Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

TUẤN VŨ

Ca sĩ Tuấn Vũ: Cuộc đời trước và sau khi nổi tiếng

(PL&XH) - Tiếng hát của Tuấn Vũ một thời là giọng ca "thần tượng" của thính giả Việt Nam cũng như ở Hải ngoại. Từ Sài Gòn ra Hà Nội, đâu đâu cũng nghe văng vẳng giọng ca của anh.

Nào "Nỗi Buồn Sa Mạc, nào Người Yêu Cô Đơn, Khi Đã Yêu, Tương Tư 4, Mimosa, Phượng Buồn... và biết bao nhiêu là nhạc phẩm khác đã được trình bày bởi Tuấn Vũ được thính giả ưa thích.



Ca sĩ Tuấn Vũ:


Nghiệp ca hát hay là định mệnh

Tuấn Vũ tên thật là Nguyễn Văn Tài (SN 16-12-1959) tại TP Phan Thiết, Việt Nam, nhưng quê gốc của anh là ở xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Hồi nhỏ, Tuấn Vũ không được theo học bất kì một trường lớp thanh nhạc nào. Anh cùng gia đình sống ở một xóm nghèo.

Do có chất giọng khá ấm và ngọt ngào nên anh vào đội hát thánh ca của nhà thờ. Năm 15 tuổi, Tuấn Vũ "mạnh dạn" xin được lên hát trên sân khấu khi đoàn hát Mỹ Dung đến Bình Thuận lưu diễn. Trong những bước đầu chập chững trên con đường nghệ thuật, Tuấn Vũ hát bài "Đom Đóm" được bà con trong thôn ngợi khen rất nhiều.

Anh còn đạt được giải thưởng ca sĩ của tỉnh Bình Thuận, nghệ danh thời đó của anh là Huy Vũ. Nhưng đến năm 1979, Tuấn Vũ theo một người dì sang Mỹ. Qua Mỹ, anh phải làm nghề đánh cá để kiếm sống, cuộc sống rất khổ cực.

Tuấn Vũ có giọng hát hay, yêu nhạc trữ tình, tính cách cũng rất lãng mạn, phiêu du, anh có thể hát khi đang làm bất cứ điều gì và ở đâu, kể cả khi đang đi đánh cá ngoài khơi, hoặc khi ở nhà một mình hay khi dạo trên bãi biển những hôm nước lớn không ra khơi được.

Tuấn Vũ tiết lộ thần tượng ca nhạc của anh lúc đó là nữ ca sỹ Giao Linh và ca - nhạc sỹ Nhật Trường. Cũng vì đam mê ca hát nhưng không có điều kiện theo học nhạc nên anh tự học, tự tập luyến láy, tự tập gõ nhịp và điều đáng nói nhất về giọng ca của anh là do thiên bẩm.

Cho đến một ngày (năm 1980) duyên phận cho anh gặp được nữ ca sỹ Trúc Mai thì cuộc đời anh đã bước sang trang mới và vinh quang cũng đến với anh từ lần gặp gỡ ấy. Tình cờ đi dạo trên bãi biển và nghe được giọng hát của anh chàng đánh cá, ca sỹ này đã tìm thăm và hỏi anh có muốn hát trên sân khấu hay không? Tất nhiên Tuấn Vũ đã chớp lấy cơ hội và từ đó anh được Trúc Mai cùng nhiều người khác dìu dắt thêm trên con đường âm nhạc như ca sỹ Giao Linh, Nhật Trường, Phượng Mai…

Nghệ danh Tuấn Vũ chính là tên ghép của 2 người cháu của anh (Tuấn và Vũ). Tuy hát rất nhiều nhưng mãi đến năm 1985 anh mới thu đĩa CD đầu tiên của mình, đó là CD "Đôi Mắt Người Xưa" ca cùng với "Nữ Hoàng Sầu Muộn" đồng thời là thần tượng của anh là ca sỹ Giao Linh. CD riêng của Tuấn Vũ chính là CD "Gửi Về Em" do trung tâm Thanh Lan thực hiện.

Những CD của anh được khán giả đón nhận vì chất kỹ thuật và rất truyền cảm. Bài hát đã đưa anh đến với khán giả chính là bài "Phượng Buồn". Anh chinh phục được khán thính giả mọi nơi, trong và ngoài nước. Ngày anh còn hát độc quyền cho "Thuý Nga" là những ngày tháng cho ra đời rất nhiều tác phẩm tuyệt vời như: Cô Bé Ngày Xưa, Bài Tình Ca Cho Em, Về Dưới Mái Nhà… Nhưng do "Thuý Nga" có chính sách "độc quyền", không cho các ca sỹ của mình hát cho các trung tâm khác nên thật đáng tiếc là thời kỳ ấy Tuấn Vũ không ra được nhiều CD. Đây có lẽ là một trong những điều thiệt thòi nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của anh.

Muốn về quê hương...

Nhiều phóng viên không chỉ trong nước mà còn ở hải ngoại đều muốn tìm bằng được dù chỉ một dòng giải mã về cuộc đời Tuấn Vũ nhưng Tuấn Vũ là người vốn kiệm lời, không quen tiếp xúc với giới truyền thông, đôi khi là "sợ" cánh báo chí. Cho nên để có được những thông tin về đời tư của ông hoàng "nhạc vàng" một thời này không phải là đơn giản. Thậm chí có vẻ còn nhiều bí ẩn về Tuấn Vũ mà chính mẹ anh cùng cả đại gia đình của anh cũng không tỏ…

Đã có lúc Tuấn Vũ mưu sinh như một cửu vạn, làm hộ lý dọn dẹp trong bệnh viện. Có lúc anh vừa đi làm, vừa đi học thêm trên đất người, làm đủ thứ từ: Thợ hàn, tiện, điện lạnh, tráng men. Say những bài hát và phát hiện phòng trà, quán cà phê đêm ở San Jose có sân khấu nhỏ cho nhiều ca sỹ, anh tìm đến, rồi cùng vài người đồng hương hát cho nhau nghe. Được ca sỹ Trúc Mai phát hiện, tên Tuấn Vũ có từ đó trong một album thu chung với nữ danh ca này.

Ngày ấy, được đón tiếp nồng nhiệt, bầu trời âm nhạc hải ngoại bắt đầu toả sáng thêm một ngôi sao trẻ. Album riêng của anh, "Gửi Về Em" được phát hành đến từng góc phố Cali và nước Mỹ, sang Âu châu, về Việt Nam... Quãng năm 1985-1989, một thời đỉnh cao, Tuấn Vũ đã có thể kiếm được cả nghìn đô la cho mỗi bài thu âm.

Vài chục bài một tháng, anh kiếm tiền nhiều như lá. Các trung tâm lớn, trong đó có Thúy Nga, mời mọc anh với cái giá sô của một ông hoàng âm nhạc. Hàng loạt những ca sỹ như Giao Linh, Hương Lan, Thanh Tuyền, Chế Linh... đã cùng Tuấn Vũ cho ra album chung. Tuấn Vũ đổi đời và mua nhà ở Cali với cái giá "nửa triệu đô" thời đó. Nhưng cái giá của "nghệ sỹ hàm siêu sao" đã vướng vào anh trên một vết xe đổ của không ít người nổi tiếng khác. Được đón tiếp nồng nhiệt bằng hoa và đô la, Tuấn Vũ đã chao đảo vì nổi tiếng và... quá cô đơn. Ai đó đã "loang" ra tin đồn nhanh chóng, rằng anh đã đam mê ma túy. Nghe nói có vài trung tâm băng nhạc "quỵt" của anh số tiền lên đến triệu đô, còn anh thì không đủ kiên trì và sức lực đòi lại nữa. Nhưng chưa hết, ngôi nhà anh nhờ bạn đứng tên cũng bị bạn lừa nốt. Tuấn Vũ lại sống trong cay đắng muôn phần…
Tiền còn đủ cho một ngôi nhà nhỏ, năm 30 tuổi, anh lấy vợ.

Cuộc sống hạnh phúc với người vợ gốc Hoa "ngắn tày gang" nhưng họ cũng có với nhau một đứa con trai tên là Đức. Nay Đức đã 21 tuổi và đang đi học. Ba mươi năm tình vàng gửi vào những ca khúc vàng. Tuấn Vũ từng tâm sự rằng, vợ chồng chia tay vì phía gia đình nhà vợ muốn Tuấn Vũ làm quản lý siêu thị cho họ nên anh phản đối. Anh nói là mình sinh ra để hát. Anh lại cô độc để rồi chìm trong rượu, cứ uống như thể một người bị trừng phạt.

Tuấn Vũ hiện đang độc thân. Ở Mỹ, nhiều danh ca hải ngoại không rõ lý do gì đã bớt những cuộc chơi bên anh. Có người còn nói anh không cùng đẳng cấp với họ. Tuấn Vũ bỏ mái tóc xoăn bồng dài đã thành nhãn hiệu nổi tiếng, làm nhiều khán giả Việt thoáng chút lạ lẫm, bàn tán, vẻ ngoài của anh đã quá khác với những tấm hình và những đoạn clip cũ. Em trai của người ca sỹ cũng nói thêm: "Tuấn Vũ bây giờ khác rồi, anh muốn về quê hương để sống và lấy vợ...". Hy vọng rằng một danh ca tài năng như Tuấn Vũ sẽ sớm đạt được ước nguyện của mình, cuộc đời anh vốn là những tháng ngày có "vinh" có "nhục" nhưng cuộc đời không "đóng cửa" với ai bao giờ, hạnh phúc rồi cuối cùng sẽ đến với người biết "kiếm tìm" nó bằng cái tâm trong sáng…

Bản Sa

Tuấn Vũ chia tay vợ để… được hát



Được mệnh danh là “phượng hoàng của dòng nhạc sến”, tung cánh đầy mãnh lực trên sân khấu ca nhạc hải ngoại thập niên 80 – 90, nhưng đã hai lần Tuấn Vũ phải ngừng bay...

Sau bao năm không gặp, khán giả vẫn đòi hỏi Tuấn Vũ phải trôi chảy, phải mượt mà như hồi Hoa sứ nhà nàng, Sầu tím thiệp hồng… hoặc thời của những tiết tấu đều đặn, bằng phẳng trong liên khúc Tuấn Vũ . Có thể nói một điều, giọng hát của anh vẫn chưa sợ thời gian, nhưng nếu để đáp ứng những đòi hỏi trên thì hoàn toàn không trọn vẹn. Bởi Tuấn Vũ của hôm nay đã hát khác, bằng tâm trạng của một người đàn ông vốn tôn thờ tình cảm nhưng lại chịu nhiều đau đớn trong tình cảm. Khi chính người hát phải nhỏ lệ với số phận của mình, chỉ còn một cách là nuốt nó. Để làm gì? Để hát. Vì niềm đam mê trong con người nghệ sĩ của Tuấn Vũ chỉ là hát.

Bị lừa tiền và đẩy ra đường

- Danh ca Lệ Thu có nói từng gặp anh trên một hòn đảo ở Malaysia vào năm 1979, nhưng khi đó Tuấn Vũ… chưa là gì cả. Anh còn nhớ cuộc gặp đó không?

- Tôi nhớ chứ, đó là đảo Pulau Bidong ở Malaysia. Không chỉ có chị Lệ Thu, mà còn có anh Hùng Cường, chị Băng Châu, nghe nói là có cả chị Thanh Tuyền nữa. Năm ấy tôi tròn 20 tuổi, chuyến tàu chúng tôi đi bị dạt vào hòn đảo này. Đó là một ốc đảo tách biệt, liên hệ với bên ngoài chỉ nhờ tàu quốc tế vào tiếp viện thực phẩm. Một năm sống trên đảo tôi làm hộ lý, dọn dẹp trong nhà thương, không có lương, nhưng bù lại, tôi không phải lo chuyện ăn uống. Thời gian đó, cuộc sống của tôi chỉ đủ có cái ăn, không mơ ước, không gì cả.

Đầu năm 1981, tôi được vợ chồng chủ một nông trại bò sữa bảo lãnh sang Minnesota (Mỹ). Họ xem tôi như con, cho đi học và tôn trọng mọi quyết định của tôi. Vừa học, tôi vừa đi làm. Tuy nhiên, ở một thành phố mưa nhiều, lại không có đồng hương, buồn quá, tôi không chịu được nên chuyển đến San Jose tự thuê nhà và kiếm việc làm. Tôi làm thợ hàn, tiện kim loại và tráng men cho các thiết bị điện lạnh, trong suốt 2 năm.

- Từ anh thợ tiện thành “phượng hoàng” trong làng ca nhạc là một câu chuyện đầy ngạc nhiên. Mọi việc bắt đầu như thế nào hả anh?

- Một giờ, tôi làm được 4 USD, so với thu nhập hồi đó cũng khá cao. Cuối tuần, tôi thường đến quán cà phê nghe nhạc, rồi tham gia những đêm hát cho nhau nghe.

Năm 1985, ca sĩ Trúc Mai phát hiện ra giọng hát của tôi mời tôi thu chung một bài trong cuốn băng của chị. Từ bài hát đó, một trung tâm ca nhạc hải ngoại ấn tượng với giọng hát của tôi và khuyên tôi chuyển đến Santa Ana (Califonia) ở để tiện ca hát, ở đó người Việt đông và ca sĩ cũng nhiều. Về đây, tôi dùng số tiền dành dụm thực hiện cuốn băng Gửi về em và từ đó, nó đưa anh thợ tiện thành một ca sĩ được nhiều người biết đến..

Cuốn kế tiếp tôi hát với Phương Dung có tựa đề Tình chàng ý thiếp, rồi từ từ, nhiều trung tâm khác mời tôi hát. Thời đỉnh cao của Tuấn Vũ là năm 1985 – 1990. Mỗi bài hát tôi thu âm với giá 1.000 USD, mỗi tháng thu hơn 20 bài. Kiếm được tiền, tôi sắm nhà cửa, xe cộ.

Ngôi nhà của tôi lúc đó khoảng hơn 500.000 USD. Cuộc sống gần như đổi đời. Tôi đi diễn khắp nước Mỹ, châu Âu, đến đâu cũng được chào đón nồng nhiệt.

- Sau khi nổi đình nổi đám, anh bỗng ngưng hát một thời gian dài. Nhiều người nói sự “gãy cánh” của phượng hoàng là do ăn chơi. Còn người trong cuộc, nếu có một lời giải thích về quá khứ, anh sẽ nói gì?

- Tôi ham vui, nên không thể sống một mình. Từ năm 20 tuổi đã xa nhà và sống cô đơn với những người xa lạ nên muốn có một cuộc sống ấm cúng, vui vầy. Với tôi, tiền bạc không thành vấn đề, tình cảm mới quan trọng. Tôi nghĩ mất tiền sẽ không khiến mình trắng tay, nhưng mất niềm tin mới là điều khủng khiếp.

Tôi mất hàng triệu USD vì một vài trung tâm băng nhạc không trả. Nhà của tôi nhờ bạn đứng tên, cuối cùng bạn lật kèo, đẩy tôi ra đường. Rồi số tiền tôi gửi bạn lúc đi hát kiếm được cũng bị họ lừa. Tiền mất, nhà mất. Cay đắng và hụt hấng. Tôi ngưng hát 4 năm.

- Bốn năm trừng phạt mình vì sự mất lòng tin quả là quá dài. Có phải anh quá mềm yếu hay người bạn đó rất quan trọng với anh?

- Với tôi, bất cứ người bạn nào cũng quan trọng. Và điều đó lý giải tại sao tôi hụt hẫng lâu đến thế. Thời gian đó tôi ngập trong nỗi buồn và tìm đến rượu để trừng phạt mình. Tôi uống. Uống một mình. Uống đến khi thế giới xung quanh quay cuồng và gục xuống không biết gì nữa mới thôi. Tôi lang thang khắp nhà bạn bè, mua hàng lít rượu, đóng cửa phòng uống hết ngày này qua ngày khác.

Sau 4 năm triền miên, nhà thơ Du Tử Lê, nhà thơ Nguyên Sa, ca sĩ Lê Uyên…chính là những người nâng tôi dậy. Anh Lê có nói, trời đã cho tôi giọng hát thì tôi phải hát, đừng bỏ cuộc, không có gì mất hẳn, miễn là tôi sống chân thành. Khán giả còn thương tôi lắm, đừng phụ lòng họ.

Chị Lê Uyên có phòng trà, bảo tôi về hát lại, còn Du Tử Lê đưa tôi về nhà anh ấy ở. Tôi hát trở lại, cuộc sống vui hơn. Khán giả vẫn gần gũi và thương tôi. Và tôi lại tìm được nhiều người bạn mới, chân thành và đúng nghĩa. Nhưng sau những va vấp ấy, giọng hát của tôi nhuốm màu cay đắng và tôi cũng dè dặt hơn với mọi thứ.

- Nhưng nhiều người nói Tuấn Vũ của hôm nay vẫn chưa đánh mất nét dễ thương, hồn nhiên và rất tin người?

- Tôi vẫn yêu thương mọi người, vẫn còn nhiều niềm tin, niềm vui khác. Tôi vẫn sống không đánh mất mình và chấp nhận những giá trị khác để tin rằng vẫn còn bao điều, bao người chân thành trong cuộc sống này.

Thực tế, sự hồn nhiên của tôi là để sống một cuộc sống chan hòa. Tôi đốt hết mình cho niềm vui của mọi người, còn chuyện buồn phiền tôi giữ lấy, đêm về nằm suy nghĩ. Ra đời là phải hồn nhiên, không phải là hồn nhiên đóng kịch. Giờ đây khi nói chuyện với anh, tôi hoàn toàn thanh thản, không suy nghĩ gì nữa. Khi đã có tuổi, cũng là lúc tôi biết trân trọng hơn những giây phút sống không nên đẩy mình vào cay đắng, muộn phiền.

Vì yêu hát nên chấp nhận chia tay vợ

- Khi trở lại cũng là lúc anh có một tình yêu để rồi ổn định chuyện gia đình?

- Tôi ngoài 30 tuổi, đang nghĩ đến một mái ấm thì tình yêu đến. Tôi lấy vợ và sống rất hạnh phúc. Nhưng tháng ngày ấy chỉ kéo dài đến 8 năm, khi ấy con trai tôi 7 tuổi. Chia tay là do gia đình bên vợ không muốn tôi đi hát. Vợ tôi lại là con gái duy nhất của một gia đình người Hoa, nên tiếng nói của gia đình tác động lên cô ấy nhiều lắm.

Nhà vợ có một cái siêu thị mi ni và muốn tôi về quản lý. Tôi không chịu vì nếu phải lựa chọn giữa ca hát và cái siêu thị, tôi sẽ chọn ca hát. Định mệnh sinh tôi ra để hát thì nên đi hát thôi. Nhưng họ không hiểu điều đó vì trong mắt họ, dù tôi có nổi tiếng cũng chỉ là người Việt hát cho người Việt.

- Đó có phải là cái giá quá đắt cho ca hát không? Và nghe có vẻ mâu thuẫn khi một người đàn ông từng bỏ hát vì mất niềm tin ở bạn, lại có thể bỏ hạnh phúc chỉ vì …ca hát?

- Khó khăn lắm tôi mới quyết định li dị và khi chia tay rồi, tôi lại ngưng hát thêm 4 năm nữa. Đó là khoảng thời gian tôi lo giải quyết vấn đề con cái, đúng hơn là dành quyền nuôi con. Cuối cùng là tôi nuôi con. Bốn năm lo cho con không phải là thời gian dài, nó khác trong 4 năm trước ngập trong nỗi buồn và thời gian trôi chậm chạp. Bốn năm của một người cha ngắn ngủi lắm. Tôi chăm con bằng hết trách nhiệm của mình. Sau khi chia tay, tôi vẫn liên lạc với vợ vì những vấn đề của con. Cô ấy giờ vẫn ở một mình.

- Sau 2 lần gián đoạn, hẳn khán giả không cần biết lý do và khó tha thứ khi anh cứ “bỏ họ đi” như thế?

- Không, tôi có thể bước trên con đường ca hát đến giờ là tạ ơn khán giả lắm. Chính họ là cánh tay mạnh mẽ vực tôi dậy. Năm 2000 đi hát lại chính là thời gian tôi trở về Việt Nam. Từ Sài Gòn đến Hà Nội, đặc biệt là ở Hà Nội, một lần nữa tôi được hồi sinh trong tình yêu thương của khán giả quê nhà.

Về Việt Nam lần này, tôi sẽ ra mắt CD mới và làm những chương trình từ thiện quyên góp tiền giúp trẻ em khuyết tật, mồ côi. Mười năm rồi trở lại quê nhà, tôi thấy giọng hát của mình không được chải chuốt như ngày xưa, có lẽ do thấm nhiều thứ không vui trong cuộc sống.

- Anh vẫn còn ham vui và không từ chối những lời mời của bạn bè. Như thế dễ biến cuộc sống của mình thành cuộc chơi không có điểm dừng?

- Tôi không bao giờ từ chối những tấm chân tình, sự chân thành của bạn bè. Tuy ham vui nhưng tôi không quá sa đà vì biết cuộc vui nào cũng tàn. Hiện tại, tôi cố gắng sống thoải mái để thời gian trôi qua không quá nặng nề, chậm chạp. Còn trong công việc, tôi luôn nghiêm túc vì tôi ý thức mình hát là để trả ơn khán giả, nên phải giữ giọng để hát thật hay.

Bây giờ con tôi đã lớn, tôi cũng là một người cha có tuổi, nên những gì của tuổi trẻ tôi tạm quên đi. Hai cha con tôi thường đi du lịch khắp nơi. Với con, tôi là một người cha đã, đang và sẽ làm mọi điều tốt nhất cho con như bất cứ một người cha nào có thể làm. Con tôi giờ đã 21 tuổi, biết ba ngôn ngữ Anh – Hoa – Việt. Cháu không thích và cũng không theo nghề ca hát nhưng rất tự hào về cha hát hay (cười).

- Giọng hát trời cho đến một lúc nào đó cũng bỏ mình đi. Con cái đều có lựa chọn tương lai riêng. Rồi bạn bè ai cũng có cuộc sống của họ. Anh có sợ phía trước, con đường một mình anh với bước chân chênh vênh?

- Nếu câu hỏi của anh có ý hỏi tôi định đi bước nữa không, câu trả lời là tôi vẫn yêu nhưng yêu như ngững người bạn, còn để bước đi trên con đường hạnh phúc với một ngời phụ nữ thì chắc là thôi. Ở Mỹ , tôi vẫn sống một mình, tôi không muốn gây tổn thương cho ai và cũng không cho phép mình bị tổn thương vì một điều gì đó. Tôi rất sợ.

Đành rằng tiếng thở dài trong những đêm một mình vẫn chưa bao giờ dứt. Nhưng tôi nghĩ tôi còn niềm vui khác, tôi còn bạn bè. Tôi có tài nấu ăn, khi không còn đi hát nữa, tôi sẽ chăm chút căn nhà của mình và dành thời gian nấu nướng để mời bạn bè đến thưởng thức. Tuy có nghiên cứu nhiều nhưng tôi không nấu theo sách vở mà có công thức riêng của mình. Và nếu anh hỏi trong các nam ca sĩ hải ngoại, ai là người nấu ăn giỏi, có lẽ đáp án là Tuấn Vũ đấy.

Tuy nhiên, nhắc về những mất mát trong cuộc sống cũng như trong hạnh phúc gia đình, tôi luôn bị chìm vào một khoảng lặng. Chẳng hạn như xem lại những thước phim đám tang ba tôi, tôi ngồi khóc và đập đầu vào tường đến chảy máu vì lúc bá mất, tôi ở Pháp không về được. Rồi một lần về thăm mộ ba cũng vậy, tôi vẫn thầm trách mình. Tôi trách rằng tại sao đứa con được ba mẹ yêu quý nhất lại bỏ ra đi để rồi khi bước chân trở về không còn ba nữa. Mẹ tôi năm nay đã ngoài 90, và với mẹ, tôi vẫn như một đứa trẻ.



HDVietnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét