Quy định cách biệt cộng đồng từ sớm và kinh nghiệm đối phó thảm họa tự nhiên giúp California tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất của Covid-19.
Với vai trò cửa ngõ hàng đầu từ Trung Quốc vào Mỹ, ngay từ khi Covid-19 bùng phát, California đã bị coi là một trong những bang dễ bị tổn thương nhất. Hồi tháng một, gần 600 chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc, chở theo khoảng 150.000 hành khách, đã hạ cánh tại California, hơn gấp đôi so với New York. California còn là bang đông dân nhất nước Mỹ.
Bất chấp những điều đó, tỷ lệ tử vong vì nCoV trên 100.000 người của California chỉ đứng thứ 30 toàn quốc, thấp hơn nhiều so với bang New York và New Jersey. Tính đến ngày 13/4, San Francisco, một trong những thành phố lớn của California, đồng thời có mật độ dân số cao thứ hai cả nước sau New York, mới ghi nhận 15 người chết.
Theo giới chuyên gia, những dấu hiệu khả quan tại California xuất phát từ nhiều yếu tố. Đây là bang đầu tiên yêu cầu người dân ở nhà để ngăn nCoV lây lan. Thậm chí trước cả khi chính quyền ban lệnh, cư dân California đã bắt đầu giữ khoảng cách với nhau, trong lúc người New York vẫn tụ tập tại các quán bar và nhà hàng.
Thêm vào đó, văn hóa làm việc từ xa vốn tồn tại ở nhiều công ty tại California, được thúc đẩy nhờ ngành công nghệ thông tin phát triển. Một yếu tố khác được đề cập là thời tiết khô và nhiều nắng tại bang này hồi tháng 2 khiến người dân có động lực ra ngoài trời, tránh xa những không gian kín đông đúc.
Kinh nghiệm sâu sắc của California trong công tác đối phó thảm họa tự nhiên cũng được cho là giúp bang này xử lý đại dịch tốt hơn. Bộ máy chính quyền luôn sẵn sàng ứng phó thảm họa và người dân cũng nhận thức tốt về việc phải tuân theo chỉ đạo vào thời điểm khẩn cấp.
Một số chuyên gia đưa ra thêm nhiều lời giải thích khác liên quan đến đặc trưng của California, như văn hóa sử dụng phương tiện cá nhân, hệ thống phương tiện giao thông công cộng thưa thớt và những khu dân cư nằm rải rác ở vùng ngoại ô.
"Cuộc sống tại California cởi mở hơn nhiều, với những ngôi nhà chỉ gồm một hộ gia đình thay vì các tòa chung cư. Không gian làm việc ít chật chội hơn. Thậm chí chỗ ngồi trong các nhà hàng cũng rộng rãi hơn", Eleazar Eskin, chuyên gia tại Đại học California ở thành phố Los Angeles, cho hay.
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy mối liên hệ giữa mật độ dân số và sự lây lan các bệnh truyền nhiễm. Điều này có thể cũng đúng với nCoV. "Bạn càng có nhiều không gian, khả năng lây nhiễm càng thấp", học giả Moritz Kraemer tại Đại học Oxford cho hay.
Mặc dù vậy, George Rutherford, giáo sư dịch tễ học tại Đại học California ở San Francisco, vẫn đề cao nỗ lực hành động sớm của chính quyền bang hơn là các yếu tố có sẵn. Rutherford cho rằng những lệnh cách biệt cộng đồng đầu tiên của đất nước do giới chức khu vực Vịnh San Francisco ban hành, dưới sự dẫn dắt của Sara Cody, giám đốc cơ quan y tế hạt Santa Clara, đóng vai trò vô cùng quan trọng.
"Công lao thuộc về hành động đó", Rutherford đánh giá, đồng thời chỉ ra rằng hệ thống giao thông công cộng ở San Francisco cũng tấp nập như thành phố New York. "Tôi có thể dễ dàng tiếp xúc với 200 người trong khoảng cách dưới 2 m mỗi ngày".
Tuy nhiên, công tác chống Covid-19 của California vẫn còn nhiều điểm yếu. Các viện dưỡng lão và một số cơ sở tập trung đông người khác bị đại dịch tàn phá nặng nề. Chính quyền đã phát hiện 102 ca nhiễm nCoV chỉ riêng ở một trung tâm vô gia cư ở San Francisco.
Giới chuyên gia cho biết việc nắm được động lực lây lan của nCoV vô cùng quan trọng trong những giai đoạn tiếp theo của đại dịch, giữa lúc chính quyền đang xem xét tái mở cửa nền kinh tế. Dù Covid-19 ít dữ dội hơn nhiều so với lo ngại ban đầu, các quan chức California vẫn thận trọng trong việc nới lỏng hạn chế trước nguy cơ về làn sóng chết chóc thứ hai của đại dịch.
"Chúng tôi sẽ không đột ngột bật công tắc và đưa nền kinh tế trở lại bình thường ngay lập tức, hoặc cho phép mọi người ra khỏi nhà cùng một lúc", Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti trả lời phỏng vấn, nói thêm rằng sự thay đổi sẽ diễn ra từ từ.
Thống đốc California Gavin Newsom hôm 14/4 cho hay bang này sẽ thay thế mệnh lệnh ở nhà trên diện rộng bằng những biện pháp bớt nghiêm khắc và mang tính địa phương hơn. Tuy nhiên, ông không đưa ra khung thời gian cụ thể, nói thêm rằng sẽ xem xét câu hỏi sau hai tuần nữa.
"Chúng ta không thể vội vàng. Đừng mắc sai lầm bằng việc chấm dứt mọi thứ quá sớm", Newsom phát biểu, đồng thời cho biết California cần phải nâng cao năng lực xét nghiệm, bảo vệ người già và những đối tượng dễ tổn thương tốt hơn, đảm bảo các bệnh viện đủ nguồn cung.
Thống đốc California còn cho biết việc che mặt có khả năng trở nên phổ biến tại nơi công cộng, ít nhất trong một thời gian nữa. Khách đến nhà hàng phải kiểm tra nhiệt độ trước khi vào, người phục vụ phải đeo khẩu trang và găng tay. Những buổi tụ tập đông người vào mùa hè "không có khả năng được tổ chức". Tới mùa thu, học sinh có thể phải đến trường theo ca để tránh những lớp học đông đúc.
Thị trưởng Garcetti đưa ra ý tưởng thực hiện xét nghiệm trên diện rộng nhằm xác định những người không nhiễm nCoV, sau đó cho phép họ trở lại cuộc sống bình thường trên một số mặt nhất định. "Điều đó chắc chắn giúp nền kinh tế tăng tốc độ phục hồi", ông nói.
Tuy nhiên, kế hoạch này đòi hỏi khả năng xét nghiệm trên diện rộng, điều mà California không có. Do vậy, Garcetti cho rằng vẫn chưa đến lúc cấp "hộ chiếu miễn dịch".
Ánh Ngọc (Theo NY Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét