Ca sĩ Khánh Hà: Cứ nghe nhạc là mình "nhập đồng"
36 năm song hành với nghề hát. Ánh mắt sáng, phong cách giản dị khiến
chị trở nên thu hút một cách nhẹ nhàng, nhưng tâm hồn, ý chí phấn đấu
lại là điểm quyến rũ mạnh mẽ ở diva này.
Khánh Hà thừa hưởng "gien" nghệ thuật của đại gia đình họ Lã. Ông thân
sinh của họ - nhạc sĩ Lữ Liên (Lã Văn Liên) - là nhạc sĩ đa tài. Khánh
Hà là con thứ tư, bên cạnh các anh, chị, em khác đều là ca sĩ: chị gái
Bích Chiêu "nữ hoàng nhạc nhẹ Việt Nam" một thời, anh trai Tuấn Ngọc,
Anh Tú, em gái Thúy Anh, Lan Anh, Lưu Bích.
Khánh Hà đi hát lần đầu năm 16 tuổi. Đến năm 17 - 18 tuổi, cô đã là một
"ngôi sao đang lên" - khi hoạt động trong phong trào nhạc trẻ Sài Gòn -
thời ấy gọi là "Hippies A Go Go", với nhóm nhạc The Blue Jets chơi cho 3
chị em Thúy Anh, Khánh Hà, Anh Tú hát, từ những năm 70 của thế kỷ
trước.
Về sau Tuấn Ngọc gia nhập với các em và thành lập nhóm The Uptight thì
sức mạnh của họ được nhân lên nhiều lần và danh tiếng của họ nổi như
cồn.
Theo lời của nhạc sĩ Bảo Chấn, thì: "Khánh Hà lúc đó nổi trội ở khả năng
hát rõ lời, nhả chữ tuyệt cú mèo dù là nhạc Pháp hay Mỹ. Không bao giờ
người ta thấy Khánh Hà hát chênh, hát phô. Đó cũng chính là dấu hiệu
nhận diện của cô trên con đường tiến lên hàng "sao".
Khánh Hà định cư tại Mỹ từ tháng 3.1975, tiếp tục gây những tiếng vang
lớn trong làng ca nhạc của người Việt tại hải ngoại. Sau một thời gian
đình đám với nhạc Pháp, Anh..., Khánh Hà chính thức chuyển qua nhạc Việt
từ năm 1980, với băng nhạc Gọi giấc mơ xưa (1981). Vẫn theo nhạc sĩ Bảo
Chấn thì: "Sự chín tới, điêu luyện đầy cá tính của giọng hát đó đã làm
tôi chấn động. Về sau này, cả Tuấn Ngọc cũng chuyển sang hát nhạc Việt
một cách điệu nghệ và vô cùng ấn tượng. Cũng cách nhả chữ ấy, cũng luyến
láy và nấc nghẹn ấy sao nghe lại thuần Việt thế. Một tiếng hát rất sang
trọng, rất văn minh".
Với lối hát mềm mại mà không ảo não, nghe rất Việt mà rất sang, thập
niên 1980-1990 là thời kỳ đỉnh cao của giọng hát Khánh Hà, khiến thời
ấy, một loạt ca sĩ ở TP.HCM đã ăn theo giọng hát ấy, tạo nên một "hiện
tượng Khánh Hà".
Và bây giờ, sau 32 năm vắng bóng trên sân khấu ca nhạc VN, với 3 lần trở
về nhưng là lần đầu tiên đi hát trở lại, thì giọng ca ấy đã trở nên
điêu luyện, thân thiết với người nghe còn hơn cả lúc chị ra đi. Đến xem
chị và nghe chị, là đến lần giở lại một trang ký ức của tuổi hoa niên
đẹp đẽ một thời, của những người từ lâu đã đi qua cái tuổi hai mươi yêu
dấu ấy.
Thần tượng... Christina Aguilera
* Ai cũng biết chị nghe và làm nhạc khá tân tiến, cởi mở chứ không gắn
mình trong những ca khúc tiền chiến như nhiều đồng nghiệp cùng thời, vì
sao?
- Tôi thích theo dõi nhạc ngoại quốc và luôn học hỏi để hướng đến những
điều mới mẻ, trẻ trung. Đó là sở thích cá nhân. Còn với nghề, tôi nghĩ
hát mãi một loại thì bản thân mình còn chán huống chi người nghe. Có lẽ
chính vì tình yêu âm nhạc lớn khiến tôi luôn đi tìm cái hay của nó. Tôi
đã hát qua từ pop ballad đến blue jazz rồi cả dance... Nhạc Việt, nhạc
Anh, nhạc Pháp đều thử cả. Thử một cái mới là tôi lại thêm nhiều hứng
khởi với nghiệp ca hát. Cứ thế mà năng lượng của mình bền bỉ, dồi dào
chứ không hao tổn đi.
Đời sống của tôi rất hạnh phúc, nhưng chính âm nhạc lại biến hóa tôi mỗi lần cất lên nó
* Hiện chị đang có hứng thú với dòng nhạc nào?
- Nhạc của người Mỹ da màu. Quá tuyệt vời. Thần tượng của tôi chính là
Christina Aguilera. Tuy cô là người da trắng nhưng lại hát nhạc của
người Mỹ da đen rất hay. Cô ấy cũng nhỏ con như mình nhưng mà hơi thì
mạnh ghê gớm quá. Mỗi lần xem Christina hát là tôi lại học thêm được từ
cô ấy nhiều cái hay mới về chuyên môn.
* Hát hay, thích nhạc Mỹ, hiểu đời sống của người Mỹ, sao chị không ước mơ là ca sĩ biểu diễn bên ngoài cộng đồng người Việt?
- Ồ, tôi không nghĩ đến điều đó, thật lòng. Nếu tôi sinh ra ở Mỹ thì
khác, nhưng tôi là một người ngoại quốc nên không thể nào so sánh với
người bản xứ được. Đó không phải là suy nghĩ tự ti mà là suy nghĩ thực
tế. Họ hát hay lắm, hay hơn mình rất nhiều. Phát âm, nhả chữ, hơi hám...
chắc chắn mình không thể nào bì được với người. Thật ra, cũng có rất
nhiều người ngoại quốc nghe và rất thích tôi hát nhưng tôi thì nghĩ tốt
nhất là hát cho đồng bào mình nghe là đủ quý lắm rồi.
* Đã bao giờ chị mang ý nghĩ mỏi mệt vì quá nhiều sự lựa chọn bày ra trước mắt?
- Có. Vào khoảng năm 1989 khi tôi bắt đầu ra trung tâm băng nhạc, tôi
nghĩ ráng hát khoảng 5 năm nữa thì giải nghệ. Nhưng bạn thấy đó, giờ này
tôi vẫn còn chưa hết máu lửa, cứ nghe nhạc là mình "nhập đồng", làm sao
mà dừng lại? (cười).
* Hơn 35 năm trong nghề, làm sao để một giọng ca vẫn réo rắt?
- Theo tôi nghĩ sức khỏe là điều quan trọng nhất. Tôi thường rất ít đi
chơi và tập thể dục đều. Có lẽ hạnh phúc cũng làm cho mình hát hay hơn,
ngay cả với những bài hát buồn.
Nghệ sĩ tính nhưng cũng rất thực tế
Lần trở về nước thực hiện liveshow Nối vòng Việt Nam cùng với anh trai
Tuấn Ngọc (vào 14 -15.7 tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM và 22.7 tại Hà Nội)
là một dấu ấn đáng nhớ của Khánh Hà với những khán giả yêu mến giọng ca
của chị trong hơn 30 năm qua.
Trong chương trình này, chị ôn lại những bài hát là "kỷ niệm không quên"
của mình với chặng đường 36 năm đi hát, trong đó có: Niềm đau chôn
giấu, Unchained Melody, I will survice, Bay đi cánh chim biển, Giọt mưa
thu, Gửi gió cho mây ngàn bay, Sa mạc tình yêu...
Đạo diễn chương trình Huỳnh Phúc Điền cho biết: "Nhiều người nghĩ Khánh
Hà là mẫu ca sĩ của giọng hát, nhưng trong chương trình này sẽ không chỉ
có giọng hát".
* Chị thường xuyên trình bày những ca khúc dạt dào tình cảm, tâm trạng,
khiến nhiều người nghĩ về Khánh Hà với một hình ảnh nghệ sĩ rất buồn.
Chị thấy sự đánh đồng này có đúng không?
- Khi hát, nếu mình đóng vai chính trong bài hát thì sẽ đạt được hiệu
quả về tình cảm. Dù tâm trạng thật tôi hạnh phúc hay thê lương thì tôi
luôn quên hết để "đóng vai chính" trong mỗi ca khúc, nhạc vui hay nhạc
buồn tôi cũng muốn để người nghe "phiêu" cùng với mình. Đời sống của tôi
rất hạnh phúc, nhưng chính âm nhạc lại biến hóa tôi mỗi lần cất lên nó.
Tôi hát nhạc buồn nhưng mà thỉnh thoảng vẫn nhảy, tươi cười rất dữ dội
đó chứ (cười).
* Chị sống có nghệ sĩ tính không?
- Có chứ. Ai cũng cần tiền, nhưng mà không phải lúc nào cũng vậy, có lúc
với tôi tiền không phải là cái lớn lao lắm. Đó chính là tính nghệ sĩ
của tôi. Tôi cũng lãng mạn như nhiều anh chị em nghệ sĩ khác, nhưng chỉ
trong tư tưởng thôi chứ không thể hiện ra ngoài. Khi hát tôi rất "bay",
nhưng ngoài đời thì tôi là một con người thực tế, đâu ra đó.
* Người hát rất "bay" nhưng lại rất thực tế như chị đã chọn Christina
Aguilera làm thần tượng về chuyên môn, vậy còn trong đời sống, chị thần
tượng là một nghệ sĩ hay một người thường?
- Tôi thần tượng ông xã (là ca sĩ - nhạc sĩ Tô Chấn Phong - NV). Vì anh
ấy là mẫu người tôi rất quý, rất đàn ông, bất cứ chuyện gì xảy ra ảnh
cũng có thể xoay xở, dàn xếp một cách ổn thỏa.
* Chị thì thế nào?
- Tôi có thể quán xuyến những công việc trong gia đình, cơm nước, con
cái..., là một người đôi khi hy sinh thời gian của gia đình cho nghề
nghiệp và ngược lại.
* Sinh ra trong một gia đình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, đó có phải
là điều gì làm chị tự hào nhất về những người thân của mình?
- Sự yêu thương gần gũi lẫn nhau mới là điều làm tôi tự hào nhất. Anh em
mỗi người có một đường đi riêng nên không ai cạnh tranh ai, mà hỗ trợ
nhau rất nhiều trong nghề nghiệp. Tôi làm điều gì sai trái một chút thì
thể nào cũng có người kề bên góp ý, khuyên răn. Những thành viên trong
gia đình tôi ai cũng có vị trí sáng giá, đó là một may mắn lớn cho cả
gia đình. Ngày xưa, tôi không biết ông bà cụ ở nhà mình vui thế nào, chỉ
khi tôi có con, con mình làm được một cái gì đó dù nhỏ thôi mình cũng
cảm thấy hãnh diện vô cùng, tôi mới hiểu rằng chúng tôi đã làm hài lòng
cha mẹ. Không cần biết có nổi tiếng hay không, chỉ mỗi việc tất cả đều
hát được là vui lắm rồi phải không bạn?
* Chị từng bày tỏ tình cảm rất thân thiết với anh trai Anh Tú. Sự ra đi đó để lại cho chị những dư âm gì trong lần về nước này?
- Sự ra đi của anh ấy là nỗi đau khổ chưa từng thấy trong đời tôi. Anh
Tú là anh trai nhưng nhiều khi còn thân và thương tôi hơn cả người yêu.
Mẹ của tôi ra đi vì tuổi già có thể không để lại nhiều sự tiếc nuối bằng
người anh trai luôn bên tôi mọi lúc, mọi nơi, tôi thương còn hơn cả bố
mẹ của mình nữa. Tôi cảm nhận rất rõ tình cảm của anh Tú dành cho mình
trong mỗi sinh hoạt hằng ngày, trong công việc... Lúc anh mất đi rồi,
nhiều người cũng nói với tôi rằng anh ấy thương tôi lắm.
* Còn người anh nổi tiếng, Tuấn Ngọc, chị ấn tượng sao về nhân vật này?
- Là người mà anh em nào cũng thương. Anh ấy là anh cả nên nghiêm lắm,
tụi này ai cũng sợ hết. Càng nổi tiếng anh ấy càng lí lắc, giỡn nhiều
chứ hồi đó ở nhà thì đâu có.
Nỗi niềm của ngày trở về
* Đời sống văn nghệ ở hải ngoại không sôi động như trong nước có phải là
sự hạn chế với giọng ca của chị trong suốt những năm qua?
- Đúng. Vì bên kia chỉ đi hát vào cuối tuần, có khi hát chỉ một hai bài,
hơi khó khăn để duy trì nghề, đi hát là một việc nhưng người ca sĩ phải
lo cho tương lai bằng một việc khác. Còn ở Việt Nam mình thì ca hát như
một nếp sống của ca sĩ, diễn ra mỗi đêm. Thích thú quá đi chứ.
* Lần thứ ba trở về nước trong hơn 30 năm, chị thấy cuộc sống ở Sài Gòn thế nào?
- Nói chung tôi không có đi sâu nên cũng không hiểu nhiều lắm, nhưng tôi
thấy rất thoải mái. Có thể tôi thích cuộc sống ở đây, nhưng việc trở về
thì chưa nghĩ đến vì con cái còn đi học và bản thân tôi còn nhiều việc
phải làm ở Mỹ.
* Ca sĩ có người về nước lặng lẽ, có người rất rình rang bằng một
liveshow, chị chọn cách thứ hai, mà lại thực hiện ở hai thành phố lớn
nhất Việt Nam. Chị muốn để lại quê hương điều gì?
- Không biết tương lai sắp tới của tôi có trở lại Việt Nam hay không,
nhưng chắn chắn, tôi muốn tiếng hát và tình cảm của mình ở lại mãi mãi.
Ca sĩ hải ngoại về nước thường đối diện với nỗi lo rằng khi trở lại thì
sự đón nhận không còn được như trước kia nữa, nhưng tôi nghĩ giờ vấn đề
đó không lớn nữa. Tôi là nghệ sĩ thì tôi đi hát ở những nơi nào khán giả
quý mến mình, mà nhất là ở đây là quê hương của mình nữa thì không có
lý do gì để từ chối cả.
Khánh Hà: Tôi biết giấu nỗi buồn của mình!
Khánh Hà nói, chị trông trên sân khấu bình tĩnh là vậy nhưng ngoài đời,
rất gần gũi và yếu đuối đàn bà. Đằng sau giọng hát tròn, sâu và dường
như rất phẳng lặng ấy; đằng sau hạnh phúc viên mãn với người chồng trẻ
tài hoa Tô Chấn Phong, là cả một quá khứ không ít cơ cực.
Lần đầu tiên, chị chia sẻ những điều này, cũng là lần đầu tiên tôi được
tiếp cận một chân dung khác của Khánh Hà, hoàn toàn không quen như chị
trong âm nhạc, nhưng ít ra cũng giúp tôi hiểu tại sao Khánh Hà lại hát
sâu như thế…
Khánh Hà hát tỉnh táo. Từng chữ, từng nốt, rất êm và rất đẹp. Và cũng
từng chữ một, từng nốt một, nếu tinh tế một chút ta sẽ nhận ra: người
hát đang làm chủ cảm xúc, đúng hơn là làm chủ nỗi buồn-bởi hầu hết những
ca khúc Khánh Hà hát, có mấy khi là những ca khúc vui đâu. Có chút kìm
nén đấy, u uẩn đấy, chút tiếc nuối đấy, nhưng nó nằm ở tầng sâu trong
những lời, những chữ được nhả ra vốn rất tròn trịa và hoàn hảo kia…
“Đi qua những điều đó rồi thì bình tĩnh mà thể hiện nó. Nếu cảm thấy
bình tĩnh không nổi thì cho phép mình điên một chút, phiêu một chút,
nhưng chỉ là chút chút thôi” - Chị nói về những điều mà tôi vừa gọi tên ở
trên. Tôi lại phát hiện ra một điều lạ: thực ra, cái rộng lòng nhất và
cũng hẹp lòng nhất thế gian này, lại là sân khấu bởi nó luôn là nơi đón
nhận biết bao nỗi buồn vui của người nghệ sĩ nhưng rồi cũng là nơi vắt
kiệt hết nỗi buồn đó để rồi người nghệ sĩ sớm cũ đi với nỗi buồn vui đã
mất của mình.
Khánh Hà là một trong những người hiếm hoi nhận biết được cái “bản chất
thật” của sân khấu, không bị rơi vào tình trạng dốc cho hết năng lượng
của một thời tuổi trẻ để nhanh tàn héo theo sự đào thải nghiệt ngã của
quy luật thời gian. Nhưng điều đó không có nghĩa là chị không cho đi, mà
là cho một cách nhẹ nhàng, tỉnh táo, đủ để nỗi buồn thấm và lắng. Thế
nên bao năm qua giọng hát Khánh Hà luôn có một mãnh lực nào đó nằm trong
chính cái hồn đàn bà được chưng cất, nên nỗi buồn đã không còn thô ráp
mà hiện hữu một cách sang trọng.
Sai lầm cuộc hôn nhân đầu tiên
- Hãy bắt đầu bằng những yếu đuối đàn bà của chị như lời chị nói nhé.
Thực ra đâu phải dễ tin, vì trên sân khấu, Khánh Hà luôn bình tĩnh, có
lúc cảm giác như “lạnh” kia mà?
- Ô, nếu thế thì anh nhầm đấy. Tôi dễ xúc động, dễ tin và dễ thương
người và cũng luôn là người thích lắng nghe và chia sẻ với người khác.
Với những người xung quanh, tôi luôn là một nơi để họ dốc những bầu tâm
sự. Dù mình có bận bịu thế nào cũng bỏ hết để ngồi chia sẻ, có khi từ
chiều đến 2-3 giờ sáng. Cũng có những lúc 3 giờ sáng bị dựng dậy, dần
thành chuyện bình thường. Thôi thì không biết bao chuyện của thế gian,
của biết bao con người. Cuối cùng tôi là một cái “kho” buồn vui của
những người xung quanh đấy.
Vấn đề là không bao giờ tôi thấy điều đó là mình bị làm phiền mặc dù có
lúc buồn ngủ lắm. Những người đó thông thường là những người trong hoặc
ngoài giới nghệ sĩ, nhưng đa số là ngoài giới. Tôi nhớ lần Linda Trang
Đài còn tương tư Tommy Ngô, suốt ngày buồn, thương nhớ cậu đó. Đêm, 2
giờ sáng cũng dựng cổ tôi dậy. Câu chuyện thường là làm thế nào để có
được cậu Tomy và làm thế nào để giữ được. Cũng mừng cho họ là cuối cùng
đã có nhau và hạnh phúc trên cả sân khấu lẫn ngoài cuộc đời.
- Vậy còn những lúc chị buồn thì sao, có chia sẻ với tất cả mọi người không?
- Thường thì tôi giấu. Phần vì tôi không thích cho người ta biết nhiều
mình đang như thế nào, phần vì tôi là nghệ sĩ, nhiều khi người ta lại
thích nghe và “lan truyền” những chuyện không mấy vui của mình hơn. Bù
lại bây giờ ông trời cho tôi một cuộc sống rất ít nỗi buồn nên tôi luôn
bình thản chia sẻ với người khác. Có những lúc hát tôi phải tưởng tượng
ra nỗi buồn, nỗi đau từ những người mình chia sẻ đấy chứ. Tuy nhiên, tôi
cũng không phải là người nhàm chán. Đúng hơn, tôi luôn có mức độ với
những buồn vui của mình để cân bằng cuộc sống.
- Nhiều người còn lấy làm lạ, năm 1969, khi Khánh Hà bước vào nghề ca
hát cũng là lúc Sài Gòn đâu đâu cũng những giai điệu buồn của Bolero.
Hầu hết các gương mặt nổi tiếng ngày đó cũng là nhờ dòng nhạc này, và
đặc biệt là những ca sĩ đến từ Đà Lạt như chị. Nhưng tại sao chị lại
chọn nhạc Tây?
- Mẹ tôi thích vậy. Ngay từ nhỏ, bà đã cho con đi học tiếng Pháp và Anh
và các con bà luôn thích hát nhạc ngoại. Mẹ tôi cũng là người phụ nữ lạ,
gần như thích gì được nấy. Từ nhỏ bà thích lớn lên lấy chồng nghệ sĩ và
sinh ra các con là ca sĩ, thì gần như bà được toại nguyện. Rồi thích
các con hát nhạc Tây, tất cả các chị em đều hát, vì theo bà, ca phải
mới, theo các xu hướng thế giới thì mới gọi là hay. Những năm đi hát
trong nước, chị Bích Chiêu, anh Tuấn Ngọc, anh Anh Tú và tôi đều hát
nhạc ngoại. Tôi với mẹ tôi về tính cách lại hoàn toàn không giống nhau
và cũng không mấy hợp nhau, mẹ tôi rất cứng rắn còn tôi thì yếu đuối.
Lớn rồi nhưng lúc nào tôi cũng sợ mẹ và mẹ nói gì cũng nghe răm rắp.
- Kể cả chuyện yêu đương ư?
- Chuyện yêu thì không, mặc dù mẹ luôn cấm cản. Từ thời mới lớn, bà đã
rất cấm đoán trong chuyện yêu đương vì bà luôn sợ tôi đi sai đường.
Nhưng có lẽ càng cấm, càng dễ sai vì “lửa càng che đậy càng rực nóng”
mà. Cứ cấm mãi, nên khi tôi gặp ai là tôi yêu mà không biết mình mù
quáng. Người yêu đầu tiên và cũng là người chồng đầu tiên của tôi, mẹ
cấm dữ lắm. Mẹ tôi nói không xứng và không cho tôi lấy nhưng càng cấm
tôi lại càng thích lấy. Lấy rồi, mẹ tôi giận lắm.
- Cuối cùng thì mẹ đúng hay chị đúng?
- Mẹ…đúng. Có lẽ mẹ trải nghiệm rồi nên mẹ nhìn người không sai. Và cũng
có thể do mẹ cấm nhiều quá nên tôi mới đi sai. Tôi hối hận về cuộc hôn
nhân này mặc dù nó chỉ kéo dài có vài năm. Hồi yêu thì không biết gì,
tôi khờ lắm. 18 tuổi tôi đã lấy chồng. Nhưng khi lấy về rồi mới biết
không hề hợp nhau trong cả cách sống, sinh hoạt hàng ngày đến cách nghĩ.
Khi bỏ nhau rồi, trong chuyện riêng tư mẹ tôi càng “soi” kỹ hơn, vì sợ
tôi lại đi nhầm đường lần nữa. Giờ tôi cũng không muốn nhắc nhiều đến
người này và đến câu chuyện này nữa mặc dù chúng tôi có với nhau một đứa
con, năm nay cũng đã 37 tuổi rồi, đang làm về máy tính và chưa lập gia
đình…
- Phần bị mẹ “soi” nhiều, phần thất bại vì cuộc hôn nhân đầu tiên nên chị quyết định đi Mỹ định cư vào cuối tháng 3-1975?
- Không hẳn vậy. Cứ xem đó là một bước rẽ do số phận đi. Nhưng khi sang
Mỹ, vừa thoát khỏi ông chồng, vừa thoát khỏi sự “quản chặt” của mẹ nên
tôi…sướng lắm. Tôi cũng bắt đầu hát nhạc Việt và tôi nhớ, tôi hát bài
Bay đi cánh chim biển một cách đầy sảng khoái, thấy đời sao mà sung
sướng thế (cười). Chứ hồi ở nhà, đi đâu cũng cảm giác như có mẹ đang ở
sau lưng. Được “tự do” nhưng tôi lại biết giữ mình hơn để không sa vào
lưới nữa.
- Và đó cũng là lý do trong nhiều năm trời trên đất Mỹ, chị chấp nhận sự
cô đơn nuôi con mà không cần một người đàn ông nào bên cạnh?
- Tôi lo cho việc hát và chăm sóc con, thậm chí đôi lúc không còn thời
gian chăm con, cũng phần nữa là chim sợ cành cong nên không nghĩ nhiều
về chuyện yêu, hôn nhân gì nữa. Ngày ngày đi hát, tôi phải gửi con cho
anh Tú vì nhà tôi và nhà anh Tú cạnh nhau, cũng có lúc gửi cho cha đẻ
của nó. Nhưng nói thật, gửi cho ông ấy tôi không hề yên tâm chút nào. Nó
bị bỏ nhà một mình hoài. Có lúc bế thằng bé về mà cả người nó toàn mùi
thuốc lá. Nhiều lúc nghĩ lại mà thấy hồi đó mình cũng có lỗi với nó.
Anh Tú vừa là bác, nhưng vừa như là cha. Mỗi lần nó khóc hay nó hư, gọi
anh Tú là thằng bé im re. Kể cả sau này khi nó ngoài 20 tuổi, nó có thể
cãi mẹ nhưng không dám cãi anh Tú đâu. Nếu không có anh Tú chăm lo nó,
không biết tôi có hát nổi không nữa. Tôi còn nhớ, trong một lần sinh
nhật nó, bạn bè hỏi cha mày đâu, nó chỉ anh Tú. Thấy mà chảy nước mắt.
Số phận chọn Tô Chấn Phong cho tôi
- Một mẹ, một con, hẳn hai mẹ con cũng như hai người bạn và chia sẻ với nhau được nhiều?
- Không biết số mình sao chứ với mẹ đẻ cũng không hợp và với con cái
cũng không hợp lắm. Nó thương mẹ, nhưng không có nghĩa chuyện gì nó cũng
nói với mẹ. 20 năm nay, nó thân với anh Phong và chuyện gì nó cũng nói
với anh Phong. Anh Phong khuyên là nó nghe. Lúc bắt đầu vào Đại học,
chuyện học hành của nó cũng do anh Phong khuyên nhủ. Riêng cha đẻ của
nó, tôi luôn khuyến khích nó gặp mà nó cũng không muốn gặp. Có thể do
anh Phong nói chuyện hay và hoàn toàn có thể chinh phục được nó.
- Vậy ngược thời gian, chị có thể nhắc lại kỷ niệm hồi anh Phong chinh phục…mẹ của con trai chị không?
- Cũng chẳng chinh phục gì đâu. Chúng tôi gặp nhau như duyên số. Lúc đầu
anh Phong mời tôi thu một cuốn Video vào hè năm 1990 với hai ca khúc là
Bài không tên số 8 và Bảy ngày đợi mong thì phải. Chúng tôi vẫn bình
thường, vẫn xưng em gọi chị một cách ngọt xớt. Phong có nói với tôi:
Nghe chị đã lâu mà em cứ nghĩ chị già lắm, không ngờ chị ngoài trông trẻ
thế. Rồi chúng tôi đi ăn với nhau và nói chuyện rất nhiều. Tôi thấy quý
Phong nhưng vẫn giữ một khoảng cách vì dù sao tôi có con đã lớn còn
Phong trông trẻ thế, tôi cũng sợ người ta đồn đại. Tôi còn về nói với
Lưu Bích: “Bích ơi, chị thấy cậu này trông rất được, dễ thương, chị giới
thiệu cho mày nhé!”. Lưu Bích chối đây đẩy: “Chị vô duyên. Em không mai
mối gì đâu. Chị thích thì làm mai cho chị đi”. Rồi chúng tôi tiếp tục
đi ăn, nói chuyện và tình yêu đến lúc nào chẳng hay.
- Có phải từ cuộc tình đẹp của anh chị, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã viết tặng hai người ca khúc Từ muôn kiếp trước?
- Đúng vậy. Ca khúc này được viết khi anh Khanh chứng kiến tình cảm của
chúng tôi dễ thương quá, nên đã dành cho chúng tôi những lời ca rất đẹp.
Chúng tôi chẳng ai chọn ai, mà là số phận chọn. Phong tuy trẻ thật
nhưng rất người lớn, ăn nói điềm đạm, phong thái chững chạc. Còn tôi tuy
lớn tuổi hơn, nhưng tính tình lại con nít. Có những sự “ngược” bổ sung
như thế nên từ bao giờ tự khớp trong cuộc đời nhau.
- Và thế là “xin cho về trọ gần nhau”? Được biết phải mấy năm sau anh
chị mới tổ chức lễ cưới sau một thời gian dài sống chung. Trong khoảng
thời gian đó, thông thường là những thử thách với những cặp nhân tình.
Để đi đến lễ cưới và có nhau đến giờ, anh chị có phải trải qua thử thách
nào không?
- Nhiều lắm. Sống 5 năm chúng tôi mới cưới nhau, nhưng đến năm thứ 3
tưởng là tan rồi đấy chứ. Cuộc sống với nhiều điểm khó hợp, cự cãi, lúc
người này nhịn thì người kia không nhịn và ngược lại. Và cái quan trọng
là tự ái của ai cũng cao, cái tôi của ai cũng lớn nên thấy cái việc
không nhịn là một việc đương nhiên, một điều tất yếu. Đến lúc mâu thuẫn
cao trào nhất thì chúng tôi…nhìn lại. Ơ, có gì đâu chứ? Yêu, vẫn yêu.
Cần nhau, rất cần. Thế tại sao không vượt qua những điều nhỏ nhặt để
sống đúng với những con người đã qua những trải nghiệm nhất định?
Và thế, “chiến cuộc” dịu xuống. Hay đúng hơn những gì cần cãi nhau đã
cãi nhau hết rồi. Những gì cần nói cũng đã nói hết rồi. Thế là chúng tôi
từ từ thấy thương nhau hơn, cần nhau hơn và cuộc sống tương đối phẳng
lặng từ ngày đó cho đến giờ. Chúng tôi có một đứa con chung năm nay cũng
đã 14 tuổi. Bao năm qua, mọi thứ với chúng tôi quen thuộc nhưng mới mẻ.
Phong vẫn hay nói với bố tôi: “Bố ơi, vợ con lấy trai tơ đấy”, đểu thế
chứ, nhưng dễ thương. Nói chung, cuộc sống tương đối dễ chịu.
- Có phải vì cuộc sống dễ chịu như vậy nên trong giọng hát, chị rất cầu
toàn, thậm chí chỉnh chu quá? Có lúc nào chị nghĩ, sẽ phải nổi loạn hơn
chút nữa trong giọng hát thì Khánh Hà sẽ còn tuyệt hơn nữa?
- Anh Phong đôi lúc cũng góp ý với tôi: Honey ơi, chỗ này honey cứ phiêu
thêm chút nữa đi, chênh, phô một chút cũng được nhưng nó thật với cảm
xúc của mình. Tôi cũng nghe và biết cách điều chỉnh đấy chứ. Tôi quan
niệm, tôi đã nổi loạn bao nhiêu năm qua trong giọng hát, nhưng đó là sự
nổi loạn âm thầm. Nhưng cơ bản là tôi biết kìm những cảm xúc của mình.
Có nổi loạn thì cũng làm cho những yếu đuối đàn bà trong giọng hát của
mình thành một mãnh lực nhất định. Còn cho phép mình điên hơn nữa, say
hơn nữa sẽ đâu còn là Khánh Hà? Và lúc đó, chắc gì khán giả còn yêu tôi
như biết bao năm qua?
- Xin lỗi chị về một câu hỏi hơi tế nhị. Có bao giờ anh Phong cảm thấy mình “lép” hơn vợ trong nghề nghiệp không?
- Không. Đúng hơn là anh ấy không quan tâm đến chuyện đó. Trong công
việc của tôi nếu không có anh Phong, dễ gì được như bây giờ? Anh ấy lo
lắng từng li từng tí. Nghĩ từng cách tạo các phân cảnh. Góp ý từng bài
hát. Chụp hình. Rồi làm những việc phụ dù rất nhỏ nhặt nhưng ít nhất làm
cho các sản phẩm của Khánh Hà được tốt hơn và làm cho hình ảnh Khánh Hà
được đẹp hơn.
- Câu hỏi cuối. Nhiều người đã nghe một người đàn bà gần “lục thập” hát
một lúc 20 bài hát mà không phải lấy hơi một chỗ nào trong một live show
như chị quả là một điều ngoài sức tưởng tượng. Làm cách nào để giọng
chị “không sợ thời gian” như vậy?
- Tôi tập thể dục mỗi ngày và tập thở để luôn có được làn hơi dồi dào.
Bên cạnh đó, anh Phong luôn biết cách điều tiết mọi sinh hoạt hàng ngày
giúp tôi để tôi giữ được làn hơi khỏe. Live show mà anh nhắc tới, đến
giờ tôi vẫn không hài lòng vì thực tế tôi chỉ hát được tầm 70% sức lực
thật của Khánh Hà thôi.
- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Khánh Hà Collection
http://www.fshare.vn/file/TB1TW6Z5KT
HDVietnam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét