Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

ĐĨA NHỰA MADE IN VIỆT NAM - CẢ THÈM, CHÓNG CHÁN

Dân chơi đĩa nhựa (vinyl hay còn gọi là đĩa than) Việt luôn trong tình trạng thèm khát những chủ đề nhạc Việt do từ trước đến nay phải nghe toàn bản thu tiếng ngoại quốc. Vì thế, mỗi khi xuất hiện album vinyl được hát bằng tiếng mẹ đẻ, thì y rằng dân tình rủ nhau tậu về, bất chấp còn đầy lỗi ghi âm cơ bản.
Tâm lý có bằng được đĩa vinyl tiếng mẹ đẻ
Phong trào chơi đĩa than hay chính xác hơn là đĩa nhựa ở Việt Nam chỉ bắt đầu rộ lên từ chục năm trở lại đây. Người chơi hầu hết xuất thân từ audiophiles, người chơi chuyên không nhiều, chủ yếu là nhóm chơi mang tính sưu tầm. Bởi cả phần cứng là máy quay đĩa và phần mềm đều đắt đỏ. Giải pháp để có chiếc máy quay hoài cổ, nhưng vẫn cho âm thanh analog là tìm đến mâm đĩa second-hand dưới 10 triệu đồng. Tương tự, phần mềm cũng chơi loại tay-nhì. Những đĩa vinyl cũ được nhập về rồi bán với giá 300-500 nghìn đồng vẫn thu hút nhiều khách mua nhất so với mức giá trung bình 1 triệu đồng/chiếc đĩa than mới.
 
 
Người chơi đĩa than luôn mang tâm lý có bằng được những chiếc vinyl hát tiếng mẹ đẻ. Một số người đã mua lại những đĩa than cũ trước năm 1975, cho dù chất lượng âm thanh đã xuống cấp trầm trọng. Thậm chí, những chiếc LP 45 vòng cải lương cũng luôn trong tầm ngắm của dân chơi. Với nguồn cung gần như bằng 0, khi các chương trình vinyl tiếng Việt đầu tiên xuất hiện do các hãng thu âm hải ngoại phát hành như: Kỷ Niệm Xưa, Trên Tháng Ngày Đã Qua... đã thu hút lượng mua rất cao, ngay cả khi chất lượng thu âm chỉ ở mức trung bình thấp.
 
 
Gần đây, dân chơi vinyl tiếp tục có cơ hội thưởng thức những album mới do các nghệ sĩ  Việt Nam phát hành như: Tóc Ngắn - Mỹ  Linh, Tình Ca Phạm Duy - Quang Dũng... nhất là album Lặng Lẽ Tiếng Dương Cầm của nhạc sĩ  Nguyễn Ánh 9 với số lượng phát hành 1.500 album gần như đã bán sạch.
 
Chất lượng thu âm còn nhiều điều phải bàn
Đã nghe đĩa vinyl, hầu hết là những người nghe khó tính. Họ có sẵn trong tay những hệ thống âm thanh hi-end tốt để có thể tái hiện tinh tế nhất nguồn âm từ đĩa. Tất nhiên, dưới những bộ dàn nhiều nghìn USD đó, những tật xấu, lỗi ghi âm cũng phô bày khá rõ.
 
 
Dù hầu hết đĩa vinyl Việt được biên tập và sản xuất tại Mỹ, nhưng chất lượng bản thu còn nhiều điều phải bàn. Chưa cầu toàn đến mức chi tiết cao, trung thực, tự nhiên, âm hình sân khấu hoành tráng như những album ngoại... đa số đĩa vinyl Việt đều dính lỗi thu âm khá cơ bản như: tiếng bị lệch giữa hai kênh, dải tần hẹp, không gian phẳng lỳ. Tệ hơn là các bản thu có âm lượng không đồng nhất trong cùng một LP... Ngay cả album Lặng Lẽ Tiếng Dương Cầm của Nguyễn Ánh 9 cũng bị đánh giá là có chất lượng thu âm quá “an toàn” do cắt bớt những dải tần khó xử lý. Duy chỉ có album Tóc Ngắn của Mỹ Linh đạt chất lượng thu âm khá tốt do được master bởi chuyên gia Doug Sax. Nhưng các ca khúc lại hơi kén người nghe.
 
Phát triển dài hơi vinyl Việt - coi chừng bị “xụi”
Ngày 19/9, bộ 3 album có giá bán từ 900 nghìn đồng đến 1,24 triệu đồng là Vinh Quang Việt Nam (Hồng Vy, Trần Mạnh Hùng và dàn nhạc giao hưởng), Mùa Thu Không Trở Lại (Lê Dung), Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa (Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thùy Dung, Thu Hà...) được xem là những phát súng mở đầu cho chương trình phát triển dài hơi định dạng đĩa vinyl tại Việt Nam.
 
 
Đây là dự án do hãng phim Trẻ, Công ty truyền thông nhạc và phim Giao hưởng xanh - MFC Star Group sản xuất và phát hành. Kế đến, dự án sẽ tiếp tục phát hành các album Lệ Quyên Acoustic (tháng 11), Yêu - Những tình khúc vượt thời gian, Ngồi hát ca bềnh bồng, Evergreen - Thuyền viễn xứ...
 
Đó là tín hiệu vui cho những người đam mê đĩa than tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, với chất lượng ghi âm tầm tầm, trong khi giá lại ngang đĩa ngoại, khó có cửa cho đĩa than Việt tồn tại và phát triển dài lâu. Anh H - người kinh doanh nhiều năm trong lĩnh vực đĩa CD, LP ở quận 3 (TPHCM) - cho biết: “Lúc đầu, người chơi phấn khích với các chủ đề đĩa than Việt. Tuy nhiên, về sau, do có nhiều album ra mắt nhưng chất lượng thu âm chưa đáp ứng được mong đợi của audiophiles, nên số lượng đĩa bán ra giảm hẳn. Nói về việc đầu tư sản xuất đĩa than hàng loạt, cá nhân tôi cho rằng đây là hướng đi đúng, nhưng trước hết phải đầu tư tốt về ghi âm. Nếu không người nghe sẽ nhanh chóng quay lưng khi cơn thèm đĩa Việt đã hết!”.
 
 
Cùng ý kiến về chất lượng thu âm của đĩa than Việt Nam, anh L - người gắn bó nhiều năm với âm thanh analog - cũng than phiền: “Nhiều người dùng nguồn digital (nguồn ghi âm từ phòng thu) của các phiên bản CD rồi làm master sơ sài để phát hành album đĩa than với chất lượng âm thanh khó  có thể chấp nhận. Những tiêu chuẩn cơ bản về thu âm vẫn chưa thể đáp ứng. Chúng ta cần hơn nữa những kỹ sư thu âm và chất lượng phòng thu tốt hơn”. 
 
 
Để phát triển đĩa than vinyl, các nhà phát hành cần đầu tư những phòng thu với trang thiết bị tốt hơn. Hiện tại, ngay cả những chủ đề CD có chất lượng thu âm khá nhất ở Việt Nam cũng thiên vào hướng xử lý âm thanh chi tiết, nhiễu âm thấp...  nói một cách đơn giản là mới dừng ở mức âm thanh tròn trịa. Trong khi, các bản thu tốt cần thể hiện không gian sân khấu có chiều sâu, có độ động, có nội lực... âm sắc không chỉ rõ mà phải gần với tự nhiên. Nếu không cải thiện chất lượng thu âm, album đĩa nhựa Việt chỉ hút khách ở gian đoạn khi mà cung gần như không có. Bằng không, các nhà sản xuất có thể sẽ lĩnh đủ khi phát hành liên tục.
 
 
Thái Duy
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét