TTO - Tác giả Trịnh Lữ vừa cho ra mắt cuốn sách thứ 3 ông viết - Ghi chép - tập hợp những mảnh cảm xúc riêng lẻ của ông trong nhiều năm về chuyện đời và chuyện nghệ thuật, chữ nghĩa...
Tác giả Trịnh Lữ trò chuyện với Tuổi Trẻ: "Đây là cuốn sách thứ ba mà tôi làm cho chính mình. Trước đó là cuốn về cuộc đời, sự nghiệp của bố tôi - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, một cuốn ghi chép những ngày đi vẽ bên Mỹ.
Ngoài ra tôi còn viết ba quyển sách khác bằng tiếng Anh do người ta đặt hàng viết đánh giá công tác từ thiện về giáo dục và y tế của các tổ chức nước ngoài ở Việt Nam".
Hà Nội của một thời
* Trong cuốn sách của ông có nhiều ghi chép thật đẹp về những trí thức Hà Nội một thời, những người rất tài năng, trong sáng và có lẽ chịu nhiều vất vả, thua thiệt. Ông có thể chia sẻ thêm về họ?
- Tầng lớp trí thức ở Hà Nội một thời ấy có những người đẹp nhất như mẹ và bố tôi, như ông Đặng Chấn Liêu, bác sĩ Trần Hữu Ngoạn... Họ không bao giờ nghĩ mình đóng góp để có một chức vị gì trong chính quyền, chỉ muốn đóng góp trong nghề nghiệp của họ vào xã hội.
Như ông Đặng Chấn Liêu từng là vụ trưởng Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao, đi phiên dịch riêng cho Bác Hồ, nhưng khi không làm việc ấy mà nhận nhiệm vụ đi dạy tiếng Anh cho các y bác sĩ, chuyên gia thì ông cũng rất hạnh phúc, rất hồ hởi nhận nhiệm vụ mới và vẫn làm hết sức mình.
Bao lứa học sinh của ông đều công nhận ông là người thầy không ai bằng. Ông đã để lại một di sản tinh thần lớn lao cho xã hội như vậy. Họ là những trí thức đúng nghĩa trí thức.
* Một số câu chuyện trong cuốn Ghi chép phảng phất những hoài niệm về một xứ sở Việt Nam xinh đẹp từ cảnh sắc đến văn hóa. Ông lo lắng về một đời sống công nghiệp, toàn cầu hóa đang phủ trùm những công thức buồn chán vào đời sống của người Việt?
- Đấy là những lo lắng rất cá nhân, mặc dù biết không thể đảo ngược được nhưng lo thì cứ lo. Toàn cầu hóa đang dần bộc lộ rằng nó xóa nhòa ranh giới, biến thế giới thành một xưởng gia công, cuối cùng chỉ để phục vụ việc kiếm tiền của một thiểu số nhỏ của nhân loại, một thiểu số chi phối toàn bộ thế giới, dẫn dụ con người lao vào cuộc sống tiêu thụ, lấy tiêu thụ làm vui.
Việt Nam có một nền văn hóa giàu có, nhưng xã hội của mình vừa mới mở ra lại chạy ngay vào chủ nghĩa tiêu dùng ấy. Người Việt đã đi theo cái gì là học rất nhanh. Chúng ta du nhập nhiều lễ hội hoàn toàn không phải của mình, mà thực ra những ngày lễ ấy chỉ đặt ra để cho người ta bán hàng.
Phải chăm chú hơn cho đời sống tinh thần
* Như họa sĩ Thành Chương có nói, ông là người tài năng trong nhiều lĩnh vực, cuối cùng ông tự thấy mình là tác giả, dịch giả, họa sĩ hay chuyên gia truyền thông phát triển?
- Tôi không định danh mình là bất cứ gì trong số đó. Tôi làm tất cả mọi việc ấy, từ viết văn, dịch sách, vẽ... và làm cái gì là làm đến nơi đến chốn. Nhưng tôi chỉ có một nghề thôi, là nghề sống, là sống sót qua mọi thứ và vẫn là mình.
Những công việc mình chọn đều là công việc mình thích cả và tôi làm chăm chú, cẩn thận, chứ không nghiệp dư. Làm việc gì mọi người cũng nhận ra cái chân thực của mình, tôi cho đó là điều quý nhất.
* Có một thứ nghề gọi là nghề sống ư?
- Không ai sống được một mình, người ta chỉ sống với thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm. Thế giới bên ngoài gồm có thiên nhiên, vũ trụ và những người đồng loại với mình, là muôn vàn hình thức sống khác của vũ trụ.
Hai cái sống này phải giao đãi nhau mới có ý nghĩa. Nếu mình chỉ sống với cá nhân mình, không để ý đến những thứ bên ngoài thì mình sẽ rất nghèo nàn, mình sẽ mất hết tất cả những cơ hội giao tiếp, những hạnh phúc lớn hơn cá nhân mình.
Cho nên sống với tôi là mình phải rất tò mò về tất cả mọi thứ ở trong thế giới này và phải để ý đến chúng một cách rất tử tế. Thì đó là nghề sống. Cái nghề chỉ để nuôi sống mình dễ lắm, làm gì cũng có thể sống được. Nhưng đời sống tinh thần thì khó hơn nhiều, mình phải chăm chú hơn nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét