Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2023

CAO TỐC VẼ LẠI BẢN ĐỒ DU LỊCH, NHIỀU ĐIỂM XA NAY ĐÃ HÓA GẦN

 

Những đoạn cao tốc vừa đưa vào khai thác tạo nên cú hích mới cho du khách thêm lựa chọn, thậm chí đã "vẽ" lại bản đồ thị trường du lịch với nhiều loại hình mới, nhiều sản phẩm mới và điểm đến mới.

Các tuyến cao tốc Bắc - Nam được kết nối sẽ thúc đẩy phát triển cung đường du lịch và du khách có nhiều cơ hội lựa chọn điểm đến - Ảnh: QUANG ĐỊNH - TỰ TRUNG - Đ.Đ.K.

Các tuyến cao tốc Bắc - Nam được kết nối sẽ thúc đẩy phát triển cung đường du lịch và du khách có nhiều cơ hội lựa chọn điểm đến - Ảnh: QUANG ĐỊNH - TỰ TRUNG - Đ.Đ.K.

Nhờ cao tốc, du lịch đường bộ cạnh tranh trực tiếp với đường hàng không và buộc các địa phương phải xem lại chiến lược thu hút khách.

Các doanh nghiệp cũng đã phải thiết kế lại tour du lịch do có thêm thời gian, còn các địa phương cũng gấp rút tìm thêm các sản phẩm mới và tăng cường quảng bá, vì cao tốc đã làm tăng sự cạnh tranh giữa các vùng du lịch trước đây còn cách xa nhau.

Du khách tăng cao nhờ cao tốc

Như nhiều người khác, anh Nguyễn Nhật Vinh (quê Tây Ninh) đã chọn hướng về Bình Thuận du lịch dịp cuối tuần này. Anh chia sẻ từng du lịch nhiều nơi nhưng vẫn háo hức đến với Mũi Né bởi được trải nghiệm trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

"Cảm giác ban đầu là thoải mái, êm ả, không áp lực kẹt đường, căng thẳng như trước đây đi trên quốc lộ. Rõ ràng thời gian đã rút ngắn rất nhiều, đây chính là mấu chốt mà ai cũng mong muốn khi đi chơi", anh Vinh phấn khởi nói.

Nhiều người làm trong lĩnh vực du lịch cũng có cảm giác tương tự khi dẫn khách đến với Bình Thuận thời gian qua.

Anh Phạm Quang Hậu - giám đốc điều hành Sonata Resort ở xã Tiến Thành, TP Phan Thiết - chia sẻ từ khi có cao tốc, du khách liên hệ đặt phòng tăng nhiều hơn. "Khách rất phấn khởi khi rút ngắn được thời gian di chuyển, chỉ mất hơn 2 tiếng đã đến Phan Thiết. Việc này mở ra cơ hội rất lớn cho ngành du lịch nơi đây.

Cùng khoảng thời gian đó thì thay vì đến các điểm vui chơi gần TP.HCM như trước, khách có thể chọn Phan Thiết vì thuận tiện hơn nhiều và nhiều dịch vụ cao cấp hơn. Khách dạng gia đình, cá nhân đã đặt phòng cho mùa hè từ rất sớm", anh Hậu vui vẻ nói.

Ông Trần Văn Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận - cho hay khách đi theo đoàn, công ty, nhà máy đã giảm bởi tình hình sản xuất khó khăn nhưng ngược lại khách đi xe cá nhân, gia đình đã tăng. "Mặc dù chưa vào mùa hè nhưng đã có tín hiệu tăng từ bây giờ. Cứ cuối tuần là công suất phòng đạt rất cao. Việc này bởi nhờ có cao tốc mới", ông Bình thông tin.

Theo Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cao tốc như bước đột phá mới cho ngành du lịch, định hình lại du lịch thay vì trước đây đi máy bay tốn kém tiền bạc lẫn thời gian hơn thì bây giờ họ chọn đi ô tô.

Ông Bình lý giải: "Thị trường Mũi Né chủ yếu khách từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Có cao tốc mới, khách đã đi nhanh hơn, ngắn hơn, thời gian ở lại chơi nhiều hơn. Đã bao nhiêu thế hệ rồi, giờ mới có đường cao tốc như lần này. Không có nơi nào mà gần TP.HCM, đi trong vòng 2 giờ như Phan Thiết hay Vũng Tàu. Đây chính là yếu tố tiên quyết để thị trường du lịch phát triển".

Du khách vui chơi trên bờ biển Hàm Tiến - Mũi Né (Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) - Ảnh: ĐỨC TRONG

Du khách vui chơi trên bờ biển Hàm Tiến - Mũi Né (Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) - Ảnh: ĐỨC TRONG

Nhiều điểm đến xa nay đã hóa gần

Anh Ngô Tiến Ninh - giám đốc hệ thống nhà hàng Làng Chài Mũi Né - cho biết trước khi có cao tốc thì "tour một ngày" chỉ có thể diễn ra ở Vũng Tàu, nay tại Phan Thiết đã manh nha loại hình này. "Du khách xuất phát từ TP.HCM đến Phan Thiết ăn sáng, tắm biển, nghỉ trưa, tham quan rồi chiều tối lại về. Rõ ràng cao tốc đã thay đổi rất nhiều", anh Ninh nhìn nhận.

Theo các công ty du lịch, trong tương lai khi tuyến quốc lộ 28 và 28B được nâng cấp thì tam giác du lịch TP.HCM - Phan Thiết - Đà Lạt rất gần nhau, tạo đà phát triển tốt hơn, bởi nhiều khách sẽ đi tự túc theo tuyến này. Có nhiều khách từ TP.HCM ra tắm biển, ăn hải sản Phan Thiết xong về lại trong ngày hoặc đi tiếp lên Đà Lạt.

Ngày 19-5, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm chính thức thông xe. Nhiều người dân, du khách và cánh tài xế đã chính thức lái xe trên tuyến cao tốc này.

Đại diện Alma Resort (bãi Dài, huyện Cam Lâm) cho hay cao tốc chỉ mới thông xe nhưng những ngày này resort luôn nhận được đặt phòng lớn từ khách phía Nam. Trong đó, ngày 3 đến 4-6 resort đầy 100% phòng, không nhận booking thêm, các ngày cuối tuần trong tháng 6 cũng dự báo đầy phòng.

"Vì bước vào mùa du lịch hè, dịp tháng 6 này Nha Trang có thêm festival biển nên khách tăng cao, đặc biệt là khách đoàn vì đây là thời gian các công ty tổ chức cho nhân viên đi nghỉ dưỡng, chơi team building", đại diện Alma Resort nói.

Ông Trần Minh Đức, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho hay tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đưa vào khai thác sẽ thu hút lượng lớn du khách đến TP Nha Trang tham quan, nghỉ dưỡng, nhất là nguồn khách từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Vì quãng đường di chuyển ngắn, tiết kiệm thời gian, bên cạnh đó còn giảm ùn tắc vào cửa ngõ Nha Trang các dịp nghỉ lễ.

Đồng thời, tuyến cao tốc chạy qua địa bàn huyện Diên Khánh, Cam Lâm sẽ mở rộng thêm các điểm đến là những di tích độc đáo, hoang sơ chưa khai thác hết như chùa Linh Sơn và mộ Yersin (huyện Cam Lâm) hay Thành cổ và Văn miếu Diên Khánh, Am Chúa, các làng nghề đúc đồng, làm bánh tráng... (huyện Diên Khánh); các tour du lịch mang tính địa phương như tour vườn xoài, tour đồng quê...

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa - đánh giá trong bối cảnh vé máy bay khá cao vào mùa cao điểm du lịch hè, du khách ngày càng ưa thích đi du lịch bằng xe cá nhân. Việc đưa các dự án đường bộ cao tốc vào vận hành sẽ giúp du lịch Khánh Hòa có điều kiện thu hút khách từ các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khách từ TP.HCM.

Cao tốc vẽ lại bản đồ du lịch - Ảnh 3.

Du lịch đường hàng không ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế như du khách phải ra sân bay sớm, chờ đợi lâu và hay bị trễ chuyến. Trong khi đi ô tô, du khách có nhiều hoạt động kết nối hơn, các gia đình ưa thích khám phá sẽ chọn đi đường bộ.

Đặc biệt trong hè này, nếu vé máy bay không giảm thì chắc chắn là đường bộ tăng. Tuyến đường bộ chắc chắn sẽ tăng và góp phần giải được bài toán giá cao của tour hàng không.

Bà Đoàn Thị Thanh Trà (giám đốc marketing và truyền thông của Lữ hành Saigontourist)

Doanh nghiệp thiết kế lại tour theo cao tốc

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, giám đốc marketing và truyền thông của Lữ hành Saigontourist, cho biết hiện nay những sản phẩm du lịch đến Phan Thiết, Nha Trang... đang được doanh nghiệp gấp rút làm mới lại để phù hợp với thời gian mới do khách đến sớm hơn.

Trước đây, với tour đường bộ có thời gian di chuyển trên 5 tiếng, đoàn thường khởi hành buổi sáng, dừng ăn trên đường đi, đến nơi thì 14h mới nhận phòng. Nhưng khi có cao tốc, thời gian di chuyển được rút ngắn, các công ty du lịch sẽ bổ sung thêm hoạt động, trải nghiệm cho khách.

Hay với điểm đến Nha Trang, trước đây du khách thường chọn máy bay để tiết kiệm thời gian dù cung đường bộ đi ra Nha Trang rất đẹp, thú vị. Khi có cao tốc, thời gian di chuyển giữa hàng không và đường bộ không chênh lệch đáng kể nữa, nhiều gia đình ưa thích khám phá sẽ có thêm lựa chọn đi đường bộ.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn - đại diện TST Tourist, đường cao tốc vẽ lại bản đồ du lịch bằng cách giúp người du lịch di chuyển nhanh chóng và thuận tiện giữa các địa điểm khác nhau. "Khi các tuyến đường được kết nối thì du lịch cũng sẽ được hưởng lợi sớm nhất vì có thể phát triển mạnh tour trên toàn tuyến", ông Mẫn phân tích.

Ông Bùi Thanh Tú - giám đốc marketing Công ty du lịch BestPrice - cho hay trong tuần tới đơn vị này sẽ trực tiếp đến Phan Thiết (Bình Thuận) để hợp tác xây dựng các tour, tuyến du lịch đến mảnh đất giàu tiềm năng này.

Theo ông Tú, các tuyến cao tốc mới liên tục được hoàn thành không chỉ rút ngắn thời gian mà còn giúp du khách tiết kiệm chi phí. Về phía công ty du lịch, các sản phẩm tour trọn gói cũng sẽ có sự cạnh tranh về giá hơn bởi nhiều điểm đến có thể di chuyển bằng đường bộ thay vì phải đi bằng máy bay.

Xe cộ trải nghiệm trên tuyến cao tốc mới Phan Thiết - Dầu Giây   - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Xe cộ trải nghiệm trên tuyến cao tốc mới Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận, dịp lễ 30-4 vừa qua địa phương đón khoảng 160.000 lượt khách tham quan và lưu trú, tăng gấp đôi so với năm 2022. Đa số là khách du lịch đến từ TP.HCM, Lâm Đồng, các tỉnh Nam Bộ...

Khách chủ yếu đi dạng gia đình, nhóm bạn bè, khách lẻ và đi bằng phương tiện cá nhân. Việc này có được là nhờ tuyến cao tốc mới.

Đường ngắn lại, cạnh tranh tăng lên

Theo các chuyên gia, để du lịch có thể hưởng "trái ngọt", các địa phương cần phải chủ động quảng bá và làm mới sản phẩm, khi đó Phan Thiết, Mũi Né hay Nha Trang... mới gia tăng năng lực cạnh tranh với các điểm đến gần, tiện di chuyển đường bộ khác là Vũng Tàu, Long Hải, Đà Lạt... với du khách TP.HCM và các du khách nội địa, quốc tế trong các tuyến trung chuyển khác.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - phó giám đốc Công ty Anh Tuấn Phát - cho hay cao tốc khi vận hành sẽ mang lại lợi thế lớn cho các doanh nghiệp vận tải du lịch chuyên chở khách theo đoàn.

Tuy nhiên vì khoảng cách các tỉnh được nối gần, các du khách có thể bỏ qua Khánh Hòa mà chọn các địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, lúc này sẽ có sự cạnh tranh cao. "Du lịch Khánh Hòa phải tăng cường quảng bá và có sản phẩm du lịch ấn tượng để du khách chọn địa phương là điểm dừng chân", ông Tuấn nói.

Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cũng cho rằng còn nhiều việc phải làm mới để tận dụng cơ hội này, níu chân du khách lâu bền hơn, cạnh tranh sòng phẳng với những nơi khác. Đó là phải có thêm các bãi tắm công cộng, nhiều sản phẩm du lịch và đa dạng các loại dịch vụ hơn.

Ông Trần Văn Bình cho rằng hạ tầng đối ngoại đã ổn, giờ cần nhanh tay làm hạ tầng đối nội.

Đường Nguyễn Đình Chiểu như xương sống của du lịch Mũi Né - Hàm Tiến đang thiếu bãi đậu xe. Tỉnh phải nhanh tay có phương án bố trí bãi đậu xe, trong đó có dịch vụ chuyên cho giới tài xế. Nếu không sắp xếp sớm, khách bị phạt hoài vì việc đậu xe này thì sẽ không còn ai mặn mà đến nữa.
Ông Trần Văn Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái kết nối đồng bộ với cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai tạo thành tuyến cao tốc dài gần 600km kết nối ba sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), ba khu kinh tế và một cửa khẩu quốc tế - Ảnh: NAM TRẦN

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái kết nối đồng bộ với cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai tạo thành tuyến cao tốc dài gần 600km kết nối ba sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), ba khu kinh tế và một cửa khẩu quốc tế - Ảnh: NAM TRẦN

Tạo xu hướng du lịch mới

Tại miền Bắc, các tuyến cao tốc nối liền Hà Nội với các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ đã được đưa vào vận hành, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.

Thời gian di chuyển từ Hà Nội đến các điểm đến nổi tiếng tại miền Bắc như Sa Pa (Lào Cai), Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh), Móng Cái (Quảng Ninh), Ninh Bình, Nghệ An đều đã được rút ngắn chỉ bằng 1/2 thời gian di chuyển trước đây.

Đặc biệt, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) được thông xe tạo bước chuyển biến lớn cho thị trường khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam bằng đường bộ.

Trước đây để đến TP Móng Cái, từ Hà Nội du khách mất khoảng 6-7 giờ ngồi trên ô tô, nay rút ngắn chỉ còn 3 giờ. Thời gian di chuyển từ TP Móng Cái đến Quảng Ninh chỉ còn 1,5 giờ.

Tuyến cao tốc này kết nối đồng bộ với cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai tạo thành tuyến cao tốc dài gần 600km kết nối ba sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), ba khu kinh tế và một cửa khẩu quốc tế.

Đầu tháng 5-2023, UBND TP Móng Cái đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh mở lại luồng cho người và xe du lịch tự lái của Trung Quốc được nhập cảnh qua cửa khẩu Bắc Luân 2.

Trước đây, để di chuyển từ TP Móng Cái đến Quảng Ninh, du khách phải lái xe trên quãng đường 180km với hơn 3-4 giờ di chuyển. Hiện quãng đường này được rút ngắn xuống còn hơn 140km, thời gian di chuyển khoảng hơn 1 giờ.

Cùng với đó, tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 được thông xe trong dịp lễ 30-4 vừa qua đã giúp Hà Nội kết nối với khu vực Bắc Trung Bộ.

Thêm vào đó, đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu dự kiến thông xe vào tháng 9-2023 sẽ mở ra triển vọng phát triển du lịch cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh khi thời gian đi từ Hà Nội đến Nghệ An chỉ còn gần 3 giờ.

Thường xuyên đi du lịch bằng ô tô cá nhân, chị Thu Trà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết trước đây trong mỗi chuyến đi gia đình chị đều phải cân đối khoảng cách giữa các điểm đến bởi vướng con nhỏ. "Khi các tuyến cao tốc được thông xe, gia đình mình có thêm nhiều lựa chọn.

Các điểm đến mình thường chọn trước đây chủ yếu ở khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình thì nay mình có thể chọn thêm các điểm đến mới tại Thanh Hóa, Nghệ An vì thời gian di chuyển giữa Hà Nội đến các điểm đến này đều khoảng 1,5 đến 3 giờ", chị Trà nói.

Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 vừa qua, dịch vụ cho thuê xe tự lái tại Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải bởi lượng nhu cầu thuê xe lớn. Các khách hàng thuê xe chủ yếu phục vụ mục đích đi chơi, du lịch trong kỳ nghỉ lễ.

Chủ đơn vị cho thuê xe tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết khách hàng thường đặt xe trước 2-3 tuần và có xu hướng thuê dài ngày. Riêng các ngày cuối tuần và nghỉ lễ, nhu cầu thuê xe sẽ cao hơn.

Giá thuê xe tự lái dao động từ 600.000 - 1,6 triệu đồng tùy dòng xe. Dòng xe được du khách yêu thích là các dòng xe bốn chỗ.


https://tuoitre.vn/cao-toc-ve-lai-ban-do-du-lich-nhieu-diem-xa-nay-da-hoa-gan-20230521085422348.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét