Về Đồng Tháp phiêu du mùa nước nổi "hiền hòa"
10:47 AM, 18-10-2012
Rời xa phố thị tấp nập, bước chân theo đoàn du lịch của Công ty Dịch vụ
Lữ hành Saigontourist xuôi về miền Tây, chúng ta bắt đầu trải nghiệm một
ngày làm nông dân để cảm nhận rõ hơn về cuộc sống miền sông nước rất
đỗi đáng yêu và chất phác. Dẫu đã về miền Tây rất nhiều lần, nhưng về
trong mùa nước nổi lần này có thể giúp chúng ta khám phá nhiều bất ngờ
về “món đặc sản” của quê hương mình.
Với hành
trình Sa Đéc - Cao Lãnh - Vườn Quốc gia Tràm Chim - Khu Di tích Xẻo Quít, hành
trình của chúng ta mất khoảng 5 giờ từ Quốc lộ 1 xuôi về miền Tây. Ngang qua
bao con sông, bao cánh đồng lúa xanh mát mắt và nhiều cây cầu v.v., chúng ta đã
vào đến khu vực miền Tây Nam Bộ. “Mẹ” thiên nhiên đã ưu đãi cho miền Tây một
món quà mà không nơi nào có được: đó là mùa nước nổi. Lũ miền Tây không giống với
lũ miền Bắc hay miền Trung làm cho cuộc sống con người long đong, bấp bênh.
Hằng năm “như
một cuộc hẹn”, khoảng tháng 7 âm lịch, lũ tràn về, do địa hình trũng nên lượng
nước được điều tiết và từ đó đem đến nhiều nguồn lợi lớn cho bà con nông dân.
Nghe mùa lũ thì có vẻ hơi “dữ dằn” nên bà con gọi với cái tên khác hiền hòa hơn
là mùa nước nổi. Cái mùa mà đồng ruộng đất đai được bồi thêm phù sa, các nàng
điên điển trổ bông vàng ươm và dĩ nhiên nguồn thủy sản cũng dồi dào không kém,
dù chỉ là những loài rất dân dã như: cá lóc, cá rô, cá trạch hay cá linh v.v.
mà chỉ có trong mùa nước nổi.
Về Sa Đéc thăm
“Người tình”
Trong hành
trình khám phá Đồng Tháp, không thể không đến thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - một
điểm đến lý tưởng trong nhật ký lữ hành. Tại thị xã Sa Đéc đã lưu lại mối tình
bất hữu của công tử Huỳnh Thủy Lê với nữ văn sĩ Marguerite Duras. Đây là mối
tình đẹp nhưng không thành. Khi trở về Pháp, bà Marguerite Duras đã viết thành
tiểu thuyết và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Về sau cuốn
tiểu thuyết này được chuyển thể thành phim do ông Annaud làm đạo diễn. Tên phim
tiếng Pháp là “LAmant”, tiếng Anh là “Lover” và tiếng Việt là “Người tình”. Nữ
diễn viên chính do đích thân bà Marguerite Duras chọn trong hàng trăm người
thử vai. Bộ phim được thể hiện rất thành công bởi nam diễn viên HongKong Lương
Gia Huy và nữ diễn viên Jane March. Khi công chiếu, phim L’Amant trở nên nổi tiếng
hơn.
Khi đến đây,
chúng ta nên bỏ quan tham quan ngôi nhà cổ Huỳnh Thủ Lệ, ngôi nhà được hoàn
thành vào năm 1895, đến năm 1917 được trùng tu bằng xi măng, cốt thép. Nhìn bên
ngoài, hệt một biệt thự kiểu Pháp nhưng bước vào trong chắc chắn du khách không
khỏi bỡ ngỡ với kiến trúc “lai” theo phong cách người Hoa lẫn một chút Nam Bộ.
Ngôi nhà có 3 gian, nền nhà ở giữa trũng so với 2 bên, theo phong thủy người
Hoa là hứng mọi tiền tài cả những may mắn vào nhà. Phía trước nhà thờ vị quan
công râu hất về bên phải - với ý nghĩa đem lại sự thịnh vượng về của cải.
Phía sau có 4
phòng ngủ và bếp sinh hoạt, do trùng tu qua nhiều thế hệ nên giờ chỉ còn lại 2
phòng. Nhìn toàn cảnh, dáng vẻ ngôi nhà khá “độc”. Để chứng tỏ sự giàu sang, mọi
vật bên trong nhà đều được sơn son thếp vàng, những vật dụng làm bằng gỗ quý nhập
từ Campuchia và đến từng viên gạch được đem từ Pháp về.
Nhà cổ đã được
chứng nhận di tích cấp tỉnh - thành phố vào năm 2008; di tích cấp quốc gia năm
2009. Để tạo điều kiện cho du khách có thể cảm nhận lâu hơn, Công ty cổ phần Du
lịch Đồng Tháp đã mở thêm dịch vụ qua đêm tại nhà cổ với đội ngũ hướng dẫn viên
và phục vụ viên đậm chất miền Tây. Chính vì vậy mà hằng năm, nhà cổ đã thu hút
được lượng khách đáng nể từ khắp nơi trên thế giới. Vào năm 2000, người con gái
lớn của ông Lê có về thăm ngôi nhà. Bà rất vui khi những kỷ niệm về cha cũng
như thuở thơ ấu của bà vẫn được lưu giữ cho đến bây giờ.
Cảm nhận chim trời
cá nước qua Tràm Chim
Vườn Quốc gia
Tràm Chim là “món đặc sản” thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Mang đặc trưng
của một vùng đất ngập nước, được bảo tồn hợp lý cộng với sự đa dạng sinh học,
đáp ứng được 6 trong số 9 tiêu chí của khu Ramsar, Tràm Chim đã được công nhận
là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2000 của thế giới.
Đây là một điểm
du lịch sinh thái mang đến sự khám phá mới mẻ cho những ai đến với chim trời cá
nước. Cảm giác lướt vi vu trên nước bằng tắc ráng, chạm tay đến những nàng sen
và ngắm chim bay từng đàn trên trời quả thật không còn gì bằng. Tràm Chim có diện
tích hơn 7.600 ha, bốn bề sông nước xung quanh, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
“Tấm thảm” màu xanh của rừng Tràm như ôm trọn khu rừng. Hệ sinh thái vô cùng đa
dạng, có rất nhiều loài cá và chim quý hiếm quy tụ về đây như còng cọc, diệc, cốc
đế, cò, le le, trích v.v.. Nếu “bén duyên” sẽ tận mắt thấy loài sếu đầu đỏ -
loài chim “vô giá” của Việt Nam và toàn thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng
cao.
Trên đường
vào rừng thỉnh thoảng du khách sẽ thấy cánh đồng sen xanh đầy ắp lá sen non hay
đôi lúc có một chú cò đứng bơ vơ giữa cánh đồng. Đi tắc ráng khoảng 30
phút, du khách sẽ chiêm ngưỡng toàn bộ khu rừng qua đài quan sát cao 20m. Chỉ cần
mấy phút đứng trên đài quan sát tôi đã cảm thấy được sự yên bình, êm ả của đồng
quê Việt Nam, chắc rằng không ở đâu có một nơi như thế!
Sau khi tận
hưởng cảnh đẹp quê hương, chúng ta sẽ hóa thân thành nông dân chèo xuồng ba lá
chồng chềnh, lắc lư len lỏi vào đám lúa non để bắt cá với 3 dụng cụ thô sơ là lờ,
lợp, lưới. Tận tay đặt lờ, đặt lợp xuống nước, sau đó thưởng thức món cháo
khuya từ những bội thu tự tay bắt,… ôi thôi, trên cả tuyệt vời!
Mảnh đất thiêng Xẻo
Quít
Vùng đất này
ngày xưa có loài chim quốc sinh sống, do người dân đọc trại “quốc” thành
“quít” và “Xẻo” là 1 con rạch cùng. Từ Xẻo Quít cũng có từ đó. Một lần nữa ngồi
trên xuồng ba lá, xung quanh là nước và chỉ có mớ bòng bong leo cao theo thân
cây tràm to bằng một người ôm, trông xa xa cứ như “một tên lửa” chuẩn bị bay
vào không trung. Vẫn còn đây cái bếp làng quê, căn cứ địa kháng chiến, những
căn hầm bí mật nay đã được “bật mí” và các hố bom của bộ đội xưa như thể tôi
đang là một du kích nữ lòng bồi hồi đến thăm các anh.
Chính vì còn
dấu tích của khu căn cứ Tỉnh uỷ kháng chiến thời xưa nên nơi đây được ví von
như một Củ Chi thu nhỏ. Ngoài 40 phút ngồi xuồng, du khách có thể mất 30 phút bằng
đường bộ để tham quan. Điểm đặc biệt nhất ở khu di tích là khi nước nổi, chúng
ta có thể thấy từng đàn cá bơi lượn song song hai bên xuồng đến khi mái chèo
khua động, cá giật mình tự nhảy vào xuồng. Đó là điều thú vị mà các du khách từng
chứng kiến. Khu di tích Xẻo Quít được công nhận là di tích lịch sử vào năm
1994.
Thật may mắn,
Rừng tràm Xẻo Quít được bà con địa phương bảo tồn toàn bộ nguyên vẹn và kỹ lưỡng
từ trước giải phóng đến hôm nay nên khu rừng vẫn còn giữ được màu xanh um của
cây cối và hình ảnh kháng chiến ngày nào.
Thương nhớ cụ Phó
bảng
Khi đến đây,
chúng ta đừng bao giờ quên đến tham quan Khu Di tích mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh
Sắc để thắp một nén hương tưởng nhớ người sinh thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại
của chúng ta. Toàn bộ khu mộ cụ Phó bảng nằm trong khuôn viên rất yên tĩnh, được
chia làm 3 khu vực: Khu mộ cụ Phó bảng, Nhà trưng bày cuộc đời của cụ và khu
nhà sàn mô phỏng nhà sàn của của Bác ở miền Bắc.
Khu mộ cụ Phó
bảng lúc trước chỉ là nấm mộ đất đơn sơ, có hàng rào sắt bảo vệ xung quanh. Để
tưởng nhớ đến cụ Phó bảng, nhân dân Đồng Tháp đã xây dựng mới ngôi mộ với dáng
vẻ uy nghiêm, trang trọng hơn. Ngôi mộ vẫn giữ nguyên vị trí cũ, dù được xây dựng
rất kỳ công. Vòm mộ như một cánh hoa sen hay nhìn khác là một bàn tay úp ngược;
phía trên là chín đầu rồng vươn ra tượng trưng cho những người con ĐBSCL luôn
che chở cho cụ Phó bảng trong “giấc ngủ” yên lành.
Xung quanh
ngôi mộ là những cây kiểng quý được bà con khắp nơi dâng tặng. Hai bên có hai
cây “đại thụ” là cây xộp 324 năm tuổi và cây khế 285 năm tuổi, đến giờ vẫn ra
hoa kết trái tươi tốt. Phần mộ được ốp đá hoa cương mang từ Yên Bái về.
Sau khi thắp
nén hương, chúng ta sẽ tiếp tục theo cô hướng dẫn viên đến nhà trưng bày về cuộc
đời cụ Phó bảng. Qua hình ảnh và lời thuyết minh khá truyền cảm, chúng ta biết
rõ hơn về cuộc sống thanh bạch lúc sinh thời của cụ với lòng luôn hướng về Tổ
quốc.
Tiếp đó chúng
ta tham quan nhà sàn Bác Hồ, với tỉ lệ 1:1, mọi vật được trang trí y như
nhà sàn tại Phủ Chủ tịch ngoài Bắc. Nếu như ai đó không có điều kiện ra miền Bắc,
vẫn có thể cảm được rõ nét nơi ở và làm việc giản dị của Bác. Vì sao lại
xây nhà sàn nơi này, mặc dù Bác chưa từng ở hay đặt chân đến? Đơn giản là, người
dân Đồng Tháp luôn muốn Bác hiện hữu ở đây để ở gần người cha thân yêu hơn.
Hằng năm cứ
vào 27/10 âm lịch, bà con gần xa hội tụ về tổ chức lễ giỗ cho cụ Phó bảng Nguyễn
Sinh Sắc trong không khí trang nghiêm và đây cũng là một ngày hội lớn thường
niên mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
“Sơn hào hải vị” của
miền Tây
Ẩm thực miền
Tây vào dịp nước nổi vô cùng phong phú với các món ngon “lạ mà quen” được chế
biến đủ kiểu dân dã nhất. Giữa trưa Đồng Tháp, một dĩa thịt chuột xào củ kiệu,
nồi lẩu cá linh nấu mẻ ăn kèm với bông điển điển hay cá lóc nướng đọt sen non và
chả chưng với cơm huyết rồng v.v. khiến chẳng ai có thể chối từ những món ăn cực
“chất” này. Ngon hơn nữa nếu hớp một ngụm rượu đậu nành, hương vị đậu nành khi
lên men mới thơm làm sao.
NLĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét