TTO - Sau khi hiện tượng 'đĩa mây' xuất hiện ở núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) khiến người dân thích thú, đến lượt núi Chứa Chan (tỉnh Đồng Nai) xuất hiện hiện tượng kỳ thú này.
Sáng 25-11, rất nhiều người dân ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai phấn khích khi phát hiện đám mây rất lớn hình nón bao phủ đỉnh núi Chứa Chan.
Trước hiện tượng kỳ thú hiếm gặp, nhiều người dân địa phương đã dùng điện thoại chụp lại khoảnh khắc đẹp này và chia sẻ lên mạng xã hội.
Anh Nguyễn Đức Tân - ngụ thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc - cho biết nhà anh ngay dưới chân núi. "Sáng tôi ngủ dậy đã thấy đám mây to che kín đỉnh núi Chứa Chan và kéo dài đến gần 8h mới tan hết. Khoảng 7h sáng là thấy đĩa mây rõ nhất", anh Tân kể lại.
Theo anh Tân, trước đây thỉnh thoảng vẫn bắt gặp cảnh mây tụ trên núi Chứa Chan nhưng không lớn và đều như lần này.
Anh Nguyễn Hậu - người dân địa phương, làm nghề dẫn khách du lịch đi trekking lên đỉnh núi Chứa Chan - khẳng định "đĩa mây" xuất hiện lúc 6h20 sáng và kéo dài đến khoảng 7h20 mới tan dần. "Mây như vậy ở núi Chứa Chan lần đầu tiên mới thấy, quá đẹp" - anh Hậu bộc bạch.
Nhiều người dân địa phương cũng cho rằng từng nhiều lần bắt gặp hiện tượng "đĩa mây" nhưng quy mô không lớn như vậy.
Trước đó, sáng 24-11, hình ảnh một đám mây hình nón như chiếc "đĩa bay" bao phủ trên đỉnh núi Bà Đen cũng được ghi nhận tại Tây Ninh.
Hiện tượng kỳ thú này sau đó được người dân chụp lại, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội khiến nhiều người thích thú.
Hầu hết đều phấn khích với những khoảnh khắc đẹp và hiếm gặp. "Phú sĩ của Đồng Nai" - bạn Lê Tuấn Anh bình luận.
Nói về hiện tượng này, ông Nguyễn Phước Huy - giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai - cho hay trong khí tượng gọi những đám mây này là dạng thấu kính, thường xuất hiện ở những ngọn núi.
Bình thường, luồng không khí chuyển động gặp núi sẽ tạo ra các sóng trong khí quyển, các sóng này không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Tuy nhiên, trong một điều kiện khí quyển thuận lợi như nhiệt độ không quá cao, độ ẩm lớp không khí sát mặt đất lớn… quá trình chuyển động của các sóng này sẽ đẩy luồng khí ẩm lên đạt tới mức ngưng kết và kích thích việc hình thành những đám mây dạng thấu kính.
Thấu kính có thể biểu hiện như một "đĩa bay" nhiều lớp, như một chiếc mũ trùm lên ngọn núi. Nó cũng có thể hình thành ngay trên đỉnh núi hoặc cách xa về phía khuất gió, hình thành đơn lẻ hoặc hình thành cả một chuỗi.
Ngoài ra, một biểu hiện khác của sóng núi là hình thành những phiến mây giống như các hạt hạnh nhân xếp đều đặn thành một dãy. "Sóng núi không xuất hiện thường xuyên nhưng cũng không quá hiếm và cũng chưa ghi nhận sự kiện gì đặc biệt sau khi nó xuất hiện" - ông Huy giải thích.
Núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cao 837m so với mực nước biển, còn gọi là "đệ nhị thiên sơn", là ngọn núi cao thứ hai ở Đông Nam Bộ (sau núi Bà Đen - Tây Ninh).
Đây là một trong những thắng cảnh hữu tình, độc nhất vô nhị ở Đồng Nai và hiếm gặp ở Nam Bộ, là địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông du khách đến khám phá, trải nghiệm. Núi được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét