“Thò tay xuống nước là có cá, có cua, bơi xuồng một hơi là có bông súng, bông sen, cắp rổ dọc bờ bao một đỗi là có điên điển. Chuột đầy đồng, có thịt mà không nuôi. Của trời cho cả, ai siêng thì hưởng”. Cái cách diễn tả của người dân Đồng Tháp về những sản vật tự nhiên trong mùa nước nổi bình dị như thế đó.
Đón khách thành phố về chơi, mấy anh chị ở Sa Đéc, Cao Lãnh lên thực đơn toàn món lạ đồng quê mùa nước nổi, đặc biệt không có heo bò; hướng dẫn viên Quốc Trung bảo các cô yên tâm: đi nhiều, ăn nhiều nhưng đảm bảo không lên cân!
Về sông ăn cá, về đồng ăn chuột
Bữa trưa đầu tiên ở nhà hàng khách sạn Sa Đéc tạo ấn tượng bằng dĩa thịt chuột xào với củ kiệu tươi dọn lên đầu tiên. Nếu không nói là chuột đồng thì tôi nghĩ đó là thịt ếch. Cánh đàn ông mở ngay chai rượu đậu nành khai vị với món thịt chuột. Mấy chị em chúng tôi hơi sờ sợ, nhưng thịt chuột ướp gia vị, xào lên thơm quá, nên không thể không ăn thử. Củ kiệu tươi xào thật ngọt, không còn mùi hăng, ăn với chuột đồng thật nên... duyên.
Lâu nay, đọt lang luộc chấm nước mắm kho quẹt là món khoái khẩu của tôi, lần này biết thêm đọt lang trộn chua với tép tươi, gỏi vườn sao mà ngon lạ! Hết nhanh nhất trong bữa là cá kết chiên giòn, ăn với cơm gạo huyết rồng. Nồi lẩu cá chạch nấu mẻ dọn ra cuối cùng nhúng với bắp chuối lột bẹ và bún, cái lẩu hội đủ vị chua của mẻ, vị ngọt của cá chạch tươi và bẹ chuối giòn giòn. Ôi đã đời, ai ai cũng xuýt xoa!
Sau bữa cơm trưa khá hấp dẫn, chúng tôi đến vườn quốc gia Tràm Chim/Tam Nông, Đồng Tháp Mười, đang mùa nước nổi, ghe như chạy trên sông. Những đồng lúa ma và đồng năng rộng lớn phủ một màu xanh trên mặt nước bao la. Mùa này sếu đầu đỏ đã di cư, nhưng từng đàn cò trắng và những loài chim khác vẫn... bám lũ tìm mồi làm cảnh sắc thêm sống động.
Để chứng minh: thò tay xuống nước là có cá, ban quản lý vườn Tràm Chim/Tam Nông chuẩn bị một số lờ, lọp, lưới để tự tay mỗi người bắt cá. Lần đầu tiên trong đời, tôi chống xuồng đặt lờ, thả lưới. Anh Minh Nhựt, nhân viên hướng dẫn, đặt lờ xuống nước rồi bứt cỏ năng phủ lên tạo bóng râm cho cá vào nhanh. Tấm lưới dài cả trăm mét thả hết, chúng tôi quay lại đằng đầu, giở lên đã có cá linh, cá sặt mắc lưới rồi. 9 giờ tối, soi đèn chèo xuồng về, nghe cá quẫy đó đây không gian yên tĩnh bị xua tan.
Nhớ mãi món đồng quê mùa lũ
Danh mục ẩm thực đồng quê quá phong phú. Thường bữa sáng ở khách sạn chỉ quanh quẩn trứng ốpla, xúc xích, mì xào, rau trộn, cơm, cháo trắng, phở hay bún nóng và vài loại trái cây; khách sạn Sông Trà ở thành phố Cao Lãnh lại cho chúng tôi thưởng thức một bữa sáng đậm chất ruộng đồng. Cũng cháo nhưng cháo lá dứa ăn với tép tươi rang và cháo cá lóc rau đắng. Rau trộn là bông điên điển, bông súng, ngó sen trộn với tép. Thay vì mì xào, chúng tôi được dùng món bánh tầm thịt nướng chan nước cốt dừa, nước mắm, hương vị thật ngon. Rồi xôi đậu, khoai lang, khoai mì luộc; ở bàn đồ ngọt có đủ loại bánh miệt vườn, sương sâm, bánh lọt và bánh canh ngọt, quả là hương quê sao mà khoái khẩu.
Một bữa sáng ngon miệng, chúng tôi đi tiếp về khu di tích Xẻo Quít. Mấy anh chị trong trang phục du kích địa phương chèo xuồng ba lá chở chúng tôi tham quan vùng ngập nước – từng là căn cứ kháng chiến. Xuồng len lỏi qua rừng tràm, mùa mưa, dây bòng bong phát triển nhanh bao kín những cây tràm làm thành những bức tường xanh cao vút trông thật quyến rũ. Chị Tuyết Nhung, phó phòng nghiệp vụ của ban quản lý khu di tích nói: độ cuối tháng mười, nước lên cao hơn nữa, cá về nhiều, chèo xuồng đi, cá bơi theo, xuồng ba lá thấp nên có khi mái dầm khuấy nước, cá nhảy lên xuồng thấy rất mê tơi.
Rồi một bữa ăn trưa khác đặc sắc hơn những bữa trước. Đọc thực đơn trên bàn đã thấy bụng cồn cào: khai vị sen luộc, chả cua đồng xúc bánh phồng tôm; tiếp đến là cá lóc nướng cuốn lá sen non, chuột đồng quay lu, gỏi hến ngó sen, mắm cá linh chưng hột vịt, lẩu riêu cua đồng, cá bống kho tộ, cơm gạo huyết rồng nấu với hạt sen; tráng miệng chuối nấu chấm muối ớt, chè sen. Chao ôi, làm sao các bạn bỏ qua món nào được!
Trước khi đi Xẻo Quít, chúng tôi có ghé khách sạn Hoà Bình thưởng thức trà sen, một loại trà quý ướp gạo sen (những hạt trắng ở đầu nhuỵ hoa bao quanh gương sen). Và muốn có gạo sen thì phải hái hoa sen từ lúc mặt trời chưa mọc. Đến Xẻo Quít chúng tôi được uống rượu sen và trà tim sen. “Hồng sen tửu”, đã trở thành đặc sản Đồng Tháp làm quà cho khách phương xa.
Hai ngày đi trong mùa nước nổi ở Đồng Tháp, tôi đã thưởng thức hơn 20 món ăn đồng nội chế biến thật đặc sắc. Một chuyến đi ngắn, nhưng hương vị đồng quê vẫn còn đọng lại trong từng giác quan của tôi.
Du lịch, GO! - Theo Cát Ngọc (SGTT), ảnh internet
http://dulich.blognhanh.com/2012/11/nhung-bua-tiec-tu-cua-troi-cho_11.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét