Thứ Năm, 24/05/2012 00:59
Tiếng lành đồn xa, lại có thêm sự cộng hưởng từ lời giới thiệu uy tín của anh Năm Châu và chị Kim Cúc, tôi được “bà bầu của các ông bà bầu” Nguyễn Thị Thơ mời về viết tuồng cho Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga
NSƯT Thanh Nga lúc sinh thời. Ảnh tư liệu của NSND Viễn Châu
Năm
1950, tôi mới trở lại gặp anh Năm Châu, lúc đó gánh hát Con Tằm đã đổi
bảng hiệu là Đoàn Việt kịch Năm Châu. Lúc này, đoàn có thêm các nghệ sĩ
(NS): Văn Lang, Hoàng Kinh, Ngọc Đán, Thừa Vĩnh, Văn Lâu, Ba Thâu, Sáu
Huề…
Cải lương Thật và Đẹp
Ngày
tôi về, Đoàn Việt kịch Năm Châu bắt đầu diễn các tuồng: Dân chúng trước
pháp luật, Tuyết băng và bạo lực, Cách Lan Phương Tử, Gió ngược chiều…
Anh Năm Châu lấy tích tuồng từ các sách truyện của Pháp, Anh để chuyển
thể cải lương và bắt đầu khai sáng trào lưu cải lương Thật và Đẹp.
Một
lần, thấy tôi mân mê cuốn tuồng của anh, lật tìm những bài bản để gạch
nhịp rồi lẩm bẩm ca, Năm Châu hỏi: “Tía nó có thích viết tuồng không?”.
Thấy tôi gật đầu, anh nói: “Sao tía nó không thử?”. “Tui có thích nhưng
nghĩ mình không đủ sức”. “Chưa
thử sao biết không đủ sức. Tía nó rành bài bản, có khiếu văn chương,
bước đời ít nhiều đã trải qua sóng gió... Viết đi, tui sẽ góp ý” - anh
khích lệ.
Chính
anh Năm Châu đã cho tôi niềm tin vào khả năng để tự tin thử sức. Tôi đi
theo chủ trương của anh - sân khấu cải lương phải thật và đẹp. Điểm tựa
của tôi là đọc và biết chắt lọc những nét đẹp từ tiểu thuyết văn
chương. Tôi say mê đọc những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng và tập
hành văn theo sự tinh túy mà mình chắt lọc được. Từ kho tàng này, tôi
đem vào kịch bản, đưa vào bài ca vọng cổ, cố gắng nâng chất văn học lên
để những tinh hoa đượm thêm hồn quê, rứt tim nhỏ máu mà đi vào lòng công
chúng mộ điệu.
Kịch
bản đầu tay ở giai đoạn chuyên nghiệp mà tôi đã viết là Nát cánh hoa
rừng. NS Kim Cúc lúc đó đóng vai chánh, anh Năm Châu đọc rồi cho hát
liền, không sửa một chữ, còn vỗ vai tôi khen: “Tía nó viết được đó, tiếp
đi!”.
“Tía nó” ra riêng
Tôi
quyết định đổi nghệ danh Viễn Châu từ ngày khai trương vở Nát cánh hoa
rừng. Tôi nghĩ mình mang thân viễn xứ, lìa quê cha, đất mẹ đi bôn ba
khắp nơi, chữ “Viễn” để nói lên nỗi lòng của một kẻ vì hoàn cảnh, thời
cuộc mà phải xa nhà, ghép với chữ Châu - Đôn Châu, nơi chôn nhau cắt rốn
- để làm nghệ danh sáng tác. Hồi đó ở Sài Gòn, người trong nghề luôn
nhắc đến bộ ba danh cầm: Năm Cơ, Văn Vỹ và Bảy Bá nhưng chỉ mỗi mình tôi
rẽ sang nghề sáng tác.
Cố NSƯT Thanh Nga, NSND Phùng Há và NS Hữu Phước trong vở Đời cô Lựu (ảnh Huỳnh Công Minh)
Sau
Nát cánh hoa rừng, tôi có động lực để viết thêm nhiều tuồng trên sân
khấu Đoàn Việt kịch Năm Châu: Con Tấm - con Cám, Đường ra biên ải, Bến
đò ma, Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng… NS Kim Cúc khoái cách hành văn
trong bài vọng cổ của tôi, bảo chỉ đọc qua một lần là thuộc làu, rằng
dường như tôi “đi trong gan, trong ruột của người ca”. Tôi thì nghĩ
khác, chính vì cái tên Viễn Châu đã khiến tôi phải tự trọng với ngòi bút
của mình.
Năm
1955, tôi đã có được tên tuổi, được anh em NS tín nhiệm, uy tín ngày
càng khẳng định. Các hãng dĩa và bầu đoàn tìm tới mời tôi về ký công tra
(hợp đồng) làm tác giả thường trực. Thấy tôi còn phân vân, anh Năm Châu
vỗ vai: “Tía nó ra riêng đi, đã tới lúc phải tự đứng mà tung hoành cái
tài của mình”. Tôi rất mừng và cảm động.
Tạo cú đột phá cho Thanh Nga
Chia
tay Đoàn Việt kịch Năm Châu, tôi về cộng tác với Đoàn Kim Thanh - Út
Trà Ôn. Tôi đã sáng tác kịch bản Tình vương hoa thắm khai trương đoàn
này, có các đào, kép tham gia: Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thanh Tao, Thúy
Nga. Sau đó, tôi sung sức viết hàng loạt vở tuồng lấy chuyện xưa nói
chuyện nay: Viên ngọc rắn thần, Bèo dạt mây trôi, Tình anh lính chiến,
Hoa rụng giữa thiền môn, Dưới bóng Phật đài…
Cố NSƯT Thanh Nga (ảnh do SG Viễn Châu cung cấp)
Tiếng
lành đồn xa, lại có thêm sự cộng hưởng từ lời giới thiệu uy tín của anh
Năm Châu và chị Kim Cúc, tôi được “bà bầu của các ông bà bầu” Nguyễn
Thị Thơ - thân mẫu của cố NSƯT Thanh Nga và danh hài Bảo Quốc - mời về
viết tuồng cho Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Bầu Thơ là người trọng dụng
soạn giả, chủ trương trả lương tháng để anh em yên tâm. Lúc này, tôi đã
viết các tuồng mà số lượng vé bán được xem là kỷ lục: Người yêu của
hoàng thượng, Yêu nữ thần, Thiên thần trên thiết mã, Người nữ cứu
thương, Tình nở Đào hoa thôn, Kiếp hoa tàn…
NSƯT Thanh Nga chúc mừng HCV triển vọng Thanh Tâm 1966 - NS Phượng Liên (ảnh do NS Phượng Liên cung cấp)
Khán
giả đến xem Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga thường mang theo về những câu
ca mà tôi viết. Nghĩ cũng vui! Các đào, kép chánh của Đoàn Thanh Minh -
Thanh Nga thời đó gồm: Thành Được, Út Bạch Lan, Thanh Nga cùng dàn bao
hát vai phụ toàn là những NS thượng thặng: Ba Vân, Hoàng Giang, Kim
Giác, Trường Xuân, Văn Ngà, Ba Xây…
Hoa Mộc Lan. Sáng tác: Viễn Châu
Khi
tôi về đoàn, để tạo cú đột phá cho Thanh Nga sau khi cô đã đoạt HCV
giải Thanh Tâm năm 1958, bà bầu Thơ đã đặt hàng tôi phải viết các kịch
bản lăng xê con gái bà. Vì thế, tôi đã sáng tác Hoa mộc lan, Chuyện tình
Hàn Mạc Tử…
Sống mãi những danh hiệu
Trong
giới nghệ thuật cầm ca, nghệ danh được khán giả đặt tức là lộc của Tổ
ẩn ý ban tặng cho đứa con cần cù, chăm chỉ, được bà con thương. Không ít
danh hiệu mà khán giả tặng cho NS sống mãi cho tới ngày nay: Đệ nhất
danh ca Út Trà Ôn, Hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài, Ông hoàng cải lương Thành
Được, Hoàng tử sân khấu Minh Phụng, Đệ nhất đào thương Thanh Hương, Sầu
nữ Út Bạch Lan, Kiều nữ Bích Sơn, Kỳ nữ Kim Cương, Vua vọng cổ hài Văn
Hường, Vua xàng xê Minh Chí, Vua Tao Đàn Thanh Hải, Giọng ca lụa trải
nhung căng Ngọc Giàu, Giọng ca thánh thót chuông ngân Lệ Thủy, Nữ quái
kiệt Kim Ngọc, Khôi nguyên Vọng cổ Minh Vương, Cải lương Chi bảo Bạch
Tuyết… mà tôi sẽ lần lượt đề cập trong hồi ký của mình.
|
NSND Viễn Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét