Ở
Tà Chì Nhù không có khái niệm thời gian và không gian, mây ở bốn phương
trời khi bay đến thì vĩnh viễn dừng lại, qua hàng ngàn năm tích tụ đã
cùng núi non tạo nên “thiên đường” nơi hạ giới...
Tà Chì Nhù luôn là một mơ ước của những người yêu thích leo núi, mà thời
điểm tuyệt vời nhất là khi mùa Xuân về. Khí trời ấm áp chen lẫn cái
lạnh se sắt còn lại của mùa Đông làm cho mây tụ về mà trời lại cứ xanh
trong vắt.
Từ Hà Nội, mượn chiếc xe Win của một người bạn ở Lào Cai, chúng tôi
phóng thẳng lên Nghĩa Lộ Yên Bái để từ đây lên huyện Trạm Tấu, rồi vào
bản Xà Hồ để bắt đầu leo núi...
Dulich, GO!:
Phu Song Sung (Fang Xong Zông) là tên một dãy núi nằm trong khối núi Pú
Luông thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ ở Tây Bắc Việt Nam có đỉnh là Tà
Chì Nhù cao 2.985m - hai dãy núi còn lại là Bạch Mộc Lương Tử có đỉnh
cao 2.998m và dãy Phan Xi Păng có đỉnh 3.143m cao nhất Đông Dương.
Nắng trốn lẹ quá, chúng tôi phải di chuyển hối hả nên mệt khá nhanh.
Đang đi bỗng thấy gió lạnh ập đến sau lưng, quay lại thì thấy ùn ùn mây
kéo về, băng nhanh qua những ngọn đồi cao, rồi đến rừng cây, mây vẫn
đuổi theo sau lưng.
Chúng
tôi vội vã leo lên cao, lên cao nữa, không kịp quay đầu, đến khi đi
không nổi đứng thở dốc, quay lại nhìn thì sửng sốt, cả chặng đường đã
qua chìm ngập trong biển mây!
Gió thốc lồng lộng, nền trời vàng nhạt trong nắng chiều, mây bồng bềnh
phủ một màu trắng muốn lên những ngọn núi xanh. Tất cả bỗng ngẩn ngơ hết
cả, chỉ biết đứng tần ngần quên cả bóng tối đã đuổi kịp sau lưng.
Trên đỉnh đổi cao, chút nắng rong chơi còn sót lại nhấp nhá rồi biến mất...
Đêm
hạ trại, bên ánh lửa bập bùng, ấm áp, vây quanh là bóng đêm mênh mông,
trên trời cao trăng lưỡi liềm lẩn khuất sau tán cây rồi tỏa chút ánh
sáng dìu dịu, những con người xa lạ bỗng thân thiết như tri kỷ từ lâu
lắm.
Những câu chuyện cứ tiếp nối đến tận khuya. Đêm núi rừng, nằm trong lều
mà gió giật gào thét như ngàn tiếng thanh la não bạt cùa ngàn quân giăng
thiên la địa võng khắp núi rừng.
Đêm
trên Tà Chì Nhù hoang liêu, chúng tôi không ai ngủ được, cứ thao thức,
chập chờn rồi lại tỉnh mê trong âm thanh ma quái của núi rừng.
Sau một đêm thao thức, sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm, để bắt đầu hành trình “săn mây”.
Từ xa ánh bình minh dần thắp sáng một vùng trời, mây vẫn còn ngái ngủ
đến chẳng khẽ cựa mình một cái, nhưng chỉ trong phút chốc trời bừng sáng
thật nhanh, sau dãy núi cả dòng suối vàng tuôn chảy đổ xuống, rồi ào ạt
lan tỏa khắp ngóc ngách, không gian bừng tỉnh và ngày mới bắt đầu.
Cứ
tưởng càng lên cao biển mây càng dần xa ở phía sau, nhưng không phải
thế, biển mây lại càng mở rộng đến mênh mông. Lòng đầy phấn khích, chúng
tôi lại tiếp nối nhau vượt qua những ngọn đồi cao, một bên vẫn biển
mây, một bên nắng vàng ươm cả núi rừng.
Những lữ khách thật nhỏ nhoi trong không gian hùng vĩ ấy. Chúng tôi băng ngang qua một khu rừng nguyên sinh.
Trước đây ở khu vực này bạt ngàn pơ mu, như sau thì người Mông chặt
nhiều để làm nhà, rồi khai thác bán về xuôi, dần cả pơ mu không còn nữa,
chỉ lác đác vài cây còn bé, còn lại đa phần là đỗ quyên, hoàng liên.
Hết
rừng nguyên sinh là đến rừng trúc, rồi tiếp nối lại là một chặng đường
khủng khiếp mệt và cũng “khủng khiếp” đẹp. Khủng khiếp vì chúng tôi phải
leo trên những sườn núi cao và gió giật rất mạnh, có nhiều đoạn phải
ngồi thụp xuống tránh gió, nếu không chắc chắn sẽ bị thổi bay xuống vực
khi phải đi trên sườn núi nên phần đất bằng rất nhỏ chỉ rộng chừng hơn 1
mét.
So với Fansipan thì tôi không thấy có đoạn nào nguy hiểm như thế này.
Hiểm nguy là thế nhưng Tà Chì Nhù rất “sòng phẳng”, mỗi đoạn đường qua
là một khung cảnh đẹp đến run người hiện ra, như thử thách, như mời gọi.
Đỉnh
Tà Chì Nhù nhìn tuy gần song đường đến vẫn còn xa vời vợi. Ráng mãi rồi
cũng kiệt sức, nước cũng hết, chúng tôi kiếm chỗ ngồi nghỉ mệt, nghỉ
một lúc, bỗng người bạn đồng hành Sen chạy lên đồi cao rồi cất tiếng hú
một hơi dài.
Từ đâu một chú ngựa xuất hiện sừng sững trên đỉnh núi. Rồi một cảnh
tượng thật kỳ thú, từ sau sườn núi, một đàn ngựa gần chục con phi về.
Giữa
trời xanh lộng gió mênh mông, giữa núi rừng hoang vu vắng vẻ lại xuất
hiện một đàn ngựa, lữ khách cứ ngỡ như mình lạc vào cuộc sống trên bình
nguyên bao la của người du mục. Tất cả chỉ biết cười vang như những kẻ
ngố giữa núi rừng để diễn tả sự phấn khích của mình!
Không thể biết leo được bao xa mà mãi đến 11g30 chúng tôi mới đến cao độ
2.733m, và cũng từ đây chúng tôi phải tự mình lên đỉnh, còn Sen ở dưới
trại nấu cơm để ăn trưa.
Đỉnh
đã gần lắm rồi, chỉ chừng 1km, song chân đau buốt. Thật sự có những lúc
quá mệt mỏi mà trong tư tưởng xuất hiện ý nghĩ muốn từ bỏ, tới đây là
được rồi, cũng đã gần đỉnh rồi, cũng như nhau cả thôi. Ngồi nghỉ chân ở
cao độ 2.850m, quay lại nhìn đất trời đã qua.
Tít cao trời vẫn xanh lồng lộng, xa ngút tầm mắt vẫn những biển mây trải
dài, những dãy núi xanh chập chùng vô tận. Tất cả ở đây từ ngàn vạn năm
như để gửi tặng khung cảnh tuyệt diệu này cho kẻ hậu thế, vậy mà chỉ
còn vài trăm mét đã từ bỏ sao?
Vậy là những bước chân lại thêm chút sức lực mà tiến về phía trước. 900m... 500m... 100m.
Và rồi đúng 11g59 phút ngày 29/1/2012, chúng tôi chạm cánh cổng thiên
đường. Nhưng không gào thét, không nổ tung sự cuồng nhiệt như lần chinh
phục đỉnh Fansipan, mà thay vào đó là cảm xúc nghèn nghẹn, ngẩn ngơ
trước vẻ đẹp đến bất tận của non nước.
Trên đỉnh cao nhất của dãy Tà Chì Nhù, chúng tôi nhìn về bốn phương
trời, đã không còn biển mây đơn độc nào nữa cả, mà tất cả cùng hòa vào
nhau thành một đại dương bao la.
Trước mặt là đảo Tà Chì Nhù, xa hơn là đảo Tà Y Chơ, bên trái là đảo Tà Xùa, ảo mờ phía sau là quần đảo Phu Sung Song.
Nơi chúng tôi đứng như ốc đảo nhỏ giữa muôn trùng mây bao la, mây trôi
xa đến tận chân trời dần đổi màu xanh ngọc bích, lại ngược dòng chảy lên
tận trên cao, tích tụ rồi đổ tràn lai láng xuống cõi trần gian.
Bỗng
chốc có cảm giác không gian, thời gian của ngàn năm như dừng lại nơi
này. Như thấy mình tan ra trong đất trời này, gió đã thôi gào rít mà
vang vọng quanh mình như tiếng gọi của ngàn xưa chuyển về. Như thấy mình
như dần tan ra rồi lơ lững trong đất trời mênh mang...
Dãy núi Hoàng Liên Sơn trải dài trên 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái
được chia làm ba khối Fansipan, Bạch Mộc Lương Tử, Pú Luông, là phần tận
cùng phía đông nam của dãy Himalaya và đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979m thuộc
huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái là một trong 6 đỉnh cao nhất của dãy núi
hùng vĩ này.
Du lịch, GO! - Theo Doanh nhân Sài Gòn, ảnh Quỷ Cốc Tử