MỘT BÀI VIẾT VỀ ỐNG KÍNH CANON
Một bài viết về ống kính Canon
- Có rất ít bài dịch trên 4r này, em thử một lần xem
sao (chỉ là lược dịch thui), pots luôn ở đây vì bài viết này không có
hình vẽ, đây là bài viết của tác giả NK Guy, Version 0.9.6. 6 January,
2007, địa chỉ http://photonotes.org/articles/beginner-faq/
- Bài viết này chỉ thích hợp cho các bác beginner đang phân vân giữa rừng ống kính.
- Chủ yếu nói về ống kính của Canon.
- Các bậc tiền bối, các lão làng, các bác hải ngoại (tiếng Anh nhanh như tiếng Việt)...thì không cần mất thì giờ ghé đây làm gì.
- Khó khăn nhất khi dịch sang tiếng Việt là chọn thuật ngữ nhiếp ảnh thuần Việt, bác nào có kinh nghiệm xin hạ cố chỉ giáo.
- Người dịch không có nhiều ống kính, các ống kính nói trong bài viết
phần lớn chưa từng được nghía, nếu có gì sai sót, các bác cứ tự nhiên
biên tập lại.
- Bài viết gồm các phần (người dịch tự chia phần):
I. Những khái niệm cơ bản
II. Các loại ống kính
III. Lựa chọn ống kính
IV. Các đặc tính của ống kính
V. Các câu hỏi thường gặp về ống kính
- Các tiêu đề đôi khi được biên tập lại, vì dịch đến đâu pots đến đấy, nên hôm nay tạm phần đầu tiên.
THẾ GIỚI CỦA ỐNG KÍNH
I. Những khái niệm cơ bản
I.1. Tại sao máy ảnh của tôi lại không kèm theo một ống kính? Nó chẳng rẻ hơn sao?
Không, đây thực sự là một điểm lợi. Thứ nhất, các máy ảnh thay thế được
ống kính cho phép bạn gắn bất kỳ ống kính nào bạn cần. Không như các máy
du lịch đơn giản với ống kính không thể tháo rời bạn không bị hạn chế
bởi nhà sản xuất thân máy. Thứ hai, mỗi người đều có nhu cầu và ngân
sách khác nhau bởi vậy thông thường mong muốn không dừng lại ở một ống
kính, bạn có thể chọn các ống kính phù hợp với mình. Thứ ba, điều gì xảy
ra khi bạn mua một máy ảnh khác? Bạn sẽ có hai ống kính giống hệt nhau.
Canon bán nhiều máy ảnh EOS kèm theo ống kính. Những ống kính này gọi là
ống kính bộ, nhưng thẳng thắn mà nói không phải tất cả chúng đều là các
ống kính chất lượng cao. Thường thường, bạn thích mua thân máy phù hợp
với mình và tìm những ống kính tốt gắn lên nó.
I.2. Thế nào là ống kính góc rộng (wide), ống kính tiêu chuẩn (normal) và ống kính tiêu cự dài (tele)?
Bạn đang cố chụp một số người bạn nhưng bạn không thể đưa tất cả mọi
người vào trong ảnh. Bạn bước lùi lại phía sau nhưng có một bức tường,
một vách đá hoặc cái gì đó khiến bạn không thể làm được điều này, vì vậy
bạn phải bảo mọi người xích lại gần nhau hơn. Hoặc bạn nhìn thấy một
con chim ở phía xa, bạn vồ lấy máy ảnh và bạn sẽ có một bức ảnh bầu trời
với một đốm tí xíu vô vọng ở giữa khung ảnh.
Trong mỗi trường hợp trên, trường nhìn tạo ra bởi ống kính không phù hợp
với chủ đề của bạn. Trường hợp thứ nhất, ống kính của bạn không đủ
“rộng” để lấy toàn cảnh và trong trường hợp thứ hai ống kính của bạn
không đủ “dài”. Có ba loại ống kính chính được phân chia theo “lượng
cảnh vật” mà chúng thu được, và trường nhìn của mỗi loại được xác định
bởi một đặc tính quang học gọi là chiều dài tiêu cự của ống kính.
Một ống kính được gọi là normal nếu trường nhìn tương tự như trường nhìn
của mắt người. Thông thường, một ống kính normal trên máy phim 35 mm có
chiều dài tiêu cự là 50 mm hoặc tương đương. Ống kính normal phù hợp để
chụp gần nhưng không tiến được quá gần vào đối tượng, như khi chụp một
ảnh bán thân trong một căn phòng bình thường.
Một ống kính góc rộng có thể tạo được một vùng cảnh vật lớn hơn. Điều
này có hai điểm lợi- thứ nhất bạn có thể có một vùng phong cảnh rộng lớn
và thứ hai là bạn chụp được một khu vực rộng hơn trong một căn phòng
bình thường. Nếu bạn chụp một nhóm bạn bè trong một bữa tiệc tối bạn sẽ
cần một ống kính góc rộng trừ khi bạn có thể lùi ra xa để chụp được tất
cả mọi người. Trên máy ảnh 35 mm, ống kính góc rộng có chiều dài tiêu cự
là 35 mm hoặc nhỏ hơn.
Nhìn qua một ống kính tiêu cự dài (tele) tựa như nhìn qua một kính viễn
vọng vậy, nó làm hẹp góc nhìn và làm đối tượng có cảm tưởng gần lại hơn
trong thực tế. Một ống kính tiêu cự dài có chiều dài tiêu cự khoảng 70
mm trên máy ảnh phim 35 mm.
Đây chỉ là sự phân loại chung chung, tất nhiên có rất nhiều chủng loại
ống kính trong mỗi nhóm trên. Chẳng hạn, bạn có thể có một ống kính
28mm, là ống góc rộng vừa phải không đắt tiền, hoặc bạn có thể có ống
kính 14 mm rất đắt có thể chụp cả một vùng cảnh lớn, rất tốt khi mô tả
bầu trời rộng lớn. Tương tự bạn có thể gắn ống kính 85 mm lên máy ảnh để
chụp chân dung, hoặc bạn có thể bán ôtô của mình đi để tậu một ống kính
600 mm mà muốn mang đi đâu bạn phải có cả một va li to đùng nhưng cho
phép bạn chụp khuôn mặt của một chú chim từ khoảng cách xa lắc.
I.3. Sự khác biệt giữa ống kính đa tiêu cự (zoom) và ống kính một tiêu cự (prime).
Ống kính một tiêu cự là ống kính mà trường nhìn (và chiều dài tiêu cự)
không thể điều chỉnh được, chỉ có một cách để chụp được nhiều hay ít đối
tượng là bạn phải tiến lại gần hay lùi xa khỏi vật chụp (đôi khi gọi là
zoom bằng chân, dù kỹ thuật này không tạo ra hiệu quả giống hệt như khi
thay đổi chiều dài tiêu cự) hoặc phải mang theo rất nhiều ống kính với
các chiều dài tiêu cự khác nhau để thay thế chúng tuỳ tình huống chụp.
Một ống kính đa tiêu cự là ống kính mà trường nhìn có thể thay đổi.
Chẳng hạn nếu bạn không thể chụp hết nhóm bạn của mình, bạn chỉ cần xoay
vòng zoom trên ống kính cho đến khi đạt được yêu cầu, hoặc khi con chim
ở quá xa bạn có thể quay ngược lại để kéo nó lại gần hơn.
Cho đến cuối những năm 1980, ống kính một tiêu cự vẫn là loại được bán
chủ yếu bởi vì từ khía cạnh quang học việc chế tạo ống kính một tiêu cự
chất lượng cao chụp được những bức ảnh sắc nét vẫn rẻ hơn nhiều so với
chế tạo một ống kính đa tiêu cự loại thường thường. Nhưng ống kính một
tiêu cự rõ ràng là bất tiện vì bạn sẽ phải đi tới đi lui khi chụp hình.
Cuối những năm 80, ống kính đa tiêu cự càng ngày càng thông dụng hơn.
Giờ đây rất khó tìm các ống kính một tiêu cự giá thấp vì mọi người đều
thích ống kính đa tiêu cự hơn.
Vậy tại sao bạn vẫn muốn ống kính một tiêu cự ? Do ống kính một tiêu cự
dễ sản xuất hơn và có ít nhóm thấu kính hơn nên ống kính một tiêu cự
thường cho một bức ảnh sắc nét hơn phần lớn các ống kính đa tiêu cự.
Hoặc nếu bạn muốn có nhiều ánh sáng hơn qua ống kính để có thể chụp ngay
tại các vị trí thiếu sáng thì ống kính một tiêu cự sẽ phù hợp hơn vì
rất khó sản xuất ống kính đa tiêu cự thoả mãn yêu cầu này. Một số nhiếp
ảnh gia nhiều tuổi, khó tính cho rằng sử dụng ống kính một tiêu cự rất
quan trọng đối với các nhiếp ảnh gia trẻ tuổi vì buộc họ phải học về
chiều dài tiêu cự và luật phối cảnh.
Bạn luôn muốn có một ống kính nhỏ, nhẹ, đa tiêu cự, thu nhận được nhiều
ánh sáng, tạo ra một bức ảnh tương phản tốt, không bị biến dạng và phải
rẻ, nhưng đáng buồn là trong thực tế không thể có một ống kính như vậy.
Phần lớn dân nghiệp dư chọn sự linh hoạt của các ống kính đa tiêu cự giá
vừa phải chấp nhận chất lượng ảnh trung bình, nhiều người chơi ảnh
nghiệp dư khó tính hơn chọn chất lượng ảnh cao hơn và chấp nhận các bất
tiện của ống kính một tiêu cự, dân chuyên nghiệp thường tậu các ống kính
đa tiêu cự chất lượng cao nặng hàng tấn và trị giá cả một gia tài.
I.4. Vậy ống kính nào nên mua cho chiếc máy ảnh của mình?
Khi chúng ta mua một cái máy ảnh có rất nhiều thứ cần phải cân nhắc đến,
bởi vậy câu hỏi này không thể có câu trả lời nếu bạn không giải quyết
được các vấn đề sau:
- Chính xác thì bạn muốn chụp ảnh gì?
Mục đích chụp ảnh của bạn sẽ ảnh hưởng đến mọi quyết định khác. Bạn sẽ
chụp phong cảnh? Chân dung? Con cái bạn hay các vật nuôi? Hoa? Chim chóc
hoang dã? Thể thao? Kiến trúc? Giao thông?...
- Bạn có thể chi bao nhiêu tiền?
Bạn có thể chi cả đống tiền cho ống kính, bởi vậy quyết định ngân sách của bạn là điều rất quan trọng.
- Bạn muốn mua các ống kính mới hay đã sử dụng?
Câu hỏi này cũng đặt ra khi bạn mua một máy ảnh mới.
- Bạn muốn ống kính đa tiêu cự hay một tiêu cự?
Ống kính một tiêu cự nói chung có chất lượng quang học cao hơn ống kính
đa tiêu cự trừ những ống kính đa tiêu cự chuyên nghiệp và rất đắt tiền,
tuy nhiên các ống kính một tiêu cự thường khiến bạn phải đi vòng vòng để
đóng khung đối tượng chụp.
- Bạn muốn có một ống kính nhanh không?
Liệu bạn có muốn chụp trong những hoàn cảnh thiếu sáng mà không cần chân
máy hay flash? hay chụp chân dung với hiệu ứng làm mờ nền? những yêu
cầu này cần một ống kính nhanh cho phép nhiều ánh sáng hơn đi qua.
- Bạn muốn mua một ống kính của Canon hay của hãng khác?
Các nhà sản xuất ống kính độc lập cho ra rất nhiều ống kính chất lượng
nhưng cũng có nhiều ống không được như vậy, bạn sẽ phải cân nhắc và
nghiên cứu. Những ống kính này có vấn đề về sự tương thích với máy ảnh
của bạn cả hiện tại và trong tương lai.
- Bạn quan tâm đến tính tiện lợi hay chất lượng sản xuất?
Một ống kính lấy nét chậm hoặc bất tiện khi sử dụng thường có chất lượng
quang học hơn các ống kính khác trang bị động cơ nhanh. Các động cơ USM
dạng vòng tốc độ nhanh, êm và có thể thay thế hoàn toàn lấy nét tay
nhưng các ống kính có động cơ này thường đắt hơn các ống kính khác.
- Chất lượng quang học nào là quan trọng đối với bạn?
Độ sắc nét và tương phản được hầu hết chúng ta quan tâm, nhưng còn độ
méo hình thì sao? Nhiều ống kính đa tiêu cự rẻ tiền gây méo hình rất
nhiều và không thích hợp khi chụp kiến trúc, chúng cũng dễ gây hiện
tượng loé hình (làm giảm tương phản và tạo ra các điểm sáng loé trong
ảnh khi luồng sáng mạnh như mặt trời chẳng hạn nằm gần hoặc trên khung
hình)
I.5. Ống kính nào nên mua cho chiếc máy ảnh EOS?
Có hai điều nên lưu tâm:
Thứ nhất, máy ảnh số EOS rất đắt tiền nên bạn không nên chỉ chú tâm tìm
những ống kính rẻ nhất có thể. Nếu bạn đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua
thân máy thì việc mua một ống kính rẻ tiền là điều không kinh tế chút
nào, điều này chẳng khác gì bạn bỏ ra cả đống tiền để mua một dàn CD và
âm ly chất lượng cao để rồi cắm vào chúng một cặp loa đồ chơi vậy, chất
lượng âm thanh cuối cùng thật khập khiễng với cặp loa này cũng như chất
lượng ảnh thật khập khiễng với các ống kính rẻ tiền. Nên tránh mua các
ống kính thuộc loại “quá rẻ”.
Thứ hai, trừ vấn đề về hệ số thu nhỏ (crop factor) việc lựa chọn ống
kính cho máy KTS giống hệt cho máy phim. Bạn chụp loại ảnh nào? Bạn có
cần ống kính góc rộng chụp phong cảnh không? hay cần ống kính đa tiêu cự
tốc độ lấy nét nhanh cho chụp thể thao? Một ống kính đa tiêu cự ngắn và
nét để chụp chân dung? Bạn sẵn sàng mang theo mình bao nhiêu kg khi
chụp ảnh?...
Khác biệt lớn đối với các máy ảnh KTS là hệ số thu nhỏ hay còn gọi là hệ
số nhân chiều dài tiêu cự (crop factor), trừ máy EOS 1Ds, 1Ds mark II
và 5D có cảm biến ảnh bằng khung hình của phim 35 mm, phần lớn các máy
KTS khác có cảm biến ảnh nhỏ hơn khung hình phim 35 mm. Nếu máy ảnh của
bạn có hệ số thu nhỏ là 1,6x thì có nghĩa là ống kính 50 mm lắp trên máy
này sẽ có hiệu quả y như ống kính 80 mm vậy (=50x1.6), chiều dài tiêu
cự không đổi nhưng hiệu quả tạo ra thì thay đổi.
Điều này tạo ra hai lợi thế, bạn có thể sử dụng ống kính 50mm rẻ tiền để
sử dụng chụp chân dung và bạn có thể gắn một ống kính đa tiêu cự vào
máy và nó sẽ có hiệu quả như một ống kính có chiều dài tiêu cự lớn hơn.
Tất nhiên sẽ có điểm thiệt thòi, bạn phải sử dụng ống kính góc rộng hơn
để chụp một tấm hình có góc nhìn tương đương khi chụp bằng máy phim,
điều này thực sự là vấn đề nan giải đối với nhiều người, chính vì lý do
này bạn cần các ống kính góc rộng hơn so với ống kính của máy phim, nếu
bạn dùng ống kính 28-105mm trên máy phim thì bạn phải sử dụng ống kính
24-85mm trên máy KTS để cho hiệu quả tương đương.
I.6. Thế nào là ống kính EF-S?
Kể từ khi giới thiệu máy ảnh EOS năm 1987 đến năm 2003, Canon đã tiêu
chuẩn hoá các ngàm lắp ống kính cho tất cả các máy ảnh SLR đó là ngàm
lắp ống kính EF (ngàm lắp ống kính lấy nét điện tử).
Đến năm 2003, Canon giới thiệu một máy ảnh số mới, chiếc EOS 300D sử
dụng ngàm lắp ống kính mới được gọi là EF-S. Tất cả các máy EOS tầm thấp
và tầm trung được sản xuất từ đó đều tương thích với cả EF và EF-S,
nhưng không một máy phim nào tương thích với EF-S. Bạn phải luôn nhớ
rằng thân máy ảnh số với ngàm EF-S đều tương thích với tất cả các ống
kính EF thông dụng, tuy nhiên một ống kính EF-S thì chỉ tương thích với
các thân máy có ngàm EF-S.
Thân máy EF-S có hộp gương nhỏ khoảng 2/3 so với các máy ảnh EOS khác
(hệ số thu nhỏ 1,6x) vì chúng sử dụng cảm biến ảnh nhỏ hơn khung phim
35mm. Các máy ảnh này và các máy ảnh APS đều được gọi là máy ảnh khung
hình nhỏ (subframe), máy phim 35 mm và máy KTS dùng khung hình tương
đương phim 35mm gọi là các máy ảnh khung hình tiêu chuẩn (full frame)
Máy ảnh EF-S hỗ trợ cho các ống kính với khoảng tiêu cự phía sau ngắn
hơn (shorter) so với ống kính EF, đây là lý do vì sao có ký hiệu “S” –
các ống kính EF-S có khoảng tiêu cự phía sau ngắn hơn (tức là phần sau
của ống kính có thể dịch lại gần mặt cảm biến hơn vì gương lật có kích
thước nhỏ hơn). Đặc điểm này khiến Canon có thể sản xuất các ống kính
góc rộng rẻ hơn thích hợp với các định dạng ảnh nhỏ của máy ảnh khung
hình nhỏ vì rất khó chế tạo các ống kính góc rộng mà khoảng cách tiêu cự
phía sau lớn.
Canon sản xuất vô số ống kính EF-S, từ các ống kính bộ rẻ tiền đến các
ống kính chất lượng cao với cơ cấu ổn định hình ảnh, cả những ống kính
cận cảnh 60mm với ngàm dạng EF-S. Ống kính siêu rộng EF-S 10-22mm
3.5-4.5 USM (tương đương ống kính 16-35mm trên máy khung hình tiêu
chuẩn) rất có giá trị cũng như EF-S 17-55mm 2.8 IS USM một ống kính cỡ L
thực sự chỉ khác chất lượng sản xuất và tên tuổi.
Vấn đề băn khoăn chính của ống kính EF-S là giá trị của nó trong tương
lai, hiện tại cảm biến ảnh khổ rộng tương đương phim 35mm rất đắt tiền
nên nhiều máy ảnh sử dụng cỡ cảm biến nhỏ hơn, nhưng trong tương lai khi
giá thành sản xuất giảm xuống, số phận của EF-S sẽ ra sao? Bao giờ điều
này mới xảy ra và liệu bạn có thể khai thác triệt để sự đầu tư của mình
với ống kính EF-S trước khi nó diễn ra không? Vấn đề đầu tiên thì chẳng
ai trả lời được, còn vấn đề thứ hai chỉ có chính bạn trả lời được mà
thôi.
I.7. Những máy ảnh nào có thể sử dụng ống kính EF-S?
Bất kỳ máy ảnh EOS nào có một chấm đỏ trên ngàm gắn ống kính đều có thể
sử dụng ống kính EF, các máy có cả chấm đỏ và một hình vuông trắng đều
dùng được cho cả hai loại ống kính EF và EF-S.
Những câu hỏi xung quanh chiều dài tiêu cự của ống kính EF và EF-S có
thể làm bạn vô cùng bối rối nếu bạn là người mới bắt đầu, nhưng chỉ cần
nhớ một điều quan trọng rằng dù sử dụng ống kính nào đi nữa thì bất kỳ
những gì bạn nhìn thấy qua ống ngắm chính là những thứ lưu lại trên tấm
ảnh của bạn (what you see is what you get!). Chỉ có một vấn đề nên lưu
tâm là hệ số thu nhỏ khi bạn muốn so sánh góc thu hình của một ống kính
EF trên máy ảnh khung hình tiêu chuẩn so với khi lắp trên máy ảnh khung
hình nhỏ (hoặc so với một ống kính EF-S trên máy ảnh khung hình nhỏ).
I.8. Phân biệt ống kính EF và EF-S.
Thân máy và ống kính EF thông dụng có một chấm đỏ để căn chỉnh giữa ống
kính và thân máy. Thân máy EF-S có một hình vuông trắng, khi lắp phải
thẳng hàng với hình vuông trắng của ống kính EF-S. Các ống kính EF-S
cũng có một vòng cao su phía đuôi gắn với thân máy, đây không phải là
phớt chắn nước như của ống kính L, nhưng nó cũng giúp giảm lượng bụi vào
thân máy, và theo hãng Canon. vòng cao su này giúp giảm thiểu các rủi
ro nếu bạn cố gắng lắp một ống kính EF-S lên một thân máy chỉ dùng ống
kính EF.
I.9. Ống kính EF-S và máy ảnh phim.
Không có máy phim 35mm nào sử dụng khung hình nhỏ hơn 36x24 mm, bởi vậy
không có máy ảnh 35mm nào hỗ trợ ống kính EF-S. Ngay cả nếu gương lật
không chạm vào đuôi ống kính thì hình ảnh sẽ bị mờ bên rìa vì ống kính
EF-S không thể tạo ra vòng tròn ảnh lớn đủ cho khung hình của phim 35mm.
Về mặt lý thuyết, Canon có thể sản xuất máy ảnh APS hỗ trợ ống kính
EF-S vì đây cũng là máy ảnh sử dụng khung hình nhỏ nhưng thực tế thì
không vì máy ảnh APS hầu như không sử dụng trong thương mại nữa. Tất cả
các máy ảnh có ngàm EF-S đều là các máy ảnh số.
I.10. Đẽo gọt ống kính EF-S.
Vì ống kính EF-S không được thiết kế cho máy chỉ dùng EF, nếu ta cố tình
(và dũng cảm!) cắt ngắn nó đi hoặc tháo phần đuôi ra, nó cũng lắp vừa
cho mọi máy ảnh EOS, nhưng với các thân máy có kích thước hộp gương lật
tiêu chuẩn thì khi chụp, gương lật sẽ va chạm với phần đuôi ống kính.
Chính vì điều này, ống kính EF-S chỉ làm việc được trên các máy EOS đời
cũ như D30, D60 và 10D, nhưng ngay cả như vậy cũng vấn có vấn đề phát
sinh. Chẳng hạn, ống kính EF-S 10-22mm ở góc nhìn rộng nhất sẽ va vào
gương của thân máy không hỗ trợ EF-S, kể cả khi hộp gương nhỏ (vì vậy
EF-S dù đã “chặt” bớt vẫn không thể dùng trên máy hệ số thu nhỏ 1.3x
như 1D chẳng hạn).
I.11. Những ký hiệu ghi trên thân ống kính
Mọi ống kính đều có các ký hiệu ghi trên thân chứa đựng những thông tin
quan trọng về đặc điểm của nó. Khi bạn mua ống kính phải rất cẩn thận,
hai ống kính tên có vẻ giống nhau nhưng có thể khác nhau một trời một
vực kể cả giá tiền.
Ví dụ:
CANON LENS EF 28-80mm 1:3.5-5.6 Φ58mm
EF- Ký hiệu ống kính dạng EF, chỉ thích hợp cho máy Canon EOS mà gần như không lắp được lên máy khác.
28-80mm- Chiều dài tiêu cự của ống kính, trong trường hợp này có hai giá
trị vì ống kính là đa tiêu cự có thể thay đổi giá trị từ 28mm ở góc
rộng nhất đến 80mm ở góc hẹp nhất, những số này đo bằng milimét biểu thị
góc thu hình của ống kính.
1:3.5-5.6- Chỉ khẩu độ lớn nhất mà ống kính đạt được. Đây là ống kính đa
tiêu cự có hai giá trị khẩu độ- f/3.5 và f/5.6, trên thực tế đây là
ống kính giá rẻ khẩu độ lớn nhất là f/3.5 ở góc rộng nhất (28mm) nhưng
khẩu độ lớn nhất chỉ còn là f/5.6 ở góc hẹp nhất (80mm), một ống kính
tương đối chậm, nó không thể cho nhiều ánh sáng đi qua ngay cả khi đã mở
hết cỡ.
Không có ký hiệu loại động cơ lấy nét tự động, nghĩa là ống kính này sử
dụng các động cơ thông thường (loại AFD hoặc loại siêu nhỏ- micromotor
drive) chậm và ồn hơn so với động cơ siêu thanh (USM).
Φ58mm- Chỉ đường kính vòng lắp kính lọc, nói cách khác, kính lọc đường kính 58mm lắp vừa trên ống kính này.
CANON LENS EF 200mm 1:2.8L II USM. Ø72mm.
EF- Ký hiệu ống kính dạng EF.
200mm- Chiều dài tiêu cự của ống kính, có một giá trị vì ống kính là ống một tiêu cự.
1:2.8- Chỉ khẩu độ lớn nhất mà ống kính đạt được. Đây là ống kính khá
nhanh vì giá trị khẩu độ f/2.8 tương đối lớn, nhất là với ống kính
200mm.
L- Chỉ loại ống kính dạng L “luxury” của Canon, nói chung đây là dạng
ống kính tốt nhất của Canon, chúng được đánh dấu bằng đường viền đỏ trên
đuôi ống.
II- Chỉ phiên bản thứ hai của ống kính này với cùng các đặc tính tương tự.
USM- nghĩa là ống kính này sử dụng động cơ siêu thanh (ultrasonic) để
lấy nét. Các ống kính sử dụng USM không thuộc dòng L được đánh dấu bằng
đường viền vàng trên đuôi ống. Thường thì các ống kính dòng L đều sử
dụng USM nhưng chỉ có một viền đỏ (viền đỏ được ưu tiên và đừng mất thì
giờ đi tìm ống kính có hai đường viền !)
Φ72mm- Chỉ đường kính vòng lắp kính lọc, nói cách khác, kính lọc đường kính 72mm lắp vừa trên ống kính này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét