánh thành, nó được đổi tên thành "The Zvi and Ofra Meitar Porch and Foyer" do được quyên góp phần lớn từ cặp đôi này. Công trình cũng được thực hiện bởi nhà thầu 8Build. Mùa thu năm 2013 người ta bắt đầu thay thế hệ thống sưởi bằng hơi nước kiểu Victorian trong thời gian khoảng 3 năm, đồng thời cải thiện cơ chế làm mát của cả tòa nhà. Dự án này nhằm chống lại cái nóng cho lễ hội Prom mùa hè kế tiếp khi nhiệt độ thường khá cao.
Từ tháng 1/2014 khu Cafe Consort ở Grand Tier được đóng cửa vĩnh viễn để xây dựng 1 nhà hàng với chi phí khoảng 1 triệu bảng Anh. Thiết kế tu sửa được cung cấp bởi Keane Brands và thực hiện bởi nhà thầu 8Build. Nhà hàng Ý Verdi được chính thức mở cửa vào ngày 15/4 với menu gồm các món Ý như các loại pizza, pasta và các món tráng miệng truyền thống.
Như nói trên, Royal Albert Hall được xếp Grade-I trong danh sách các công trình được xếp hạng. Kiến trúc có thiết kế hình ellipse với các trục lớn và trục nhỏ có kích thước 83m và 72m. Phần mái vòm bằng kính và sắt rèn có chiều cao 41m. Hội trường được thiết kế nguyên bản với sức chứa 8.000 người và có khi chứa đến cả 12.000 người, tuy nhiên theo tiêu chuẩn an toàn hiện nay nó chỉ được phép chứa 5.544 người mà thôi (kể cả khán giả đứng trên ban công).
Bao xung quanh phần ngoài của toàn nhà là bộ diềm cực lớn mô tả "The Triumph of Arts and Sciences", được chia ra tổng cộng làm 16 đề mục khác nhau ví dụ như âm nhạc, hội họa, khoa học, kiến trúc...
Bên dưới tầng Arena là khu vực chứa 2 bồn nước với tổng dung tích 8.000 gallon, được sử dụng trong những show làm ngập Arena như Madame Butterfly chẳng hạn.
Về lỗi âm học của Royal Albert Hall, rất nhiều cố gắng đã được thực hiện tuy nhiên chưa giải quyết triệt để được vấn đề. Dự án mới nhất với chi phí khoảng 2 triệu bảng Anh đã thành công trong việc triệt tiêu tiếng vang chết người của Royal Albert Hall bằng ý tưởng khá táo bạo: sử dụng 1 hệ thống loa khổng lồ với thời gian lắp đặt lên đến 6 tháng.
Hệ thống loa mới gồm 465 chiếc loa D&B Audiotechnik được lắp đặt trong nhiều đêm liền để không làm ảnh hưởng đến lịch trình của các show diễn khác. Người ta cũng phải đi hơn 15km dây để nối 465 chiếc loa với 73 chiếc amplifier 4-channel, và cuối cùng là quá trình tuning để cho chất âm phù hợp với môi trường xung quanh.
Dự án được thực hiện bởi hãng cung cấp giải pháp âm thanh Sandy Brown Associates và hãng phần cứng âm thanh nổi tiếng của Đức D&B. Sandy Brown Associates thực hiện đo đạc phòng và tính chất âm học cũng như các đặc điểm riêng của nó, còn hãng D&B sẽ cung cấp hệ thống phần cứng phù hợp.
"Royal Albert Hall sở hữu 1 thiết kế hệ thống cũng như hình học vật lý vô cùng độc đáo, vào hàng bậc nhất thế giới", ông Steve Jones (D&B) nói. "Thiết kế 1 hệ thống âm thanh sao cho phù hợp là điều vô cùng cần thiết để mang đến sự cải thiện cho chất lượng âm thanh của cả tòa kiến trúc này. Sử dụng công nghệ tạo hình 3D và giả lập khối, chúng tôi có thể tìm ra chính xác vị trí cần đặt loa, và đặt loa như thế nào, từ đó tối ưu hóa tính chi tiết, rõ ràng và nhạc tính mà khán giả có thể trông chờ ở 1 nhà hát tầm cỡ thế giới".
Kết quả là những ghế ngồi trong vòng cung đã trở thành những vị trí tốt nhất, trong khi đó những ghế từng được đánh giá là tệ nhất thì đã đỡ hơn nhiều nhờ vào việc gắn thêm loa ở phía trước và phản hồi âm học từ phía sau. Các kỹ sư có thể thêm phản hồi âm học 1 cách nhẹ nhàng (được lập trình dựa trên hình thái các nhà hát nổi tiếng thế giới) để giúp triệt tiêu các rào cản âm học giữa các khán giả ngồi ở bất cứ vị trí nào, cách này nói chung khá khả quan dù dĩ nhiên vẫn chưa thể đạt đến sự hoàn hảo. Sự khác biệt là không đáng kể và chưa biết sẽ còn điều gì lộ ra hay không trong 1 buổi hòa nhạc thực sự. Tuy vậy ở phần trình diễn thử nghiệm ngắn, các lỗi triệt tiêu âm đã được giảm nhiều và không còn ảnh hưởng quá rõ ràng đến bài trình diễn như trước.
Với những ghế ngồi bên ngoài, sự đồng nhất là cần thiết để đạt được chất lượng âm thanh tối ưu cho cả 3 hàng ghế trong hội trường. Bảy dải loa delay quây tròn không chỉ giúp căn chỉnh thời gian âm thanh tiếp cận các cạnh ngoài của phòng mà còn đảm bảo mỗi ghế ngồi đều có được chất lượng âm thanh như nhau. Đây là điều cực kỳ khó khăn do phần "vòng cung" của hội trường thực sự có hình tròn.
Thêm vào đó, nhóm thực hiện còn muốn cải thiện thêm cho cả phần ban công. Đây là khu vực sống động nhất của Royal Albert Hall, tạo ra cả tiếng vang bước chân khi bạn đi qua lại. Điểm trừ là nó được vây quanh bởi tường và sàn cứng mà không có bất cứ đồ nội thất "mềm" nào. Có 1 số gợi ý sử dụng rèm để phá bỏ các giới hạn âm học cũng như thêm các bề mặt không bằng phẳng nhằm hạn chế âm thanh bị dội ra các phía xung quanh. Các dải tán âm mới cũng có công dụng rất tốt, tuy nhiên về lâu dài thì sử dụng các vật liệu damping vẫn có lợi thế hơn.
Ollie Jeffery, trưởng ban P&T (Production & Technical), cho biết: "Trước đây, khả năng quản lý trải nghiệm âm thanh của chúng tôi còn bị giới hạn nhiều và thường không bao giờ đáp ứng được nhu cầu cao của chúng tôi. Điều chúng tôi muốn là cung cấp 1 hệ thống âm thanh chất lượng cao riêng biệt với hệ thống âm học đúng nghĩa, mang đến chất lượng âm thanh tốt nhất để các bên sản xuất muốn được sử dụng chúng".
"Hầu hết những ai từng biểu diễn tại đây đều muốn điều chỉnh âm thanh sao cho hay nhất. Nhiều nhóm âm thanh chuyên nghiệp sẽ tốn khoảng 5 ~ 6 giờ mỗi ngày để tháo và đặt loa theo nhiều cách nhằm điều chỉnh chất âm, tuy nhiên cuối cùng thì vẫn không giải quyết được gì nhiều. Điều này không có nghĩa là bên cung cấp dịch vụ đã làm gì sai, nhưng chúng tôi tự cảm thấy khó khăn khi phải cung cấp chất lượng âm thanh tầm cỡ thế giới trong phạm vi hình học cực khó của căn phòng, giá như có 1 cách nào đó khác hơn để tiếp cận vấn đề".
3. The Grand Organ
Khi "Father" Henry Willis xây dựng chiếc organ cho Royal Albert Hall vào năm 1871 với thiết kế 4-manual và 111-stop, nó là chiếc organ lớn nhất nước Anh vào lúc đó. Thiết kế bên trong của organ khá giống với cả thiết kế ngày nay với phần tunnel-flute phía trên console và ống thép dài 32-feet, 1 trong những điểm làm nó trở nên nổi bật. Mỗi pallet được mở bằng các bộ theo dõi kết nối với các túi khí nén bơm từ các ống lớn. Console có 8 piston cho mỗi manual và 6 tổ hợp pedal dành cho Pedal Organ. Các mành (slide) được vận hành bằng áp suất hoặc chân không từ các túi khí kết nối với mỗi mành đó. Áp suất khí được cung cấp bởi máy hơi nước làm việc theo kiểu truyền thống. Áp suất cao được tạo ra bởi 1 piston hơi nước với đường kính 2-feet, cung cấp 30" khí áp cho mỗi nhịp đi và chân không với nhịp trả.
Chi nhánh Durham của Harrison&Harrison xây dựng lại chiếc organ vào năm 1924 và 1933, cải tiến nó thành 146-stop với 3 percussion-stop cung cấp bởi Premier Percussion. Phương thức hoạt động chính cũng được thay bằng điện khí nén. Nó vẫn là chiếc organ lớn nhất nước Anh vào lúc đó và Harrison&Harrison tái xây dựng thêm lần nữa vào những năm 1970.
Phần console cũng được tu sửa và được cung cấp thêm switchgear cho phương thức làm việc mới. Có thêm 1 vài tinh chỉnh nhỏ nữa sau đó để làm chiếc organ được hiện đại hơn. Áp suất của Great và Pedal từ 25" và 15" cũng được giảm còn 19" và 13". Ngoài ra, 1 phần mái cũng được đặt trên organ để cố gắng hướng âm thanh đến hội trường 1 cách tốt hơn. Tuy vậy sau đó người ta nhận ra rằng phương pháp này gây hại nhiều hơn có lợi và cuối cùng đã bỏ nó đi. Nói cách khác, chiếc organ vẫn mang phong cách của Harrison&Harrison của những năm 1930 cho đến khi nó được tháo dỡ vào tháng 1/2002.
Soundboard - trái tim của 1 cây Grand Organ
Khán giả từ lâu đã nhận ra những lỗi âm học mà chiếc organ mắc phải, 1 trong số đó chính là tiếng gió lùa nghe rất rõ qua các lỗ rò rỉ từ các ống hỏng hay thân ống chính. Các ống thổi mới (nâng tổng số lên 7) cũng được thêm vào để cố gắng cung cấp thêm gió, tuy nhiên không hiệu quả. Hầu như là bất khả thi để sử dụng hết hiệu năng của chiếc organ mà không làm lộ rõ lỗi thiếu khí từ các ống. Mọi chuyện còn tệ hơn khi các phần da bắt đầu bị hư hại và các bộ soundboard bị hỏng hóc quá nhiều do môi trường quá khô trong hội trường, điều mà những bộ soundboard không được thiết kế để làm việc hiệu quả nhất. Ngày càng nhiều chẩm đỏ được đánh dấu phía trên console để ghi chú rằng điểm stop nào không còn có thể sử dụng. Tất cả là nhờ sự nỗ lực của team Harrison&Harrison để giữ cho chiếc organ hoạt động, dù mỗi lần sử dụng nó đều cần đến 1 chuyên gia của Harrison&Harrison trực tiếp hỗ trợ.
Nhiều ý kiến cho rằng nên phục hồi chiếc organ lại thành thiết kế Willis như trước, tuy nhiên những thay đổi mà Harrison&Harrison đã làm là quá nhiều và khiến ý tưởng đó trở nên phi thực tế. Chiếc organ dù được xem là Willis nhưng thực sự từ lâu đã trở thành 1 nhạc cụ của Harrison, và người ta cảm thấy nó nên được giữ như vậy. Khả năng giữ lại các soundboard nguyên bản của Willis cũng được nghiên cứu, tuy nhiên cấu tạo và sự hư hại của chúng mang đến nhiều phiền toán hơn là có lợi. Cộng thêm độ bền của chúng cũng chưa chắc được đảm bảo trong điều kiện môi trường khắc nghiệt của hội trường. Mục tiêu của việc phục hồi là phục hồi chiếc organ trở về các đặc tính độc đáo của nó mà không làm thay đổi quá nhiều ở chất âm.
Đến lúc này, các bộ soundboard mới đã được cung cấp, chỉ còn phần chest nguyên bản được giữ lại do chúng không quá mẫn cảm với điều kiện môi trường khô. Các ống cũng được bọc da lại ở phần đầu và thay mới phần thân to hơn trước. Thay đổi này có thể cung cấp đủ gió cho chiếc organ làm việc hiệu quả nhất. Một trong các ống thổi được di chuyển vị trí về khoang Swell để cho phép xây dựng 1 shop bên dưới chiếc organ. Phương thức Key và Stop mới cũng được cung cấp, đi cùng 1 hệ thống bắt gió hiện đại hơn. Phần console được làm lại hoàn toàn nhưng cực kỳ cố gắng để giữ lại những đặc điểm của phong cách Harrison&Harrison. Đây là lý do vì sao hệ thống bắt gió được làm rất kín đáo.
Tuy nhiên vài thay đổi nhỏ vẫn được thực hiện. Phần mái vốn làm tăng cường khả năng tán âm từ Swell Organ được dỡ bỏ, và phần Reed (lưỡi gà) bên trên tầng thượng cũng vậy. The Great Reed được phục hồi thành nguyên bản áp suất khí 1924, từ đó cải thiện rất tốt trong chất âm và lực âm. Các phần khác như Choir Mixture, Great Cymbale cũng được chỉnh sửa dần. Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất vào những năm 1970 là việc chia đôi chiếc Great Organ ra làm 2 phần khác nhau có thể hoạt động độc lập. Ý tưởng này rất hay vì người ta có thể chơi cùng lúc các hợp xướng Willis và Harrison.
Để tăng cường thêm độ hữu dụng của Willis Chorus, bộ Fourniture IV được thêm vào. Sự có mặt của bộ Stop này đã giúp chiếc organ lấy lại vị trí là chiếc organ lớn nhất nước Anh với 147 Stop và 9.997 ống. Một số ống Pedal được đặt lại, Mixture V được dời từ khoang Solo đến trước C-side, còn Harmonics VII trước đây ở 2 nơi khác nhau cũng được dời về làm 1 ở trước C#-side. Ophicleide (32-feet) cũng được dời từ trước swell-shutter Orchestral Organ đến ngõ bass của organ. Choir Organ được nâng lên 1 chút từ vị trí phía sau console đến phía sau khung lưới phía trên nhằm hỗ trợ tán âm tốt hơn.
Sau công đoạn tu sửa dài hơi, 1 buổi gala concert đã diễn ra vào ngày 26/6/2004 với David Briggs, John Scott và Thomas Trotter biễu diễn trước console cùng dàn hợp tấu Royal Philharmonic Orchestra với sự chỉ đạo của Richard Hickox. Chiếc organ cũng làm việc rất tuyệt vời trong buổi Promenade Concert tiếp theo sau 2 năm im lặng.
4. Khắc phục lỗi tiếng vang trong thiết kế cũ của Royal Albert Hall
Như mình có đề cập trên, ngay từ khi hoàn thành xây dựng, người ta đã nhận ra ngay lỗi tiếng vang chết người của Royal Albert Hall, khiến cho các tác phẩm được chơi tại đây đều là thảm họa. Nhiều biện pháp được thực hiện nhằm giảm thiểu phần nào lỗi tiếng vang này, từ việc giăng bạt vải để hấp thụ âm và giảm phản hồi, đến giăng bạt nhôm để hấp thu âm thanh tần số cao. Tuy nhiên lỗi tiếng vang vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tiếp theo đó là thiết kế "hình nấm" biểu tượng. Được làm từ fibreglass và lắp đặt từ cuối những năm 60', các chi tiết này được gắn lên trần của tòa nhà để phản hồi âm thanh xuống lại phía dưới. Vào lúc này Royal Albert Hall đã được xếp Grade-I trong danh sách các công trình được xếp hạng, vì thế việc tu sửa nó càng trở nên khó khăn hơn.
Đầu năm 2017, Royal Albert Hall quyết định bắt đầu quá trình trùng tu lớn nhất trong hơn 150 năm qua. Lỗi tiếng vang tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, nhất là với lịch trình biểu diễn dày đặc hàng năm của rất nhiều show rock, punk, hip-hop và cả classical nữa. Điều này có nghĩa là việc tái cấu trúc âm học cho tòa nhà là không tránh khỏi. Tuy nhiên giá trị lịch sử và các chi tiết kiến trúc độc đáo của Royal Albert Hall đã làm dự án trùng tu gặp khá nhiều khó khăn.
Để bắt đầu quá trình tu sửa, Royal Albert Hall thuê hãng kiến trúc âm học Sandy Brown đánh giá chất lượng âm học của tòa nhà. Quy trình được diễn ra bằng cách lắp đặt 1 hệ thống âm thanh hoàn toàn mới với hơn 400 chiếc loa xung quanh hội trường. Vấn đề chính là do hội trường là 1 tòa nhà cao, vì thế những chiếc loa được lắp đặt phải phản hồi âm thanh lên trên và ra ngoài đến các hàng ghế ngồi bên trên. Tuy nhiên nếu làm vậy thì tiếng vang sẽ làm cho âm thanh nghe không rõ ràng (lời hát hay các hội thoại) và khán giả sẽ cảm thấy âm thanh hình như đang từ đâu đó vọng lại chứ không phải đang phát ra trực tiếp từ bên trong hội trường.
"Hội trường được thiết kế bởi các kỹ sư hoàng gia chứ không phải kiến trúc sư hay người am hiểu nhiều về âm thanh, vì thế nó sở hữu chất âm độc đáo và nét đẹp biểu tượng, nhưng cũng vì vậy mà nó có kiểu tiếng vang này", Stephen Stringer, kiến trúc sư của Sandy Brown, cho biết. "Chúng tôi được bổ nhiệm để tư vấn cho thiết kế của hội trường, cũng như xem xét các vấn đề còn lại khác".
Để làm điều đó, họ bắt đầu thực hiện theo dõi mức noise trong vòng 3 tháng, trao đổi với nhân viên làm viẹc tại Royal Albert Hall và sử dụng các thông tin phê bình của khán giả xem loại sự kiện nào bị phê bình về chất lượng âm thanh nhiều nhất. Trong thời gian gần nhất, 1 số sự kiện ở Royal Albert Hall có bao gồm show của Nine Inch Nails, buổi công chiếu Star Wars: A New Hope với live orchestra, phần trình diễn của Boiler Room cùng ca sỹ Nigeria Wizkid và các buổi live podcast. Sự đa dạng này đã giúp Royal Albert Hall có thêm khán giả, tuy nhiên cũng tạo ra nhiều thử thách hơn về chất lượng âm thanh.
Stringer nói: "Nhiều thể loại show trở nên rõ ràng hơn. Những show như rock vốn có rất nhiều bass, nghĩa là nhiều tần số thấp. Nếu bạn vặn âm lượng càng to thì lời hát sẽ càng hỗn độn. Đôi khi điều này không quá quan trọng vì các fan chỉ đến xem thần tượng của mình mà thôi, những thứ khác họ không quan tâm cho lắm. Tuy nhiên Royal Albert Hall còn chiếu phim nữa, và khán giả đến xem phim thì không ai chịu âm thanh tệ cả".
Nhóm Sandy Brown bắt đầu tạo ra các mô hình âm học 3D của hội trường dựa trên kết quả có được từ khảo sát với tia laser. Mô hình 3D tốn vài tháng để hoàn chỉnh. Để hiệu chỉnh chi tiết cho mô hình, Stringer và nhóm của mình thực hiện 1 khảo sát âm học toàn diện vào ban đêm và ở từng khu vực khác nhau của hội trường. Họ sử dụng các thiết bị theo dõi tiếng ồn, vốn có thể đo đạc cả tiếng vang lẫn độ rõ ràng của âm thanh, ở nhiều dải tần khác nhau và ở nhiều bề mặt khác nhau trong hội trường. Stringer nói: "Có từ 30 ~ 50 bề mặt khác nhau bên trong hội trường, và chúng tôi muốn làm thật chắc chắn chứ không thể qua loa cho xong được".
Họ bắt đầu ứng dựng thử 1 số trường hợp cho mô hình và tìm ra cách chỉnh sửa sao cho tốt nhất mà không làm ảnh hưởng đến thiết kế kiến trúc của hội trường. Royal Albert Hall hiện cũng bắt đầu quá trình xây dựng hệ thống điều khiển âm thanh riêng nhằm mang đến khả năng kiểm soát chất lượng âm thanh tốt nhất cho các show diễn, đồng thời cũng đảm bảo được tính nhất quán âm học giữa các show khác nhau. Borneo Brown, quản lý khâu âm thanh của Royal Albert Hall, cho biết: "Tôi bắt đầu làm việc từ đầu năm 2017 và lúc đó dự án trùng tu đã được thảo luận rồi. Chúng tôi có luôn thời gian biểu và tự biết mọi việc phải hoàn thành vào chậm nhất là tháng 9/2018, vì lúc đó là tuần lễ bảo trì".
Vấn đề đầu tiên chính là Royal Albert Hall. Do kiến trúc này được xếp vào các công trình được xếp hạng nên ngay cả những thay đổi nhỏ của nó đều phải xin giấy phép. Điều này rất tốn thời gian nhưng không thể làm khác được do quy trình là vậy. Borneo Brown nói: "Sau khi đã xin được đủ giấy phép thì mới là lúc tìm nhà thầu thiết kế và thực hiện hệ thống mới".
D&B Audiotechnik, 1 nhà sản xuất phần cứng âm thanh của Đức, đã thắng thầu và ngay lập tức bắt tay vào việc. Trước đây, khu vực ban công có 1 dải loa delay được gắn phía trên đầu của khán giả, điều này làm cho cảm giác giữa hình ảnh người xem thấy trước mắt và âm thanh họ nghe có vẻ không khớp nhau lắm. Steve Jones (D&B Audiotechnik) nói: "Chúng tôi phải cẩn thận hiệu chỉnh sao cho âm thanh được nghe như đang phát ra từ sân khấu, từ đó giúp cho cảm nhận nghe nhìn của khán giả được thực hơn".
D&B Audiotechnik và SFL Group cuối cùng đã chọn giải pháp khoan lỗ trên phần thạch cao để gắn các loa trên ban công, điều mà trước đây chưa ai từng nghĩ đến (vì sự mạo hiểm của nó: "đục đẽo" 1 công trình được xếp hạng). Stringer nói: "Vẫn có 1 số điều cần suy nghĩ về những chiếc loa đó, phần lớn là do chúng tôi không thể can thiệp quá nhiều vào kiến trúc của hội trường. Cuối cùng chúng tôi quyết định khoan 22 lỗ trên phần bạt nhôm được dùng để treo những chiếc loa bên trên sân khấu và vòng cung, và thêm 23 lỗ trên tường thạch cao của tòa nhà".
Điều này có nghĩa là hầu như phải có từng hệ thống riêng cho từng khu vực thay vì sử dụng chỉ 1 hệ thống chung cho cả hội trường. Dải loa chính, còn được gọi là loa treo trái-phải-giữa, sẽ phát tiếng cho phần hội trường chính phía dưới. Sau đó 1 hệ thống khác sẽ phát tiếng cho vòng cung Rausing (những ghế ngồi nâng cao xung quanh hội trường). Tổng số dải loa sẽ là 7 (như đã nói ở đầu bài) và có khả năng phát tiếng đi toàn bộ không gian bên trong hội trường. Một hệ thống khác nữa thì dành riêng cho khu vực ban công, và các hệ thống loa của vòng cung Rausing và ban công cũng được delay-tuning kỹ lưỡng để những gì khán giả nghe thấy và nhìn thấy trên sân khấu đồng nhất với nhau, mang đến trải nghiệm nghe nhìn tốt nhất.
Tiếp theo là các phòng xem cá nhân. Trong các phòng Loggia và Grand Tier, D&B lắp đặt 1 chiếc loa ở phía trước mặt người xem để cải thiện sự rõ ràng cho giọng hát và lời hát. Ngoài ra còn có thêm 2 loa ở phía sau mỗi phòng để tạo ra hiệu ứng cho người ngồi trong phòng nghe giống như đang trực tiếp ngồi nghe ở hội trường chính.
Stringer nói: "Thiết kế hệ thống như thế này có nghĩa là người xem sẽ có được cái trải nghiệm thực hơn với âm thanh, tuy nhiên chúng tôi vẫn phải cẩn thận không được tạo ra bất cứ thay đổi vĩnh viễn nào. Điều phải chú ý nhất chính là vị trí gắn loa phải kín đáo. Những chiếc loa gắn trong các phòng xem cá nhân đều được sơn màu đồng nhất với nội thất trong đó nhằm "ẩn" chúng khỏi mắt khán giả. Trong khi đó bộ rigging cho dải loa delay của ban công cũng được làm đồng màu với trần nhà".
Cần nhắc lại rằng công đoạn lắp đặt đã tiêu tốn đến hơn 15km cable để gắn những chiếc loa vào vị trí của chúng. Đối với những phòng xem cá nhân, nhóm thực hiện phải cẩn thận nhấc mỗi chiếc phòng lên, đi dây và sau đó đặt lại vào vị trí. Khi thực hiện, nhóm lắp đặt còn tình cờ tìm thấy những "cổ vật" lý thú nữa - ví dụ như 1 chai bia từ thế kỷ 19 được tranh cãi là đã vứt ở đây trong lúc hội trường đang được xây dựng.
Một lượng lớn thiết bị gồm microphones và mixing console sẽ được đưa đến sau đó vào tuần lễ bảo trì để chuẩn bị cho các show kế tiếp. Theo Borneo Brown, lúc đó các công đoạn nặng nhọc mới chính thức bắt đầu. Điều này là vì không chỉ dừng lại ở việc lắp đặt hệ thống loa là xong mà còn phải qua giai đoạn tuning nữa, và nhóm của Stringer sẽ phải túc trực để hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra sẽ còn có thêm 1 số thay đổi khác như mái che sân khấu để dội âm cho dàn orchestra đánh live, hay thay đổi chất liệu ghế ngồi. Borneo Brown cũng nhắc đến các tấm màn nặng ở gần tường phía sau nhằm hấp thu 1 phần các tần số thấp.
Tổng quy trình tiêu tốn khoảng hơn 2 triệu bảng Anh. Và cho dù là thay đổi trên diện rộng nhưng về kiến trúc tổng thể của hội trường thì dường như vẫn được giữ nguyên. Mái vòm vẫn còn đó, nhưng đã được cải thiện tiếng vang bởi hệ thống loa mới. Borneo Brown cho biết: "Hội trường vẫn là nơi có tiếng vang rất lớn và 1 số show concert sẽ có lợi thế từ đặc điểm âm học đó. Tiếng vang là điều tốt nếu có lượng vừa đủ, đó là lý do vì sau chúng tôi luôn thật cẩn thận khi làm việc với nó".
Nhờ hệ thống âm thanh mới, các nghệ sỹ, nhóm nhạc, dàn giao hưởng hay nhóm biểu diễn nghệ thuật có thể lựa chọn cho mình mức tiếng vang phù hợp khi biểu diễn. Sở hữu hệ thống điều khiển âm thanh độc lập còn giúp nhóm quản lý âm thanh của hội trường có được chất tiếng tốt nhất và linh hoạt nhất cho từng phần biểu diễn khác nhau. Đối với khán giả, đây có thể sẽ là sự khác biệt giữa 1 show diễn "chỉ để xem" và 1 trải nghiệm đáng nhớ.