Một
thời khi đĩa quang CD, DVD xuất hiện, đĩa than và băng cối bị xếp xó.
Những bộ loa cổ điển, những chiếc đầu cối cũ kỹ, những bộ âm li có từ
thời thuộc địa… cũng bị vứt bỏ.
Nhưng
gần đây khi người ta nhận ra đĩa than, băng cối là những nguồn âm
analogue gần với âm thanh tự nhiên nhất thì những thứ đồ một thời bị vứt
bỏ lại "tiếm ngôi" trở lại. Từng chiếc đầu cối, loa cổ, âm li cổ và
những chiếc đĩa than được giới mê âm thanh analogue săn lùng hàng ngày
với mệnh giá hàng ngàn USD.
Săn lùng băng cối, đĩa than…
Cái thuở đĩa quang xuất hiện cũng là những năm tháng mà vô số bộ âm thanh cổ bị đem bán cho đồng nát, những dải băng bị tháo bỏ còn mô tơ được tận dụng đổi lấy vài đồng lẻ. Đĩa than thậm chí còn biến thành thứ đồ lót lồng chim, băng cối bị dỡ ra làm mành sáo.
Mãi tới gần đây khi người ta nhận ra đĩa than, băng cối là những nguồn âm analogue gần với âm thanh tự nhiên nhất thì bộ giàn tec (bộ chơi âm thanh cổ) bỗng dưng có giá. Một bộ tec bao giờ cũng phải đủ cả đôi loa cổ, âm li cổ và đầu băng cối, đầu quay đĩa than. Cái độc của thú chơi giàn tec cổ với đầu băng cối chính là xu hướng quay về với âm thanh analogue mộc mạc của thuở ban đầu với đặc trưng rõ nét nhất là giọng hát bao giờ cũng trùm lên nhạc đệm, giọng hát luôn là âm hưởng chủ đạo (âm thanh kỹ thuật số thì giọng hát bị chìm trong âm thanh).
Những người mê chơi âm thanh cổ không chỉ có tâm hồn hoài cổ lưu luyến cái xa xưa mà quan trọng hơn, họ không "nghe" nổi thứ âm thanh "chát chát bùm bùm" của kỹ thuật số. Vì thế những người mê băng cối hướng về loại âm thanh mộc mạc, trầm lắng của bộ tec cổ. Phần lớn những bộ tec cổ hiện nay có xuất xứ từ những năm 50, 70 của thế kỷ trước. Một số rất hiếm là có niên đại lâu đời, từ những năm 20, 30 thế kỷ trước. Có thể coi đó là bộ âm thanh tec "cổ lỗ sĩ" nhất hiện nay.
Giới mê âm thanh cổ luôn săn tìm những chiếc đĩa than này.
Hiện bộ sưu tập âm thanh cổ lỗ nhất này thuộc sở hữu của một người chơi đồ cổ có tiếng ở Hà Nội- đó là ông Hùng với một đôi loa thùng to của Nhật, chiếc âm li hiệu Pioneer mà chỉ có chiếc âm li này mới đủ công suất tải được đôi loa thùng. Chiếc đầu băng cối hiệu Jec của Nhật và đầu quay đĩa than mà hàng chục năm trước ông phải lặn lội vào tận Sài Gòn mới lùng mua được bằng khoản tiền đủ mua cả căn nhà.
Đôi loa Akai có xuất xứ từ Nhật Bản trong bộ sưu tập của ông Hùng gần như là hàng độc, hiếm có bộ thứ 2 ở Việt Nam. Đây là loại loa thùng lớn với 6 loa nhỏ ở trong với hình dáng, họa tiết đẹp. Khung và cửa loa được làm bằng gỗ, họa tiết ô nan hình bầu dục trông rất thanh thoát. Đôi loa Akai này du nhập vào Việt Nam từ những năm 1920 của thế kỷ trước. Năm 1978, lặn lội vào tận Sài Gòn lùng, ông Hùng mới tìm mua được với giá hơn 1.800 đồng, mà thời ấy giá một căn nhà thường chỉ 2.000 đồng.
Theo lời kể của ông Hùng thì ngay từ sau những năm Sài Gòn mới được giải phóng, ông đã theo những chuyến hàng vào đó để tìm mua các đồ tec cổ. Nhưng không chỉ bây giờ mà ngày ấy việc lùng mua cũng đã vô cùng khó bởi chỉ có những gia đình khá giả mới có được bộ giàn âm thanh. Số lượng có đã vô cùng ít, mà thời đó người ta không muốn có bất kỳ cái gì liên quan đến những thế lực thống trị cũ nên những bộ âm thanh này càng bị "hắt hủi" hoặc giấu biệt đi.
Mặt trong của chiếc loa thùng với 6 loa nhỏ.
Một bộ tec cổ đắt hơn cả căn nhà đẹp nhất Hà Nội
Theo giới chơi âm thanh cổ: "Chơi" đầu băng cối dù chương trình ít hơn hẳn so với âm thanh kỹ thuật số ngày nay nhưng với bộ tec cổ người ta có thể vừa nghe nhạc vừa nói chuyện mà không bị nhức đầu. Những chiếc đầu băng cối mang thương hiệu Akai, Teac... nổi tiếng thế giới từ thế kỷ trước giờ là mục tiêu săn lùng của giới mê âm thanh cổ. Ngoài những người đã say mê và sưu tầm từ hàng chục năm trước thì bây giờ giới mê chơi thường phải đi tìm tại các cửa hàng chuyên bán đồ cũ ở bên Nhật Bản hoặc tìm mua lại của người có với giá khá cao. Có được đầu đọc rồi nhưng việc tìm mua băng cối cũng đòi hỏi cả một sự kỳ công. Các băng cối chủ yếu là những bài hát cũ được thu âm trước năm 1975 được bán với giá khá đắt đỏ. Ví như một bộ băng cối gốc thu nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được phát hành từ những năm 1970 sẽ lên tới vài triệu đồng/băng nhạc.
Đầu băng cối.
Chiếc đầu quay đĩa than "cổ lỗ sĩ" cũng được ông Hùng lặn lội mua từ Sài Gòn trong những năm tháng còn bao cấp, mọi giao dịch đều khó khăn. Có đầu quay đĩa than rồi nhưng việc lùng mua loại đĩa cổ lỗ sĩ như vậy cũng khó không kém. Nhưng ông Hùng cho hay, dù có gian nan đến mấy thì giới mê âm thanh cổ vẫn ra sức lùng sục. Những bản nhạc kinh điển như Phiên chợ Ba Tư, Danuyp xanh, Nhạc chiều... được truyền tải và được cảm thụ đúng điệu phần lớn là nhờ thanh âm đặc biệt của những chiếc đĩa cổ và bộ đầu đọc, bộ loa cổ.
Vào
những năm 1978, khi mua bộ giàn tec cổ gồm đôi loa thùng Akai, âm li
Pioneer 9000, đầu băng cối, đầu quay đĩa than, giá của chúng đã là 6.500
đồng. Đó là một khoản tiền khổng lồ vào ngày ấy, bởi giá một căn nhà
đẹp nhất Hà Nội trên phố Lương Ngọc Quyến chỉ có 5.000 đồng, còn phần
lớn các căn nhà khác chỉ có giá 2.000 đồng. Lý giải về niềm đam mê không
ngại mất công sức lặn lội tìm kiếm và bỏ một khoản tiền lớn như thế chỉ
để được sở hữu bộ âm thanh cổ, ông Hùng nói: "Tôi mê loại âm thanh ấy
bởi đó là âm thanh trung thực nhất, không hề có sự trau chuốt của kỹ
thuật hiện đại. Người ta có thể vừa nói chuyện vừa nghe nhạc mà không bị
chói tai còn loại âm thanh số hiện nay chỉ nghe được một lúc là thấy
chói tai hoặc mệt. Âm thanh cổ nghe tiếng hát rất tròn tiếng, chỉ có
0,01 tạp âm mà thôi".
Theo ông Hùng thì bây giờ mà chơi âm thanh cổ hoàn thiện thì lên đến tiền tỉ mới đủ cả bộ lọc âm thanh (bao dề), chỉ tính riêng rắc CD cắm nối tín hiệu cũng có giá hàng trăm USD một sợi. Hay chỉ tính riêng tiền vận chuyển để mua một bộ loa cổ từ nước ngoài về cũng phải ngốn ít nhất vài trăm triệu. "Nhưng với bộ âm thanh cổ tốt thì sẽ không có một chút tạp âm hoặc chỉ là tỉ lệ rất, rất nhỏ hầu như không đáng kể khi nghe nhạc. Chưa kể, đặc trưng của âm thanh thời cổ là thiên về trưng bày nên kiểu dáng rất đẹp", chủ nhân bộ sưu tập âm thanh "đệ nhất cổ lỗ sĩ" nói. |
Theo Giadinh.net.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét