Chỉ trong 10 ngày, tính đến ngày 19/3, tỉnh Quảng Ninh đã khám sức khỏe và cập nhật hồ sơ quản lý y tế trên 1,25 triệu người (chiếm 93,15% dân số toàn tỉnh).
Phòng dịch từ trong… "nhà"
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 có thể xâm nhập qua nhiều đường nên không chỉ phòng dịch ở các cửa khẩu biên giới, cảng biển hay cảng hàng không, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động phòng dịch cả ngay ở nội địa, tức “trong nhà”.
Với phương châm “3 trước” (nhận diện, chủ động phòng, chống trước; chuẩn bị phương án, phương tiện vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước) trong phòng dịch, tỉnh Quảng Ninh đã xác định “phòng là chính, lấy cách ly là chủ đạo, lấy người dân làm trung tâm, hộ gia đình là nòng cốt, hệ thống chính trị cấp xã là đơn vị trực tiếp và thường xuyên hằng ngày” để phòng dịch COVID-19. Chủ trương khai báo, khám sức khỏe, cập nhật hồ sơ quản lý và theo dõi sức khỏe toàn dân được Thường trực Tỉnh ủy đề ra và nhanh chóng được triển khai từ ngay đầu tháng 3, thời điểm dịch COVID-19 bước vào giai đoạn mới với nhiều nguồn lây nhiễm khó kiểm soát. Đây là động thái tích cực trong cuộc chiến chống "giặc COVID-19" của Quảng Ninh.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện cho biết: Công tác khám, khai báo y tế toàn dân sẽ góp phần tích cực trong việc sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc, từ đó có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả ngay từ cơ sở.
Ngày 10/3, tất cả đội ngũ y tế ở 177 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh Quảng Ninh phối hợp với chính quyền cơ sở đồng loạt tiến hành khám, cập nhật hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe cho toàn dân.
Chỉ trong 10 ngày triển khai, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã tiến hành lấy khai báo, khám sức khỏe được hơn 1,25 triệu người (đạt 93,15% tổng số dân), trong đó sàng lọc, phát hiện được 1.033 người có yếu tố nguy cơ do xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở hoặc người có yếu tố dịch tễ như đi từ nước ngoài về, tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài... Những người này cần được tư vấn y tế hoặc được cách ly tại gia đình để phòng ngừa dịch COVID-19.
Khó, khổ vẫn phải làm
Phó Trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh), ông Nguyễn Mạnh Chí nêu rõ: Hiện nay, lực lượng cán bộ y tế của ngành đang tập trung chủ yếu cho tuyến đầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, nên khi thực hiện việc khám sàng lọc y tế toàn dân buộc ngành phải đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu để đạt được kết quả nhanh nhất, hiệu quả cao nhất, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chống dịch hiện nay.
Mẫu phiếu khám sức khỏe được thiết kế một cách đơn giản nhất, ngoài thông tin cá nhân, nội dung khám và điều tra dịch tễ chỉ có vẻn vẻn 5 mục gồm các biểu hiện: sốt, ho, khó thở, thông tin về yếu tố dịch tễ có - từ nước ngoài về hay tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài và có bệnh nền. Với thông tin như vậy, việc khám, khai báo y tế chỉ mất 1 phút cho mỗi mỗi người dân. Trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở cũng như các yếu tố từ nước ngoài về hay tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài sẽ được ưu tiên khám sàng lọc kỹ hơn, hoặc được tư vấn cách ly hoặc theo dõi y tế thường xuyên.
Bà Nguyễn Thị Thanh Đoàn, Trưởng phòng Phòng y tế thành phố Uông Bí cho biết: Qua thực hiện khai báo, khám sức khỏe toàn dân, thành phố Uông Bí phát hiện trên 100 người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh, trong đó có khoảng 40 người là khách du lịch tạm trú đến từ các nước có dịch như Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngành y tế thành phố đã triển khai nhanh các biện pháp giám sát y tế sát sao hơn, hàng ngày cập nhật thông tin về sức khỏe của những người này, tư vấn cho họ biết thực hiện các biện pháp tự cách ly tại nơi ở, nếu xuất hiện các biểu hiện của người mắc bệnh thì họ sẽ được cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
Theo ông Khổng Văn Quý, Trạm trưởng Trạm y tế phường Hồng Hà (thành phố Hạ Long), trạm y tế phường chỉ có 7 cán bộ, tuy nhiên, có ngày trạm phải huy động lực lượng đủ để lập tới 31 tổ, đội đến từng gia đình để lấy thông tin khai báo và khám sức khỏe cho từng người dân để đảm bảo đúng tiến độ, phục vụ nhu cầu cấp bách của phòng chống dịch COVID-19. Thiếu nhân lực, trạm đã phải huy động thêm gần 60 người là những người làm y tế đã về hưu, cán bộ y tế phụ trách các trường học, đội ngũ giáo viên và cán bộ chính quyền sở tại góp sức. Chỉ trong vòng 10 ngày, đến nay toàn bộ hơn 22 ngàn người dân của phường Hồng Hà đã cơ bản được khám sàng lọc.
Cặp vợ chồng mới cưới Nguyễn Thị Ngọc Bích và Chủ Ngọc Tuấn Anh (số nhà 18 đường Đặng Thùy Trâm, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long) cho biết: Đám cưới của anh chị diễn ra đầu tháng 3. Trong số bạn bè đến chúc mừng hạnh phúc, có một người nhà của bệnh nhân COVID-19 nên cán bộ y tế phường bất chấp mưa gió đã đến tận nhà thăm khám sức khỏe cho cả gia đình. Được thăm khám, theo dõi sức khỏe hàng ngày tại nhà, gia đình anh chị rất yên tâm và cảm ơn đội ngũ cán bộ y tế đã chu đáo, nhiệt tình.
Cặp vợ chồng mới cưới Nguyễn Thị Ngọc Bích và Chủ Ngọc Tuấn Anh (số nhà 18 đường Đặng Thùy Trâm, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long) cho biết: Đám cưới của anh chị diễn ra đầu tháng 3. Trong số bạn bè đến chúc mừng hạnh phúc, có một người nhà của bệnh nhân COVID-19 nên cán bộ y tế phường bất chấp mưa gió đã đến tận nhà thăm khám sức khỏe cho cả gia đình. Được thăm khám, theo dõi sức khỏe hàng ngày tại nhà, gia đình anh chị rất yên tâm và cảm ơn đội ngũ cán bộ y tế đã chu đáo, nhiệt tình.
Ông Nguyễn Việt Phương (thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên) cho rằng trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân Quảng Ninh được thăm khám, theo dõi sức khỏe tại nhà là điều rất ốt. Cán bộ y tế thăm khám nhiệt tình, gần gũi, tư vấn người dân chăm sóc sức khỏe cho bản thân cặn kẽ nên công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn chắc chắn sẽ sớm thành công.
Cần sớm đưa công nghệ vào việc quản lý
Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Quảng Ninh) Nguyễn Mạnh Chí nhấn mạnh: Kết quả lấy khai báo và khám y tế toàn dân chỉ có giá trị trong thời điểm khai báo, phục vụ tích cực trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 hiện tại. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của công tác khám sức khỏe toàn dân hơn nữa cần sớm có phần mềm quản lý dữ liệu chung.
Thực tế hiện nay cho thấy, hệ thống trạm y tế cơ sở đang sử dụng phần mềm do Viettel cung cấp. Trong khi đó, hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên lại mạnh ai người đó sử dụng các phần mềm quản lý dữ liệu khác nhau. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu không được liên thông nên chưa phát huy được hiệu quả của việc khai báo, khám và cập nhật hồ sơ y tế của người dân từ cơ sở.
Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hồng Hà Khổng Văn Quý cho rằng nếu Bộ Y tế sớm chia sẻ quyền quản lý, khai thác phần mềm khai báo y tế điện tử đến từng địa phương thì việc khai báo, khám và cập nhật hồ sơ y tế toàn dân ở cơ sở sẽ thuận lợi và phát huy hiệu quả hơn nhiều, nhất là trong giai đoạn cao trào chống dịch COVID-19 như hiện nay.
Thời gian tới, ngoài việc kiện toàn phần mềm để liên thông giữa các tuyến, ngành y tế Quảng Ninh đang tiếp tục chỉ đạo nhân viên y tế tăng cường việc cập nhập liên tục thông tin về tình hình sức khỏe của người dân trên địa bàn quản lý; tiếp tục phối hợp với các địa phương, các ngành và doanh nghiệp để triển khai hiệu quả phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị, giúp người bệnh được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét