Nếu anh em đam mê mô tô và yêu thích MotoGP, mình đảm bảo rằng những trải nghiệm trong hành trình Honda Asian Journey 2018 chắc chắn sẽ khiến anh em thỏa mãn. Từ phi mô tô trên cao tốc, lái chiếc touring tiền tỷ, gặp mặt Marc Marquez, chi đến tham quan pit stop của đội Repsol Honda
Team,… tất cả đều hết sức tuyệt vời. Bên cạnh đó, mình cũng sẽ tranh
thủ chia sẻ một vài lưu ý khi đi du lịch ở Malaysia nói chung, cũng như
kinh nghiệm để có thể tự đi xem chặng đua MalaysianGP ở Sepang nếu anh
em đủ máu.
Nếu anh em chưa biết thì đây là năm thứ 3 mà Honda Asian Journey được tổ chức. Từ Penang, đoàn hơn 70 xe phân khối lớn
của Honda sẽ di chuyển đến Kuala Lumpur. Lộ trình kéo dài hơn 500 km và
diễn ra trong ngày 2 và 3/11. Ở ngày cuối cùng, tất cả các thành viên
của Honda Asian Journey 2018 đến theo dõi chặng áp chót của MotoGP mùa
giải này. Cái chính là đến chia vui cùng Tân vô địch Marc Marquez. Ngoài
ra, mình còn hóng xem đội Repsol Honda Team của M93 sẽ thi đấu ra sao ở
hạng mục đồng đội trước Movistar Yamaha MotoGP của Valentino Rossi.
Ngày 1 – Từ Sài Gòn đến Penang
Trước khi đi vào phần ký sự chính, mình sẽ điểm nhanh lại một vài điểm
của chuyến đi từ Sài Gòn đến Penang trong ngày đầu tiên. Hiện giờ đã có
nhiều hãng hàng không cung cấp chuyến bay thẳng 2 chiều Hà Nội - Penang
và Hồ Chí Minh - Panang. Lần này mình bay AirAsia, tuy nhiên hãng này
mỗi tuần chỉ có 4 chuyến vào thứ 2 - 4 - 6 và 7. Không may rằng thời
gian khởi hành từ Việt Nam là thứ 5 ngày 1/11, nên mình và các anh em đi
cùng đoàn phải bay nối thêm chuyến từ Kuala Lumpur đến Penang. Một điểm
thú vị là sân bay Kuala Lumpur International Airport nằm ngay cạnh
trường đua Sepang luôn. Nói vui thì mình đã bay trực tiếp từ Sepang đến
Penang, để rồi chạy mô tô ngược trở về cho kịp ngày chủ nhật 4/11 xem
đua xe.
Chuyến bay của AirAsia từ Sài Gòn đến
Penang dùng máy bay thân nhỏ. Mỗi bên có 3 ghế, không gian ngồi ở mức
tạm ổn với người cao 1m70 như mình. Thời gian bay tầm 2 tiếng, chưa tính
các khoảng delay.
Vé của mình có mua kèm suất ăn. Món này họ gọi là Cơm gà Kung Pao. Ăn khá giống món gà kho gừng của Việt Nam
Sau nhiều giờ lang thang sang bay và lượn trên trời thì mọi người cũng
đến được Penang. Nằm ở phía Tây Bắc Malaysia, đây là điểm du lịch rất
được yêu thích. Hơi tiếc là mình không có đủ thời gian để khám phá hòn
đảo này. Penang cũng là thành phố đảo duy nhất ở Malaysia và nó có dân
số đông thứ 3 cả nước. Đường phố tuy rộng rãi nhưng rất đông xe hơi.
Thành thử khi di chuyển từ sân bay về khách sạn vào tầm 6 giờ chiều giờ
địa phương mất hơn 1 tiếng.
Do bị delay trễ giờ nên xe buýt của
ban tổ chức đã đưa đoàn các nước khác về khách sạn trước. Đoàn Việt Nam
được đón bằng xe 16 chỗ phía xa, không phải chiếc sedan trong ảnh đâu
Nếu đã từng sang Malaysia và để ý thì anh em có thể thấy thương hiệu ô
tô được ưa chuộng nhất là 2 hãng xe quốc dân Proton và Perodua. Proton
và Perodua thành lập năm 1983 và 1993, họ chuyên sản xuất các dòng xe cỡ
nhỏ giá rẻ. Proton có hợp tác và chia sẻ công nghệ với nhiều hãng xe
lớn như Honda, Mistubishi, Suzuki và Citroen. Còn Perodua là đối tác lâu
năm với Daihatsu. Hy vọng trong tương lai các mẫu xe phổ thông và xe
điện của VinFast cũng sẽ chạy trên đường Việt Nam nhiều như xe Proton và
Perodua ở Malaysia.
Trên đường nhìn đâu cũng thấy xe Proton Perodua. Trong ảnh xe bên trái
với logo sư tử là xe Proton, còn xe màu xanh bên phải là xe Perodua
Vừa đến khách sạn, ban tổ chức đã bố trí sẵn các vật dụng cần thiết
trong chuyến đi cho từng thành viê. Chỉ cần điểm danh để nhận hành trang
là xong, đã có thể về cất hành lý. Tranh thủ tí thời gian trước khi
phải tham dự buổi tiệc chào mừng, mình khám phá xem vật phẩm nhận được
của hành trình Honda Asian Journey năm nay gồm những gì. Thả tim cho ban
tổ chức vì rất chu đáo. Có đầy đủ mũ, áo cho từng ngày, bình nước, quạt
và cả túi đeo phù hợp để chạy xe
Đỏ thắm!!
Honda Asian Journey năm nay có tổng cộng 6 nước tham gia. Bao gồm nước
chủ nhà Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Indoesia, Philippines và Ấn Độ. Đi
cùng mình trong đoàn Việt Nam có 6 anh em khác và một bạn nữ. Tầm 8 giờ
tối thì tất cả các đoàn trong hành trình tụ tập đê tham tiệc giao lưu
kết hợp nhẹ nhàng. Chủ yếu để mọi người làm quen với nhau và nghe phổ
biến nhanh các quy định về an toàn. Ngày đầu tiên kết thúc tương đối nhẹ
nhàng, trừ việc giờ ở Malaysia nhanh hơn giờ Việt Nam 1 tiếng. Thành ra
bị mất 1 tiếng ngủ nghỉ lấy sức cho chuyến đi vào ngày thứ Sáu.
Ngày 2 - Từ Penang đến Cao nguyên Cameron
Thức dậy bằng tiếng điện thoại báo thức của khách sạn, mình gom hành lý,
giáp và mũ bảo hiểm xuống tập trung chuẩn bị khởi hành. Lịch trình của
ngày 2/11 gồm buổi hướng dẫn các quy tắc láy xe an toàn, ăn trưa và chạy
xe từ Peang đến cao nguyên Cameron. Tổng quãng đường vào khoảng 220 km
và mình đã có dịp chạy chiếc xe khủng nhất trong đoàn vào chiều hôm đó.
Tất nhiên trước khi khởi hành không thể thiếu phần chụp ảnh kỷ niệm.
Từ khách sạn, tất cả mọi người đi xe buýt đến sân vận động Batu Kawan.
Đây vừa là nơi mọi người được làm quen xe, cũng chính là điểm xuất phát
của Honda Asian Journey lần thứ 3. Một điều thú vị là sân vận động nằm
trên đất liền, nên xe buýt đã đưa đoàn đi qua cây cầu dây văng vượt biển
dài nhất Đông Nam Á. Cây cầu dài đến 24 km và cái tên cũng không hề
ngắn: Sultan Abdul Halim Muadzam Shah.
Xe buýt của Honda Asian Journey 2018 đi qua cầu Sultan Abdul Halim Muadzam Shah
Đến nơi là anh em đến ngắm nghía, sờ soạng ngay dàn xe mô tô đã chờ sẵn.
Nào là nake, sport, adventure, touring đến classic đều có đủ. Một điểm
đặc biệt nữa là tất cả các xe tham gia hành trình lần này đều thuộc về
Honda Thái Lan. Toàn bộ được vận chuyển sang Malaysia chỉ để cho anh em
quốc tế bào tour. Vậy nên anh em sẽ thấy xe có biển số trắng và chữ số
đen. Sau khi nghe các chuyên gia Honda giới thiệu, chia sẻ các điểm cần
lưu ý khi vào cua, phanh và kiểm soát xe thì mọi người nhận xe và bắt
đầu thực hành trong sa hình.
Honda CB500X và CB500F
Nhóm sport bike có Honda CBR500R và CBR650F, xen giữa là 1 em Rebel 500 lẻ loi
Honda CB1000R và Honda NC750X
Chiếc Honda F6C cực ngầu và hầm hố
Theo sắp xếp từ ban tổ chức, hôm nay mình sẽ lái CB500X đầu tiên. Chiếc
adventure tầm trung này đang bán chính hãng ở Việt Nam giá 180 triệu,
khá hấp dẫn với anh em nào đang muốn chuyển lên từ các dòng xe 300cc.
Mình tranh thủ lấy xe mình sẽ lái lúc trưa để làm quen luôn. Mỗi xe
trong đoàn đều có số thứ tự, nhận chìa khóa xong thì cứ việc nhận đúng
xe mà chạy. Với động cơ 2 xilanh mạnh 47 mã lực, Honda CB500X tỏ ra khá
thân thiện và dễ bảo. Côn và ga đều mượt, nước đề không bị bốc. Chiều
cao yên 810 mm cộng với trọng lượng khô 195 kg khá vừa sức với mình. Nhờ
vậy nên các bài tập trong sa hình diễn ra suông sẻ và nhanh chóng.
Chiếc CB500X mà mình lái ở ngày đầu tiên
Phần khó khăn nhất chắc là thời tiết của Malaysia. Do vị trí nằm gần
xích đạo hơn Việt Nam nên nắng gắt, cộng với độ ẩm cao nên rất dễ bị mất
nước. Sau khi tập xong thì mọi người ăn vội bữa trưa và nghỉ ngơi để
chuẩn bị xuất phát. Còn mình thì tiếp tục lang thang quanh khu vực sa
hình xe có gì hay ho không. Kết quả là đây:
Thêm một xe bán tải hậu làm công tác cần khác của đoàn, và mâm cũng được độ rất đẹp
Chiếc Navara này có cả rơ-mooc và kéo
theo cặp đôi CB500X và CB500F này. Theo mình hỏi được thì đây là xe dự
phòng cho các trường hợp xe hư hỏng hoặc sự cố trong hành trình
Đồng thời trong lúc đó, ban tổ chức đã xếp sẵn dàn xe thành đội hình rất
đẹp, chờ sẵn các Rider chinh phục cung đường của ngày đầu tiên. Đúng
12h30 cờ xuất phát được phất!
Anh em thích xe nào nhất trong nhóm này?
CB500X thiết kế khá hầm hố, kích thước và cân nặng phù hợp với vóc dáng cao 1m70 như mình
Xuất phát!
Ở Malaysia họ lái xe bên trái nên ban đầu mình cảm giác khá bỡ ngỡ, cảm
tưởng cứ như đang đi ngược chiều vậy. Khi đó chỉ biết cố bám theo xe
phía trước dể dần dần quen đường. Một điểm thú vị là trong 6 nước tham
dự thì có Việt Nam và Philippines lái xe bên phải. Rồi điều mà mình mong
muốn được làm bấy lâu nay đã thành sự thật: chạy mô tô trên cao tốc.
Đoàn đi theo cao tốc AH2 của Malaysia để xuôi về hướng Đông Nam
Lúc này tốc độ của đoàn cũng được đẩy nhanh dần lên, và mình dần hiểu
hơn về chiếc CB500X. Điểm cộng lớn nhất là tư thế ngồi của xe cao ráo,
ghi-đông rộng nên lái đường trường khá nhàn và ít bị mỏi. Kính chắn gió
phía trước cũng phần nào che bớt gió bạt vào người. Mình không cần tốn
nhiều sức để lái CB500X trên cao tốc Malaysia bởi vì mặt đường đẹp, kết
hợp với xe mở đường nên chỉ việc tập trung chạy giữ tốc độ phù hợp theo
đoàn thôi.
Anh bạn ở giữa đang chạy một chiếc CB500X màu đen
Khi những xe khác mạnh hơn như CB650F, CBR650F hay CB1000R dần “bơm” bạo
hơn thì mình chỉ có thể chạy đến 130 km/h. Tay lái từ 120 km/h trở đi
bắt đầu có cảm giác bay bay. Bánh trước chao đảo và không còn giữ được
sự ổn định. Bù lại, từ khoảng 60 đến hơn 100 km/h động cơ vẫn đáp ứng
tốt cho nhu cầu tốc độ của mình. Thậm chí có một đoạn do bị bỏ lại kha
khá với nhóm đi trước nên mình đã cố núp gió và chạy hết tốc lực. Vận
tốc trên đồng hồ điện tử có lúc đã gần chạm 160 km/h.
Sau trạm xăng này thì cả đoàn phi một mạch đến điểm tập trung làm một
cây xăng khác trên cao tốc. Ít hiện đại hơn và trông cũ hơn đôi chút
trạm xăng khi nãy. Ở đây có các thành viên ban tổ chức trực tiếp bơm đầy
bình cho từng xe một. Tiếp đến, mọi người nghỉ ngơi và giao lại chìa
khóa để ban tổ chức chia xe lần 2 trong ngày.
Trong lúc chờ đến lượt tranh thủ sống ảo
Xếp xe ngay ngắn vào bãi
Xe này vào cao tốc chắc phải lên được 200 km/h
Và rồi cực kỳ may mắn khi chiếc chìa khóa đẹp nhất, xịn nhất trong đoàn
được giao đến tay mình. Suốt hành trình Honda Asian Journey 2018 thì
chưa đến 10 người có dịp may như mình. Đây là lần thứ 2 mình cầm chìa
khóa thông minh của Honda Gold Wing 2018.
Cảm giác hào hứng hơn gấp mấy lần lúc làm video về các tính năng hiện
đại của Vua đường trường cách đây vài tháng. Đâu phải ai cũng đủ điều
kiện hoặc may mắn để có thể cầm lái chiếc touring khủng nhất của Honda.
Video trên tay các tính năng cao cấp không thua kém gì xe ô tô của Gold
Wing anh em có thể xem tại đây.
Xe tiền tỷ có khác, chìa khóa cầm vào thấy sang ngay
Đến ngắm nghía để lấy thêm tinh thần thì mới phát hiện ra chiếc Gold
Wing duy nhất trong đoàn khác đôi chút với phiên bản đang bán ở Việt
Nam. Đó là bản dùng hộp số 6 cấp côn tay thay vì dùng hộp số tự động 7
cấp ly hợp kép DCT và không có túi khí cho người lái. Có thêm 2 trang bị
này thì Gold Wing ở Việt Nam có giá gần ngang với 1 chiếc Honda Accord.
Cụm điều khiển trung tâm và ghi-đông của Gold Wing 2018 rất đẹp
Cảm giác vít ga Gold Wing chỉ có thể tóm gọn lại trong 1 từ “Sướng!”.
Động cơ boxer 6 xi-lanh đối đỉnh 170 mã lực dư sức xóa nhòa cảm giác
thiệt thòi khi chạy CB500X trước đó. Trừ việc số 1 khá hỗn thì còn lại
không có gì để chê ở hộp số 6 cấp trên Gold Wing 2018. Rời khỏi trạm
xăng tiếp tục là một đoạn cao tốc nữa. Mình vào đến số 3 để lên 100 km/h
nhẹ nhàng và mượt mà đến bất ngờ. Trong khi đó, tua máy lên đến khoảng
4.000-5.000 vòng/phút. Còn nếu dùng đến số 6 thì vòng tua chỉ ở khoảng
2.000 vòng/phút thôi. Tiếng pô trầm ấm nhưng đầy uy lực, nghe mà chỉ
muốn tăng ga rồi vượt hết các xe phía trước trong đoàn.
Yên của Gold Wing như ghế sofa, ngồi êm và đỡ đau lưng hẳn. Ghi-đông
thấp nên khuỷu tay không phải gồng, lái rất nhàn. Mình còn đặc biệt ấn
tượng với hệ thống treo trước kiểu càng đôi chữ A (double wish bone),
tương tự như hệ thống treo trước của xe hơi. Dao động được triệt tiêu
hợp lý, đủ êm ái, đồng thời vẫn cho phản hồi tư mặt đường ở mức tốt để
người lái biết được rằng bánh xe đang ở đâu. Ngoài ra, hệ thống treo của
Gold Wing còn có thể tùy chỉnh các mức độ tải trọng bằng nút bấm trên
khu vực điều khiển chính.
Đường lên cao nguyên Cameron cảnh rất đẹp, mặt đường tốt nên chạy rất an tâm
Ban tổ chức chỉ có ảnh của Gold Wing đời trước đi đèo chứ không có ảnh của mình
Thử thách thật sự đến khi đoàn ra khỏi cao tốc AH2 và bắt đầu rẽ vào
quốc lộ 185/A181 để đi lên cao nguyên Cameron. Các đoạn quanh co xuất
hiện càng lúc càng nhiều. Độ khó của những góc cua cũng tăng dần theo số
lượng. (Chi tiết cung đường anh em có thể xem qua tại đây).
Thú thật, ngay lần đầu tiên chạy Gold Wing mà đã phải đi đường đèo với
vận tốc trung bình 80 km/h quả thật có phần hơi đáng lo đối với mình.
Gold Wing 2018 rất bề thế. Mình cũng thích phong cách thiết kế mới hiện đại và trẻ trung hơn đời trước
Nhưng rồi càng chạy mình lại càng tự tin và càng thích. Bởi to lớn và
cồng kềnh là vậy nhưng GL 1800 rất biết hợp tác khi vào cua, nếu không
muốn nói là xe đã chủ động làm gần hết mọi thứ. Độ cân bằng, sự đầm chắc
của tay lái và độ bám đường của bánh xe rất tốt. Người lái chỉ việc
nương theo xe để dìu ga dắt số nữa là xong, chứ không cần phải ghìm hay
cố đè bánh trước gì cả. Rồi khi nhiệt độ hạ dần thì chính là lúc để dùng
đến nút sưởi tay lái và sưởi ghế. Quả thật, ngay cả với xe ô tô mình
cũng chưa bao giờ mình đi đèo mà lại thong dong và thi vị đến như vậy.
Xe dài và nặng hơn gần 400 kg nhưng đỗ rất dễ vì có chế độ hỗ trợ lùi xe R ngay trên tay lái
Sau khi thưởng ngoạn gần 60 km đường quanh co thỏa thích với Gold Wing
thì mình cũng đến được điểm dừng chung áp cuối trong ngày. Đó là một cửa
hàng thuộc nông trại trồng trà xanh có tên Cameron Valley Tea House 3.
Tọa lạc tại tỉnh Pahah Malaysia, cao nguyên Cameron nằm ở độ cao khoảng
1.500 mét trên mực nước biển nên khí hậu quanh năm luôn mát lạnh. Ngoài
trà thì ở đây còn một đặc sản khác là dâu tây.
Đến Cameron là phải uống trà, hoặc trà sữa và ăn bánh ngọt như mình
Cao nguyên này nằm giữa Kuala Lumpur và Penang, lần lượt cách 2 thành
phố này khoảng 200 km và 250 km. So sánh vui thì Cameron tựa tựa như Đà
Lạt ở miền Nam, hoặc Mộc Châu ở miền Bắc. Nếu anh em đến Malaysia chơi,
mình khuyên nên sắp xếp đến đây một lần, khí hậu rất trong lành, cảnh
vật nên thơ, rất thích hợp để đưa người yêu đi nghỉ dưỡng, hâm nóng tình
cảm.
Đây bạn nữ đi cùng trong đoàn Việt Nam với mình. Anh em có gì hãy giữ bình tĩnh
Cả đoàn chụp ảnh lưu niệm tại đồi trà trước khi lên đường về khách sạn
Sau khi ăn bánh ngọt, uống trà sữa xong thì cả đoàn di chuyển về khách
sạn có tên Copthron, kết thúc chặng đầu tiên của hành trình Honda Asian
Journey 2018. Ký sự ngày tiếp theo sẽ sớm được cập nhật tiếp trong bài
này, anh em nhớ đón xem
Tranh thủ check-in trước khi nhận phòng. Lúc này trời vừa mưa nhẹ và nhiệt độ trên nhiệt kế khổng lồ là 18 độ C
Xem phần cập nhật Ngày 3 của hành trình tại đây
Ảnh: Honda
Ngày 3 – Đến thủ đô Kuala Lumpur trong mưa và cái bắt tay hụt với Marquez
Ngày thứ hai rong ruổi trên mô tô
trong hành trình Honda Asian Journey 2018 không chỉ có khoảng cách dài
hơn mà còn xảy ra những sự việc bất ngờ ngoài dự định rất đáng nhớ. Mình
đã có dịp trải nghiệm cung đường đèo cực kì ngoạn mục dài hơn 80 km,
phải tách đoàn trên cao tốc, được thủ đô Malaysia đón chào bằng một cơn
mưa rào và cả hụt mất một cái bắt tay với Marc Marquez.
Sau khi ăn sáng và chuẩn bị hành lý, cả đoàn Việt Nam họp nhanh để phân
chia xe chạy trong ngày, cũng như nghe nhắc nhở về các quy định an toàn.
Nghe đâu hôm trước lúc bắt đầu lên đèo thì đã có một anh bạn của
Philippines bị xòe lúc vào cua. Sáng thứ 7 lúc này lại đang mưa nhẹ, mặt
đường trơn ướt nên anh em phải chuẩn bị tinh thần kỹ càng hơn.
Họp nhanh, lên dây cót tinh thần cho một ngày di chuyển gần 300 km
Xe đển dưới hầm, tìm mãi mới thấy chiếc CB500F biển số bù 5429
Chặng đầu tiên của hôm đó mình được bàn giao CB500F. Chiếc naked này
chia sẻ cùng khung gầm, động cơ và hộp số với CB500X mà mình đã chạy hôm
trước. Hành trình hơn 280 km bắt đầu ngay và luôn sau khi mọi người đưa
xe khỏi hầm lúc 8 giờ 40. Tất cả men theo đường 59 về hướng Nam. Tốc độ
cả đoàn chỉ khoảng 50 km/h do trục đường này không rộng lắm, hai bên có
nhiều khách sạn, cửa hàng và khá đông khách du lịch. Đến khi rẽ vào
đường 102 thì đường mới bắt đầu vắng hơn, đoàn bắt đầu tăng tốc. Một
phần ba đường 102 chạy dọc theo sông Bertam của tỉnh Pahang và cảnh vật
hai bên rất nên thơ. Đồi núi trập trùng, mây thì bay lững thững ngoài
xa, mưa thì lúc có lúc không. Anh em có thể dùng Google Maps thep link
tại đây để xem qua cung đường rất đẹp này.
So về kiểu dáng thì mình có phần thích CB500X hơn, trông nó cao to, vạm
vỡ và đi xa cũng phù hợp hơn. Nhưng nếu mua để sử dụng thường xuyên ở đô
thị thì chắc mình sẽ thiên về CB500F vì sự linh hoạt mà nó mang lại.
Honda CB500F nhẹ hơn, yên xe thấp hơn 25 mm so với CB500X, bình xăng
cũng gọn hơn. Nhờ vậy mình chỉ mất tí thời gian để làm quen xe.
Tư thế ngồi lái có hơi chồm về trước đúng với đặc trưng của dòng naked.
Tuy nhiên, mình không cần gồng quá nhiều như khi chạy CB650F của Mod
@su béo béo,
việc ôm cua cũng nhẹ nhàng hơn nhiều. 47 mã lực từ động cơ 2 xilanh của
CB500F nhìn chung đủ sức làm chủ cung đường rời cao nguyên Cameron. Chủ
yếu mình chạy ở số 3 và 4, vận tốc trung bình tầm 80 km/h vì mặt đường
hơi ướt và lâu lâu lại có các ổ gà lớn do xạc lở.
Trạm dừng chân này khá đơn sơ, dù sao vẫn đủ rộng rãi để các xe có thể sắp xếp vào hết trong bãi
Toilet lộ thiên, gần gũi với thiên nhiên
Sau trạm nghỉ chân đầu tiên, cả đoàn tiếp tục chạy trên đường 102 tầm 40
km rồi chuyển hướng sang quốc lộ 1504. Đoạn đường này làm mình nhớ đến
khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long khi bên đường là các hàng cây thuộc
giống dừa hay cọ gì đó. Lâu lâu còn có vài đàn bò được thả rong ven
đường, khiến mấy anh cảnh sát dẫn đường phải dừng lại để canh chừng mấy
bạn bò không làm bậy
Hơn 12 giờ 30 thì cũng đến được chỗ ăn trưa. Quán ăn này có tên Lemang
To’ Ki, dường như nó là điểm dừng chân thường xuyên của nhiều nhóm đi
phượt bằng xe máy, mô tô. Món đặc biệt nhất ở đây là cơm nấu bằng ống
tre, kha khá giống cơm lam ở Đà Lạt. Điểm khác biệt là họ có lót thêm 1
lớp lá chuối giữa cơm và ống tre, đồng thời loại gạo này dẻo hơn so với
cơm lam. Tranh thủ ăn vội đĩa cơm với gà nướng để kịp làm video
livestream để anh em ngắm chiếc Honda NC750X dưới đây:
Lúc này, đoàn chỉ còn cách Kuala Lumpur tầm 80 km thôi và mình được
chuyển sang chạy chiếc Honda CB1100 EX màu đỏ mận đời 2015. Xe độ nhẹ
thêm phần kính chắn gió và ốp đèn pha. Chi tiết này vừa làm đầu xe liền
lạc hơn, vừa giảm phần nào gió bạt vào người lái khi chạy ở tốc độ cao.
Đoàn vội khởi hành lúc 1h45 khi trời bắt đầu đổ mưa nhè nhẹ. Ấn tượng
đầu tiên của mình là động cơ 4 xi-lanh của xe không thật sự khỏe đến 88
mã lực như thông số kỹ thuật. Có thể do em nó đã bị bào tour hơi nhiều.
Tuy nhiên, phanh trước của chiếc CB1100 EX này cực nhạy, bóp phát là
dính ngay.
Chưa kịp để tâm cảm nhận xe kỹ càng hơn thì vấn đề diễn ra. Rõ ràng
trước khi đi mình đã kiểm tra xăng cộ, bản đồng hồ của chiêc CB1100 EX
lúc đó mới vơi 2 vạch. Ngoài ra, lúc ăn trưa mình có thấy team hậu cần
đi châm xăng cho các xe nên rất an tâm. Vậy mà mới chạy được tầm 10 km
thì xăng tụt xuống chỉ còn 2 vạch. Theo như lịch trình được thông báo
của ban tổ chức, chặng này quãng đường di chuyển khoảng 90 km để về
khách sạn. Lòng mình lúc đó thầm mong chỉ là phao đo xăng bị sai mà
thôi, hoặc giữa chặng sẽ có điểm tiếp nhiên liệu.
Vào đến cao tốc E8 được một đoạn thì xăng chỉ còn một vạch cuối. Lúc này
mình đã chuẩn bị tinh thần để phải dắt bộ rồi. Nhưng nhớ ra ban tổ chức
có hướng dẫn rằng có việc gì cần trợ giúp trên đường chỉ cần giơ tay và
báo hiệu cho nhóm dẫn đường. Bật đèn ưu tiên rồi tách đoàn, mình giơ
tay xin trợ giúp thì có ngay một anh chạy ST1300 áp sát và ra dấu bám
sát về lề. Chiếc Navara hậu cần nhận được tin báo cũng tấp vào lề vào để
trợ giúp. Sau khi khỏi han thì mình được báo rằng đã gần tới trạm xăng
rồi nên không cần đổ thêm xăng ngay trên cao tốc. Thế rồi mình bám theo
đuôi chiếc ST1300 màu đen, len lỏi giữa 3 dòng ô tô trên cao tốc vì lúc
này đã không còn xe chặn hậu của đoàn nữa. Lúc này mới thấy kinh nghiệm
đi xe máy ở Sài Gòn lúc kẹt xe có ích như thế nào
Càng về gần Kuala Lumpur, mưa dần xuất hiện nhiều hơn
Vào đến địa phận thủ đô thì mưa không ngớt, và mình đã tắm trọn cơn tầm
tã để về đến khách sạn. Một phần vì chủ quan nên mình không mang theo bộ
đồ đi mưa. Một phần đoàn không dừng lại nên mình bắt buộc phải chạy
tiếp nếu không muốn bị lạc. Không những mưa, thủ đô của Malaysia 4 giờ
chiều còn cực kỳ đông xe, xa lộ 4-5 làn xe hơi mà vẫn kín chỗ. Dù đã có
cảnh sát hộ tống mở đường nhưng nhiều lúc đoàn mô tô vẫn phải đi theo
hàng 1, xen vào giữa 2 làn ô tô. Rất may là ý thức tham gia giao thông
của người dân nước bạn rất tốt. Khi có hiệu lệnh của cảnh sát là lập tức
nhường đường cho đoàn Honda, kể cả xe ô tô lẫn xe máy. Đến khi không
còn gì để ướt nữa thì mình cũng đền được nơi cần đến. Cất vội xe vào
hầm, mình nhận phòng rồi chuẩn bị lên đồ để kịp giờ đi gặp Marquez.
Từ khách sạn Le Meridien Putrajaya, mọi người được xe buýt đưa đến
Sama-Sama Hotel ngay cạnh trường đua Sepang. Đây là địa điểm tổ chức
tiệc gặp mặt với các tay đua MotoGP của đội Repsol Honda Team và các
thành viên của hành trình Honda Asian Journey 2018. Đến nơi thì đã có
hẳn một câu lạc bộ Honda CBR ở Malasia chờ sẵn để gặp thần tượng.Anh em
chọn dàn xe thay các bạn PG dưới đây?
Xe...
...hay người?
Sau khi ăn uống, các đoàn 6 nước giao lưu để giết thời gian thì hơn 9
giờ 10 hai nhân vật chính của buổi tiệc mới xuất hiện. Đây là đầu tiên
mình gặp trực tiếp các tay đua MotoGP bằng xương bằng thịt. Thật sự bất
ngờ khi Marzc Marquez và Dani Pedrosa bên ngoài màn hình tivi nhỏ con
hơn mình tưởng nhiều. M93 cao 1m69 trong khi số 26 chỉ cao 1m60. Vậy mà
họ có thể kiểm soát những cổ máy hơn 200 mã lực ở vận tốc khủng khiếp
cực kì thuần thục.
Thannh niên mà anh em hay gọi là "Trẻ trâu" thật ra ở ngoài rất thân
thiện và lành tính. Đặc biệt là 2 tay đua Tây Ban Nha nói chuyện với
nhau liên tục, chắc là bàn luận về buổi chạy phân hạng dưới mưa chiều
hôm 3/11. Sau tấm ảnh chụp chung cả đoàn Việt Nam, mình có làm liều
quành lại để bắt tay với Marquez nhưng hụt mất vị bị nhân viên kỹ thuật
cản lại. Tiếc nữa là ban tổ chức không sắp xếp M93 và Pedrosa tặng chữ
ký. Thời gian từ lúc vào cho đến lúc ra khỏi khán phòng của 2 ngôi sao
chỉ tầm 15 phút. Đành thông cảm vì lịch trình dày đặt của họ trong những
ngày ở Sepang, vừa phải tập trung thi đấu, vừa phải tham gia gặp gỡ
người hâm mộ.
Ở phần cuối của ký sự hành trình Honda Asian Jourey 2018, mình sẽ chia
sẻ với anh em về 1 ngày ở Sepang International Circuit Malaysia xem
MotoGP vui vẻ lẫn cực nhọc ra sao
https://tinhte.vn/threads/ky-su-lai-mo-to-doc-malaysia-di-xem-motogp-tu-thanh-pho-dao-den-thu-do-cap-nhat-o-trang-2.2872739/page-2#post-52593879
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét