Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Vĩnh biệt nhạc sĩ "Nỗi buồn hoa phượng"

TTO - 14g30 ngày 4-4, nhạc sĩ Thanh Sơn, người nổi tiếng với những tình khúc buồn đi sâu vào lòng người như Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn... đã từ giã cõi đời, sau hơn một năm chống chọi với bệnh tật.
Nhạc sĩ Thanh Sơn - Ảnh: Tư liệu
Gia đình nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết nhạc sĩ Thanh Sơn mắc chứng tai biến mạch máu não từ năm ngoái. Hơn một năm qua, ông bị liệt nửa người và sức khoẻ giảm sút nhanh chóng. Thời gian điều trị kéo dài khiến bệnh tình thêm nặng với các biến chứng về tiểu đường...
Cách nay nửa tháng, ông cũng từng phải cấp cứu tưởng chừng không qua khỏi. Do vậy người nhà của nhạc sĩ dường như đã chuẩn bị trước tâm lý cho ngày ra đi của ông.

Lễ nhập quan nhạc sĩ Thanh Sơn sẽ được tổ chức vào 6g30 ngày (5-4) tại nhà riêng (số 100/40/14 Đinh Tiên Hoàng, Q. Bình Thạnh).
Vào 6g30 sáng thứ Hai, gia đình sẽ đưa linh cữu của nhạc sĩ về nghĩa trang công viên Chánh Phú Hoà, Bến Cát, Bình Dương.

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh ngày 1-5-1938 (trong giấy khai sinh là năm 1940) tại Sóc Trăng, là con thứ mười trong một gia đình có 12 anh chị em.
Được học nhạc từ nhỏ với nhạc sĩ Võ Đức Phấn (em ruột nhạc sĩ Võ Đức Thu) nên máu văn nghệ đã ngấm sâu vào tâm hồn ông.
Ca khúc đầu tiên của ông là "Tình học sinh", ra đời năm 1962, tuy nhiên không tạo được tiếng vang lớn. Ca khúc đầu tiên đã làm cho tên tuổi ông sống mãi trong lòng khán giả chính là Nỗi buồn hoa phượng.
Ngay khi ra đời, ca khúc đã trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về mùa hè, mùa chia tay. Sau đó, ông tiếp tục phát huy thế mạnh này của mình qua hàng loạt ca khúc viết về đề tài học sinh như: Ba tháng tạ từ, Màu áo hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Ve sầu mùa phượng.., ngoài ra còn có nhạc trữ tình: Nhật ký đời tôi, Trả lại thời gian, Mùa hoa anh đào..., này được nhiều tầng lớp khán giả đón nhận.
Năm 1959, ông đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn và khởi nghiệp con đường ca hát của mình trong ban Tiếng tơ đồng của Hoàng Trọng. Năm 1963, ông bỏ hẳn nghề ca sĩ để chuyên tâm sáng tác. Giai đoạn đầu nhạc sĩ sáng tác các ca khúc nổi tiếng về tuổi ô mai. Sau đó ông chuyển sang viết những giai điệu về tình yêu nam nữ, về quê hương. Ông từng biên tập cho trung tâm Rạng Đông suốt một thời gian dài, dìu dắt rất nhiều ca sĩ vào nghề. Những sáng tác của ông từ những năm 1970 đến 1990 đã làm nhiều lớp khán giả mê đắm với những giai điệu bolero mượt mà và ngọt ngào. ( http://vnexpress.net/gl/van-hoa/guong-mat-nghe-sy/2012/04/tac-gia-noi-buon-hoa-phuong-qua-doi/ )
MINH TRANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét