Cuộc sống của 11.000 dân tại thị trấn Baarle nằm giữa Bỉ và Hà Lan bị ảnh hưởng khi mỗi nước áp dụng một quy định phong tỏa phòng dịch COVID-19.
Giống như nhiều chủ doanh nghiệp khác, công việc kinh doanh của cô Monic van der Krogt sinh sống tại thị trấn Baarle-Hertog (Bỉ) đang bị gián đoạn do dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Quán ca phê và vườn bia của cô không một bóng khách vì lệnh phong tỏa toàn quốc. Cô nói: “Chưa bao giờ cửa hàng yên ắng như thế này. Chưa bao giờ”.
Thị trấn Baarle-Hertog thuộc tỉnh Antwerp của Bỉ có chung biên giới với thị trấn Baarle-Nassau ở miền Nam Hà Lan. Tuy nhiên, thay vì là một thẳng, biên giới quốc tế chia tách hai thị trấn nói riêng và hai quốc gia nói chung rất phức tạp. Các phần thuộc địa phận của Bỉ và Hà Lan nằm rải rác trong hai thị trấn Baarle. Bên phía Hà Lan có 22 vùng lãnh thổ tách rời của Bỉ, trong khi đó phía Bỉ cũng có 8 vùng lãnh thổ tách rời của Hà Lan.
Trong cuộc sống thường ngày, đường ranh giới này không mấy quan trọng đối với ngươi dân sống tại đây. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch bùng phát khiến chính phủ các nước đóng cửa biên giới, những tình huống trớ trêu mới diễn ra. Có số ca tử vong vì COVID gấp đôi so với Hà Lan, Bỉ buộc phải áp dụng biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn.
“Tôi không được phép mở cửa hàng. Nhưng ở bên kia biên giới, chỉ cách có 50m, các quán cà phê và nhà hàng sẽ được phép mở từ ngày 1/6. Và tôi cũng không được phép sang đó, vì tôi sống tại Bỉ”, cô van der Krogt cho biết. Mặc dù các cửa hàng bán lẻ thuộc thổ Hà Lan vẫn mở cửa trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng COVID-19, song người Bỉ sống trong thị trấn bị cấm bước qua đường biên trắng để sang mua đồ.
Có đường biên giới chạy cắt ngang qua nhà, ông Julien Leemans (63 tuổi) trải qua tình huống tương tự. “90% nhà của tôi nằm bên lãnh thổ Hà Lan. 10% còn lại, là phòng vệ sinh, ở bên Bỉ”, ông hài hước chia sẻ. Do cửa trước nhà ông nằm bên Bỉ nên ông không thể ra khỏi nhà và tới các cửa hàng Hà Lan trong thị trấn để mua sắm, mặc dù bản thân ông sinh ra và lớn lên tại Hà Lan. Trong thời gian xảy ra khủng hoảng, Chính phủ Hà Lan cho phép mở cửa hàng bán lẻ.
Cũng có đường biên giới chạy xuyên qua phòng triển lãm, cô Sylvia Reijbroek bối rối vì không biết phải nghe theo quy định của quốc gia nào. Để an toàn, Reijbroek quyết định tuân theo luật Bỉ và tạm đóng cửa phòng tranh, vì cô đăng ký hoạt động kinh doanh tại Bỉ. Mỗi ngày nhìn thấy khách nườm nượp ra vào cửa hàng chăm sóc sắc đẹp ngay sát cạnh vì nằm bên lãnh thổ Hà Lan, cô luôn cảm thấy buồn bực.
Phản ứng trước những khúc mắc mà người dân trong thị trấn gặp phải khi quy tắc riêng áp dụng cho từng đối tượng, ông Marjon de Hoon-Veelenturf - một trong hai thị trưởng của Baarle - cho biết: "Trong tình huống xảy ra khủng hoảng, thị trưởng không phải là người có quyền quyết định. Chúng tôi phải đáp ứng quy định pháp luật từ cả hai bên".
Trong một văn bản chính sách công bố ngày 13/5, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết họ đang tìm cách mở cửa lại khu vực Schengen không biên giới và cảnh báo các quy định siết chặt biên giới giữa các quốc gia đang gây nguy hại cho cuộc sống châu Âu.