Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

GHI CHÉP CHỦ ĐỘNG ĐỂ HỌC TỐT HƠN




Ghi chép là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình thu nhận kiến thức. Ghi chép là cách tốt nhất để biến thông tin thành một phần kiến thức của bạn.

Thông thường, bạn ghi chép từ hai nguồn thông tin, một là từ các bài giảng trên lớp, hai là từ tài liệu học. Dù bạn ghi chép từ nguồn thông tin nào thì cũng nên chủ động tạo ra thứ gì đó của riêng mình và ngay lập tức áp dụng vào việc học. Ghi chép chủ động sẽ giúp bạn hiểu và gợi nhớ kiến thức một cách nhanh chóng. Dưới đây, là một số hướng dẫn giúp bạn ghi chép hiệu quả để phục vụ tốt cho việc học.



Ghi chép chủ động để học tốt hơn 1
1. Phân biệt giữa ghi chép và ghi chú
     
Bạn cần phân biệt rõ ràng giữa ghi chép và ghi chú.

“Ghi chú” là một hoạt động bị động. Bạn đơn thuần chỉ ghi lại dữ liệu để học sau và việc học tập bị trì hoãn. “Ghi chép” là cách bạn chủ động tạo ra kiến thức của riêng mình và ngay lập tức áp dụng vào việc học. Bạn cần suy nghĩ về lời giảng và tài liệu trước khi ghi lại bất cứ điều gì, đó chính là kiến thức do bạn tạo ra chứ không đơn thuần là chép lại một đoạn văn. Bạn hãy cố gắng sử dụng lời văn của mình để viết lại một cách cô đọng. Cách tốt nhất là bạn hãy tự nghĩ ra để vẽ những biểu đồ hoặc đồ thị đơn giản. Hãy sử dụng những từ khóa để các ghi chép dễ nhớ.

2. Ghi những điều có giá trị
Ghi chép chủ động để học tốt hơn 2

Bạn chỉ nên ghi lại những thông tin có giá trị, đây chính là cách ghi chép chủ động. Bạn cần quyết định điều gì có giá trị để ghi lại, đừng cố ghi lại nguyên văn từng bài giảng, bạn phải học cách lờ đi những thứ không cần thiết. Nếu bạn không phải là thiên tài thì đừng ép bộ óc làm việc quá sức. Bạn đến lớp để học tập và ghi lại những ý tưởng và sự kiện quan trọng, không phải mọi thứ đều có giá trị. Bạn nên chọn lọc để viết và cố gắng sử dụng càng nhiều từ khóa càng tốt.

3. Không cần đẹp nhưng phải thật rõ ràng
     
Bạn không cần phải viết ngay ngắn, sạch đẹp. Thậm chí, bạn không cần viết đúng ngữ pháp và chính tả. Điểm quan trọng đó là, bạn phải viết thật rõ ràng và dễ hiểu. Bạn cần sắp xếp thông tin một cách có tổ chức để đảm bảo rằng bạn có thể hiểu ngay mỗi khi ôn lại, chú trọng quá nhiều vào hình thức sẽ khiến bạn mất tập trung, đồng thời làm chậm tốc độ nghe giảng.

Bạn nên chừa nhiều khoảng trống trong vở ghi chép để điền thêm những gì bạn quên trong giờ học hoặc những ý tưởng mới. Bạn sẽ phải ôn lại những thông tin đã ghi chép nhiều lần trước kì thi vì vậy hãy chừa lại nhiều khoảng trống hơn mức bạn cần để bổ sung những thứ cần thiết.

4. Sử dụng hình ảnh
Ghi chép chủ động để học tốt hơn 3
     
Hãy kích thích trí thông minh và khả năng ghi nhớ của bạn bằng hình ảnh, biểu đồ, đồ thị có giá trị hơn những con số khô khan, hình ảnh sinh động sẽ dễ nhớ hơn hẳn những trang viết dày đặc chữ. Bạn nên ghi lại những hình ảnh bổ sung cho lời nói và chữ viết, tổng hợp những từ khóa, ý chính, chi tiết quan trọng, hình ảnh thành một hệ thống. Nếu cần thiết, bạn hãy sử dụng màu sắc để hỗ trợ, màu sắc có khả năng tác động trực tiếp vào thị giác giúp bạn tiếp thu thông tin hiệu quả và gợi nhớ một cách chính xác khi cần thiết.

5. Củng cố kiến thức

Bạn cần thường xuyên đọc lại những ghi chép để củng cố kiến thức, ôn tập lại những bản ghi chép cũ trước khi bắt đầu ghi chép những thông tin mới. Việc này không mất nhiều thời gian, nhưng bạn cần phải làm, đó là một cách thức rất đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao cho việc ghi chép có hệ thống, nhằm củng cố thông tin trong trí nhớ về vấn đề mà bạn đang tìm hiểu.

Trên đây là một số hướng dẫn giúp bạn ghi chép hiệu quả để phục vụ tốt cho việc học, phương pháp tốt nhất để khắc sâu kiến thức chính là ghi chép chủ động từ các nguồn thông tin. Bạn hãy tập cho mình thói quen ghi chép mỗi khi tiếp nhận kiến thức mới. Bạn có thể mang bên mình một cuốn sổ nhỏ và một cây bút để ghi chép những ý tưởng hay, những thông tin thú vị mà bạn tìm được. Sau một thời gian tích lũy, chắc chắn khối lượng kiến thức của bạn sẽ tăng lên đáng kể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét