SGTT.VN - Xuôi một khúc sông Đồng Nai uốn lượn – ngày
nắng trong xanh, ngày mưa đỏ đục – ta dạo chơi làng bưởi Tân Triều. Nơi
này, cách trung tâm TP.HCM khoảng 40km, thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng
Nai.
Món vỏ bưởi “úm” gà tre. Hãy đợi đấy!
|
Nức tiếng làng bưởi
Cù lao Tân Triều nổi danh nhiều giống bưởi ngon từ
trước năm 1975. Có gần chục loại, tạm xếp hai nhóm ngọt và chua. Các
giống bưởi đường lá cam, bưởi ổi... đại diện nhóm đầu. Cuối năm 2012,
cục Sở hữu trí tuệ, bộ Khoa học công nghệ đã cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn
địa lý cho hai giống bưởi đặc sản này. Trái đường lá cam mỏng vỏ, nặng
không quá 1,5kg, múi lấp lánh màu vàng ngà, tỏa mùi nồng the đặc trưng,
cho vị ngọt thanh và hậu chua nhẹ. Bưởi chua gồm: bưởi da cóc, bưởi ghè,
bưởi xiêm... Mùa nắng, bưởi luôn ngọt đậm hơn mùa mưa. Mùa bưởi chín ở
đây, từ khoảng tháng 8 đến tháng chạp âm lịch.
Nếu bưởi da xanh Bến Tre lôi cuốn thực khách bởi màu đỏ
hồng, múi mọng nước thoang thoảng mùi thơm dịu lẫn vị ngọt lịm thì bưởi
đường Biên Hoà gây luyến nhớ nhờ biết “tiếp thị” chút vitamin C rất
thuỳ mị.
Tựa trái khế chua luôn đa dụng hơn khế ngọt. Bưởi vùng
này có thể dùng ăn chơi, tráng miệng, nấu lẩu với cá lăng sông... đều
dạt dào cảm khoái!
Mặc dù, nước lẩu hơi đăng đắng. Thế nhưng, theo y thực
triều Nguyễn, chất đắng ấy trợ tim, gan và tốt cho hệ thần kinh trung
ương.
Do vậy, khi cất ủ loại rượu Tri nhân truyền thọ, dòng
Minh Mệnh tửu chính hiệu, ông Ưng Viên ở Gò Vấp, TP.HCM, cũng phải mua
một lượng trái bưởi non để phối chế. Ngon đến độ, số ít dân sành rượu ở
TP.HCM còn khuyến nghị: nên liệt thứ rượu thơm cung đình này vào hàng
quốc tửu. Không thượng thừa như vị truyền nhân đó, một số nhà vườn Tân
Triều cũng mày mò ủ thành một loại rượu bưởi dân dã.
Bưởi ẩm
Đặc sản rượu bưởi Tân Triều
|
Theo ông Huỳnh Đức Huệ (Năm Huệ), một trong những cha
đẻ dòng rượu bưởi ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng
Nai, bí quyết đầu tiên là chọn những trái bưởi đường lá cam vừa chín
tới. Kế tiếp, lột lấy múi bưởi, rồi mang ủ trong khạp hoặc thùng gỗ, cứ
lớp bưởi + lớp đường chờ lên men trong một tháng. Sau đó, lại pha nước
cốt bưởi đã lên men với một tỷ lệ rượu gạo thích hợp. Lắng lọc, trữ tiếp
3 – 4 tháng, nồng độ cồn khoảng 15 độ.
Vài năm gần đây, khá nhiều dân phía Bắc bắt đầu biết và
chuộng rượu bưởi hơn cả trong Nam, chú Năm tiết lộ. Có người hăng hái
đăng ký làm đại lý. Cho nên lượng rượu bưởi làm ra ở lò ông Năm Huệ, năm
sau thường tăng hơn năm trước 30%.
Cũng như vang, rượu bưởi để trên một năm mới thật ngát
thơm, “êm” vị. Thế nhưng, hiện cung không đủ cầu, nên rượu mới 6 – 7
tháng đã cạn bầu. Tiếc rằng, chưa có một loại vang bưởi ủ trên ba năm,
để làm quà biếu đặc biệt cho người thân hoặc bè bạn, trước nhâm nhi trợ
tiêu, ngon miệng; sau ghi khắc tên cù lao hiền hoà này. Hoặc cần có một
nghiên cứu sâu hơn, nhằm gia tăng độ chát, nhằm khống chế vị chua không
cần thiết của bưởi.
Bưởi thực
Bưởi cũng được ông Năm Huệ “tư duy” thành món ăn, theo chân các loại chè bưởi ngày xưa.
Món vỏ bưởi lăn bột chiên. Ảnh: Ngữ Yên
|
Tất cả đều được phối ngẫu với các bộ phận của cây bưởi
đưa hương. Ví như món chạch lấu nướng ống tre tươi, nhét đầy lá bưởi non
và mớ rau răm mướt ngọn sau vườn. Tinh dầu bưởi tươi nguyên giao hoà
cùng chút hăng cay của rau răm, đánh bạt chất tanh cố hữu của loài cá ưa
chui rúc. Còn nhựa của ống tre lồ ồ, dưới sức nóng của lửa, đã thấm đẫm
vào thịt, mỡ cá làm dậy mùi thơm muốn chết lỗ mũi. Và chất ngọt, vị béo
rất đỗi thanh lịch. Chấm muối ớt thôi, đã chạm đến đỉnh ngon thuần
phác.
Cũng nơi đây, chúng tôi nếm những niềm sung sướng khó
nói hết bằng lời! Gió sông riu riu thổi. Âm vực “Ò... ó... ó...” cao mà
ngắn của chú gà tre bên kia sông gửi nhanh sang bờ bên này, như muốn
khiêu chiến với bác tre trưởng lão. Đến lần thứ ba, vẫn không nghe gáy
đáp trả. Tưởng địch thủ đã “chạy mặt”, chú tre tiến dần ra mép nước gáy
sung hơn. Một anh bạn như hiểu chuyện, chỉ tay sang bên ấy trả lời thay:
“Đừng nóng chú em ạ! Mai mốt cũng tới phen chú mày bị... bưởi ấp thôi!”
Thịt gà tre vốn thơm ngọt vượt bậc, nay được xông hơi
bằng tinh dầu bưởi, trong vỏ bưởi già thì khó món ngon dân dã nào sánh
bằng! Để ý kỹ, độ tươi của cây lá miền Đông không bóng mướt như miền
Tây. Thấp thoáng, có vài tán cây bằng lăng rợp mát một chỏm sông hoặc
mấy ngọn sầu riêng vươn mình chót vót ven sông. Thay vì, hàng rào cây
mái chèo lắc lư san sát mép nước hoặc vài gốc trâm bầu, u môi lặng lẽ
đợi xuồng cặp bến.
bài: Tấn Tới. ảnh: Tấn Tới – Trần Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét