(NLĐO)
- Tôi phải lòng Nha Trang ngay từ khi đặt chân xuống sân ga vùng biển
mặn này một sáng tháng 11 mưa rả rích. Đồng hồ chỉ chưa đến 5h, cái lạnh
se sắt của thành phố những ngày bão về len lỏi vào lòng, tê cóng lại
nơi đầu ngón tay. Chúng tôi ngồi lại trên dãy ghế nhựa trong phòng chờ,
nhìn xa hơn tầm mắt sân ga còn mờ sương, những đầu tàu nằm uể oải, những
hành khách nói lời chia tay cuối trong vội vã. Một gia đình có vẻ như
đang dọn đồ đạc chuẩn bị hành trình vào miền Nam xa xôi, lần lượt những
chiếc xe máy khó nhọc được đưa lên toa hàng, hai ông bà lão sụt sùi ôm
cô con gái và thằng cháu nhỏ quyến luyến không rời, một người đàn ông
sùm sụp cái mũ len màu nâu đất lặng lẽ… Mọi thứ lãng đãng và nhạt nhòa
trôi qua trước mắt hai đứa chúng tôi, như những bong bóng tái hiện một
ngày rất xưa.
Nha Trang đón chúng tôi, với miền quá khứ u buồn như thế đấy. Vậy mà, tôi yêu.
Trời còn lờ mờ sáng,
với cơn mưa nhẹ đủ ướt nếu đi bộ chừng dăm ba phút, do đó chúng tôi
quyết định bắt một chiếc taxi. Định về khách sạn nhưng thấy còn tương
đối sớm, cô bạn đề nghị đi ăn sáng trước. Bún bò Nha Trang không đậm đà
hương vị Huế, cũng không ngòn ngọt cái đặc trưng đất Sài Thành mà được
biến tấu rất riêng, trong thanh có cái ngọt dịu, lại không nồng mùi mắm
ruốc. Có một điểm tương đồng dễ nhận thấy giữa bún bò Nha Trang và Đà
Lạt, chính là bún bò ở hai nơi này đều không ăn kèm với rau lặt, mà dùng
chung với rau xắt ghém. Tôi vốn là một tín đồ của bún bò Huế, phải lòng
bún bò Sài Gòn với những cọng giá béo mũm, bắp chuối non hăng hắc và
những cọng rau muống chẻ giòn, nhưng cứ hễ có dịp được thưởng thức một
tô bún bò nóng hổi với đĩa rau xắt ghém tươi mơn mởn, là tôi lại thích
mê tơi. Mưa dần thưa hạt hơn khi chúng tôi uống những ngụm sữa đậu nành
thơm lừng cuối cùng trước khi khởi hành trở về nơi chúng tôi sẽ trú ngụ
trong những ngày sắp tới.
Đang phân vân chưa biết
sẽ lên đường bằng phương tiện nào, con bé bạn đã nhanh nhẩu nắm áo chị
chủ quán hỏi đường. Chúng tôi không bất ngờ, nhưng lấy làm sung sướng
khi biết từ chỗ chúng tôi về tới khách sạn chỉ một đoạn rất ngắn. Thế là
sau khi say khí trời Nha Trang những ngày bão và no với bún bò và sữa
đậu nành, chúng tôi quảy ba lô lên vai.
Và, hành trình mới chỉ bắt đầu.
Lang thang Nha Trang
Các cụ vẫn nói “Căng cơ
bụng, chùng cơ mắt” quả thật không sai lệch 1 ly nào. Chuyến tàu đêm
với những giấc ngủ chập chờn, lại căng bụng một tô bún bò với ly sữa đậu
nành, giờ đây khi đã đặt mình xuống chăn ấm nệm êm, thật khó cưỡng lại
một giấc ngắn giữa ngày. Nhưng, hai đứa chúng tôi nhìn nhau, ở ngoài kia
biển đang vẫy gọi, có lẽ nào…
Sau một số công đoạn
vực dậy tinh thần và khí thế, chúng tôi khoác balo và lao ra ngoài. Cơn
mưa sớm đã tạnh, nắng lên nhè nhẹ, đọng lại loang lổ trên mặt đường
những vũng nước nhỏ, lấp lánh sáng. Hai đứa chúng tôi đi dọc con đường
Trần Phú thênh thang, xanh ngút tầm mắt những hàng dừa ven biển chạy
dài. Nha Trang mùa bão về, len lỏi trong cái nắng ấm đầu ngày hơi lạnh
se sắt, tinh khiết và mằn mặn vị biển.
Viện Hải Dương Học nằm ở
bờ gần vùng biển sâu trên Cầu Đá, gần cuối đường Trần Phú, nơi gặp gỡ
hai dòng hải lưu nóng - lạnh. Chúng tôi đi ngang dọc các phòng ban, khu
trưng bày với 20.000 mẫu vật của 4000 loài sinh vật biển của Đông Nam Á,
mục tận sở thị bộ xương cá voi lưng gù dài 18 mét, nặng 18 tấn từng
được khai quật tại tỉnh Nam Hà năm 1994, hay như bộ xương của nàng tiên
cá đang trên bờ tuyệt chủng Dugong tìm thấy vào tháng 11-1997 tại Lò
Vôi, Côn Đảo…
Chưa hết choáng ngợp với những mẫu vật
quý hiếm trong cuốn từ điển khổng lồ của hệ sinh thái biển này, hai đứa
lại mắt tròn mắt dẹt với mảng màu rực rỡ, phong phú chủng loại của gian
trưng bày sinh vật trong bể nuôi ngoài trời.
Một nhóm du khách nước ngoài có vẻ thích
chí lắm, chỉ trỏ liên tục, thi thoảng lại ồ lên thành tràng dài. Hai đứa
chúng tôi mê mẩn như lạc bước giữa lòng đại dương đa dạng sắc màu của
hàng nghìn sinh vật. Được biết, với hơn 7.000 đầu sách và 60.000 tạp chí
khoa học được gửi từ 140 tổ chức quốc tế của hơn 30 quốc gia trên thế
giới, thư viện Viện Hải dương học còn lưu giữ nhiều tư liệu khoa học
biển từ thế kỷ 18-19, đóng góp một khối lượng lớn các công trình nghiên
cứu cho công cuộc chinh phục khai thác và bảo vệ biển Đông. Cũng tại
Viện, du khách có thể ghé xem sa bàn “Địa hình thềm lục địa Việt Nam”
vốn được coi như một cẩm nang khái quái cái nhìn về độ sâu của đáy biển,
sự đa dạng sinh học hay như nguồn lợi biển, tuyên truyền bảo vệ môi
trường biển…
Cách trung tâm Nha Trang khoảng 60 km về
phía Tây Nam, Hòn Bà là khu rừng nguyên sinh với độ cao 1.578m, mang khí
hậu ôn đới, nằm trên ranh giới giữa hai xã Khánh Phú và Suối Cát. Đây
là điểm khám phá ưa thích của dân du lịch bụi khi còn giữ vẹn nguyên nét
hoang sơ, hùng vĩ. Suốt chặng đường lên Hòn Bà cảnh quan thay đổi liên
tục từ rừng đại ngàn, rừng lồ ô rồi tới rừng lá kim, bám vào vách núi là
nơi mặc sức cho dương xỉ và phong lan chen chúc trong sương mờ, giữa
trùng trùng cỏ xanh. Chúng tôi không lên tới đỉnh, mà quyết định dừng
chân giữa đường, ghé ngang suối Đá Giăng. Thiên nhiên thật ưu đãi khi
ban tặng nơi đây một cảnh quan kỳ thú đến kinh ngạc với những hồ chứa
nước lớn nhỏ, những con suối uốn lượn chứa đựng hàng trăm ngàn phiến đá
lô nhô đủ hình dạng và kích cỡ. Lội xuống dòng nước trong leo lẻo và mát
rượi, chúng tôi hơi vất vả để trèo lên hòn đá to giữa lòng suối như
phần đầu một chú cá voi xanh, nhưng thành quả thật xứng đáng khi được
ngồi đó - giữa bao la đất trời, cảm nhận hơi thở hào sảng và tinh khiết
của cuộc sống, lắng nghe bản hợp ca trầm hùng của đại ngàn.
Nha Trang ngày sau bão, nắng lên rực rỡ.
Chúng tôi trải qua một buổi sáng tinh khôi đầy hứng khởi, nằm dài trên
những chiếc ghế bố ở Louisiane, nhâm nhi một ly nước ép nhiệt đới, nghe
sóng biển rì rào, gió biển thổi xoã tóc bay và nghiền ngẫm một cuốn sách
yêu thích. Tôi phóng tầm mắt ra xa là đại dương bao la một màu xanh
thẫm, lấp lánh những con sóng bạc đầu dập dìu, thu về tầm mắt là bờ cát
nóng chạy dài, nhìn những du khách khác, cũng như tôi, bận rộn trong thế
giới riêng bình yên và thư thái, bỏ lại ngoài kia guồng quay của cuộc
sống tất bật, xô bồ.
Là Nha Trang - rất đỗi dịu dàng, như thế đó.
Ăn hàng bất tận
Đến Nha Trang, để yêu thương và tận hưởng
cuộc sống, nhưng hẳn sẽ là thiếu sót lớn trong hành trình nếu bạn chưa
một lần khám phá nền ẩm thực độc đáo nơi thành phố này. Ẩm thực Nha
Trang chịu ảnh hưởng sâu sắc từ biển, với nguyên liệu chủ yếu được chế
biến từ các loại hải sản. Nhưng, đối với bất kỳ người Nha Trang nào nếu
được hỏi về đặc sản của thành phố, đứng đầu danh sách không phải bún cá -
sứa có tiếng dọc 3 miền đất nước, mà lạ thay, ấy lại là món ăn của rừng
- nem chua Ninh Hoà. Nem được làm từ thịt nạc ròng ở hai bắp đùi heo
đất đỏ - một loại heo của địa phương nên có hương vị đặc biệt, màu hồng
bóng với độ dai, giòn đặc trưng, bên ngoài được gói một lớp lá chuối hột
hoặc chuối mốc, cột bằng lạt giang, kết từng chiếc lại thành xâu. Cũng
là nem, nhưng nem nướng lại đặc sắc một nét riêng với vị ngọt thơm của
thịt nạc giã nhuyễn và mỡ xắt hột lựu nướng trên bếp than hồng kết hợp
cái giòn rụm của bánh tráng mặn chiên vàng ruộm, thoảng nhẹ cái hăng
hắc, chan chát của những lá sung, sắn, húng và vị chua dịu của xoài
sống… không biết tự bao giờ đã chinh phục hoàn toàn khẩu vị người dân
bản địa, cũng như khách du lịch tứ xứ.
Tự bao đời này, bún cá - sứa là món ăn
hầu như khó du khách nào có thể bỏ qua khi đặt chân đến Nha Trang. Loanh
quanh gần chợ Đầm là những hàng bún cá - sứa nổi tiếng thành phố. Những
miếng sứa có màu trắng đục, thon thon bằng ngón tay, mình dày, ăn vào
miệng có vị thanh mát và giòn sật sật. Tô bún nóng hổi còn bốc khói thật
là lựa chọn lý tưởng cho những ngày mưa. Đặc biệt, bún sứa sẽ đậm vị
hơn khi ăn kèm những miếng chả cá chiên còn bóng lớp mỡ vàng ươm và nước
mắm 3 vị chua ngọt cay đặc sắc.
Nếu tận hưởng cuộc sống là hội đủ 3 yếu
tố - ăn, đi và ở thì đến Nha Trang, dù muốn, bạn cũng khó có thể bận
lòng về một trong ba yếu tố đó. Quán xá ở Nha Trang mở cửa từ sớm đến
khuya, thậm chí nhiều hàng ăn còn phục vụ khách tới gần sáng. Không chỉ
vô cùng đa dạng, đặc biệt, đồ ăn ở Nha Trang rẻ… đến bất ngờ. Thả bộ dọc
khu phố Tây với 4 con đường huyết mạch Nguyễn Thiện Thuật - Hùng Vương -
Biệt Thự - Trần Quang Khải du khách sẽ bắt gặp vô số các quán ăn từ vỉa
hè bình dân đến cao cấp, từ một quán ăn Nga, một cửa hàng món Việt
truyền thống cho đến một gánh bánh căn đặc sản ngay góc ngã tư… Chỉ độ
100.000 đồng đổ lại, hai đứa chúng tôi mặc sức thoả thích khám phá nền
ẩm thực phong phú màu sắc của nhiều vùng miền trên thế giới tập hợp lại
nơi đây.
Không chỉ bởi con người hiền hoà và đáng
mến, những món ăn đặc sắc đầy hấp dẫn mà hơn hết chính là bầu không khí,
là cuộc sống nơi thành phố này đã lưu giữ lại trái tim những du khách
như tôi, ước mong một ngày trở lại...
Thanh Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét