(VTC News) - Từng là nỗi ám ảnh của nông dân miền Tây vì sinh trưởng quá nhanh, lục bình trở thành 'vị cứu tinh" giúp họ thoát nghèo, là nguyên liệu cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo.
"Rác" thành nguyên liệu quý
Cây lục bình thường mọc đầy các mương vườn hoặc trôi hoang trên sông, tấp vào các dải đất ven sông hoặc quanh cù lao, tạo thành thảm xanh rộng lớn khắp miền Tây.
Do sinh trưởng quá nhanh, lục bình từng là nỗi lo của người miền Tây do ngăn trở dòng chảy, gây khó khăn cho việc đánh bắt thủy sản. Thế rồi cái khó ló cái khôn, họ biến nó thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, phổ biến nhất là những chiếc giỏ.
Nghệ nhân Ngô Thị Anh cho biết, bà không rõ việc làm giỏ lục bình manh nha trong cộng đồng người miền Tây chính xác từ lúc nào; bản thân bà làm nghề khoảng 20 năm nay. “Cái nghề lục bình này nhìn vậy chứ cũng làm cực lắm, nhất là vào mùa mưa lũ. Các công đoạn phải tỷ mỷ, kỹ lưỡng mới có sản phẩm đạt chuẩn đem đi giao cho công ty được”, bà Anh chia sẻ.
Để sử dụng lục bình làm vật liệu sản xuất đồ mỹ nghệ, dân miền Tây thu hoạch loài thực vật thủy sinh này khi được 3 tháng tuổi, thân cây dài từ 60 - 90cm. Họ cắt sát gốc, vạt bỏ lá, rửa sạch rồi đem phơi nắng 5 - 6 ngày cho khô.
“Lục bình khô sẽ được bà con bó lại, đem bán cho mình mỗi lần vài tấn vậy đó. Một kg lục bình khô có giá 17.000 đồng. Mình nhập về bắt đầu nhúng keo phơi rồi mới đan lát, cắt tỉa”, bà Anh nói, cho biết mỗi người có thể làm được 6 -7 giỏ lục bình loại nhỏ mỗi ngày; nếu là loại lớn thì chỉ 1 chiếc. Phụ nữ miền Tây coi việc đan giỏ lục bình là nghề mưu sinh khi rỗi việc đồng áng.
“Nhờ có nghề này mà cuộc sống cũng đỡ, mình có thêm chút thu nhập. Nhất là đối với phụ nữ với người già, ở nhà coi nhà, nấu nướng mà vẫn có đồng ra đồng vào. Mỗi ngày nếu đan tốt cũng có thu nhập khoảng 100.000 đồng”, bà Ánh tâm sự.
Theo bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Chủ tịch HĐND huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), nghề đan giỏ lục bình tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng nghìn người trong huyện, giúp nhiều gia đình thoát nghèo: "Dân ở đây đa số gắn bó với kinh tế nông nghiệp. Nguyên liệu đầu vào là lục bình lại chiếm diện tích rất lớn trên địa bàn. Các nghề truyền thống của mình thường là thủ công mỹ nghệ nên gắn với những nguyên liệu như tre, trúc, lục bình… Do đó, người dân có thể dễ dàng truyền nghề cho nhau”.
Từ chỗ làm manh mún theo tập quán, nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình được chính quyền địa phương hỗ trợ, thúc đẩy để tạo ra các làng nghề. Nhân lực chủ yếu là những người có thời gian nhàn rỗi bên cạnh việc làm nông.
“Một số doanh nghiệp cũng đến các làng nghề để đào tạo, huấn luyện nhân lực nên người dân có thêm các kỹ năng cần thiết để sản phẩm làm ra tinh xảo hơn, bắt mắt hơn, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu”, bà Thu nhấn mạnh.
Hướng đi mới cho loài cây ‘2 lúa’
Ông Nguyễn Hữu Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Artex Đồng Tháp, cho biết, hiện nay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình không chỉ có mặt ở hầu hết các chợ, siêu thị lớn nhỏ trên cả nước mà còn xuất hiện ở rất nhiều nước trên thế giới. Thời hoàng kim của nghề thủ công mỹ nghệ là những năm Việt Nam mới mở cửa hội nhập, sản phẩm này được xuất khẩu với quy mô rất lớn. Thế nhưng từ năm 2010 đến nay, nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ lục bình dần rơi vào khủng hoảng.
“Nguyên liệu được khai thác tự nhiên nên bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, phụ thuộc vào mùa vụ. Ngoài ra, cơ cấu sản xuất dịch chuyển về công nghiệp, nhân công của ngành tiểu thủ công nghiệp cũng dịch chuyển dần theo xu thế chung đó”, ông Hưng lo ngại.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh - cho biết: “Lục bình mọc nhiều nhưng trước giờ đều khai thác tự phát, chưa được quản lý hay quy hoạch. Do đó nguồn nguyên liệu này cũng rất bấp bênh. Về tiêu thụ, hiện nay sản phẩm được người dân sản xuất tại nhà, sau đó doanh nghiệp mua lại. Như vậy họ không nhất thiết phải đến công ty mà có thể làm ở nhà. Huyện cũng chỉ đạo cho các đơn vị vận động người dân tham gia sản xuất thủ công mỹ nghệ”.
Ông Tuấn khẳng định, việc đẩy mạnh làm đồ thủ công mỹ nghệ từ lục bình vẫn là ưu tiên của các địa phương miền Tây. Ngoài tác dụng bảo vệ môi trường, đây được coi là nghề góp phần giảm nghèo bền vững.
Theo bà Hoài Thu, việc dân địa phương tham gia làm nghề này còn là cơ sở để chính quyền kết hợp đẩy mạnh du lịch: “Chúng tôi mở các điểm tham quan, du lịch tại các làng nghề, tạo ra ngành nghề mới trên cơ sở tài nguyên của địa phương. Những hoạt động như vậy giúp bộ mặt nông thôn thay đổi, sinh động hơn. Việc làm ổn định sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tệ nạn trên địa bàn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét