Nếu tháng ba rộn ràng chuyện một con khỉ khổng lồ ở Ninh Bình, thì tháng tư ắt hẳn sẽ ưu ái những con người Việt Nam thấp bé hiền hòa lang thang nơi ngoại quốc. Không ồn ào, náo nhiệt, xuất hiện với một trailer đầy những cảnh hoài cổ xen lẫn với cái lạnh xứ người, bộ phim Dạ cổ hoài lang hứa hẹn sẽ mang tới cho khán giả nhiều tâm tư lắng đọng qua cái nhìn của những người xa xứ.
Ngay từ cái tên của nó, Dạ cổ hoài lang đã gợi cho chúng ta nhớ về bài ca kinh điển của nền cổ nhạc Việt Nam. Nếu bạn chưa biết thì Dạ cổ hoài lang là tên của một bài vọng cổ được cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác. Đây là một trong những bài ca phổ biến, kinh điển, thể hiện nỗi nhớ chồng của người con gái, lấy cảm hứng từ hoàn cảnh sống và những éo le trong cuộc đời hôn nhân thật của chính tác giả.
Thực ra thì ban đầu Dạ cổ hoài lang chỉ là một bài nhạc, nhưng sau này thì được phát triển thành vọng cổ, đóng vai trò quan trọng trong sân khấu cải lương, đờn ca tài tử. Càng về sau người ta càng phát triển nó biến tấu để thu hút nhiều khán thính giả, đồng thời chuyển thể thành kịch, và bây giờ là thành phim.
Ông Năm (Hữu Châu) và ông Tư (Thành Lộc) đã đi cùng vở Dạ Cổ Hoài Lang hơn 20 năm nay
Tác phẩm kịch sân khấu Dạ cổ hoài lang trước đây được Thành Lộc và cộng sự thể hiện rất thành công và cũng chính là cảm hứng cho bộ phim lần này. Kịch bản sân khấu kết hợp những cảm xúc do bản cổ nhạc mang đến kể về cuộc sống của những người Việt nơi đất khách quê người. Riêng với bài ca gốc, nhờ tiếng nhạc du dương, ca từ ý nghĩa, giai điệu bình dị, bài ca đi vào lòng người dễ dàng, tạo một cảm giác nhung nhớ không xiết. Biệt ly, nhung nhớ và đợi chờ cũng chính là những yếu tố mà các phiên bản đời sau khai thác nhiều nhất từ bài ca gốc, dẫu có biến tấu bao nhiêu cũng vậy.
Nếu bạn chưa biết những điều trên thì chẳng sao cả. Đây chỉ là một số thông tin thêm, để các bạn hiểu hơn về tựa đề, về bối cảnh và cảm xúc của bộ phim. Bạn vẫn có thể xem và cảm thụ được bộ phim bình thường mà không cần phải là một chuyên gia về âm nhạc cổ hay kịch sân khấu của Việt Nam.
Một cách ngắn gọn mà nói, đây là một bộ phim hay, nhiều cảm xúc. Nội dung phim được xây dựng tốt, liền mạch và hợp lí dù một vài chi tiết chưa thực sự được khai thác tới đỉnh điểm. Tận dụng sự đối lập giữa cuộc sống xưa - nay, trong nước - nước ngoài, tư tưởng người già - người trẻ, bộ phim đã thể hiện khá trọn vẹn tâm tư của con người xa xứ, phô diễn một cuộc sống nơi đất khách quê người không lộng lẫy trang hoàng như mơ mà đầy sự cô đơn và những nỗi niềm sâu lắng.
Không khó để thấy qua trailer thì trình tự của bộ phim sẽ theo kiểu hồi ức, nghĩa là hoàn cảnh bây giờ dẫn đến việc ôn lại kỉ niệm năm xưa. Hai nhân vật chính được tái hiện qua ba giai đoạn thời gian khác nhau : nhi đồng, thanh niên và bô lão. Tác phẩm như một câu chuyện lớn lấy bài ca vọng cổ làm trung tâm của mọi thứ.
Tuy nhiên, một điểm mà phim làm tốt đó là khơi được sự xúc động của cả diễn viên và người xem, thể hiện tâm tư tình cảm một cách chân thành mà không gượng gạo. Tính gắn kết giữa các tình huống cũng rất tốt, được hoàn thành trọn vẹn mà không để lại những câu hỏi trong đầu chúng ta rằng mục đích của chi tiết nào đó là gì.
Phim cũng có nhiều tình huống hài hước, đa phần là giữa đôi bạn Hoài Linh Chí Tài mà không gây cho chúng ta cảm giác lố, một thứ mà nhiều phim hiện nay tận dụng, nhất là khi trong dàn diễn viên xuất hiện các danh hài nổi tiếng. Nhờ có những gia vị này mà màu sắc phim dù được bao trùm bởi nỗi buồn nhưng không hề bi lụy, thê thảm. Bộ phim cũng khéo léo thể hiện bài học về quê hương.
Phim lấy bối cảnh ở nước ngoài, hay nói chính xác hơn là New York . Và nói chính xác hơn nữa là Toronto của Canada vì đạo diễn chia sẻ thời điểm quay phim (2015) thì New York không có tuyết.( Mặc dù được quay ở địa điểm khác nhưng nếu chú ý kĩ thì vẫn không nhận ra vì ngay cả hộp thư bên đường cũng là USA.)
Bộ phim được quay trong vòng 3 năm, một quãng thời gian khá dài đối với phim Việt Nam. Bộ phim không gặp khó khăn về tài chính mà gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện do phải sang nước ngoài, điều kiện thời tiết, con người .... Tuyết trắng của toronto thực sự đã lột tả rất tốt sự cô đơn của Hoài Linh. Khung cảnh ở Việt nam thì vài cảnh được quay ở Ba Tri Bến Tre vài cảnh được quay ở Củ Chi.
Cá nhân mình cảm thấy tiếc nuối khi mà nhiều cảnh đẹp được quay bằng flycam không hiểu sao tốc độ khung hình thấp làm cho hình ảnh cứ hơi giựt giựt. Trong khi có cảnh slow motion cho diễn viên, dù chưa tới lúc cần slow thì cũng slow rất mượt. Các góc quay được thực hiện rất chỉn chu và tốt. Một phần không nhỏ thời gian của bộ phim được quay trong một cái phòng với diện tích có hạn nhưng không hề bó buộc và chán. Bình dị mà đáng giá nhất có lẽ là những cảnh thuộc rất thân quen ở làng quê miền Nam, từ ruộng lúa bạt ngàn, cảnh ca hát quen thuộc tới những cảnh tượng khác mà mình không thể tiết lộ.
Nói về diễn viên thì nổi bật nhất có lẽ là Hoài Linh Chí Tài. Chắc chắn nếu đây không phải là đất diễn cho Hoài Linh Chí Tài thì chẳng thể là ai khác. Chưa bàn tới nội dung bộ phim, chỉ bàn đến tiểu sử của hai anh thôi cũng đa thấy quá ư là hợp cho bộ phim. Cùng là những người từng trải ở nước ngoài. Cùng là đôi bạn thân. Riêng phần ca hát nhạc dân ca nhạc cổ thì giọng ca của Hoài Linh trong phim này thì cứ gọi là hợp không thể tả. Đó là chưa kể đến các màn tung hứng nhau của hai anh, sự phối hợp tuyệt vời trong diễn xuất, từ nét mặt đầy trầm lo của anh Linh đến vẻ mặt lạc quan để trung hòa của anh Tài đến những lúc hai anh đối thoại, song ca, lâu lâu chọc cười nhẹ khán giả.
Thực sự mà nói thì hai diễn viên chính, dù là những cây đại thụ về hài, nhưng lại là thành công lớn của một bộ phim đầy sâu lắng. Dàn diễn viên phụ thì hoàn thành vô cùng tốt vai trò của họ. Lựa chọn Đình Hiếu để thể hiện vai Năm còn trẻ và Will để thể hiện vai Tư còn trẻ là những lựa chọn tốt, khi hai diễn viên này chỉ cần nhìn vào thôi đã tạo được cảm giác họ đại diện cho gia cảnh, cho tính cách như thế nào và điều này hoàn toàn hợp với phim. Ngoài ra, phim còn ấn tượng bởi sự xuất hiện của các nhân vật phụ khác. Ấn tượng không kém là một cô gái trẻ vào vai cháu Tư Lành với một giọng tiếng anh cực chuẩn, khi pha với tiếng Việt để tạo cảm giác lơ lớ, đúng kiểu người việt sinh ra ở nước ngoài một cách vô cùng tự nhiên. Khuôn mặt nhiều diễn viên phụ không quá điện ảnh mà lại thật thà gần gũi, làm hài lòng người xem. Ngoài ra bộ phim còn có sự góp vai nhỏ của NSƯT Thanh Hoàng - vốn là tác giả gốc của vở kịch. Chỉ trừ một nhân vật nước ngoài, cảm thấy hơi lạc lõng trong mạch phim.
Nếu bạn hỏi trên thang điểm 10 thì phim này xứng đáng được bao nhiêu, thì mình sẵn sàng cho 8 (nghĩa là kha khá cao). Và nếu hỏi có đi nên đi xem không thì mình sẽ nói có, nhưng còn phụ thuộc ở bạn. Nếu bạn muốn tìm một bộ phim bình dị, nhẹ nhàng, xúc động, hơi deep, khác biệt so với các dòng phim thị trường hay phim Việt Nam hiện nay, hoặc là fan của dạ cổ hoài lang thì quá ổn. Còn lại thì bạn có thể thử, nhưng nếu ngủ trong lúc phim đang chiếu rồi về bảo mình nó xạo thì mình không chịu đâu.
Phim sẽ được chính thức công chiếu từ 24/03 trên toàn quốc. Cũng cần lưu ý rằng đạo diễn Quang Dũng nói bản chiếu chính thức cho mọi khán giả có thể còn chỉnh sửa chút đỉnh so với bản này.
Một số hình ảnh của suất chiếu sớm đặc biệt mà mình được tham dự. Ảnh chụp bằng điện thoại do mình không xuất hiện với tư cách báo chí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét