Hồ Hàm Thuận như một cô gái quê ẩn mình giữa chốn thâm sơn cùng cốc, chỉ mong "nàng" được trân trọng, nâng niu và không đánh mất mình giữa cơn lốc bê-tông hóa du lịch
Một ngày mùa hạ, khi cái nắng quay quắt hành hạ đô thị, nhận lời rủ rê của ông Nguyễn Văn Mỹ, người sáng lập Lửa Việt tour, tôi lên vùng núi của tỉnh Bình Thuận để tận hưởng chút mát lạnh của miền cao và đắm mình trong cái lặng lẽ của hồ Hàm Thuận (huyện Hàm Thuận Bắc).
Lặng lẽ những sắc màu
Hình thành sau khi ngăn dòng La Ngà để làm thủy điện Đa Mi - Hàm Thuận, hồ Hàm Thuận rộng khoảng 2.500 ha, được bao bọc bởi cánh rừng xanh ngắt. Nơi đây chưa có dịch vụ du lịch nên đúng nghĩa hoang sơ với vài chiếc thuyền câu nhỏ, mấy cái lều do người dân dựng lên để khai thác cá. Dù vậy, do cũng có nhiều nhóm khách du lịch tự túc tìm đến tham quan hồ, người dân ở đây cải tạo lại tàu thuyền chở khách, trang bị áo phao đầy đủ.
Do có liên hệ trước, người dân chuẩn bị 1 chiếc thuyền lớn cùng 2 cái xuồng chở chúng tôi dạo một vòng quanh hồ. Lúc đó tầm 3 giờ chiều, mặt trời căng mình thả những tia nắng chói xuống mặt hồ sáng như gương. Nhờ tọa lạc trên địa hình bán sơn địa nên không khí ở đây rất dịu. Con thuyền lướt đi, càng ra xa, hồ càng trải rộng thênh thang.
Một góc hồ Hàm Thuận
Cầu vồng sau cơn mưa
Dù hiện diện đến 3 phương tiện cơ giới gây tiếng ồn cũng như tạo sóng nhưng không phá vỡ được không gian tĩnh lặng hồ Hàm Thuận. Con thuyền lướt đi, để lại một vệt sóng nhỏ rồi vài giây sau vẫn là một mặt hồ phẳng lặng in bóng từng cụm mây trắng xốp trôi bềnh bồng trên nền trời xanh ngắt.
Ở đằng Tây, mặt trời tạo ánh nhìn ngược sáng khiến một vùng hồ như tỏa hào quang. Ở hướng ngược lại, một đám mây đen vần vũ ám hẳn một góc trời. Và trong tầng lớp những dãy núi ẩn hiện, mưa đã rơi ở miền xa đâu đó. Ai nấy nôn nao lo lắng cơn mưa sẽ đuổi nhanh đến nơi trong khi hồ Hàm Thuận vẫn yên ả thả mình...
Đó quả là một chiều tĩnh lặng, trên lòng hồ, trong không gian và cả trong lòng tôi. Vùng này vốn là rừng, do ngăn nước làm thủy điện mới hình thành hồ nên bên trong Hàm Thuận có rất nhiều hòn đảo lớn nhỏ đủ cỡ. Những hòn cao, nước chưa ngập tới thì cây còn xanh tốt. Những hòn thấp hơn, cây chết sạch, do mùa khô nước rút mới hiện rõ hình hài chỉ còn trơ gốc, chĩa những thân, những nhánh đen sì thẳng lên trời hoặc nhấp nhô trên sóng nước khiến cái lặng lẽ của vùng hồ nhân lên gấp bội.
Dù lặng lẽ nhưng Hàm Thuận không hề tẻ nhạt bởi được khoác một "chiếc áo" sắc màu. Chiếc áo làm bằng những dãy núi xanh ngắt, bởi nền trời xanh lơ với rất nhiều mây trắng.
Đặc biệt, những hòn đảo trên hồ vào mùa khô nước rút đã lộ "chân" với đủ màu sắc từ trắng, xám, vàng đến cam, đỏ, hồng. Và như để chìu lòng khách, cơn mưa xa đâu đó chẳng những không đổ bộ đến hồ mà còn để lại đôi cầu vồng rực rỡ một góc trời.
Hồ Hàm Thuận nhìn từ chùa Quan Âm
Xuồng cập một hòn đảo nhỏ để khách leo lên thư giãn. Nắng xuống dần, những áng mây chiều gợi chút nao nao buồn. Gió đã mạnh hơn khiến người ta nghĩ đến một điều xa xôi hơn: Sẽ tuyệt vời làm sao nếu hạ trại giữa lòng hồ Hàm Thuận, nhóm lên một đống lửa, nướng ít thức ăn rồi chờ trăng lên, sao mọc... Nhưng thực tại không thể chiều lòng người trong phút ngẫu hứng, chúng tôi lên xuồng vào bờ khi mặt trời vừa khuất núi.
Đêm đó, chúng tôi nghỉ trên chùa Quan Âm, nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống hồ Hàm Thuận. Nhằm ngày 14 âm lịch nên trăng sáng vằng vặc. Từ trên cao nhìn xuống, hồ Hàm Thuận như một miếng trang sức bạc sáng lấp lánh cài trên mái tóc người thiếu nữ đang say ngủ.
Xinh đẹp và dịu dàng như vậy, Hàm Thuận chẳng mấy chốc rồi sẽ trở thành điểm đến của du khách. Rồi cái nét duyên tĩnh lặng đó liệu có chịu nổi cơn lốc của du lịch, vốn hay mang theo sự xô bồ và ô nhiễm?
Thư giãn cùng trời nước bao la
Với hơn 10 năm ngược xuôi khảo sát những điểm đến còn hoang sơ ở Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Mỹ ví von hồ Hàm Thuận như một cô gái quê chưa biết trang điểm gì cả. Vấn đề bây giờ là làm sao để trang điểm cho cô gái ấy xinh đẹp, dễ thương mà đừng cho người ta biết trang điểm là thành công. "Nếu quy hoạch du lịch không tốt, để xây dựng bát nháo sẽ làm phá vỡ cảnh quan, đặc biệt là vệ sinh môi trường. Phải giữ từng cành cây, ngọn cỏ và làm sao để môi trường ở đây thân thiện. Đây là bài toán của chính quyền địa phương" - ông Mỹ bày tỏ.
https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/giu-net-duyen-cho-gai-que-ham-thuan-20200709204402981.htm