Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

NHỮNG KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ ÂM THANH HIFI

Với nhu cầu sống ngày càng tăng mạnh mẽ như hiện nay thì nhu cầu sắm 1 dàn nghe nhìn trong nhà là điều diễn ra thường ngày. Nhưng nếu không biết gì về kiến thức audio liệu rằng mình có thể "tậu" được 1 dàn sản phẩm ưng ý và hợp túi tiền? . Hãy cùng Tapchiaudio lướt qua vài kiến thức cơ bản của Hifi nhé.
Thưởng thức và tìm hiểu âm thanh tạo ra bởi bộ dàn hi-fi là mối quan tâm và niềm đam mê của các bạn nghe nhạc. Để đánh giá bộ dàn được chính xác, chúng ta cần có những khái niệm về chất lượng âm thanh. Sau đây là một số tiêu chí đánh giá về âm thanh hay được dùng khi đánh giá chất lượng bộ dàn hi-fi.
Âm sắc: Nói một cách đơn giản, âm sắc dùng để chỉ “màu sắc” của âm thanh. Mọi người thường nói, giọng ca này thật ấm áp, giọng nói kia quá mỏng… Tất cả nhằm ám chỉ sắc màu của thanh âm. Âm thanh cũng giống như ánh sáng, nó có màu sắc, song chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt, mà cảm nhận bằng đôi tai. Thông thường, âm sắc càng ấm áp, âm thanh càng trở nên mềm mại, dịu ngọt hơn; âm sắc càng lạnh lẽo, âm thanh càng trở nên khô cứng.


Âm sắc là nhân tố căn bản để chúng ta có thể phân biệt được sự khác nhau giữa các nhạc cụ hay giọng người. Nghe một nốt nhạc ta có thể phân biệt nó được tạo ra bởi đàn guitare, piano hay violin… đó chính là nhờ âm sắc của mỗi nhạc cụ khác nhau. Xét trên góc độ vật lý, âm sắc của mỗi nhạc cụ hoặc giọng hát phụ thuộc vào cấu trúc và thành phần các hài âm (Harmonic). Âm sắc tái tạo đúng giúp người nghe cảm nhận chính xác được âm thanh của từng nhạc cụ, làm cho âm nhạc trở nên tự nhiên hơn, quyến rũ hơn.
Điều này cũng tương tự trong thế giới thiết bị Hi-fi. Bạn có thể nói rằng, dàn máy này nghe ấm áp, ngọt ngào, dàn máy kia tiếng tối, khó… Tuy mỗi người cảm nhận âm sắc không hoàn toàn giống nhau, song về cơ bản không thể nói rằng nóng là lạnh. Đó chính là sự thống nhất chung của chúng ta về âm sắc.

Tầng âm và trường âm: Tầng âm (sound stage) và trường âm (sound field) là hai khái niệm dễ nhầm lẫn và khó có sự phân biệt rạch ròi. Nói một cách đơn giản, trường âm là độ rộng của không gian âm thanh và tầng âm là tầng lớp được tạo ra bởi một nhóm các nhạc cụ trong một sự sắp xếp nào đó trong không gian theo chiều sâu (trên sân khấu hay trong phòng thu). Trường âm cho ta cảm giác về độ vang, độ rộng hẹp và kết cấu kiến trúc của phòng hoà nhạc. Trong khi đó, tầng âm cho ta cảm giác các nhạc cụ trong dàn nhạc được bố trí như thế nào, các nhạc công ngồi ai trước ai sau trong không gian… Tầng âm và trường âm là hai yếu tố quyết định rất lớn tính hiện thực và độ hiện diện của âm thanh.
Do âm thanh tái tạo trong phòng nghe của bạn bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự không đều trong đáp tuyến tần số của các thiết bị khuyếch đại, cũng như đặc tính âm học của phòng nghe và vị trí đặt loa… nên tầng âm và trường âm cũng rất đa dạng. Cùng một bộ dàn với những thiết bị giống hệt nhau nhưng được bố trí ở hai phòng khác nhau về kích thước, về vị trí đặt loa, về bố trí đồ đạc… sẽ tạo những tầng âm và trường âm rất khác nhau và hiệu quả, xúc cảm khi thưởng thức âm nhạc cũng rất khác nhau. Tất nhiên, hoàn hảo nhất là tầng âm phải giống như nguyên mẫu của bản ghi âm gốc. Tầng âm và trường âm được tái hiện tốt, bạn sẽ có cảm giác như có thể “chạm tay” vào người ca sĩ hay người nhạc công đang trình diễn.

Mật độ hay sự chặt chẽ của âm thanh: Mật độ còn được gọi là độ đậm đặc, bạn hãy hình dung nó giống như một gram xốp và một gram chì. Cùng một trọng lượng nhưng mật độ vật chất của một gram chì cao hơn nhiều. Vậy “mật độ âm thanh” được cảm thấy như thế nào? Đó chính là sự chặt chẽ trong tiếng cello khi chơi ở phần trầm, ta cảm nhận được độ dính của archet và dòng chảy của sợi dây đàn, hoặc sự đầy dặn đầy ấp tiếng hơi của đàn kèn đồng, tiếng va đập và cộng hưởng tưng bừng của bộ gõ và giọng hát tràn đầy sinh lực… Tất cả các nhạc cụ đều thể hiện tính chặt chẽ trong âm thanh. Tính chất này ít nhiều chịu ảnh hưởng của việc cung cấp nguồn điện cho hệ thống có đủ hay không và đáp tuyến tần số trung và trầm của các thiết bị có tác động rất lớn đến cảm giác chặt chẽ của âm thanh. Vậy ý nghĩa của mật độ và sự chặt chẽ trong âm thanh được tái tạo đúng là gì? Đó là việc nó làm cho giọng hát và nhạc cụ phát ra âm thanh trung thực, tiềm tàng nội lực và sáng tạo hơn.
Độ trong trẻo: Nếu như bạn có đôi chút kinh nghiệm, bạn sẽ nhận ra rằng một số dàn máy có âm thanh trong như pha lê, nhưng cũng có dàn máy tiếng rất đục, âm thanh bí, không thoát. Trong trẻo là một yếu tố rất quan trọng đối với âm thanh đẹp. Độ trong trẻo cao của cả dàn máy giúp ta nghe được những chi tiết âm thanh dù rất nhỏ trong bản nhạc, sự trong trẻo còn giúp ta tạo ra âm nhạc mềm mại và dịu êm, không gây mệt mỏi; thiếu độ trong, âm nhạc được tái tạo sẽ mang vẻ nặng nề, tù túng… làm ta nghe không thoải mái, dễ mệt mỏi. Độ trong của âm thanh phụ thuộc nhiều vào khả năng tái tạo dải tần số trung, trung cao và treble trong đáp tuyến tần số. Những thiết bị tác động mạnh nhất đến độ trong trẻo của âm thanh là loa, ampli và dây nối.
Tính sống động: Sự sống động làm bạn cảm thấy nhạc không phải là thứ nhạc giả tạo mà có cảm giác là đang thưởng thức nhạc sống. Nó là một nhân tố rất quan trọng đối với nhạc tính của một dàn máy, sự sống động phụ thuộc nhiều vào chất lượng của từng thiết bị của bộ dàn. Nhìn chung, các thiết bị có khả năng tạo ra âm thanh trong sáng, rõ ràng, mạnh mẽ… thì sẽ tạo được tính sống động cao. Các bộ âm sẽ làm ảnh hưởng tới độ sống động của âm thanh, hồi tiếp âm càng nhiều, độ sống động càng giảm. Chính vì vậy, nhiều hãng trên thế giới hiện nay thiết kế những ampli chất lượng cao thường không hoặc sử dụng rất ít hồi tiếp âm để nâng cao độ sống động và tính trung thực của âm nhạc.
Độ ổn định về không gian của âm thanh: Độ ổn định về không gian là khả năng không bị thay đổi tầng âm, cũng như vị trí các nhạc cụ và giọng hát trong không gian khi có sự di chuyển vị trí ngồi nghe. Các bạn thường thấy nếu ta ngồi nghe ở vị trí trên trục chính giữa hai loa thì có cảm giác âm nhạc phát ra không phải từ hai chiếc loa mà từ “đâu đó” ở khoảng không gian giữa hai loa. Nếu độ hội tụ và ổn định về không gian không tốt sẽ dẫn đến hình ảnh âm thanh bị phá vỡ. Ta sẽ cảm thấy các nhạc cụ và giọng hát “bay” lung tung khắp phòng, làm mất đi sự tập trung chặt chẽ vốn có trong không gian. Một trong những nguyên nhân đầu tiên phá vỡ sự ổn định là do không kiểm soát được âm thanh trực tiếp phát ra từ loa và âm thanh phản xạ từ môi trường nghe (phòng nghe). Các thiết bị của bộ dàn, chất lượng loa, vị trí đặt loa và đặc biệt là kết cấu phòng nghe nhạc ảnh hưởng rất lớn đến tính ổn định của âm thanh. Loa bố trí đứng, phòng nghe được xử lý tiêu âm tốt, hạn chế các sóng phản xạ là những nhân tố quyết định đến độ ổn định, độ nổi của âm thanh.
Độ chi tiết của âm thanh: Thật dễ hiểu, ai đã từng sử dụng máy vi tính hay xem tivi đều sẽ hiểu độ phân giải là gì. Khả năng thể hiện từng chi tiết khác bịêt của mỗi một thiết bị hình ảnh chính là độ nét hay độ phân giải của thiết bị đó.
Tương tự như vậy, khả năng tái hiện cho thấy sự khác biệt rất nhỏ trong âm thanh của từng nhạc cụ trong bản nhạc, dù chỉ là chút ít gọi là độ chi tiết của âm thanh

Tốc độ và đáp ứng quá độ nhất thời: Âm thanh thể hiện sự đáp ứng nhất thời tốt là khả năng tách biệt các nốt nhạc trước và sau một cách dứt khoát không bị “dính” vào với nhau. Tốc độ và khả năng đáp ứng nhất thời của một bộ dàn thể hiện rất rõ ở khu vực tiếng trầm. Nếu không có tốc độ đáp ứng tốt, các tiếng bass sẽ bị “nhòe” vào nhau, tiếng trước chưa dứt thì tiếng sau đã đè lên, làm cho người nghe không phân biệt được từng tiếng bass một cách rõ ràng mà chi nghe thấy một khối âm thanh ầm ì, lẫn lộn. Nhân tố tác động mạnh nhất đến tốc độ và khả năng đáp ứng nhất thời của hệ thống chính là loa. Một cặp loa tốt sẽ tách được các tiếng bass một cách rõ ràng, dù dòng tiếng bass có được chơi rất nhanh. Ngược lại, với những cặp loa subwoofer loại xem phim đem ra để nghe nhạc, bạn sẽ dễ dàng thấy tiếng trầm từ subwoofer như chỉ có mỗi một nốt “ùm, ùm” và tiếng trước “trèo” lên tiếng sau.

Độ tương phản và dải rộng của âm thanh: Độ tương phản về âm lượng là sự so sánh giữa các mức âm lượng phát ra từ một bản nhạc. Chúng ta biết độ tương phản của một bản nhạc cổ điển là rất lớn, có nghĩa rằng mức chênh lệch giữa mức âm mạnh nhất (Fortissino) và yếu nhất (Pianissimo) của cường độ âm thanh là rất đáng kể. Một bộ dàn có dải động tốt sẽ có khả năng tái tạo lại độ tương phản âm thanh là rất đáng kể.. Ngược lại, nếu dải động hẹp, âm nhạc sẽ có vẻ như bị gò bó, không tự nhiên thoải mái.
Tỷ lệ giữa các nhạc cụ và giọng hát: Độ của từng nhạc cụ là bao nhiêu? Giọng hát nên ở mức nào? Điều này luôn là câu hỏi đối với dân nghiền hi-fi. Thật lý tưởng, nếu kích cỡ được thu nhỏ lại bằng tỉ lệ từ sàn diễn đến phòng nghe của chúng ta. Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra trên thực tế. Hãy lấy ví dụ, khi một cây đàn piano song đấu cùng với cây violin. Nếu như âm lượng của cây violin không được đẩy lên trong quá trình thu âm, cây violin sẽ bị “chết chìm” trong tiếng đàn piano.
Do vậy khi thu âm, người ta sẽ phải điều chỉnh theo một vài tỷ lệ nhằm thu nhỏ kích cỡ nhạc cụ và âm lượng của giọng hát sao cho phù hợp. Một bộ dàn có âm thanh tốt sẽ thể hiện được đúng những tỷ lệ này, có nghĩa là đem lại một sự hài hoà giữa các nhạc cụ và giọng hát cho người nghe.

Đặc tính của thiết bị và sự phối hợp: Một thiết bị trong bộ phận dàn hi-fi cũng giống như một con người, đều có những “cá tính” riêng. Có thiết bị phát ra âm thanh sôi nổi, thân thiện, đam mê lại có những thiết bị có âm thanh sang trọng, tươi sáng… Do đó, có thể nói, sự phối hợp các thiết bị với nhau giống như cuộc hôn nhân, chúng ta nên hết sức thận trọng nhằm đạt được những đặc tính mình muốn. Đôi khi cần phải phát huy hoặc giảm một vài đặc tính nào đó cho các thiết bị trở nên phù hợp với nhau. Điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ là không phải cứ chọn mua tòan thiết bị đắt tiền rồi ghép với nhau là được một thiết bị hoàn hảo, mà bạn cần phải thực sự trải qua quá trình thí nghiệm phối hợp chúng với nhau một cách đúng đắn mới có thể tìm ra được kết quả tốt nhất.
6 đặc tính quan trọng tạo nên dàn âm thanh chuẩn
Ngoài dải tần đáp ứng hay độ động đã khá quen thuộc với người nghe phổ thông, một dàn âm thanh chuẩn cần nhiều yếu tố đặc trưng khác để tạo nên đẳng cấp và chất lượng.

Dàn loa lớn thường có khả năng thể hiện được âm trầm tốt hơn.
Dải tần đáp ứng
Theo Canadahifi, khả năng tái tạo âm thanh chính xác ở các dải một cách đồng đều, luôn là một trong những yếu tố quan trọng và được biết đến nhiều nhất của hệ thống nghe nhạc. Tuy nhiên, khi xuống đến dải tần cực thấp, các màng loa nhỏ thường không còn đủ độ chắc chắn khi nhận được xung điện lớn để thể hiện âm bass sâu. Hoặc nếu nhận xung phù hợp với màng loa, thì thường không đủ lực.
Một cách đơn giản và trực quan để đánh giá yếu tố này là thử nghe những bản nhạc có dải tần thay đổi đa dạng. Bản thu All For You của Diana Krall, hoặc album Brothers in Arms của Dire Straits đều là các ví dụ điển hình với những tiếng chũm chọe cao chói tai, âm bass mạnh mẽ và xuống đến cực sâu.
Tông nhạc chính xác
Để phân biệt được tiếng guitar nào là của Fender Stratocaster hay Gibson Les Paul, tiếng violon nào là của Amati hay Stradivarius, cần hiểu và nghe được hòa âm đặc trưng của mỗi một nghệ sĩ, hơn là những nốt nhạc cơ bản mà bất kỳ cá nhân nào cũng có thể thực hiện được. Ngoài ra, yếu tố này cũng cần một loa tép thật tốt.
Nếu đó là một giọng hát, người nghe cũng có thể dễ dàng phân biệt được theo thời gian đâu là một nữ ca sĩ trẻ trung 20 tuổi giọng khỏe khoắn, nhiệt huyết, hay một giọng ca 40 tuổi điêu luyện, mặn mà và đằm thắm.

Vị trí của nhạc công và ca sỹ là một đặc trưng của dàn nhạc cổ điển.
Âm trường
Không gian trong âm thanh giữa những người nhạc công hay ca sỹ cũng bao gồm những chiều cơ bản như chiều sâu, chiều rộng và chiều cao (rất khó để đạt được, và chỉ có ở những bộ dàn đầu bảng với mức giá không hề rẻ). Hơn nữa, “hình ảnh” được ghi nhận này phải cố định khi người nghe di chuyển xung quanh phòng nhạc.
Để cảm nhận được âm trường một cách rõ ràng, việc đầu tiên cần làm là tìm một nguồn nhạc stereo chất lượng cao, thậm chí các bản thu đời đầu cũng không thể vẽ ra trường âm thanh ba chiều rõ ràng, ngay cả trên bộ thiết bị đắt tiền nhất. Một ví dụ đơn giản như bản You Oughta Know trong album Jagged Little Pill Acoustic của Alanis Morissette có thể cho người nghe thấy được vị trí của ca sỹ ở ngay bên phải sân khấu, chiếc guitar acoustic bố trí bên trái, trong khi bộ trống được đặt ngay phía sau giọng hát.
Độ phân giải (bit-rate)
Độ phân giải càng lớn, âm thanh càng rõ ràng, chi tiết hơn và cũng dễ dàng hơn cho trí não ghi nhớ/nhận ra âm thanh này. Điều này tương tự với một bức ảnh với độ phân giải thấp rất khó cho người xem nhận biết những chi tiết nhỏ, chẳng hạn thời gian hiển thị trên một mặt đồng hồ hay dòng chữ in trên bìa trong giá sách.
Vấn đề về độ phân giải thấp càng nghiêm trọng khi có nhiều giọng hát hay nhạc cụ kèm theo. Khi đó, giọng ca của từng người trong một dàn hợp xướng sẽ dễ bị nhập làm một, thậm chí giọng chính cũng có thể biến thành tiếng đệm du dương cuốn theo điệu nhạc ở một mức bit-rate quá thấp.


Người nghe thường phải tốn nhiều chi phí để hoàn thiện dải động.
Dải động
Sự khác biệt (được tính bằng đơn vị decibel) giữa mức "output" đỉnh của hệ thống và mức yên tĩnh nhất - tiếng noise âm thanh sàn được xem là dải động của một dàn âm thanh hi-fi. Đây là yếu tố mà người nghe thường phải chi nhiều tiền nhất để có được sự chuẩn xác về âm thanh trên mỗi bước dải tần đáp ứng, ở mỗi mức âm lượng khác nhau.
Bản thu của Zepplin, Since I’ve Been Loving You hay bản giao hưởng số hai của Mahler mang tên Resurrection đều là những ví dụ tốt để thử nghiệm dải động của một dàn âm thanh.
Độ động
Một chi tiết cơ khí như màng loa sau khi đã rung lên, tạo âm thanh, cần có thời gian để phục hồi lại vị trí ban đầu để tiếp tục hoạt động. Quãng thời gian này phải đủ nhanh, nếu không hệ thống sẽ bỏ lỡ một nhịp âm thanh quan trọng. Đây cũng là một yếu tố được xem xét khi đánh giá bất cứ dàn loa hi-fi nào.
Bất kỳ một bản thu nào có tiết tấu cực nhanh cũng có thể là đối tượng để thử nghiệm độ động. Trong đó có thể kể đến Concerto for Orchestra của Bartok, Am I Wrong của Keb Mo hay bản Overture trong album Tommy của The Who.

Ampli bán dẫn

Từ thời những ampli đèn bóng huyền thoại của Leak những năm 1930 đến hôm nay, ampli đèn 3 cực chỉ chạy duy nhất ở class A đầu tiên chỉ có công suất 5 – 7W, tuy nhiên, loa cổ có trở kháng rất cao (thường hơn 1.000 Ohm) còn loa ngày nay trở kháng thường chỉ 4 – 8 Ohm
Ampli bán dẫn bắt đầu phát triển từ cuối thập niên 1960.
Từ thập niên 1960, ampli bán dẫn bắt đầu phát triển mạnh, ampli đèn từ từ lui vào hậu trường. Đến khoảng cuối thập kỷ 1980, sau khi đã trải qua quá trình dài nghiên cứu thử nghiệm, ampli bán dẫn đã định hình rõ nét. Về nguyên lý hoạt động, các ampli bán dẫn ngày nay vẫn giống như các ampli bán dẫn xuất xưởng cách đây 20 năm
Ampli Class A.
Ampli class A có độ méo thấp, cho âm thanh trung thực và tự nhiên.
Nguồn điện cấp trực tiếp và liên tục vào linh kiện khuếch đại, vì vậy, khi chạy sẽ rất nóng vì năng lượng phát sinh lượng nhiệt lớn. Ampli class A thường có bộ cánh tản nhiệt hai bên rất hoành tráng.
Chỉ một linh kiện khuếch đại công suất cho cả hai nửa chu kỳ âm và dương của sóng hình sin, đó là nguyên lý hoạt động của ampli này. Vì bản chất ampli class A là kích hoạt toàn bộ chu kỳ của tín hiệu vào nên tín hiệu đầu ra gần như giống hệt tín hiệu ở đầu vào. Linh kiện khuếch đại cần phải có dòng điện luôn ổn định và rất lớn chạy qua nên mạch điện class A tiêu hao nhiều năng lượng, do đó hiệu suất thông thường chỉ vào khoảng 25%. Tuy nhiên, ampli class A có độ méo rất thấp, âm thanh nghe được ấm áp, trung thực và tự nhiên.
Các nhà sản xuất hi-end ở hàng "ultra hi-end" hiện tại đều chế tạo ampli class A, họ có những cách riêng để tăng hiệu xuất ampli. Tuy rằng ngày nay ampli đèn không còn thịnh hành nhưng chất âm class A của đèn ở thời kỳ vàng công nghệ ghi âm những năm 1960 – 1970, vẫn là mục tiêu của nhiều nhà sản xuất hi-end, vì đó chính là chất âm nguyên thủy của hi-end. Hay đúng hơn hi-end ngày nay kết hợp chất âm đèn với kỹ thuật điện tử hiện đại, cho ra công suất mạnh hơn mà vẫn ngọt ngào, ấm áp.
Ampli Class AB.
Ampli có hiệu suất khá cao và độ méo cũng tương đối thấp.
Đây chính là ampli chiếm đa số trên thị trường hiện tại từ hàng điện tử bình dân đến hi-end tầm trung và cao. Với ampli class AB, hai linh kiện bán dẫn cùng hoạt động, mỗi linh kiện đảm nhiệm nửa chu kỳ sóng sin và lấn sang một chút ở chu kỳ kia, cơ chế này làm giảm độ méo tại điểm giao giữa hai nửa chu kỳ. Vì hiệu suất khá cao và độ méo cũng tương đối thấp nên ampli class AB được rất nhiều nhà sản xuất lựa chọn. Một giải pháp thường dùng là thiên áp sang class A 100% ở một phần công suất nhất định, ví dụ "class AB 100W, 30W ở class A".
Ampli số hay Class D.
Ampli class D bị đánh giá là âm thanh quá thô, thiếu cảm xúc
Loại ampli này xuất hiện từ khoảng nửa sau thập niên 1990. Với ampli class D dùng kỹ thuật điều chế, bóng bán dẫn luôn chỉ ở một trong hai trạng thái đóng (0) hoặc mở (1) trong một chuỗi xung, vì vậy ampli class D hiệu suất rất cao (có thể đạt tới 80%) so với tất cả các ampli khác do năng kượng suy hao rất ít. Với kích thước vừa phải, dòng ampli class D cho ra công suất rất lớn.
Vấn đề còn lại của ampli class D là bản chất hệ nhị phân (binary) không thể tái tạo hết nguyên bản tín hiệu âm thanh. Nhà sản xuất lẫy lừng Bang & Olufsen đã áp dụng rất nhiều nghiên cứu ampli clas D vào sản phẩm của họ. Tuy nhiên, đối với audiophile thì ampli class D bị đánh giá là âm thanh quá thô, thiếu cảm xúc.
Chính vì thế, trong thế giới "đồ chơi cao cấp" này, ampli class D có vẻ như vẫn đang đi những bước đầu tiên. Và cũng cần thêm thời gian nhiều hơn để đánh giá chính xác một cách tổng thể sản phẩm này.

Lịch sử Ampli đèn

TCAD-Năm 1904, bóng đèn 2 cực chân không (diode) đầu tiên ra đời, bắt đầu thời kỳ điện tử học. Hai năm sau, bóng đèn 3 cực (triode) xuất hiện, khởi nguồn cho thời hoàng kim của ampli đèn và các thiết bị sử dụng đèn điện tử khác.
Bóng đèn 2 cực được nhà khoa học Anh John Ambrose Fleming phát minh vào năm 1904 trước. Năm 1906, Lee de Forest sáng chế ra đèn 3 cực, bóng chân không cho phép nhận và khuyếch đại tín hiệu điện tử. Nhưng phải chờ đến những năm 20 của thế kỷ trước, những chiếc ampli đèn đầu tiên mới được bán trên thị trường. Chúng có thiết kế đơn giản song đảm nhiệm chức năng khuếch đại tín hiệu rất thành công. Tất cả các sơ đồ thiết kế chỉ sử dụng một loại đèn duy nhất được sản xuất thời bấy giờ là đèn 3 cực đốt trực tiếp (direct heating triode) và chỉ chạy duy nhất ở class A. Khi ấy, người chơi phải dùng ampli đèn một cách rất cẩn thận vì đèn còn hiếm và giá rất cao
Các ampli cổ đa phần sử dụng biến áp nối tầng (interstage transfomer) để hiệu suất hoạt động của đèn đạt được mức cao nhất. Thời đó tầng công suất không phải lúc nào cũng đòi hỏi phải có biến áp bởi vì một số loa cổ có trở kháng rất cao (hơn 2.000 ohm, trong khi ngày nay, đa số đều từ 4-8 ohm) và các loa đời cổ có thể nối trực tiếp với anode của đèn qua một tụ đầu to khổng lồ.
Những bóng đèn đời đầu có độ khuếch đại và công suất khá hạn chế.
Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ chế tạo đèn đã nhanh chóng biến ampli trio trở thành những thiết bị thân thiện và ngày càng mạnh hơn, dễ sử dụng hơn. Tính chất phức tạp của các mạch điện cũng bắt đầu tăng dần. Việc phát minh ra kỹ thuật hồi tiếp âm (negative feedback) của Harold Black vào năm 1927 đã hình thành nên các mạch điện tinh vi với khả năng giảm độ méo trong ampli xuống đáng kể. Một phát minh khác có ảnh hưởng quan trọng đến thiết kế ampli đèn là mạch đẩy kéo (push - pull) ở tầng công suất, tức là mô hình có hai đèn công suất thay nhau mở và tắt giúp tăng cường hiệu suất của tầng ra, cho phép chế tạo ampli công suất cao hơn một cách dễ dàng. Điều ngạc nhiên là mạch đẩy kéo ra đời vào năm 1916 nhưng mãi gần hai thập kỷ sau nó mới thực sự đi vào cuộc sống.
Đầu những năm 30, khi các ampli điện tử, máy hát, tuner đèn … ngày càng được cải tiến và nâng cao độ trung thực thì thú chơi ampli đèn bắt đầu nở rộ. Những thùng loa chất lượng cao đầu tiên ra đời, trong đó sử dụng các loa của nhiều hãng danh tiếng như: Altec Lansing, Jensen, Lowther… Thiết bị âm thanh thời đó đều cực đắt nếu so sánh với các tiêu chuẩn ngày nay nên những sản phẩm tốt chỉ thuộc về những người giàu có và thực sự đam mê âm thanh. Bán chạy nhất khi ấy là các bộ ampli và loa cùng với các cuốn sách trình bày chi tiết về các thiết kế này. Chúng đã góp phần tạo nên nhiều đêm trình diễn thú vị tại gia cho người yêu nhạc trước khi truyền hình đến với mọi nhà.
Những năm 30-50 là thời gian diễn ra hai cuộc chiến tranh thế giới nên các bước tiến của kỹ thuật âm thanh gia đình đã bị cản trở. Song phần lớn những hãng sản xuất đồ âm thanh nổi tiếng đều đánh dấu sự ra đời của mình trong chính thời kỳ này. Tiêu biểu là hãng Leak, Quad (Anh) và Dynaco, Mcintosh (Mỹ). Giữa thập kỷ 30, Leak đã chế tạo loại ampli với mục tiêu theo đuổi là có độ méo cực nhỏ (khoảng 0,1% theo quan niệm thời đó).
Ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, những ampli như vậy ra đời nhờ sử dụng công nghệ phát triển cho các ứng dụng quân sự trong thời chiến. Thực ra, độ méo tiếng của ampli chỉ có thể đạt khoảng 0,1% ở phần trung âm với công suất trung bình và một bộ đèn thật tốt. Nhưng cuộc chạy đua để đạt được con số gần không vẫn chẳng hề chấm dứt. Và ampli của Leak luôn tiêu biểu cho sự trình diễn trung thực, cho đến nay, nó vẫn được nhiều người ưa chuộng
Giống như Leak, hãng Quad cũng khởi đầu sự nghiệp với các ampli phát thanh đại chúng, nhưng hãng bắt đầu nổi tiếng với ampli Quad II vào năm 1952. Ampli công suất mono 15 W này được thiết kế trong một khung gọn nhỏ, và hãng đã bán được gần 100.000 chiếc trong vòng hai mươi năm sau đó. Cũng trong thập kỷ 50, Dynaco và Mcintosh bắt tay sản xuất ampli công suất lớn. Cả bốn hãng trên đều luôn dẫn đầu trong các cuộc thử nghiệm kiểm tra sản phẩm ampli đẩy kéo thời bấy giờ.
Có lẽ mạch điện để lại nhiều ấn tượng nhất cho dân chơi ampli đèn thời kỳ 1950 là mạch “Unity Coupled” của Mcintosh. Mạch này sử dụng bộ biến áp xuất âm khá phức tạp với các cuộn dây tách biệt cho cathode và anode của các đèn xuất âm. Kết quả là ampli Mcintosh sử dụng mạch này trình diễn rất trung thực và chúng trở thành những “nhân vật chủ lực” trong các phòng kiểm tra thiết bị điện tử và trong các hệ thống âm thanh hi-fi. Đến cuối những năm 50, đầu 60, các ampli dùng transitor gọn nhẹ xuất hiện và những chiếc đèn vừa to, vừa nóng, lại hoạt động kém hiệu quả đã dần bị lãng quên trên thị trường đại chúng.
Nhưng vẫn có nhiều nhà sản xuất khẳng định khả năng của đèn khi nó còn có một số thế mạnh và transistor chưa thể cạnh tranh được. Nhiều hãng sản xuất đồ hi-end lớn nhỏ đã tiếp tục sản xuất ampli đèn nhiều năm sau khi transitor ra đời. Vào thập kỷ 70, Jean Hiraga, người tiên phong trong phong trào hi-fi của nước Pháp, là người đầu tiên tuyên bố hoàn toàn tin tưởng chất lượng âm thanh của ampli đèn cao hơn hẳn ampli bán dẫn.
Trong số các hãng kỳ cựu còn tồn tại từ nhứng năm 1970, 1980 cho đến nay có các tên tuổi như Audio Research, EAR, Jadis, Conrad Johnson, Audio Note và VTL. Hiện các hãng này đều đang hoạt động cùng với vô số các nhà sản xuất ampli đèn khác với nhiều hướng thiết kế rất đa dạng. Đáng chú ý là loại ampli single-end nổi tiếng hiện được chế tạo khá nhiều. Nó thể hiện sự trở lại của các thiết kế ra đời những năm 20, 30 với kiểu đèn sợi đốt trực tiếp, không có mạch hồi tiếp, có nhiều biến áp các loại, công suất thấp, độ méo cao. Nhưng âm thanh của dòng ampli này thực sự gây ấn tượng.
Bên cạnh các mạch ampli đèn truyền thống với lịch sử non thế kỷ vẫn được dùng trong các ampli đời mới, trong thời gian qua, thế giới âm thanh còn được chứng kiến một số mạch điện rất mới lạ. Mạch “Enhanced Triode Mode” của Tim de Paravicini là một ví dụ. Lấy cảm hứng từ sản phẩm của Mcintosh, ông đã sáng tạo ra một số mô hình mạch điện rất thú vị. Kỹ sự William Z Johnson ở hãng Audio Rearch là một trong những người đi đầu trong lĩnh vực ampli phối hợp giữa mạch đèn và bán dẫn phức tạp. Hướng thiết kế của ông là duy trì điều kiện hoạt động lý tưởng cho đèn để nó phát huy hết thế mạnh của mình.
Đa số các nhà sản xuất khác cũng đi sâu vào cách kết hợp giữa đèn và bán dẫn. Một số hãng như Futterman và gần đây là Graaf và Atmashere thì rất dũng cảm khi chế tạo dòng ampli không cần biến áp xuất âm (OTL). Chắc chắn ampli đèn sẽ đồng hành với chúng ta trong một thời gian khá dài nữa. Nguồn đèn đang trở thành một vấn đề đáng quan tâm nhưng vẫn có khá nhiều hãng tiếp tục sản xuất đèn, và người này phát minh ra loại đèn nào thì người khác sẽ copy. Ai đó có thể cho rằng đèn đã chết nhưng âm thanh, diện mạo của ampli đèn cùng niềm vui sướng của chủ nhân những chiếc ampli đó sẽ mãi lấp lánh cùng thời gian.

Nguồn điện trong âm thanh

Nguồn điện là thiết bị ít khi được dân chơi âm thanh quan tâm, nhưng trong thực tế, nguồn điện có tầm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng âm thanh, hình ảnh của một hệ thống. Các thiết bị âm thanh dù có cao cấp thế nào mà nguồn điện ổn áp sơ sài thì khả năng trình diễn cũng bị giảm đi nhiều.
Nguồn điện lưới từ các nhà máy phát điện truyền tải qua các trạm biến thế (tăng thế, giảm thế) mới đến các hộ sử dụng. Do mạng lưới điện hiện chưa ổn định nên thường có hiện tượng nhiễu điện, hiệu điện thế không đủ 220 V, dòng điện tăng giảm đột ngột. Việc này sẽ làm công suất ampli giảm, làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh và gây méo tiếng, làm hệ thống trình diễn kém linh hoạt. Ngoài ra, hiện tượng này còn làm giảm tuổi thọ của thiết bị
Việc đầu tư một lọc điện power conditioner là điều cần thiết để đảm bảo trình diễn của hệ thống âm thanh không bị gián đoạn và đạt hiệu quả tốt nhất. Không những vậy, dây tín hiệu phải có chất lượng tốt để giữ được sắc thái từ nguồn đến ampli rồi ra loa. Đồng thời, cũng phải có cáp nguồn chuyên dùng với phích cắm ba chân chất lượng tốt, tránh việc tiếp xúc không chặt giữa đầu cắm với phích cắm dẫn đến hiện tượng phóng tia lửa điện hay phích cắm bị chảy nhựa.
Bộ lọc điện Accuphase Clean Power Supply PS-1200 được giới chơi âm thanh đánh giá khá cao. Bề ngoài PS-1200 có hình dáng của một chiếc Power bán dẫn thực thụ. Thân máy to dày, rất ấn tượng với màu vàng champagne đặc trưng của Accuphase. Công tắc nguồn thiết kế đơn giản phía trước và một đồng hồ tròn mặt trắng mạ vàng đặt ở giữa máy. Bên phải là một núm điều khiển xoay theo từng nấc, nút dày dùng để thay đổi chức năng hiển thị của đồng hồ mặt máy.
Đồng hồ có thể hiển thị ở 5 dạng: công suất tiêu thụ, hiệu điện thế đầu vào, hiệu điện thế đầu ra, méo và nhiễu của dòng điện nguồn, méo và nhiễu của dòng điện sau khi được lọc bởi PS-1200 . Trong các dạng trên, hiển thị công suất tiêu thụ giúp hiển thị công suất tiêu thụ rõ ràng khi tăng giảm volume hay trong từng đoạn nhạc khác nhau trong một bài hát. Khi công suất tiêu thụ vượt ngưỡng cho phép, đèn đồng hồ sẽ sáng rực để cảnh báo.
Accuphase Clean Power Supply PS-1200.
PS-1200 cung cấp nguồn năng lượng 1.500 VA cho 7 đầu cắm (2 đầu mặt trước, 5 đầu mặt sau). Bên trong PS-1200 là một biến thế tròn cực lớn và 4 tụ điện cũng khá lớn, chiếm gần hết ruột máy. Phần còn lại là bộ cánh giải nhiệt cho 40 sò (20 sò ở mặt trên và 20 con ở mặt dưới máy). Power Conditioner PS-1200 sử dụng kỹ thuật "nắn" sóng điện Waveform Shaping Technology giúp tạo độ ổn định cho nguồn điện. Sóng điện của nguồn xoay chiều AC qua các mạch điện tích cực sẽ được nắn lại thành sóng hình sin trợn tru không nhiễu và hoàn toàn ổn định. Tầng Output của PS-1200 sử dụng những bán dẫn (sò) chịu được dòng điện khá cao lên đến 15A. 40 bán dẫn này kết nối thành 20 cặp song song kiểu đẩy kéo tạo nên một dòng điện mạnh và hoàn hảo.
Các thiết bị được nối với PS-1200 được đảm bảo nguồn cung cấp một cách tốt nhất. Khi có các sự cố về điện xảy ra, rơ-le tự động được tích hợp trong công tắc nguồn sẽ đóng tắt ngay lập tức. Ngoài ra, khi nhiệt độ bên trong của biến thế vượt quá 110 độ C, công tắc nguồn cũng tự động đóng tắt. Biến thế này cũng đóng vai trò quan trọng trong lọc điện. Các biến thế thông thường có hình vuông, trong khi đó, biến thế của PS-1200 có hình xuyến, bên trong sử dụng dây đồng cỡ lớn cho ra một dòng điện đạt hiệu suất cao và trở kháng nguồn thấp.



http://thuanloipho.com/index.php?mod=forum_detail&topic_id=1821

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét