Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ CÂY ĐẬU RỒNG

Cây Đậu rồng có tên khoa học là Psophocarpus tetragonolobus, đậu rồng thuộc loại thân thảo leo, đa niên nhờ có củ to dưới đất, nên sống được nhiều năm , phải làm giàn mới ra nhiều hoa, cho nhiều quả. Nếu chăm sóc tốt, cây sinh trưởng tốt, cho quả quanh năm.

Nếu có dịp về vùng Củ Chi thưởng thức món bò tơ luộc cuốn bánh, chắc chắn không thể thiếu trái của cây Đậu rồng xen lẫn dĩa rau ghém làm tăng thêm hương vị món ăn đặc trưng vùng quê hương đất thép.Tuy nhiên về phương diện dinh dưỡng cây Đậu rồng được tổ chức lương nông thế giới ( FAO) xếp vào cây lương thực rẻ tiền bổ dưỡng có thể dùng giải quyết nạn thiếu lương thực của nhân loại.
Cây Đậu rồng - Psophocarpus tetragonolobus
Cây Đậu rồng – Psophocarpus tetragonolobus

1.Thành phần dinh dưỡng :

100 gram lá non cây Đậu rồng chứa: Calori (74), chất đạm (5,85 g), chất béo (1,10 g), chất xơ (2,5 g), calcium (224 mg), sắt (4 mg), magnesium (8 mg), phosphor (63 mg), potassium (176 mg).
Trái non của cây Đậu rồng dùng để xào, nấu canh cũng rất bổ dưỡng vì giàu sinh tố khoáng chất. 100 g trái non chứa 2,1 g chất đạm, 0,3 g chất béo, 3,2 g bột đường, 1,7 g chất xơ, 30 mg phosphor, 142,5 mg kali, 40 mg calci, 16 mg magnesium, 0,225 mg đồng, 1,9 mg sắt, 0,5 mg mangan, 416 IU caroten, 0,15 mg B1, 0,067 mg B2, 0,766 mg PP và 8 mg sinh tố C.
Trong lá cây Đậu rồng có 2 loại isolectin có một số hoạt tính miễn dịch và kết cụm huyết cầu (Plant Cell Physiology Số 35-1994).

2.Về phương diện dinh dưỡng:

Cây Đậu rồng có giá trị bổ dưỡng khá cao, gần như Đậu nành, đặc biệt là có nhiều vitamin E và A. Thành phần acid amin trong trái cây Đậu rồng có nhiều lysin (19,8%), methionin, cystin. Trái cây Đậu rồng chứa nhiều calcium hơn cả Đậu nành lẫn Đậu phộng. Tỷ lệ protein tương đối cao (41,9%) khiến  cây Đậu rồng được Cơ quan lương nông thế giới (FAO) xếp vào loại cây lương thực rẻ tiền nhưng bổ dưỡng. Tuy nhiên cũng như tất cả các cây trong họ Đậu khác, Đậu rồng có chứa purin nên không thích hợp với những người bị thống phong (gout), mặt khác cũng dễ gây đầy bụng, nên cần phải luộc bỏ nước và nấu chín hột đậu trước khi ăn; những phụ nữ bị nhức nửa đầu (migraine), cũng nên tránh ăn vì trái cây Đậu rồng có thể gây kích khởi cơn nhức đầu.

 3.Vài phương thức sử dụng

Toàn cây Đậu rồng đều có thể dùng làm thực phẩm: từ trái đậu non làm rau, hột, rễ củ, lá đến hoa. Lá và đọt non có vị ngọt như xà lách; hoa do có mật ngọt nên khi đảo nóng trên chảo cho vị gần như nấm. Hột đậu non khi còn trong trái chưa chín có vị ngọt giống như pha trộn giữa Đậu Hà Lan và Măng tây, khi đậu già, cần phải nấu luộc bỏ nước trước khi ăn và có thể nướng hay rang như Đậu phộng (nhưng không nên ăn nhiều có thể bị đau bụng).
Tại các quốc gia đang phát triển, nhất là tại Phi châu, FAO đã khuyến khích việc dùng bột Đậu rồng để thay thế sữa nơi trẻ em từ 6 tháng trở lên.
Hột Đậu rồng khô có thể xay thành bột, dùng làm bánh mì. Hột có thể ép để lấy dầu ăn được, hay có thể để nảy mầm làm giá đậu. Ngay như rễ củ, khi còn non, xốp cũng có thể ăn thay khoai.
Có điều bất tiện là cây Đậu rồng ra hoa, kết trái lai rai nên không có thu hoạch công nghiệp được như Đậu nành. Hơn nữa một khi hột đậu già, khô rất cứng chắc, phải ngâm và luộc bỏ nước rồi nấu chín  mới dùng được, khá bất tiện, nên nhiều nghiên cứu cách đây ba mươi năm đều bỏ dở không khai thác công nghiệp được.
Do đó hiện nay cũng như từ lâu đời rồi, người dân chỉ trồng vài ba dây Đậu rồng quanh vườn để lấy trái non làm rau mà thôi.
 Theo DS. TRẦN VIỆT HƯNG và DS. DIỆU PHƯƠNG
http://trongraulamvuon.com/cach-trong-rau/nhung-dieu-chua-biet-ve-cay-dau-rong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét