“Nói điều này không phải để ca ngợi Trung Quốc mà nhằm mở cánh cửa để cả thế giới nhận ra có thể làm điều gì đó khi người dân bắt đầu tuyệt vọng về những điều chúng ta có thể làm”, ông Aylward phát biểu tại cuộc họp báo đầu tuần này tại Bắc Kinh. 
Cho đến nay đã có hơn 3.000 ca nhiễm bệnh được ghi nhận ngoài Trung Quốc, trong đó có 54 trường hợp tử vong. 
Một nhóm gồm vài chuyên gia của WHO thực hiện chuyến thăm ngắn ngày đến Trung Quốc trước khi ông Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng giám đốc WHO, dẫn 12 chuyên gia về dịch tễ, virus học và y tế cộng đồng đến Trung Quốc vào tháng 2 để xem phần còn lại của thế giới có thể học được gì từ cách chống dịch ở đất nước đầu tiên phát hiện dịch Covid-19. 
Nhóm của ông đã thăm Bắc Kinh, Quảng Đông và Tứ Xuyên từ ngày 16-20/2 cùng một nhóm chuyên gia Trung Quốc trước khi thăm tâm dịch Vũ Hán.
Những tỉnh thành khác của Trung Quốc áp dụng hàng loạt biện pháp để ngăn virus lây lan, như cách ly những người tiếp xúc gần với người bệnh và đóng cửa ở mức độ khác nhau. Nhưng Trung Quốc cũng tập trung tuyên truyền về vệ sinh cơ bản, như rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang. 
Ông Aylward nói rằng vẫn còn tình trạng mơ hồ về cách tiếp cận phi dược phẩm và các nước cần tìm ra cách biện pháp họ có, trong lúc chưa có vắc-xin, để đối phó với virus cực kỳ nguy hiểm này. 
Số ca nhiễm bệnh giảm mạnh ở Trung Quốc, từ mức khoảng 2.500 ca mỗi ngày, từ lúc ông Aylward bắt đầu chuyến thăm, xuống chỉ còn vài trăm ca, tương đương mức giảm 80%, khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng tình hình dịch có thực sự bớt nghiêm trọng ở nước này hay do báo cáo không đủ hoặc thay đổi tiêu chí báo cáo. 
Nhưng ông Aylward ủng hộ kết luận rằng Trung Quốc đang xoay chuyển được tình thế. 
“Rất nhanh chóng, nhiều nguồn dữ liệu đều chỉ ra rằng số ca nhiễm đang giảm và giảm vì các biện pháp được triển khai”, ông nói. 
Nhưng ông cũng cho rằng các nước khác nên rút ra bài học từ sai lầm của Trung Quốc, trong đó có việc phản ứng chậm khi dịch bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán. Ông gọi đây là bài học “thực sự chua chát” với Trung Quốc.
“Điều tôi lo lắng nhất là: Phần còn lại của thế giới có rút ra được bài học về tốc độ? Hiện chúng ta đang thấy ổ dịch ở nhiều nước khác, gia tăng với cấp số nhân… Nó đang tàn phá”, ông nói. 
Chuyên gia này khuyên các nước cần hành động nhanh chóng và áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt, nhưng không nhất thiết phải phong toả, khi dịch bệnh mới xuất hiện, trước khi nó bắt đầu lan ra các nước thu nhập thấp với năng lực y tế cộng đồng yếu. 
Ông Aylward đồng ý rằng cách làm quyết liệt của Trung Quốc chỉ có thể thực hiện do hệ thống chính trị của nước này, cùng với “cam kết tập thể và ý chí to lớn của người dân Trung Quốc”.
Nhưng ông cho rằng phần còn lại của thế giới “chưa sẵn sàng về tư tưởng hay vật chất” để làm như Trung Quốc. 
Theo SCMP