[XPERIA XZ2] ẢNH CHỤP BẾN CÁ LONG HẢI - BÀ RỊA NHỘN NHỊP ĐỦ SẮC MÀU
Nếu từ Saigon, bạn có thể đi xe máy từ 2 giờ sáng, tới bến cá Long Hải
(Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 4 - 5 giờ sáng. Bắt đầu chụp là cảnh nhộn
nhịp chợ cá đầu mối chuyển đi các tỉnh thành tiêu thụ, và khi bình minh
lên thì xuống bãi biển chụp cảnh ghe thuyền đánh cá cua ghẹ vào bờ. Chụp
xong là khoảng 9 giờ lên bờ ăn sáng, nghỉ ngơi chút là có thể chạy trở
về lại Saigon trong buổi chiều. Mình đi chụp hình bến cá này vài lần,
đây là lần đầu chỉ chụp bằng điện thoại - Sony Xperia XZ2 - Xin kể theo trục thời gian cho anh em dễ theo dõi.
Mình để đồng hồ đánh thức với dự định là 2 giờ sáng xuất phát, nhưng
nướng chút thành ra 5 giờ mới tới nơi. Đường dễ đi, cứ thẳng một đường
là tới. Tới nơi, ghé các tiệm cafe đêm gửi xe rồi đi chụp chợ cá. Cảnh
kéo xe, giao hàng thu mua, người qua người lại, tiếng la tiếng nói ra rã
... nhộn nhịp hoa mắt rất dễ hoang mang không biết là phải bắt đầu từ
đâu, chụp gì.
Chụp tấm này, ánh sáng chập choạng đèn neon. ISO lên tới 2000 mà tốc độ
màn trập phải xuống tới 1/15s, coi thử tấm hình, thấy hơi bất ngờ Xperia XZ2
chụp thiếu sáng quá tốt. Nên tự tin đi chụp luôn một vòng chợ. Có nhiều
tấm nhiễu hạt không dùng được do chợ sáng quá yếu, nhưng đa số tốt.
Cô này cho mình biết là hôm nào cá nhiều thì từ 1 giờ sáng chợ đã tấp
nập rồi. Cá từ Phan Thiết cũng tập kết về đầu mối này để chuyển đi các
nơi khác.
Người dân nói với mình là hôm nay không có nhiều cá. Hôm kia mới nhiều.
Hôm nay ít và giờ hết ghe cá vào bờ rồi. Muốn chụp thì hôm khác xuống
lại.
Ướp cá vào hộp để chuyển đi xa. Đôi tay của các cô gái này thoăn thoắt
rất nhanh, công được nhận tính bằng số lượng hộp cá xếp được.
Mình có chuyển qua chế độ thủ công (Manual) chụp thử một tấm, với ý tạo
vệt mờ đôi tay ... giảm tốc độ màn trập xuống 1/4 giây thì được vầy.
Các chủ vựa dường như là có mối lái sẵn. Tầm giờ này thì đã chuyển đi gần hết rồi. Số còn lại bán cho các người buôn ở chợ gần.
Những người phu dọn xếp cá, đóng ướp cá thuê cho các vựa.
Tàn chợ thì họ cũng hết việc. Một số thì trở về, số khác thì chờ ghe thuyền nhỏ vào bờ tiếp tục gánh thuê từ biển vào bờ.
Sau khi ở chợ cá, cách đó khoảng vài chục mét là bờ biển. Đi xuống đó
mới biết đúng là hôm nay không có cá. Hỏi thăm vài người thì không còn
chiếc ghe cá nào vào bờ nữa... hơi buồn vì đã cất công chạy xuống. Một
cô nọ đi lấy nước biển nuôi cá, nói là ráng chờ khoảng 8 giờ thì có
thuyền ghẹ vào. Oh, cũng được
Biển Long Hải sáng hôm đó vắng một cách lạ lùng, nhưng ráng trời bình minh thì rực lửa.
Mấy vũng nước đọng lại khi biển ròng cũng có thể mày mọ chụp đỡ buồn.
Có chiếc xe máy chạy ngang qua
Chị gánh nước biển lên đổ vào một cái thúng, để tí nữa cá về họ rửa cá.
Những người đàn ông vừa kéo một chiếc thúng chai lên bờ
Chẳng biết ai, thấy mang cả sổ sách kẹp nách, đến bàn bạc gì đó, nhìn lên trời, ra biển, xuống đất, rồi kéo nhau đi...
Người nhà, người thu mua, lái buôn... bắt đầu xuống biển chờ ghe cá vào bờ.
Đây là một gia đình có ghe kéo giã nhỏ.
Bắt đầu một phiên chợ muộn
Anh chủ ghe, neo thuyền thúng rồi vào bờ cùng người nhà.
Rồi liên tiếp ghe thúng lưới ghẹ và giã cào cũng vào bờ. Cảnh tấp nập trên bờ xuất hiện
Các chủ ghe khuân các giỏ cá ghẹ thu hoạch được vào bờ, hoặc họ thuê người khuân gánh cho họ.
Lái buôn sẽ chọn mua rất nhanh các thúng, giỏ cá từ ngoài ghe thúng đưa vào bờ.
Có lái buôn có người để vận chuyển riêng hàng mua được từ biển lên vựa của mình.
Còn đây là gánh thuê cho các lái buôn. Gánh từ dưới bãi thu mua lên bờ hoặc vựa đóng ướp đá.
Không thì họ tự khuân luôn sau khi mua được hàng.
Cảnh giao dịch diễn ra ngay bờ biển, rất nhanh và dường như có quy định nào đó, không lái nào giành với lái nào cả.
Cứ mỗi một ghe nào về, khi thúng chai vận chuyển cá, ghẹ ... vào đến bờ
là cảnh này lại diễn ra. Nếu cứ mãi chụp là chụp hoài đầy bộ nhớ luôn
thôi.
Đưa máy vào gần đối tượng, Camera tự nhận đối tượng gì đó, kiểu như AI,
trên Xperia là A+ nó xoá mờ hậu cảnh một chút như vậy cũng hay.
Mặt trời đã lên, ánh sáng đã chuyển sang trắng, chợ cá vẫn còn tấp nập, nước biển càng lúc càng lớn khá nhanh.
Mình theo một ông chú gánh thuê, định hỏi thăm thêm mà thấy chú vội vàng nên chưa hỏi gì được
Lên bờ đổ cá vào thúng là lại xuống nhận gánh mới
Có nhà kéo xe riêng lên vựa đóng đá chở đi tỉnh thành
Nghe em gái này nói với bé nhỏ là sao không ở trên với bà ngoại mà lon ton xuống đây làm chi.
Chụp liên tiếp 32 tấm làm gif
Cũng phụ xách được cái bạt
Anh chủ tàu cá, ai làm gì làm, anh ôm cái giỏ đồ ăn lên bờ về.
Cô nói với mình là cô mua 70 ngàn, cho khách trên kia ăn. Chắc cô là chủ quán gì đó.
Hạ thuỷ một chiếc thúng chai
Lựa riêng ra mỗi loại
Cột dây hai càng ghẹ lại
Ghẹ kẹp chân nào thì lấy chân nó chọt vào mắt bên kia nó sẽ nhả ra ngay
Anh vừa cột vừa nói mua ghẹ mà ăn, không sợ thuốc hay tẩm ướp gì cả. Mua ở đây là hoàn toàn yên tâm.
Những đứa trẻ trong nhà họ cũng đi theo ra biển từ sớm
Khi hết ghe thuyền vào bờ, chợ mua bán với thương gia cũng tàn, chỉ còn
các gia đình lưới ghẹ nhỏ tụm lại phân loại những gì còn lại.
Khi mình chuẩn bị lên thì cũng khoảng 8:30 sáng. Lên quán nước trên bờ
ngồi một lúc rồi mới ra lấy xe đi kiếm chỗ ăn sáng. Có xem lại ảnh ngay
lúc đó, có vài ý thế này khi chụp bằng Xperia XZ2:
- Xử lý nhanh và lấy nét rất nhanh -
- Độ phân giải camera chính: 19MP
- Chip xử lý IPS (công nghệ ghép chồng)
- Chế độ A+ (Auto) hoàn toàn có thể đáp ứng mọi hoàn cảnh chụp. Chụp thiếu sáng tốt.
- Thanh +-EV và thanh chỉnh Color nhanh trên giao diện rất nhạy và hữu dụng thực tế
- Chế độ chụp liên tiếp (Burs) không tốt, ảnh không nét và mất chi
tiết nhiều. Không nên dùng chế độ này nếu không phải vì bắt buộc. Mình
bị mất nhiều tấm vì nghĩ chụp Burst tốt, vì xem trên màn hình điện thoại
thì thấy ổn.
- Nút cứng: khởi động camera, lấy nét nửa nút, bấm chụp single shot,
liên tiếp... mình rất thích, kiểu như Lumia ngày trước. Nhất là đi chụp
đời thường, đường phố... tiện, nhanh, hiệu quả nhất trong các loại khởi
động và chụp khác.
- Tổng kết chung thì phải nói là Xperia XZ2 có camera đã rất tốt, cải
tiến rất nhiều, trải nghiệm rất thích và cảm hứng chụp hơn các phiên bản
trước rất nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét