Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

Ý KHÔI PHỤC 'HỐ RƯỢU VANG' THỜI PHỤC HƯNG ĐỂ PHỤC VỤ THỰC KHÁCH THỜI COVID-19

 

TTO - Người dân Florence (Ý) đang mở cửa trở lại những hố rượu vang có từ thời Phục hưng dọc các tòa nhà lịch sử để bán rượu và thực phẩm cho thực khách.

Ý khôi phục hố rượu vang thời Phục hưng để phục vụ thực khách thời COVID-19 - Ảnh 1.

Có rất nhiều cửa sổ rượu vang ở Florence - Ảnh: ARTELEONARDO

Khi đến Florence (Ý), dọc một số bức tường của các tòa nhà ở trung tâm lịch sử của thành phố, người ta dễ dàng chú ý đến những ô cửa rất nhỏ ở chiều cao ngang hông người trưởng thành.

Có nhiều ô cửa đã bị bịt kín, nhưng cũng có những ô cửa dùng để ghi thông báo giờ mở, đóng cửa nhà hàng, một số trở thành hộp thư hoặc tạo thành tranh nghệ thuật đường phố.

Theo các ghi chép lịch sử, những ô cửa này được gọi là "buchette del vino", nghĩa đen là "hố rượu" hay "cửa sổ rượu".

Chúng ra đời từ thế kỷ 17, trong giai đoạn thị trường kinh tế châu Âu có nhiều biến động do các cuộc chiến tranh.

Ý khôi phục hố rượu vang thời Phục hưng để phục vụ thực khách thời COVID-19 - Ảnh 2.

Các hố rượu vang chỉ cao hơn mặt đất một chút xíu - Ảnh: WITHINFLORENCE

Nước Ý thời Trung cổ và thời kỳ Phục hưng nổi lên là một thị trường kinh tế giàu có. Các gia đình quý tộc lớn bắt đầu chuyển đổi hoạt động của họ sang đất nông nghiệp và các điền trang lớn với thu nhập ổn định hơn, sản xuất ra nhiều loại hàng hóa khác nhau, nổi bật là rượu vang.

Các lỗ nhỏ trên tường các ngôi nhà cho phép rượu được bán lẻ trực tiếp cho người dân lao động mà không cần phải nhờ sự trung gian của những người chủ đồn điền.

Một công dụng khác của những ô cửa sổ này dành riêng cho các cung điện hay gia đình quý tộc, đó là làm từ thiện.

Ý khôi phục hố rượu vang thời Phục hưng để phục vụ thực khách thời COVID-19 - Ảnh 3.

Một số nhà hàng đang mở lại các hố rượu này để bán hàng, duy trì hoạt động kinh doanh của mình - Ảnh: ASSOCIAZIONE BUCHETTE DEL VINO / HIỆP HỘI CỬA SỔ RƯỢU

Theo phong tục, người ta thường để thức ăn hoặc một bình rượu trong ngăn nhỏ, gần sát với mặt đất, giúp những người nghèo có thể lấy đi mà không lộ danh tính của mình.

Việc đưa rượu và thức ăn trực tiếp qua các lỗ nhỏ cũng giúp chủ nhà làm được việc thiện mà không cần phải bước ra khỏi nhà của mình.

Các ô cửa này thường được thiết kế khung vòm, có cửa bằng gỗ, xung quanh ốp bằng đá tạo cho nó một vẻ ngoài trang nhã, đến nỗi thời cổ đại chúng được gọi là "quán rượu nhỏ".

Ý khôi phục hố rượu vang thời Phục hưng để phục vụ thực khách thời COVID-19 - Ảnh 4.

Việc làm này khiến người dân thích thú vì vừa đảm bảo được an toàn mùa dịch, vừa làm sống lại một truyền thống bản sắc văn hóa hàng trăm năm của Ý - Ảnh: ASSOCIAZIONE BUCHETTE DEL VINO / HIỆP HỘI CỬA SỔ RƯỢU

Những ô cửa này có thể sẽ chìm trong quên lãng, lu mờ trước những vẻ đẹp kiến trúc khác của Florence nhưng nhờ đại dịch COVID-19 mà được sống lại.

Các chủ nhà hàng và quán bar tại Florence hiện đang lấy cảm hứng từ kiến ​​trúc kỳ quặc thời Trung cổ này để duy trì hoạt động kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo được tinh thần giãn cách tránh dịch của thành phố.

Chủ tịch Hiệp hội Cửa sổ rượu vang Matteo Faglia cho biết những cửa sổ rượu vang này chỉ có duy nhất ở Florence và Tuscany, từng là một phần bình thường của cuộc sống hằng ngày ở đây vào các thế kỷ trước.

Khi luật bán rượu thay đổi vào đầu thế kỷ 20, các cửa sổ rượu dần dần không còn tồn tại và nhiều cửa sổ bằng gỗ đã vĩnh viễn bị mất trong trận lũ lụt năm 1966.

Ý khôi phục hố rượu vang thời Phục hưng để phục vụ thực khách thời COVID-19 - Ảnh 5.

"Cửa sổ rượu vang" thời Phục hưng để dùng để phục vụ thực khách thời COVID-19 - Ảnh: ASSOCIAZIONE BUCHETTE DEL VINO / HIỆP HỘI CỬA SỔ RƯỢU

Ngày nay chúng bị lu mờ bởi các kỳ quan thời kỳ phục hưng của phòng trưng bày Uffizi và vẻ đẹp của thánh đường Duomo. Rất ít người chú ý đến những hố rượu này.

Hiện tại, du khách và người dân có thể gõ vào cửa chớp nhỏ bằng gỗ và lấy đi chai rượu hoặc thức ăn của mình mà không có sự tiếp xúc gần nào.

Đây không phải là lần đầu tiên những cửa sổ này được sử dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở Florence.

Khi bệnh dịch hạch ở Ý tràn qua đất nước vào những năm 1630, những người bán rượu hiểu được tầm quan trọng của việc tự cô lập và sử dụng các lỗ rượu vì lý do này.

Thay vì thanh toán bằng tay, họ sẽ đưa một tấm kim loại qua cửa sổ để nhận tiền và khử trùng bằng giấm.

Việc làm này khiến người dân thích thú vì vừa đảm bảo được an toàn mùa dịch, vừa làm sống lại một truyền thống bản sắc văn hóa hàng trăm năm của Ý.

Ngôi làng Italy đón đứa trẻ đầu tiên chào đời sau 8 nămNgôi làng Ý đón đứa trẻ đầu tiên chào đời sau 8 năm

Dân số của làng Morterone ở Ý đã tăng lên 29 người sau khi đón em bé đầu tiên chào đời trong suốt 8 năm qua.

MINH HẢI Tổng hợp