Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

10 DI TÍCH BỎ HOANG BỊ THIÊN NHIÊN XÂM CHIẾM

 Xem nhanh

10 di tích bỏ hoang bị thiên nhiên xâm chiếm
Có rất nhiều địa điểm bị bỏ hoang trên thế giới là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của thiên nhiên. Từ những tàn tích đền thờ hoàn toàn bị rễ cây bao phủ đến khu vực chiến sự một thời được phủ lên một thảm thực vật tươi tốt. Hệ động, thực vật dồi dào ở các di tích này đã chứng tỏ rằng khi không còn sự tác động của con người, thì tự nhiên sẽ nhanh chóng lấp đầy mọi thứ.
Đền thờ tọa lạc ở phía đông Angkor Thom, kinh đô một thời của Đế chế Khmer, và từng được dùng làm bối cảnh cho bộ phim "Lara Croft: Tomb Raider" năm 2001. Được xây dựng cuối thế kỷ 12 để làm tu viện Phật giáo, có hơn 12.500 người sinh sống quanh đó và phụng sự cho đền thờ, với hơn 80.000 người nữa ở các ngôi làng lân cận. Nhưng 3 thế kỷ sau, ngôi đền và khu vực rừng rậm xung quanh đã bị bỏ hoang khi nhà vua dời kinh đô đi khỏi Angkor.


Từ khi phần lớn đền thờ không có bóng người lai vãng, cây cối đã sinh trưởng khắp khu phức hợp, nổi tiếng nhất là cây vả, cây đa và cây bông gòn khổng lồ có rễ bao bọc các bức tường và cao hơn đầu người.

Động vật từng phát triển mạnh trong các khu rừng xung quanh Angkor trước khi chúng bị săn bắt quá mức và buôn bán bất hợp pháp vào thế kỷ 20 khiến quần thể bị suy giảm nặng nề, chỉ sót lại số lượng nhỏ các loài phổ biến gồm hươu nai, lợn rừng và mèo báo. Từ năm 2013, Campuchia nỗ lực đưa một số loài động vật trở lại Angkor bao gồm vượn lông, voọc bạc, rái cá lông mịn, chim hồng hoàng và chim công xanh.
den-ta-prohm-campuchia.jpg
Từng là một làng chài nhộn nhịp, làng Hậu Đầu Loan trên đảo Thặng Sơn, một phần của quần đảo Chu Sơn, giờ trông như một thị trấn ma. Ngày xưa đây là nơi ở của hơn 3.000 cư dân, nhưng do phải mất hơn 5 giờ mới đến được đất liền nên làng khó tiếp cận được giáo dục, việc làm và thực phẩm. Mọi người bắt đầu bỏ làng trong thập niên 1990 và tới 2002 thì nó hoàn toàn bị bỏ hoang.



Nhiều thập niên hoang phế đã cho phép thiên nhiên tái chiếm vùng đất, với dây leo xanh tươi che phủ mọi thứ còn sót lại. Ngày nay ngôi làng là điểm thu hút khách du lịch, chào đón hơn 90 ngàn du khách vào năm 2021.
lang-ma-hau-dau-loan-quan-dao-chu-son-chiet-giang.jpg
Làng Hậu Đầu Loan hiện nay đón hàng chục ngàn du khách mỗi năm. Ảnh: CNN.
Sau Thế chiến I, vùng đất ở Thung lũng Mangapurua thuộc Đảo Bắc của New Zealand được cấp cho các binh sĩ xuất ngũ trở về. Khu định cư này từng có gần 40 binh sĩ và gia đình họ cố gắng xây dựng cuộc sống. Nhưng sự xa xôi và đất đai cằn cỗi khiến nó bị bỏ hoang vào giữa thập niên 1940.


Rừng rậm và động vật bản địa đã quay lại sau đó. Hiện giờ bằng chứng duy nhất cho việc định cư là “Cây cầu dẫn đến hư không” bằng bê tông, còn mọi thứ khác gồm nhà cửa, trang trại, cống ngầm và đường sá, đã được rừng bao phủ và là một phần của Công viên Quốc gia Whanganui.

Do những nỗ lực trồng trọt và làm vườn trước đây của các cựu binh, phần lớn rừng ở Thung lũng Mangapurua giờ chỉ còn là đất cỏ và đầm lầy, bên cạnh một số cây ăn quả và cây hoa hồng phản ánh một thời đại đã qua. Công viên Quốc gia Whanganui bao quanh là nơi có quần thể kiwi nâu Đảo Bắc lớn nhất New Zealand và là nơi sinh sống của nhiều loài chim. Sông Whanganui có 18 loài cá bao gồm lươn, tôm càng nước ngọt và cá bơn đen.
cau-dan-den-noi-vo-dinh-thung-lung-mangapurua-new-zealand.jpg
"Cầu dẫn đến nơi vô định" trong Thung lũng Mangapura. Ảnh: Wildernessmag.
Năm 1911, cơn bão Yasi đã đánh chìm tàu SS Yongala ở khu bảo tồn san hô Great Barrier Reef khiến 122 người mất tích, đây là một trong những thảm họa hàng hải bi thảm nhất trong lịch sử Úc và mãi đến năm 1958 xác tàu mới được nhận dạng.


Là xác tàu lớn nhất và nguyên vẹn nhất của Úc, SS Yongala sau hơn một thế kỷ chìm dưới nước đã trở thành một hệ sinh thái, đem lại môi trường sống cho nhiều loài động vật lộng lẫy. Ngày nay, tàn tích dài 109 mét được trải một tấm thảm san hô rực rỡ và là nơi sinh sống của hàng trăm loài khác nhau, từ rùa caretta và cá đuối đến cá mập bò và lươn moray.
xac-tau-ss-yongala-great-barrier-reef-uc.jpg
Là một hòn đảo được bao quanh bởi các vách đá, được bao phủ bởi rừng nhiệt đới thấp và đồng cỏ nằm ngoài khơi Sao Paulo phía đông nam Brazil. Dù nhỏ bé nhưng đây là nơi tập trung khoảng 2.000 con rắn đầu vàng, thuộc loại nhiều rắn đầu vàng nhất thế giới, khiến nó có tên Đảo Rắn. Hệ động vật trên đảo còn bao gồm dơi, thằn lằn, hai loài chim thường trú là hồng hồng nhà và chim chuối, cũng như nhiều loài chim di cư và chim biển, như chim ưng nâu.


Hòn đảo này từng là một phần của thềm lục địa Brazil, nhưng mực nước dâng khiến hòn đảo này bị biển cô lập hoàn toàn khoảng 11.000 năm trước. Không thể rời đi, rắn đầu vàng buộc phải ở lại và thích nghi.

Đầu thế kỷ 20, có ba hoặc bốn người canh gác hải đăng và thủy thủ từng sống trên đảo nhưng từ những năm 1920, nó đã bị bỏ hoang. Ngày nay đảo này do chính phủ sở hữu và là khu vực được bảo vệ. Để duy trì hệ sinh thái và bảo đảm an toàn, việc đến thăm hòn đảo phải được cấp phép.
dao-ran-queimada-grande-cua-brazil.jpg
Bảy mươi năm sau chiến tranh, khu phi quân sự (DMZ) dài 257 km phân chia hai miền bán đảo Triều Tiên vẫn là vùng đất không có người ở. Từng là trung tâm xung đột và vẫn còn rải rác những ngôi làng cũ và khí tài quân sự, sự vắng bóng con người đã khiến vùng đất này trở thành nơi trú ẩn của động vật hoang dã.


Khu vực này hiện là mái nhà của hơn 6.000 loài động thực vật. Trong số 267 loài có nguy cơ tuyệt chủng của Hàn Quốc thì 38% sống ở DMZ, chúng gồm thằn lằn chạy Mông Cổ, sống trên bãi cát và bên dưới những tảng đá; rái cá bơi dọc theo con sông chạy giữa hai miền Triều Tiên; hươu xạ có nguy cơ tuyệt chủng và cá hồi Mãn Châu có môi trường sống lớn nhất ở đó.

Từ năm 2019, người ta đã mở dọc theo DMZ 11 đường mòn đi bộ vì hòa bình, dài từ 1 đến 5 km, như một cách để “trả lại DMZ cho người dân”.
khuc-song-tai-khu-phi-quan-su-tren-ban-dao-trieu-tien.jpg
Nằm cách Dubai 70 km ở UAE, Al Madam là một thị trấn ma nhỏ và vài năm gần đây đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch. Nó gồm hai dãy nhà trang bị nội thất đầy đủ cùng một giáo đường trang nhã, thị trấn trông như mới vừa bị bỏ hoang, để lại những căn nhà hiện đang bị sa mạc xâm lấn.


Dù lịch sử của Al Madam còn nhiều bí ẩn, nhưng theo truyền thông ngôi làng được xây dựng vào những năm 1970 như một phần của dự án nhà ở công cộng dành cho người Bedouin - một bộ lạc Ả Rập bản địa và có khoảng 100 người từng sinh sống tại đây. Nó bị bỏ hoang chỉ hai thập kỷ sau.

Không có câu trả lời về lý do tại sao ngôi làng bị bỏ hoang nhưng các nhà nghiên cứu chỉ ra sự trỗi dậy của các thành phố như Dubai và Sharjah, khiến mọi người đến tìm kiếm cơ hội và điều kiện sống dễ dàng hơn. Giờ đây, những ngôi nhà xinh xắn đang dần biến mất dưới lớp cát hoang dã.
khong-anh-lang-al-madam-uae-giua-sa-mac.jpg
Ở làng Al Madam, thiên nhiên có màu vàng của cát.
Trận động đất lớn với hậu quả sóng thần năm 2011 đã gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ thứ hai trên thế giới tại nhà máy điện Fukushima ở miền bắc Nhật Bản. Ngay sau đó chính phủ Nhật Bản thành lập Khu cách ly Fukushima dài 20 km và sơ tán hơn 150 ngàn người. Kể từ đó lệnh sơ tán dần được dỡ bỏ và người dân được khuyến khích quay trở lại một số thị trấn và làng mạc, nhưng vài khu vực vẫn nằm trong vòng biệt lập.


Các khu vực chịu thảm họa hạt nhân không hề là vùng đất hoang không sự sống. Có một sự đa dạng đáng kinh ngạc của các loài động vật trong khu vực cách ly, thậm chí số lượng heo rừng đã lớn đến mức việc kiểm soát quần thể của chúng ở các khu vực này đã trở nên cần thiết. Các loài động vật khác phát triển mạnh trong khu vực bao gồm khỉ Nhật Bản, chó gấu trúc, sơn dương Nhật Bản và cáo đỏ.
nhung-ngoi-nha-bo-hoang-tai-fukushima-bi-cay-coi-bao-phu.jpg
Là phần xa xôi nhất của Quần đảo Anh, nằm cách quần đảo Outer Hebrides hơn 60 km về phía tây, ngoài khơi bờ biển tây bắc Scotland. Quần đảo St. Kilda mang vẻ đẹp tự nhiên đầy ấn tượng từ những vách đá khổng lồ và những bãi biển khác lạ cho đến làn nước trong vắt và những hang động ngập nước. Năm 1930, do tình trạng thiếu lương thực, không được tiếp cận chăm sóc y tế và dân số giảm, 36 người dân còn lại trên đảo đã yêu cầu được tái định cư trên đất liền.


Vì không có hoạt động của con người, St. Kilda trở thành trung tâm của đời sống hoang dã và là địa điểm được quan tâm về mặt sinh thái, là nơi sinh sống của gần 1 triệu loài chim biển, gồm cả đàn chim nhạn Đại Tây Dương lớn nhất Vương quốc Anh. Các hòn đảo bao gồm Hirta, Boreray, Dun và Soay hiện là khu bảo tồn động vật hoang dã, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Các đảo cũng có một loại chim hồng tước độc đáo và một loài chuột lớn gấp đôi chuột đồng Anh. Đảo Boreray và các bãi biển xung quanh là nơi có đàn ó biển lớn nhất thế giới và tất cả cừu Soay trên thế giới đều có nguồn gốc từ đàn cừu trên đảo Soay.
dao-hirta-quan-dao-st-kilda-scotland.jpeg
Vịnh Village trên đảo Hirta, St Kilda. Ảnh: Geographical.
Là một pháo đài trên đảo bị bỏ hoang từ lâu, nằm ngoài khơi bờ biển Pembrokeshire ở phía tây xứ Wales. Được xây dựng vào những năm 1850 để chống lại một cuộc xâm lăng đường biển, ban đầu Pháo đài Stack Rock là nơi đặt một số súng, quân đội và sĩ quan, nhưng việc sử dụng nó đã giảm dần theo năm tháng. Trong Thế chiến I, nó được một số ít binh sĩ trú đóng và được giải giáp vào năm 1929.


Kể từ khi bị bỏ hoang gần 100 năm nay, pháo đài dần được hệ động thực vật xâm lấn. Người quản lý mới, Nicholas Mueller, giám đốc công ty lợi ích cộng đồng Anoniiem - công ty đã mua pháo đài và dự định duy trì nó như một “tàn tích sống”, cho biết ở đây có cây hạt dẻ và các loài chim biển cũng rất phổ biến, gồm ít nhất ba loại mòng biển có số lượng từ 300 đến 500 con trên pháo đài cùng một lúc.

Ông Mueller cho biết có một vài con hải cẩu xám thường xuyên tới pháo đài. Những con chim cốc lớn màu đen đã tạo thành cả đàn trên pháo đài và người ta thường có thể trông thấy chúng đang đậu với đôi cánh dang rộng.
phao-dai-stack-rock-xu-wales.jpg
Xây dựng cách đây hơn 150 năm, Pháo đài Stack Rock giờ là nơi sinh sống của các loài chim biển và hải cẩu.

Theo CNN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét