Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

GÃ SI TÌNH NẶNG NGHIỆP CẦM CA: ÚT TRÀ ÔN VÀ TÌNH ANH BÁN CHIẾU

Thứ Năm, 24/05/2012 23:59

NSND Út Trà Ôn khi đã chơi thì ngông lắm nhưng hễ làm nghề là hết mình

Năm 1959, “đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn kết thúc hợp đồng độc quyền ở hãng dĩa Hoành Sơn, về đầu quân cho hãng dĩa Hồng Hoa. Bà chủ hãng dĩa này kêu tôi tới bàn: “Anh Bảy nè, anh Mười chịu ký hợp đồng độc quyền với hãng mình rồi, vậy anh mau viết bài ca để thu, phải làm cho thị trường náo động”.
“Hoàng đế vọng cổ”
Tôi lục trong trí nhớ, tìm kiếm lại những mẩu chuyện đời mà mình đã tích lũy trong cả mớ nỗi niềm của người nghệ sĩ (NS). Tôi chợt nhớ một lần đi từ Bạc Liêu về Sài Gòn, tới chợ Phụng Hiệp thì xe hơi hư máy, phải đậu lại sửa. Khi ngồi nghỉ, tôi thấy một anh chàng ôm đôi chiếu bông đứng mệt nhọc giữa trưa nắng như chờ ai trước một căn nhà đóng kín, xa xa lại có một đám cưới.

NSND Út Trà Ôn (phải) và NSND Viễn Châu thời trai trẻ. Ảnh tư liệu của NSND Viễn Châu
Nhân đây, tôi cũng xin nói rõ về chất liệu hình thành câu chuyện Tình anh bán chiếu, bởi một số tờ báo trong và ngoài nước đã hư cấu quá đà. Khi đó, tôi chỉ nhìn chứ chưa hề nói chuyện với anh bán chiếu câu nào. Một số báo bịa ra chuyện tôi đến hỏi thăm, rồi mới biết anh từ Cà Mau đem chiếu lên Phụng Hiệp giao nhưng cô chủ nhà đi đâu mất biệt.
Chuyện chỉ có vậy nhưng với con mắt của người viết, tôi nhìn anh bán chiếu và nghĩ ngay đến một mối tình, rồi tự hỏi tại sao mình không cho anh bán chiếu mang tâm trạng hụt hẫng trước một tình yêu đơn phương? Thế rồi, tôi đã viết liền 4 câu hò khi nghĩ tới “món nợ” với anh Mười mà mình đã nhận với bà chủ hãng dĩa: Hò ơi, chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm/ Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu/ Chiếu này tôi chẳng bán đâu/ Tìm cô không gặp/ Hò ơi, tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm.
NSND Út Trà Ôn và NSND Viễn Châu (ảnh do NSND Viễn Châu cung cấp)
 
Tôi đã viết kịp bài vọng cổ Tình anh bán chiếu để anh Mười thu dĩa. Hồi đó, báo giới Sài Gòn đã phong cho anh Mười là Hoàng đế vọng cổ khi dĩa Tình anh bán chiếu được tái bản liên tục.
Giọng ca thiên phú
Năm 1960, ký giả Trần Tấn Quốc tổ chức cuộc trưng cầu ý kiến khán giả trên nhật báo Tiếng Dội và anh Mười chiếm đầu bảng với danh hiệu Đệ nhất danh ca miền Nam; còn Đệ nhất danh ca miền Bắc là NS Huỳnh Thái ở Hà Nội.
Tôi biết NSND Út Trà Ôn trước đó nhưng ít có dịp tiếp xúc, chỉ nghe anh ca bài Tôn Tẩn giả điên mà đã thấy nể vì chất giọng điêu luyện. Sau này, khi cộng tác với Đoàn Kim Thanh - Út Trà Ôn, có dịp trao đổi, làm việc, tôi thật sự kính mến nhân cách người NS, đặc biệt là giọng ca thiên phú của anh Mười.
NSND Út Trà Ôn và NSND Kim Cương (ảnh Thanh Hiệp)
Anh Mười luôn cầu tiến. Cách rèn giọng của anh được người trong nghề kính phục vì biết tạo âm vực đủ để khi phát âm tròn vành, rõ chữ. Anh còn có khiếu sắp văn chẻ nhịp... Nếu lắng nghe NSND Út Trà Ôn ca và có óc phân tích, bạn sẽ nhận biết ngay thế mạnh của anh trong câu vọng cổ chính là chữ “hơ” điêu luyện và dấu sắc, dấu hỏi chất chứa sự “giàu có” của làn hơi.
NSND Út Trà Ôn trong vở Giấc mộng đêm xuân (ảnh Thanh Hiệp)
Anh Mười khi đã chơi thì ngông lắm nhưng hễ làm nghề là hết mình. Trước khi diễn, anh vẽ cặp chân mày đến 2 giờ. Hồi anh làm đoàn hát, NSƯT Diệu Hiền được tăng cường về hát chánh. Một lần, Diệu Hiền vô câu vọng cổ: Cha ơi con biết mình đã làm nên tội. Ơn của cha con ngàn đời ghi nhớ khi cha đã hy sinh cho con có một cuộc sống đủ… đầy. Vậy mà, nhìn thần sắc của anh Mười, Diệu Hiền sợ quá nên quên lời, thay vì “đủ đầy” thì cô lại ca... “đẩy đù”. Anh Mười tức giận xô cô té nhào xuống dàn đờn.
Bị Hồng Nga chơi khăm
Út Trà Ôn rất khoái chơi số đề. Người “thường trực” nằm mộng cho số để anh Mười đánh đề không ai xa lạ chính là NS Hồng Nga. Lúc đó, Hồng Nga còn bé xíu, đen đúa, mập ú, được nhận vào đoàn hát để phụ việc lặt vặt cho anh Mười. Siêng năng nhưng rất lí lắc, biết thần tượng thích chơi đề, cô bày ra trò nằm mơ báo mộng để anh Mười bàn số.
Một buổi sáng, anh Mười hỏi Hồng Nga: “Tối qua, mày nằm chiêm bao thấy cái gì?”. Hồng Nga thưa: “Dạ, tối qua con không nằm mơ”. Anh Mười tức giận: “Tao ra lệnh bây giờ mày phải đi ngủ để chiêm bao, rồi cho tao biết số mà ghi đề”. Hồng Nga leo lên giường ngủ một giấc tới trưa rồi bật dậy, bịa: “Con gặp vua huỳnh đế, ông ấy cho 5 xu”. Anh Mười gãi đầu: “Làm gì có ông vua huỳnh đế nào, chắc là con cua huỳnh đế”. Anh bàn số rồi ghi đề... Chiều đó xổ số trật lất, Hồng Nga trốn biệt. Từ ngày biết bị cô bé giúp việc chơi khăm, anh Mười nghỉ chơi đề luôn.
Sau NSND Út Trà Ôn, nhiều nghệ sĩ tài danh đã thể hiện bài Tình anh bán chiếu - NSƯT Thanh Sang quay video bài ca cổ này năm 1998 (ảnh Thanh Hiệp)
NSƯT Vũ Linh đã đặt hàng soạn giả Viễn Châu viết hẳn một kịch bản Tình anh bán chiếu để anh diễn quay video năm 2000 (ảnh Thanh Hiệp)
 
Hồng Nga thường tìm cách chọc ghẹo anh Mười trong những tình huống gay cấn. Lúc diễn vở tuồng Tuyệt tình ca, Hồng Nga  - đóng vai bà giáo Lan - nắm tay anh Mười - vai ông cò - rồi ém hơi nói nhỏ: “Bàn tay này chơi xập xám hoài coi chừng có ngày bị cảnh sát hỏi thăm”. Đang lúc diễn đoạn ông cò gặp lại người vợ sau nhiều năm xa cách, không thể phản ứng gì mà phải tỏ ra mùi mẫn, lâm ly, anh Mười chỉ biết đưa mắt “căm hờn” trừng Hồng Nga. Sau lớp diễn, anh Mười vào hậu trường tìm thì Hồng Nga đã trốn biệt, tới lớp mới lại lò dò ra sân khấu...

“Sống” nhờ Tình anh bán chiếu
Khi đã ở tuổi 80, NSND Út Trà Ôn vẫn đi ca trong các chương trình cổ nhạc mà Bích Phượng, con gái anh, tổ chức. Có lần gặp nhau, anh khoe: “Anh Bảy nè, hồi trẻ tui diễn biết bao nhiêu tuồng nhưng tới tuổi này chỉ “sống” nhờ vào mấy câu vọng cổ Tình anh bán chiếu của anh”.
Đi xe chung với nhiều người khiến anh mệt. NSND Ngọc Giàu và NS Kim Ngọc xáp lại rầy Bích Phượng: “Mày biết ba lớn tuổi rồi mà sao đi hát cứ kéo ổng theo hoài?”. Bích Phượng mếu máo: “Để ở nhà, ba đâu có chịu”. Vậy mà hễ tới nơi, bước lên sân khấu là anh Mười nhất định phải ca đủ 6 câu vọng cổ mới chịu xuống.
 
NSND VIỄN CHÂU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét