Những ngôi biệt thự nguy nga mọc lên san sát, những chiếc xế hộp bạc tỷ trong các gia đình ở thôn Thiệu Tổ (xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) giống như một khu đô thị thu nhỏ và xứng đáng được mệnh danh là "làng đại gia". Khó ai có thể tin được, sự đổi đời này là nhờ vào nghề buôn tóc buôn "góc con người".
Buôn tóc “xài” xế hộp
Đó là câu chuyện đổi đời từ nghề buôn tóc của đại gia Bùi Văn Quốc và vợ là chị Trần Thị Hoàn (thôn Thiệu Tổ). Về thôn Thiệu Tổ, hỏi thăm ông trưởng thôn về một số đại gia buôn tóc tiêu biểu, ông không trả lời ngay mà cười xòa: "Danh sách thì nhiều lắm, các cô cứ đi quanh làng, chỗ nào cũng gặp được".
Những ngôi biệt thự sang trọng "mọc lên như nấm" nhờ nghề buôn tóc.
Ban ngày ở Thiệu Tổ, cửa nhà nào nhà nấy đóng im ỉm, hỏi ra mới biết, các gia đình một là đi vào Nam mua tóc, hai là cùng đi các tỉnh miền núi phía Bắc và vùng dân tộc để "săn" tóc, đặc biệt là những mái tóc dài. Tìm tới gia đình đại gia Bùi Văn Quốc, ngôi nhà cao tầng khang trang, bên trong, những đồ dùng gia đình và bộ bàn ghế đắt tiền cho thấy sự đủ đầy, chịu chơi của gia chủ. Chỉ mới bắt đầu buôn tóc từ năm 2006 nhưng đến nay, vợ chồng "đại gia tóc" Hoàn - Quốc đã nhà cao cửa rộng và sắm ô tô Honda Civic để thuận tiện cho việc đi lại.
Ngả lưng ra chiếc ghế gỗ đồ sộ, cụ Bùi Ngọc Hưng (70 tuổi, bố anh Quốc) chậm rãi kể: "Hai vợ chồng con trai tôi bắt đầu đi buôn tóc từ năm 2006. Ngày đó, do có quen một vài lái buôn mạn Bắc Ninh qua Thiệu Tổ mua tóc, anh Quốc nhà này thấy có lãi nên theo nghề". Trước khi trở thành "đại gia tóc", anh Quốc đã bươn trải qua rất nhiều nghề, đã tha phương tận trong TP.HCM nhưng cũng chỉ tằn tiện kiếm đủ miếng ăn cho bản thân, không gửi về cho cha mẹ già được đồng nào. "Học hết lớp 12, không có điều kiện vào đại học, Quốc đi nghĩa vụ quân sự, khi về thì cu cậu theo học nghề thợ đục bàn ghế, tủ, sập gụ. Cặm cụi 1 năm làm khoán thợ mộc gần nhà, thu nhập của Quốc chỉ được vài chục ngàn/ngày, đói vẫn hoàn đói, cu cậu quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp", cụ Hưng tâm sự.
Chừng 3 - 4 năm bán bánh tẻ khắp đất Sài thành trên chiếc xe đạp cọc cạch, chẳng tích cóp nổi đồng nào, thấy phụ lòng cha mẹ già, năm 2003, anh Quốc quyết chí về quê cưới vợ. Hai vợ chồng chuyển nghề buôn nhôm, đồng cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Vừa chép miệng thở dài về một thời khốn khó, cụ Hưng tiếp chuyện: "Từ năm 2006, vợ chồng Hoàn - Quốc chở nhau xe máy đi khắp các tỉnh phía Bắc để buôn tóc. Ba năm sau thì sắm được xe ô tô tải hiệu Hyundai để tiện việc vận chuyển, buôn bán".
Vài tháng sau "đại gia tóc" này quyết định lên đời bằng xế hộp Honda Civic có giá trị hơn 700 triệu đồng. Hiện tại, đi "săn" tóc ở bất cứ đâu, hai vợ chồng lại vi vu xế hộp. Theo cụ Hưng, cả thôn Thiệu Tổ, các đại gia buôn tóc có thừa điều kiện mua ô tô tiền tỷ nhưng họ không thích.
Nói về nghề buôn tóc, cụ Hưng khẳng định, đây là nghề giúp làm giàu nhanh chóng, tuy nhiên, nghề này lãi to nhưng khi lỗ thì cũng lao đao không kém. Được biết, tóc sau khi mua về được chia ra làm 3 loại, tóc nóng là tóc được cắt ngay trên đầu, tóc tỉa là tóc được tỉa gọn gàng trên đầu và tóc rối. Trong đó, tóc tỉa là kiểu tóc có giá trị nhất vì dài, mượt lại được tỉa gọn gàng.
Với người buôn tóc Thiệu Tổ, người trực tiếp đi cắt, mua tóc mới là người có bí quyết để lựa được lãi nhiều, lãi ít, riêng những người đi buôn thì phải cầm thật chuẩn. Tóc sau khi chải mượt, gỡ rối được người Trung Quốc, Hồng Kông đến tận nơi mua. Tuy nhiên, một câu hỏi mà người dân Thiệu Tổ đều lắc đầu đó là không biết phía lái buôn Trung Quốc mua tóc làm gì. Có những thời điểm, tóc đã gom về, cả kho hàng giá bạc tỷ nhưng lái buôn Trung Quốc lại giở chứng, trả giá bèo bọt, chọn lựa kỹ càng, thi thoảng lại dọa ngừng mua để bà con lo sợ mà bán cho với giá rẻ.
Khi chúng tôi bày tỏ ý định chờ vợ chồng "đại gia tóc" Hoàn Quốc về để hỏi thêm câu chuyện thì cụ Hưng phân trần: "Hai vợ chồng nó đi giờ giấc thất thường lắm, có khi khuya mới về, cũng có khi đi vài ngày nếu mua được nhiều hàng".
Phân loại tóc trước khi tiêu thụ.
Buồn vui nghề buôn... “góc con người”
Nghề buôn tóc ở thôn Thiệu Tổ có thâm niên khoảng mười năm nay, thế nhưng, đây là một trong ba nghề chính giúp người dân nơi đây giàu lên một cách nhanh chóng. Qua cổng làng, đập vào mắt chúng tôi là những ngôi biệt thự 3 - 4 tầng nguy nga lộng lẫy của các "đại gia tóc". Vừa cất tiếng hỏi thăm nhà của một vài đại gia buôn tóc, chúng tôi nhận được ngay câu hỏi lại từ người dân nơi đây: "Đi bán tóc à? Kia kìa, nhà có cái cổng sắt màu xanh, ngay cổng có cây xoài to tướng kia là nhà Bốn Kim đó. Đằng kia là nhà Hoàn - Quốc... Ở làng này, ai chẳng biết các đại gia mới nổi từ buôn tóc".
Dọc theo đường bê tông chính của làng, chúng tôi chỉ thấy bóng dáng của người già và trẻ nhỏ ở nhà, rất ít gia đình có người lớn. Hỏi ra mới biết, những lao động chính trong gia đình, mới sáng sớm đã ra khỏi nhà. Hành trang họ mang theo là cây kéo, chiếc lược và những tải nhỏ đựng tóc. Cứ thế, họ đi khắp các ngóc ngách của các làng quê để săn lùng "một góc con người". Ở làng này, hầu như gia đình nào cũng có người làm nghề mua tóc. Khi mới bắt đầu, người dân Thiệu Tổ đi khắp huyện rồi khắp tỉnh để mua tóc. Đến khi cả làng đi buôn, người dân nơi đây mở rộng địa bàn vào cả trong Nam, thậm chí sang cả Lào và Campuchia mua tóc.
Ông Ngô Văn Thú, phó thôn Thiệu Tổ cho biết: "Từ ngày nghề buôn tóc phát triển mạnh, thôn Thiệu Tổ vắng vẻ hơn nhiều vì các gia đình chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà. Người lớn thì đi khắp nơi để thu mua tóc. Nhiều gia đình gửi con cái ở nhà cho ông bà trông, mình thì đi khắp Nam - Bắc để thu mua tóc. Có nhiều người vào miền Nam thu mua tóc từ 3 - 6 tháng mới về nhà một lần và ước tính trong đó hiện có khoảng trên 100 người của làng Thiệu Tổ. Trưa hôm qua, trên chuyến xe chạy vào miền Nam đã có tới 16 đôi (đều là người Thiệu Tổ) đi miền Nam "săn" tóc. Họ chủ yếu đi các tỉnh ĐắkLắk, Lâm Đồng, vào các thôn bản của người dân tộc mới có thể mua được nhiều hàng. Tóc mua xong sẽ được đóng gói chuyển ra Bắc, những người ngoài Bắc sẽ làm các công đoạn trước khi đem bán cho lái buôn rồi lại chuyển tiền vào Nam. Một năm, họa chăng những người buôn tóc này về nhà được vài ba lần nhân dịp giỗ, tết, thăm con cái, bố mẹ, có người thì biệt tăm cả năm trời".
Theo lời ông Bình, nghề buôn tóc cũng có vô vàn khó khăn, phải đi tới hang cùng ngõ hẻm, những vùng sâu, vùng xa mới mong mua được hàng. Đi như thế phải xa gia đình vài tháng trời... thế nên nếu gia đình gặp phải chuyện không may thì chẳng kịp về nhìn mặt lần cuối do cách trở về địa lý... Dù biết thế, nhưng vì "miếng cơm manh áo", nhiều người vẫn phải xa gia đình, gửi con cái cho ông bà già trông để kiếm sống. Nếu không may con cái hư hỏng do thiếu sự giáo dục của bố mẹ, họ chỉ biết tặc lưỡi đổ lỗi cho số phận mà thôi.
Một nửa dân của thôn đi buôn tóc
Vào thời huy hoàng, tóc có giá bán khá cao, loại đẹp nhất dài từ 50cm trở lên có giá khoảng 6.000.000 - 7.000.000 đồng/kg, từ 30 - 40cm có giá từ 3.500.000 - 5.000.000 đồng/kg, tóc xấu, tóc rối khoảng 2.000.000 đồng/kg trở lên. Ngày ấy, gần như ngày nào cũng có xe ô tô của người Trung Quốc sang thu mua tóc. Thế nhưng gần đây, phải 2 - 3 ngày mới có một chuyến xe tới thu mua tóc do đầu ra ế ẩm, đầu vào lại chững nhiều so với trước.
Ông Nguyễn Văn Bình, trưởng thôn Thiệu Tổ cho biết: "Thiệu Tổ có 400 hộ gia đình với 1.800 nhân khẩu thì có tới hơn 200 hộ làm nghề mua tóc (bình quân mỗi gia đình có từ 1 - 2 người làm nghề), chiếm trên 50% dân số của thôn. Nghề buôn tóc ở Thiệu Tổ phát trển mạnh cách đây khoảng 5 - 7 năm, vì lúc ấy thu nhập từ buôn tóc rất lớn. Chỉ vài năm ngắn ngủi mà nhiều người giàu lên trông thấy khiến dân làng đổ xô đi buôn tóc. Nhưng giờ nghề này chững lắm, cách đây khoảng 3 tháng là khá khó khăn, nhiều người mua tóc về nhưng không bán được".
|
Y.Dương - Hồng Mây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét