Tính đến thời điểm này, tôi đã ở Sài
Gòn gần ba tuần. Đã ngang dọc hết những con đường nhiều cây trong thành
phố, đã “lạc đường” tới bến xe miền Đông, miền Tây, chợ Bến Thành hay
làng đại học. Đã nếm đủ nắng mưa Sài Gòn, đã học được cách nói “Ghé
trạm” của người miền Nam, thay vì “Chú ơi cho con xuống” như khi đi bus
ngoài Bắc, đã biết nói “Dạ, hông!” thật ngọt mà không đỏ mặt hay tự lén
cười.
Những gì giản dị nhất, gần ta nhất, luôn đẹp nhất...
Hôm bữa, tôi nhắn tin với một người bạn
đang ở Hà Nội, kể về kế hoạch lênh đênh sông nước với miệt vườn, hoa
trái ở các tỉnh miền Tây. Bạn cười khẩy, hỏi nơi ấy có gì để xem, chi
bằng phượt Tây Ninh một chuyến rồi bắt bus xuyên biên giới, sang
Campuchia du hí.
“Vào tới Sài Gòn mà không ghé Campuchia
là hơi phí. Kiếm thêm bộ dấu xuất nhập cảnh cho hộ chiếu thêm phần sang
chảnh đi cưng. Dẫu sao cũng được tiếng ra nước ngoài du lịch”. Không
phải tôi không yêu đất nước của khu đền thờ Angkor Wat, không phải tôi
không muốn “vượt biên” và làm dày thêm kinh nghiệm du lịch của bản thân
mình. Chỉ là, đến Campuchia như một “cột mốc” đánh dấu sự “sang chảnh”
vì đã dám vượt biên, là điều tôi chưa từng nghĩ đến.
Du lịch bụi ra nước ngoài dường như đã trở thành công cụ khẳng định đẳng cấp thay vì một thú vui như nó vốn vậy.
Tôi quen một cô bạn sống ở Sài Gòn ngót
nghét gần sáu năm, nhưng chưa một lần đặt chân vào bên trong Bưu điện
thành phố, dù đã chạy xe qua khu vực ấy cả trăm lần. Bạn bảo, những nơi
như thế (bao gồm: nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Dinh Thống Nhất,…)
đều dành cho khách du lịch. Người dân địa phương như bạn đâu nhất thiết
phải đặt chân vô. Tôi cũng biết một cậu bạn khác, người từng đặt chân
tới Singapore và ngợi ca hết lời hệ thống xe bus hai tầng ở đó mà không
biết rằng xe bus hai tầng đã xuất hiện trong thành phố nơi cậu đang
sống, một thời gian khá dài.
Chừng hai tháng trước, em gái tôi nhận
được học bổng toàn phần cho khóa học tiếng Anh ở Ireland. Giáo viên đứng
lớp là một người ưa xê dịch, bởi thế, những buổi học luôn được bắt đầu
bởi thông tin, câu chuyện du lịch thầy có được, ở mỗi nước khác nhau. Em
vẫn nhớ như in vẻ mặt ngạc nhiên của thầy khi nghe em kể đã từng du
lịch Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia,… nhưng lại chưa một lần ghé Hà
Giang, Hạ Long,… ở quê nhà.
Hai năm trước, thầy tới Việt Nam, ấn
tượng hơn cả với hình ảnh cao nguyên hùng vĩ trên Đồng Văn, với buổi lặn
ngắm san hô ở Cù Lao Chàm… Em đã lắc đầu và nói “Em không biết” trước
tất cả những địa điểm ấy. Và lần đầu tiên trong đời, em thấy hộ chiếu,
giấy thông hành, vé máy bay, xuất nhập cảnh… là những trải nghiệm thực
sự đáng xấu hổ. Bay thật cao, đi thật xa để làm gì khi ta không biết
mảnh đất quê nhà hình dạng ra sao? Bay thật cao, đi thật xa để làm gì
khi ta chưa có được nền tảng ban đầu để so sánh và học hỏi?
Bạn tôi bảo, với cùng một số tiền, bạn
sẽ chọn bay sang Malaysia và du lịch một cách tiết kiệm, hơn là 2 giờ
đồng hồ để vào Sài Gòn, hoặc quẩn quanh nơi nào đó trong đất nước Việt
Nam. “Sính ngoại” dường như đã ăn sâu trong máu của một bộ phận không
nhỏ những người trẻ hiện nay. Du lịch bụi ra nước ngoài dường như đã trở
thành công cụ khẳng định đẳng cấp thay vì một thú vui như nó vốn vậy.
Đó phải chăng là lý do không ít người hùng hổ xách ba lô lên và đi, đến
một xứ sở nào đó khác và gọi tất cả những thứ nghe, nhìn và trông thấy
được bằng từ “dễ thương”, “đặc biệt”, mà đâu biết rằng chúng hiện diện
mỗi ngày ở nơi họ đã từng sống?
Dẫu biết một status hay dòng check-in
cho thấy đang ở nước ngoài sẽ “câu khách” hơn trăm nghìn chữ nói đang ở
Việt Nam, tôi vẫn bằng lòng gác lại kế hoạch phượt các nước trong khu
vực Đông Nam Á, để thực hiện ước mơ sống và làm việc ở tất cả các tỉnh
thành trên đất nước. Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn,… những nơi tôi đã sống, đã
làm việc, đã thương và đã yêu.
Và tôi biết, chỉ khi hiểu thật rõ và
yêu thật say Tổ Quốc của mình, người ta mới có thể nhận ra những đặc
điểm đặc trưng khi tới thăm vùng đất khác. Chưa bao giờ tôi hối hận khi
đã tự nói với mình, sau buổi học về Việt Nam hôm ấy, rằng “Cứ ở nhà và
thương Việt Nam, cho hết!”.
Thùy Dung (Theo NĐ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét