#1 Tadeusz Zytkiewicz và bức ảnh của mình
Tadeusz đang cầm trên tay bức ảnh đẹp nhất năm 1987 do tạp chí National Geographic bình chọn, trong ảnh là bác sĩ Zbigniew Religa đang theo dõi bệnh nhân của mình sau khi thực hiện ca phẫu thuật ghép tim đầu tiên ở Ba Lan lên tới 23 giờ đồng hồ. Ở góc dưới bên phải là một trong những đồng nghiệp của ông ngủ thiếp đi sau khi hoàn thành ca phẫu thuật. Mặc dù ca mổ này vào thời điểm đó được cho là gần như không thể thành công, bác sĩ Religa vẫn nắm lấy cơ hội và bệnh nhân của ông - Tadeusz Zytkiewicz - thậm chí còn sống thọ hơn cả vị cứu tinh của mình.
#2 Ba người hùng thầm lặng của Chernobyl - "The Three Unsung Heroes Of Chernobyl"
Nếu không nhờ ba người đàn ông trong bức ảnh - Alexei Ananenko (đứng thứ hai bên trái) và binh sĩ Valeri Bezpalov (giữa) và Boris Baranov (ngoài cùng bên phải) - hàng triệu sinh mạng đã bị mất trong thảm họa ở Chernobyl. Mười ngày sau thảm hoạ, hệ thống làm mát bằng nước của nhà máy đã bị tê liệt và một hồ nước đã hình thành ngay dưới lò phản ứng phóng xạ cao. Nếu không làm mát, chất giống như dung nham có thể dễ dàng tan chảy qua các vách ngăn, làm rơi lõi lò phản ứng xuống nước. Nếu điều này xảy ra - nó sẽ gây ra vụ nổ hơi nước, bắn bức xạ cao và rộng lên bầu trời, lan ra khắp nhiều nước Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Trong ảnh, kỹ sư Alexei cùng với Valeri và Boris được trang bị đồ bảo hộ sau khi họ tình nguyện lặn xuống nước và hút chất lỏng gần lò phản ứng trong thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraina năm 1986. Nhiệm vụ đã thành công và mặc dù vẫn có thiệt hại, nhưng ba người hùng đã ngăn chặn được thảm hoạ có thể diễn ra tàn khốc hơn rất nhiều. Thật may mắn, cả ba người đàn ông đều sống sót.
#3 "Cher Ami"
Chú chim bồ câu này đã gửi một thông điệp từ một tiểu đoàn bị mắc kẹt trong Thế chiến thứ I và cứu gần 200 người. Nó đã bị bắn nhiều lần và cuối cùng bị mất một chân và một mắt. Những người lính đã làm cho chú chim bồ câu một cái chân giả bằng gỗ và đặt tên cho nó là "Cher Ami" (trong tiếng Pháp, 'Ami' chỉ giới tính nam, mặc dù con chim bồ câu này là con cái) có nghĩa là "Anh bạn thân yêu".
#4 Đằng sau cánh cửa - 'Behind Closed Doors'
Cặp đôi trong bức ảnh là Elisabeth và Bengt - nhiếp ảnh gia Donna Ferrato đã biết đến họ qua một dự án ảnh mà cô đã thực hiện về những diễn viên xiếc giàu có. Đêm đó vào năm 1982, tại nhà riêng của họ ở ngoại ô, hai người đã nổ ra tranh cãi trong khi Donna đang chụp ảnh. Cuộc tranh cãi bị đẩy lên cao nhanh chóng, và bạn có thể thấy trong bức ảnh Elizabeth đã bị đánh. Donna muốn công bố bức ảnh, nhưng tất cả các biên tập viên tạp chí mà bà đã liên lạc đều từ chối. Nhưng nữ nhiếp ảnh gia biết rằng phải làm một điều gì đó để đưa những hành vi bạo lực như vậy ra ánh sáng, thế nên, vào năm 1991, cô đã xuất bản một cuốn sách có tên "Sống chung với kẻ thù". Cuốn sách ghi lại các vụ bạo lực gia đình và hậu quả của chúng. Việc Donna làm đã dấy lên chủ đề gây nhiều mâu thuẫn vào thời điểm đó và nhờ có cô, năm 1994, Quốc hội đã thông qua đạo luật chống lại bạo hành phụ nữ.
#5 Phía sau quầy - "Behind The Counter"
Khoảnh khắc nhục nhã và gây phẫn nộ đã được bắt kịp vào ngày 28 tháng 5 năm 1963 bởi Fred Blackwell, một nhiếp ảnh gia của tờ tin tức Jackson Daily News. Từ trái sang phải, tại chiếc quầy màu trắng tại một cửa hàng đồng giá năm xu của Woolworth, ở Jackson, có ba người biểu tình phản đối: John Salter, một giáo viên xã hội học và hai sinh viên Joan Trumpauer và Anne Moody. Cả ba đều đến từ trường Tougaloo - một trường đại học dành cho người da màu, nơi đã trở thành nòng cốt của phong trào dân quyền ở Mississippi. Khi đang ngồi ở quầy, cả nhóm bị một đám đông da trắng giận dữ tấn công, họ đổ đầy sốt cà chua, mù tạt và đường lên đầu John, Joan và Anne.
#6 Bố ơi, đợi con với - "Wait For Me, Daddy"
Một bức ảnh cảm động được chụp bởi Claude Detloff ở Vancouver, khi những người lính của Công tước Connaught vác súng trường lên đường chiến đấu trong Thế chiến thứ II. Cảm xúc trên khuôn mặt cậu bé và bố mẹ kết hợp với ngôn ngữ cơ thể của họ đã đánh dấu một khoảnh khắc đau lòng khó quên. May mắn thay, cha của cậu bé đã trở về an toàn vào tháng 10/1945.
#7 Người bạn thời ấu thơ - "Childhood Friends"
Được ghi lại bởi Jacques Gourmelen, bức ảnh đã trở thành một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng của người dân Brittany, Pháp. Vào ngày 6 tháng 4 năm 1972, tại Saint-Brieuc, các công nhân của công ty Joint Français đã đình công và CRS (cảnh sát chống bạo động Pháp) đã ra tay can thiệp. Trong ảnh, hai người đàn ông đang đối mặt nhau - Guy Burmieux, một công nhân và Jean-Yvon Antignac, một cảnh sát chống bạo động, lại chính là hai người bạn thời thơ ấu. Nhiếp ảnh gia sau đó nhớ lại: "Tôi thấy anh ấy (Guy Burmieux) đi về phía bạn mình và túm lấy cổ áo anh ta. Anh ấy đã gào lên trong cơn thịnh nộ: 'Cứ đánh tôi đi nếu anh muốn!'. Nhưng người bạn đã không hề ra tay.
#8 Bà mẹ trẻ nhất trong lịch sử - "The Youngest Mother"
Lina Medina khi mới 5 tuổi (sinh ngày 23 tháng 9 năm 1933) được cha mẹ đưa đến bệnh viện trong tình trạng bụng cô bé phát triển bất thường. Sau khi được bác sĩ kiểm tra, một sự thật gây sốc đã được phát hiện - Lina đã mang thai bảy tháng. Rõ ràng, cô bé Lina rơi vào trường hợp hi hữu gọi là 'dậy thì sớm', mà nói một cách đơn giản là, các cơ quan sinh sản của cô phát triển sớm hơn bình thường. Lina Medina sau đó chính thức trở thành bà mẹ trẻ nhất trong lịch sử y học. Cô sinh một bé trai vào ngày 14 tháng 5 năm 1939, bằng cách sinh mổ, vì xương chậu của cô quá nhỏ. Đứa trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh và được đặt tên là Gerardo. Tuy nhiên, cha của đứa trẻ là ai vẫn còn là một ẩn số.
#9 Vỡ òa hạnh phúc - "Burst Of Joy"
"Burst of Joy" là bức ảnh đã đoạt giải Pulitzer được chụp bởi nhiếp ảnh gia báo Associated - Slava "Sal" Veder vào ngày 17 tháng 3 năm 1973 tại căn cứ không quân Travis ở California. Trong ảnh là người lính phòng không không quân Hoa Kỳ - Lt Col Robert L. Stirm đang đoàn tụ với gia đình, sau hơn 5 năm bị giam cầm như một tù nhân chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam. Trung tâm của bức ảnh là cô con gái 15 tuổi của Robert, Lorrie, với đôi tay dang rộng và nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt khi chạy đến bên cha. "Bạn có thể cảm nhận được năng lượng mãnh liệt và tình cảm chân thành toả ra lúc đó", nhiếp ảnh gia nhớ lại. Bức ảnh đã trở thành một biểu tượng của dấu mốc lịch sử đánh dấu việc chấm dứt chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam.
#10 Hai anh em - "Two Brothers"
Bức ảnh có vẻ sinh động và vui nhộn này của hai anh em - Michael và Sean McQuilken - được chụp tại núi đá Moro Rock ở Công viên Quốc gia Sequoia ở California vào ngày 20 tháng 8 năm 1975. Bức ảnh được chụp bởi chị gái Mary của họ chỉ vài giây trước khi họ bị sét đánh. Một trong hai anh em sau đó nhớ lại: "Lúc bấy giờ, chúng tôi nghĩ điều này thật hài hước. Tôi chụp ảnh Mary còn Mary chụp ảnh Sean và tôi. Tôi giơ tay phải lên không trung và chiếc nhẫn tôi đeo bắt đầu kêu to đến mức mọi người đều có thể nghe thấy. Sau đó tôi thấy mình nằm trên mặt đất với những người khác. Sean đã ngã khuỵu xuống. Khói bốc lên từ lưng anh." Lúc đó, cả ba người đều sống sót, nhưng Sean, người em trai út, đã tự kết liễu đời mình vào năm 1989.
#11 Bức vẽ nguệch ngoạc của Terezka - "Terezka’s Scrawls"
Bức ảnh kỳ lạ và gây ám ảnh này được chụp bởi David Seymour (một trong những người sáng lập ra Magnum Photos và là một trong những phóng viên ảnh hàng đầu của thế kỷ 20) trong một ngôi nhà dành cho trẻ em bị rối loạn cảm xúc ở Warsaw năm 1948. Bài tập tại trung tâm hôm đó là vẽ một ngôi nhà lên bảng. Trong khi những đứa trẻ khác vẽ nhà, Terezka, cô bé đã từng lớn lên trong một trại tập trung, có một ý tưởng khác về ngôi nhà. Người ta chỉ có thể tự hỏi những nét vẽ nguệch ngoạc kia miêu tả cái gì, nhưng dường như nỗi đau và sự kinh hoàng mà cô bé phải chịu đựng trong trại được thấy rõ trong ánh mắt của Terezka.
#12 Dịch chuyển một toà nhà chung cư để mở ra một đại lộ ở Alba Iulia, Romania - "Moving An Apartment Building To Create A Boulevard In Alba Iulia, Romania"
Vào mùa xuân năm 1987, tại Alba Iulia, Romania, Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo làm lại cơ sở hạ tầng và mở đường cho đại lộ - tuy nhiên, một tòa nhà chung cư đã cản trở kế hoạch. Do đó, người ta đã quyết định chia tòa nhà thành hai phần và di chuyển các phần cách xa ra 55 mét (180 feet). Tòa nhà chứa hơn tám mươi gia đình và nặng hơn 7600 tấn. Quá trình này mất gần sáu giờ để hoàn thành và hai phần riêng biệt của tòa nhà được di chuyển trên một góc nghiêng 33 độ. Nhiều người kể lại rằng người dân vẫn ở trong tòa nhà trong suốt quá trình di chuyển và một người phụ nữ thậm chí còn đặt một cốc nước ở rìa ban công của mình mà nước không trào ra lấy một giọt. Ngoài ra, tất cả các tiện ích (nước, điện, ga, v.v...) vẫn còn nguyên vẹn.
#13 Quản lý nhà nghỉ đổ axit xuống bể bơi - "Motel Manager Pouring Acid In The Water"
Bức ảnh nổi tiếng đã truyền tải một cách hoàn hảo thời kỳ biến động nhất của Phong trào Dân quyền trong thập niên 1960, được chụp bởi Horace Cort. Hình ảnh cho thấy một nhóm thanh niên da trắng và da đen, đang bơi trong bể bơi của nhà nghỉ Monson Motor Lodge vào ngày 18 tháng 6 năm 1964 trong khi người quản lý của nhà trọ đang đổ thuốc tẩy lên họ. Bảy ngày trước khi xảy ra vụ việc, Martin Luther King Jr đã bị bắt vì tội xâm phạm trái phép cũng tại Monson Motor Lodge sau khi bị yêu cầu rời khỏi nhà hàng gần đó. Một nhóm người biểu tình đã chống đối trong hoà bình bằng cách lên kế hoạch bơi trong hồ bơi được chỉ định dành cho "người da trắng" như một hình thức phản kháng. Những người da trắng thuê phòng trong nhà nghỉ đã mời những người da đen cùng bơi trong hồ bơi của nhà nghỉ với tư cách là khách mời của họ. Sau đó, người quản lý nhà nghỉ, Jimmy Brock, bằng nỗ lực tìm cách phá hỏng bữa tiệc, đã đổ một chai axit muriatic vào hồ bơi để dọa những người bơi lội buộc họ phải rời đi.
#14 Bán trẻ em - "Children For Sale"
Có câu nói: một bức ảnh đáng giá cả ngàn lời nói, và bức ảnh này có lẽ còn đáng giá hơn thế nữa. Cuộc sống trong thời chiến vô cùng khó khăn - thực phẩm và vật dụng nhận theo phân phát, công việc thì khan hiếm. Đối với một số người, cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc. Trong bức ảnh bi thảm này, được chụp vào năm 1948, bốn đứa trẻ ngồi trước bậc cửa trong khi mẹ của chúng xấu hổ che mặt lại khỏi ống kính đang chĩa vào mình. Lucille Chalifoux, chỉ mới 24 tuổi, nhưng đang mang thai đứa con thứ năm. Chồng cô vừa mất việc và gia đình họ đang phải đối mặt với việc bị đuổi khỏi nhà. Để tránh rơi vào tình trạng vô gia cư, cặp bố mẹ này đã chọn cách bán đấu giá con của mình. Tất cả những đứa trẻ cuối cùng đã bị bán đi hết. Một số, nghe nói rằng, đã bị bán làm nô lệ.
#15 Bi kịch bên bờ biển - "Tragedy By The Sea"
Một buổi sáng mùa xuân năm 1954, một nhiếp ảnh gia của tờ Los Angeles Times, John Gaunt, đang ở sân trước ngôi nhà bên bờ biển của mình thì nghe thấy một người hàng xóm hét lên rằng, "có chuyện gì đó đang xảy ra trên bãi biển!". John cầm máy ảnh và chạy ngay đến đó. Khi đến nơi, anh thấy một cặp vợ chồng đang ở gần mặt nước và bấu chặt lấy nhau. Hoá ra là, đứa con trai 19 tháng tuổi đang chơi trong sân của họ đã lang thang ra bãi biển và biến mất dưới làn nước. Bức ảnh đau lòng này đã xuất hiện trên trang nhất của tờ Los Angeles Times và giành được giải thưởng Pulitzer.
#16 Một người đàn ông Armenia nhảy múa để tưởng nhớ người con trai thất lạc của mình ở vùng núi gần Aparan, Armenia - ''An Armenian Man Dances For His Lost Son In The Mountains Near Aparan, Armenia"
Antoine Agoudjian là một nhiếp ảnh gia huyền thoại người Pháp gốc Armenia. Bởi không ai có thể mô tả một phẩm nghệ thuật tốt hơn chính tác giả, sau đây là câu chuyện của Antoine về quá trình ghi lại hình ảnh quý giá này: "Hồi năm 1998, tôi đến Aparan, một thị trấn lớn cách thủ đô Yerevan của Armenia một giờ lái xe. Một vũ đoàn địa phương đã biểu diễn tối hôm đó ở ngoài trời, cùng sự tham gia của hầu hết các vùng ngoại ô lân cận. Ngay khi tôi bắt đầu chụp tấm ảnh đầu tiên, một ông già đã tiếp cận tôi. Nước mắt tuôn rơi trên khuôn mặt ông. Ông nói với tôi rằng con trai ông đã chết. Rằng anh ấy đã bị điện giật, rằng anh ấy là niềm tự hào và niềm vui của ông, và trông tôi rất giống anh ấy. Ông khóc nức nở và tiến về phía tôi với đôi tay dang rộng. Tên ông là Ishran. Tôi hỏi liệu ông có thể nhảy tặng tôi một điệu không, và ông ấy bắt đầu nhảy. Vũ đoàn đã dừng lại và ngồi xem trên một mỏm đá dưới đất. Điều này thật đẹp, không phải vì người đàn ông đẹp, mà vì ông ấy đại diện cho một điều gì đó sâu thẳm trong tâm hồn của cộng đồng người Armenia: một sự ăn mừng kiên cường khi đối mặt với mất mát to lớn."
#17 Lớp học năm 1999 - "Class Of 1999"
Thoạt nhìn, bức ảnh này trông giống như bất kỳ bức ảnh tập thể lớp cấp ba nào khác - một đám thanh thiếu niên đang mỉm cười và show ra những khuôn mặt hài hước. Tuy nhiên, bạn có thể thấy Eric Harris, Dylan Klebold và những người bạn của họ ở góc xa bên trái đang tạo dáng giả vờ chĩa súng vào máy ảnh. Chỉ vài tuần sau khi bức ảnh được chụp, Eric và Dylan đã bắn chết 12 học sinh và 1 giáo viên trường Columbine trong một kế hoạch được vạch ra cẩn thận.
#18 Vụ nổ bom nguyên tử - "Atomic Bomb Detonation"
Harold Edgerton - một nhà vật lý và nhiếp ảnh gia của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - nổi tiếng với phát minh về chụp ảnh bằng strobe light, cho phép chúng ta chớp được hình ảnh các chuyển động nhanh, như trong bức ảnh nổi tiếng về một viên đạn xuyên qua một quả táo. Vào đầu năm 1947, công ty nghiên cứu của Harold được giao nhiệm vụ ghi hình các vụ thử bom nguyên tử ở Nevada và Thái Bình Dương. Bức ảnh đặc biệt này được chụp vào ngày 5 tháng 6 năm 1952, là một phần của loạt thử nghiệm cho Chiến dịch Tumbler-Snapper tại khu vực thử bom hạt nhân Nevada, với tốc độ màn trập là một trăm triệu trên giây.
#19 Cuộc chạy trốn của người tị nạn qua cây cầu đắm ở Hàn Quốc - "flight Of Refugees Across Wrecked Bridge In Korea"
Được chụp vào ngày 4 tháng 12 năm 1950 bởi nhiếp ảnh gia báo Associate Press - Max Desfor, bức ảnh cho thấy những người tị nạn đu bám một cách tuyệt vọng trên cây cầu Bình Nhưỡng bắc qua sông Taedong ở Bắc Triều Tiên đã bị phá huỷ, khi họ đang vội vã chạy trốn khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá. Quân đội cộng sản Trung Quốc đang tiến tới nhanh chóng, vì vậy người dân, vì lo sợ cho tính mạng mình, đã quyết định chạy thoát sang Hàn Quốc. Bức ảnh đã đem về giải thưởng Pulitzer cho Max Desfor vào năm 1951.
#20 Cậu bé Osama - "Young Osama"
Nếu nhìn thoáng qua đây có lẽ là một bức ảnh màu bình thường, chụp lưu niêm một đại gia đình trong kì nghỉ tại Thuỵ Điển vào năm 1971. Tuy nhiên nếu nhìn kĩ vào cậu bé mặc áo nâu thứ hai từ trái sang thì các bạn hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng đây chính là trùm khủng bố Osama Binladen khi hắn 14 tuổi. Vài năm sau, cái tên Osâm Binladen trở thành một nỗi ám ảnh với toàn thế giới khi biến thành một tên khủng bố khét tiếng gắn liền với tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan Al-Qaeda.
#21 "Rajiv Gandhi"
Đây là bức ảnh cuối cùng của Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi. Nó đã ghi lại khoảnh khắc trước khi một kẻ đánh bom tự sát, (đội hoa màu cam trên đầu, phía dưới bên trái, hoặc trong ảnh nhỏ ở góc trái trên cùng) ôm chầm lấy ông và kích nổ quả bom của cô ta. Nhiếp ảnh gia cũng thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
#22 "Tôi sẽ không bị kiện! Tôi có chất giọng của một thiên thần! Không ai có thể kiện được tôi." - “I Will Not Be Sued! I Have The Voice Of An Angel! No Man Can Sue Me.”
Vào ngày 17 tháng 11 năm 1955, Maria Callas đã có một buổi biểu diễn ăn mừng chiến thắng tại Nhà hát Opera Civic ở Chicago. Tuy nhiên, mâu thuẫn thực sự bắt đầu sau khi vở opera kết thúc. Thống chế Hoa Kỳ Stanley Pringle và Phó Cảnh sát trưởng Dan Smith xông vào phòng thay đồ của Callas và đưa cô giấy triệu tập của tòa án vì vi phạm hợp đồng. Maria rất tức giận: "Tôi sẽ không bị kiện! Tôi có chất giọng của một thiên thần! Không ai có thể kiện được tôi", cô ấy hét lên. Bức ảnh truyền tải một cách hoàn hảo cao độ trong giọng nói của cô ở khoảnh khắc đó và sau khi bức ảnh xuất hiện trên báo chí, Maria Callas được mệnh danh là "Con hổ cái". Sau vụ việc, diva nhạc Opera vĩ đại thề sẽ không bao giờ quay lại Thành phố Gió nữa.
#23 "SS Grandcamp"
Trong ảnh có vẻ như một con tàu bình thường tại một bến cảng bình thường vào một ngày bình thường. Tuy nhiên, khoảnh khắc này được ghi lại vào ngày 16 tháng 4 năm 1947 và con tàu được gọi là SS Grandcamp. Một đám cháy đã bùng phát và những người đàn ông trên bến tàu là thành viên của Sở cứu hỏa tình nguyện thành phố Texas đang cố gắng dập tắt nó. Vài phút sau khi bức ảnh này được chụp, con tàu đã phát nổ - một trong một trong những vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất trong lịch sử loài người. 468 người đã chết, hơn 5000 người bị thương.
#24 Binh sĩ Soviet quấy rối công khai một phụ nữ Đức - "Soviet Soldiers Harassing A German Woman"
Bức ảnh cho ta thấy hình ảnh hai binh sĩ Xô Viết quấy rối công khai một phụ nữ Đức ở gần Tòa Đại sảnh phía Tây nhà ga trung tâm Leipzig Hauptbahnhof tại Leipzig, năm 1945.
Để hiểu rõ hơn về tấm ảnh, chúng ta phải quay ngược lại quá khứ và xét đến khoảng thời gian mà bức ảnh này được chụp. Đó là giai đoạn cuối Thế chiến thứ II vào những ngày Châu Âu thoát khỏi ách phát xít và Đức Quốc Xã đã diễn ra những vụ cưỡng hiếp hàng loạt lớn nhất của lịch sử hiện đại. Phụ nữ Berlin kinh hoàng trước những đơn vị Hồng Quân tràn vào nước Đức và họ không có đường trốn chạy. Tuy vậy sự thật này không bao giờ được người Nga thừa nhận vì Viện Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) đã thông qua một đạo luật cho phép bỏ tù với khung hình phạt 5 năm đối với bất cứ ai “nói xấu” nước Nga, hoặc “bôi nhọ” vai trò của Liên Xô thời Đệ nhị Thế chiến.
#25 "D-Day"
Đây là bức ảnh nổi tiếng được chụp bởi nhiếp ảnh gia huyền thoại Robert Capa, nhiếp ảnh gia huyền thoại của tạp chí LIFE ghi lại một sự kiện lịch sử quan trọng vào ngày 6 tháng 6 năm 1944. Vào ngày này quân Đồng Minh đã đổ bộ lên bãi biển Normandy, để bắt đầu cuộc tiến quân về Berlin đánh bại Đức Quốc Xã. Cuộc đổ bộ này là cuộc đổ bộ từ biển vào đất liền lớn nhất trong lịch sử. Nhân vật chính của bức ảnh chính là binh nhì Huston Riley, 22 tuổi, người đã bị trúng đạn nhiều lần trong cuộc đổ bộ hôm ấy. Và cũng tại đây, Robert Capa đã dùng đủ 4 cuộn phim của mình ghi lại những thời khắc không thể nào quên của những ngày cuối cùng Đệ nhị thế chiến. Ông đứng dưới làn đạn và tiếp cận chụp sát những người lính bộ binh đang anh dũng chiếm lĩnh dần từng phân vuông bờ biển với bức tường lửa trước mặt. Bức ảnh này đã làm khơi dậy niềm tự hào của những phóng viên chiến trường và thúc đẩy họ lao vào cuộc chiến như những người chiến sĩ.
#26 Bước nhảy về phía tự do - "Leap Into Freedom"
Sau Đại chiến thế giới lần thứ II, thành phố Berlin được phân chia thành bốn khu vực khác nhau do liên quân chiếm đóng, và sau đó các khu vực do Anh, Pháp, Mỹ chiếm đóng được hợp nhất và trở thành Tây Berlin. Phần còn lại do Liên Xô chiếm đóng trở thành Đông Berlin (thủ đô của Cộng hoà Dân chủ Đức). Cuộc sống tại hai nửa thành phố không giống nhau trong giai đoạn 1949 đến 1961 đã có khoảng 2,5 triệu người đã trốn khỏi khu vực do Liên Xô kiểm soát. Nhà lãnh đạo Đông Đức khi đó là Walter Ulbricht đã ra lệnh xây dựng Bức tường Berlin nổi tiếng để ngăn dòng người bỏ trốn này. Và ngày 15 tháng 8 năm 1961, người lính Đông Đức Hans Conrad Schumann 19 tuổi được điều đến làm nhiệm vụ tại giao lộ Ruppiner Straße và Bernauer Straße để bảo vệ Bức Tường Berlin đang được thi công vào ngày thứ ba (công trình được khởi công ngày 13 tháng 8 năm 1961). Vào lúc đó, tại nơi anh lính trẻ được điều đến chỉ có một cuộn dây gai. Từ phía bên kia, người dân Tây Đức hét lên: "Nhảy qua bên này đi!". Sau một thoáng chần chừ, Schumann nhảy qua đoạn dây thép gai về phấn đất Tây Berlin và được cảnh sát Tây Berlin nhanh chóng đưa đi nơi khác. Nhiếp ảnh gia người Tây Đức Peter Leibing đã kịp thời chụp được bức ảnh đào thoát của anh lính trẻ Schumann. Hình ảnh của anh từ đó đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tháng 5 năm 2011, bức ảnh "Bước nhảy về phía tự do" này (Leap into freedom) đã được đưa vào chương trình Di sản Tư liệu thế giới của UNESCO như một phần của một bộ sưu tập tài liệu về sự sụp đổ của Bức tường Berlin.
#27 Cậu bé công nhân dệt may bị thương - "An Injured Young Mill Worker"
Bức ảnh được chụp vào tháng 10 năm 1912, cho thấy cậu bé Giles Edmund Newsom, một thợ dệt đang bị thương. Trong khi đang làm việc, một mảnh của máy dệt đã rơi lên chân cậu bé, khiến cậu mất thăng bằng và tay bị quấn vào một cái máy. Tai nạn này đã làm cho Newson bị mất hai ngón tay, lúc đó cậu mới 11 tuổi. Vào thời điểm nhiếp ảnh gia Lewis Hine chụp bức ảnh này, cả Giles và em trai của cậu đều đang là công nhân làm việc trong nhà máy dệt nhiều tháng trước khi tai nạn đau lòng xảy ra. Sau khi bức ảnh được chụp và công bố trên báo chí, Chính phủ Mỹ đã ban hành đạo luật lao động chặt chẽ hơn trong đó cấm hoàn toàn việc nhận thuê các trẻ em chưa đủ tuổi lao động.
#28 "Sát thủ hẹn hò” - "Rodney Alcala"
Bức ảnh chụp Rodney Alcala trong phiên phản biện của chính ông ta tại toà án. Người đàn ông này là một kẻ giết người hàng loạt được biết đến với cái tên “sát thủ hẹn hò”. Sở dĩ Alcala có cái tên mĩ miều như vậy là vì hắn đã giành quán quân trong gameshow “Trò chơi hẹn hò” của kênh ABC vào năm 1978. Chương trình này diễn ra trong suốt thời gian hắn gây án. Đây là một tay sát thủ thật sự thông minh với chỉ số IQ lên đến 160 điểm tương đương với nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein. Với trí thông minh này, Alcala đã khai thác các kẽ hở của luật pháp và nhiều lần kháng án thành công. Tuy vậy, cuối cùng hắn vẫn bị kết án tử hình vào năm 2016.
#29 Tranh luận - "Argument"
Được chụp bởi Abbas - một nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Iran, tại Thủ Đô Tehran trong cuộc biểu tình cách mạng vào năm 1978. Hình ảnh đau lòng cho thấy một kẻ bạo loạn đang giữ đôi giày của một đồng đội đã chết. Người bạn của anh ta bị bắn sau khi quân đội nổ súng vào đám đông đang biểu tình. Trong ảnh ta có thế thấy hình ảnh một người lính đang cố gắng giải thích và tranh luận với người đàn ông cầm giày của bạn mình rằng không phải đơn vị của anh ấy đã nổ súng. Ảnh chụp đươc lấy từ cuốn sách “Nhật ký Iran: 1971 - 2002” của Abbas.
#30 Nụ cười cuối cùng? - "The Last Laugh?"
Khoảng khắc Perry Smith nở nụ cười cuối cùng với kẻ đồng phạm Richard Hickock, hai kẻ giết người hàng loạt sau khi bị toà kết án tử hình cho tội ác của họ. Hai kẻ máu lạnh này đã sát hai bốn thành viên trong gia đình nhà Clutter, trong đó có hai đứa trẻ ngây thơ chưa biết gì. Đây là một trong những vụ cướp của giết người gây chấn động nhất của thế kỷ 20. Nếu không xét đến hoàn cảnh phải đối mặt với bản án thích đáng dành cho tội ác đáng ghê tởm mà chúng gây ra thì nụ cười cuối cùng trên gương mặt Perry Smith lại nhẹ nhàng và kỳ lạ đáng kinh ngạc.
Theo: boredpanda
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét