Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

GÃ SI TÌNH NẶNG NGHIỆP CẦM CA: KHO BÁU ĐẦU ĐỜI

Thứ Tư, 23/05/2012 10:05

Tôi ôm xấp kịch bản, lật từng trang bản thảo. Những ghi chú cẩn thận của anh Năm Châu là cả một kho báu mà tôi đang muốn tìm chìa khóa để mở ra, để “vơ vét” cho thỏa lòng ham thích

“Chú phải theo tôi về Trà Vinh, không sống cái kiểu rày đây mai đó được” - giọng anh Huỳnh Thanh Tòng, anh Sáu của tôi, cương quyết. Dù nể anh nhưng đụng đến nghề mà tôi si mê, tôi vẫn cãi: “Anh về trước đi, mai tui về”. Anh Năm Châu lên tiếng: “Thôi, tía nó về quê đi, đừng để ba mẹ buồn”.
Sang trọng, quý phái
Xách cây đờn lên, tôi ngậm ngùi hẹn anh Năm Châu: “Rồi tui sẽ tìm anh”. Tôi chỉ kịp nhìn đôi mắt sáng rực và nụ cười quen thuộc của anh. Cũng dáng vẻ đó hôm nào đã ban cho tôi niềm vui sướng khi một thanh niên còn quá trẻ, có chút năng khiếu về đờn tranh, từ dưới Trà Vinh lên Sài Gòn lập nghiệp đã được anh nhận vào Đoàn Việt kịch Năm Châu.
Anh Năm thường nhận xét: “Tía nó đờn hay lắm”. Tôi rất mừng vì anh khen chân thành và động viên, khích lệ. Trong tuồng Hoa rơi cửa Phật (Trần Hữu Trang viết dựa theo tác phẩm Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan, sau đổi là Lan và Điệp), lúc Lan xuống tóc đi tu có ca bài Tứ đại oán, anh Năm đề nghị: “Tía nó nhấn cho đúng chữ và tui chỉ muốn nghe mỗi tiếng đờn tranh của tía nó ở lớp này”. Quả thật, lớp diễn ấy hiệu quả vô cùng.
NSND Bạch Tuyết chúc mừng 3 nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm năm 1964: Diệp Lang, Thanh Sang, Lệ Thủy (ảnh tư liệu)
 
Vở Khi người điên biết yêu (anh Năm Châu viết với Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở) có 30 câu vọng cổ, 16 bài bản, 4 ngâm lối và chủ yếu là thoại kịch. Tôi được anh Năm rót vào hồn những câu thoại mang tính văn học. Cải lương sang trọng, quý phái là từ anh mà ra!
Tôi ôm xấp kịch bản của chuyến lưu diễn cùng Đoàn Việt kịch Năm Châu, lật từng trang bản thảo được gạch nhịp chính xác mỗi câu xuống xề, xuống hò. Những ghi chú cẩn thận của anh Năm là cả một kho báu mà tôi là kẻ đang muốn tìm chiếc chìa khóa để mở ra, để “vơ vét” cho thỏa lòng ham thích.
Mẹ vẫn đợi con về
Ngày lên Sài Gòn, tôi chỉ có bộ quần áo dính da, đôi dép và cây đờn, nay về cũng vậy nhưng có thêm gia tài là những kịch bản mà anh Năm Châu cho và cây đờn tranh chở nặng nỗi lòng của một chàng trai Đôn Châu có máu phiêu lưu.
Gặp lại tôi, mẹ khóc, ôm tôi rầy: “Sao bây đi mà không xin phép, ba giận”. Tôi khoanh tay, quỳ xuống: “Thưa ba mẹ, con sai rồi”. Ba định rầy điều gì đó nhưng thấy mẹ tôi khóc quá nên bỏ vô buồng. Mấy chị lôi tôi đi chỗ khác.
Soạn giả Viễn Châu (bìa phải) và các nghệ sĩ trong Đoàn Việt kịch Năm Châu (Ảnh tư liệu của NSND Viễn Châu)
Buổi cơm chiều hôm đó thật nặng nề... Bỗng dưng, ba tôi lên tiếng: “Bây theo gánh hát, người ta đối đãi đàng hoàng không?”. Tôi bèn thưa hết mọi chuyện. Chẳng những không rầy la mà ba còn kêu tôi đờn vài bản cho ông nghe, coi tôi đã học được thứ gì. Đó là lần đầu trong đời và cũng là lần duy nhất, tôi đờn cho ba mẹ nghe.
Cố NS Văn Ngà, NS Khánh Tuấn và NSƯT Hùng Minh trong vở Tiếng trống Mê Linh (ảnh Thanh Hiệp)
 
Tối đó, mẹ ngồi dưới ánh trăng ngoài sân chải tóc. Chị Năm khều tôi: “Chú đi xa, đêm nào mẹ cũng ra đó ngồi tới khuya mới chịu vô ngủ, ba hỏi thì mẹ nói đợi chú về”. Tôi khóc, biết mình đã làm cho mẹ phải buồn vì thương nhớ. Mẹ luôn sống nội tâm, không dám thốt lên lời vì ba tôi rất nghiêm nghị nên mỗi lần nhớ con, bà chỉ để cho ánh trăng hiểu được... Hình ảnh và tâm tư của người mẹ ngồi chờ con về trong đêm được tôi đưa vào bài ca cổ Mẹ vẫn đợi con về, sau này NSND Ngọc Giàu đã diễn đạt đúng tâm trạng của tôi ngày đó.
Vở đầu tay: Hồn dân tộc
Ở nhà được hơn một năm, tôi theo anh Sáu gia nhập Đội Thanh niên Tiền phong của làng. Lâu nay, hầu hết các bài báo viết về tôi đều cho rằng kịch bản Nát cánh hoa rừng là tác phẩm đầu tay nhưng ít ai biết vở đầu tiên tôi viết là Hồn dân tộc.
NS Tấn Tài và Ngọc Giàu trong vở cải lương Cô gái Đồ Long (ảnh tư liệu)
Anh Sáu vốn hăng hái lắm, tích cực kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Tôi theo anh làm nhiều việc, như in truyền đơn, chuyển vũ khí... Rồi anh bị giặc bắt, bị tra tấn dã man nhưng đã tự ải để che giấu bí mật của Đội Thanh niên Tiền phong. Anh tôi đã ra đi theo tiếng gọi của hồn dân tộc. Nhân vật trong kịch bản đầu tay của tôi, một chiến sĩ trẻ quyết hy sinh để bảo vệ xóm làng, chính là viết về anh trai mình.
NS Thanh Loan, NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu và NSƯT Ngọc Đáng trong chương trình tôn vinh soạn giả Viễn Châu do Nhà hát CL Trần Hữu Trang tổ chức năm 2008 (ảnh Thanh Hiệp)
Chiến sự nổi lên, giặc đốt cháy cả làng tôi. Anh rể tôi bị bắn chết, rồi anh Sáu mất, gia đình lâm cảnh ly tán, ba giục tôi phải trốn đi. Một lần nữa, tôi lạy từ ba mẹ, chia tay các chị rời khỏi làng quê. Họ tên Huỳnh Trí Bá mà ba mẹ đặt cho tôi được thay bằng ba chữ lạ xa: Trương Ánh Truyền.
Điểm tới của tôi trong chặng đường phiêu bạc mới không phải Sài Gòn mà là Vĩnh Long. Ở Vĩnh Long, hằng ngày tôi dò la gánh hát của anh Năm Châu. Biết anh đang ở Đoàn Cải lương Con Tằm, tôi vội tìm đến…
Bạch Thu Hà. Sáng tác: Viễn Châu
 
Tân cổ Lan và Điệp
Hai năm lao tù
Trong Đoàn Con Tằm có một đội tuyên truyền cách mạng do anh Năm Châu và soạn giả Trần Hữu Trang lãnh đạo. Sau này, tôi mới biết đoàn không chỉ in ấn truyền đơn mà còn vận chuyển vũ khí cho anh em trong khu kháng chiến.
Một dạo đoàn nghỉ hát, tôi về phụ anh bạn là tài xế xe khách chạy lục tỉnh xé vé mỗi sáng. Một bữa đang đi đến chợ Bình Tây, đột nhiên xe thắng gấp, lính Pháp sấn lại. Một thanh niên là khách thường xuyên đi lục tỉnh vội ôm giỏ bỏ chạy. Lính Pháp bắn anh ngã gục, rồi lục trong giỏ thấy 6 quả lựu đạn. Hóa ra, anh là người vận chuyển vũ khí cho khu kháng chiến.
Lính Pháp lôi tôi cùng 3 người trên xe về bót Catinat. Tôi bị chúng treo ngược lên đánh, giam 18 ngày nhưng không khai thác được gì vì thực tế, tôi có biết gì đâu! Giai đoạn này, anh Năm Châu muốn thử thách tôi nên chưa giao nhiệm vụ. Sau đó, chúng giải tôi về nhà tù Cẩm Giang - Tây Ninh giam 2 năm.
Đến năm 1949, chúng phải trả tự do cho tôi. Về Sài Gòn, một lần nữa tôi đổi họ tên thành Trương Văn Bảy…
NSND Viễn Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét