Những câu chuyện xung quanh những chú voi từ khi còn hoang dã đã được
đưa về, đang được chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo tồn tại Buôn Đôn, Daklak
là những câu chuyện rất thú vị và xúc động. Những hình cảnh của cuộc gặp
gỡ và chứng kiến những câu chuyện, những con người đang ngày đêm âm
thầm làm công tác cứu hộ, chăm sóc những chú voi bị nạn, được nghe những
câu chuyện về những chú voi trong khu bảo tồn
và tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt và làm việc của cả đội ngũ nhân
viên cũng như đàn voi tại Tây Nguyên heo hút này, với sự nỗ lực của cả
người và voi, họ vẫn đang tiếp tục vượt qua những khó khăn để hoàn thành
tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, duy trì và bảo tồn đàn voi hiện có.
Đó là câu chuyện @camera Tinhte xin giới thiệu câu chuyện ảnh kể về những người ở trạm cứu hộ voi hoang dã, thuộc trung tâm bảo tồn voi
Daklak cuối tuần này. Thành viên Nguyễn Thanh Dương (Dương Hài Cốt) đã
cất công lên Buôn Đôn, trong khoảng thời gian nóng nực nhất của vùng Tây
Nguyên với mong muốn tìm hiểu và nhìn thấy và kể lại bằng ảnh. Những
hình ảnh trong bài này được chụp bằng điện thoại Oppo F7, đủ để lưu lại những kỉ niệm đáng nhớ trong chuyến đi của mình.
Điểm dừng chân đầu tiên của tôi trong chuyến hành trình tại Buôn Đôn là
Trạm cứu hộ voi hoang dã thuộc trung tâm bảo tồn voi Daklak.Với cơ sở
vật chất và thiết bị còn nhiều thiếu thốn và hạn chế, nhưng đây lại là
nơi quan trọng nhất trực tiếp cứu hộ và chăm sóc sức khỏe cho đàn voi
tại Buôn Đôn. Theo số liệu thống kê hiện nay tại Buôn Đôn có tổng cộng
25 con voi trong đó trạm cứu hộ có 5 con, vườn quốc gia Yok Đôn 3 con,
còn lại ở các trung tâm du lịch và của người dân.
Hiện có rất nhiều nhân viên và tình nguyện viên công tác tại đây. Công
việc hàng ngày là của họ là tìm kiếm những chú voi bị nạn, chăm sóc và
chữa trị cho chúng. Thời điểm tôi đến trong trạm có hai chú voi hiện
đang được chăm sóc tại đây là Gold và Jun.
Voi Gold
Gold được đưa về trạm vào cuối tháng 3 năm 2016 vì rớt xuống giếng ở hồ
Ea Súp Thượng, lúc đó Gold mới được 4 tháng tuổi. Lúc còn nhỏ chỉ uống
sữa, nước gạo, cháo… Sau khoảng thời gian chăm sóc ổn định sức khỏe,
Gold 3 lần được cho thả lại với voi đàn để ghép đoàn nhưng không thành
vì voi đàn không chấp nhận, Gold lại theo nhân viên về lại trại. Vì chơi
với người từ khi còn bé nên Gold rất thích người và tinh nghịch.
Hiện tại sau khoảng thời gian chăm sóc đã tốt lên, tuy nhiên tâm lí vẫn
chưa ổn định, thỉnh thoảng rất phá và bướng bỉnh. Gold cũng là trường
hợp voi con mồ côi duy nhất được nuôi sống trên thế giới.
Voi Jun
Jun được đưa về trạm vào tháng 3 năm 2015 do bị dính bẫy ở chân. Trong
khoảng thời gian vật lôn để thoát bẫy, vòi của Jun cũng bị thương nặng,
thủng một lỗ rất to. Vì dính phải chấn thương nặng nên việc điều trị cho
Jun rất khó khăn. Tháng 11 năm 2017 khi sức khỏe ổn định trong khi ghép
đôi với Bunkon vì Jun nghịch ngợm nên bị Bunkon đánh gãy xương, sau đó
được tiếp tục điều trị tại trạm cho tới nay.
Chân trái của Jun bị thương nặng.
Hiện tại chân Jun đã lành nhưng đi lại vẫn khó khan và bị đau, bên cạnh
đó vòi bị thủng một lỗ lớn dẫn tới khó khan trong việc sử dụng vòi.
Cũng như hầu hết các chú voi được thuần hóa hoặc đưa về cứu trợ, mỗi chú
voi sẽ được đặt tên để gọi. Voi cũng giống như con người, sống tình cảm
và có cá tính riêng, biết vui, biết buồn và rất thông minh. Đôi khi
chúng phá phách nghịch ngợm như những đứa trẻ nhưng đôi khi rất hiền
lành và ngoan ngoãn.
Một ngày mới tại trạm bắt đầu bằng việc các thành viên trao đổi thông
tin, báo cáo tình hình sức khỏe của các chú voi và công việc cũng như kế
hoạch trong ngày.
Các nhân viên của trạm và tình nguyện viên đang trao đổi công việc.
Dione Slagter
Chuyên gia của tổ chức động vật châu Á (Animals Asia Foundation)
đang xem lại biểu đồ sức khỏe của hai chú voi tại trạm.
Dione làm việc về mảng phúc lợi cho đông vật và cô đã hỗ trợ cho trạm hơn hai năm tại Việt Nam.
Dione đang làm việc bên cạnh là chú chó 3 chân của cô.
Lot – Là một chú chó bị tai nạn giao thông dẫn đến việc phải cắt bỏ 1
chân trước, Dione là người đã cứu chú bằng cách hỗ trợ và trực tiếp đưa
chú ra Hà Nội để phẫu thuật. Họ thuộc về nhau đã gần 1 năm.
Công việc của Dione không phải trực tiếp chăm sóc cho các chú voi mà là
người đưa ra các giải pháp hỗ trợ tối ưu về kinh phí, công nghệ và liệu
pháp tốt nhất cho việc chữa trị cả về thể chất và tâm lí cho các chú voi
gặp nạn.
Ngày thứ hai, tôi được đưa đi thăm quan tìm hiểu về các chú voi nhà ( đã
được thuần hóa) tại hai khu vực là Vườn quốc gia Yok Đôn và Khu du lịch
Buôn Đôn. Đây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc hành trình
của bản thân khi đi tìm hiểu những câu chuyện về voi trên vùng đất Tây
Nguyên.
Đến với Vườn quốc gia Yok Đôn tôi lại được biết đến những câu chuyện về
voi, về những nài voi (quản tượng) thú vị khác. Hiện tại ở Yok Đôn có 3
chú voi tuy nhiên lúc tôi tới đây chỉ gặp được 2 chú còn 1 chú đã thả
vào rừng để phục vụ tour du lịch đi tìm voi.
Bun Khăm là chú voi cái khoảng 55 tuổi, là voi có kinh nghiệm về săn bắt
voi rừng. Bun Khăm có kinh nghiệm trong việc chăm sóc các voi nhỏ và là
bảo mẫu tốt cho voi con. Điều đặc biệt chính Bun Khăm là là voi đã bắt
và dắt Jun từ rừng về trạm để điều trị vết thương. Bun Khăm cũng chính
là bảo mẫu của Thoong Ngân, nuôi dạy và chăm sóc Thoong Ngân từ nhỏ.
Anh Mức (hay còn gọi là Ma Tâm) bên cạnh Bun Khăm.
Ma Tâm là một nài voi chính hiệu và có tiếng tại vùng đất Tây Nguyên nói
chung và Buôn Đôn nói riêng, là người có nhiều kinh nghiệm về nuôi
dưỡng, săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ma Tâm là người đã cùng Bun Khăm
cứu hộ Jun, bắt và đưa Jun về điều trị vết thương trong những ngày đầu
tiên Jun gặp nạn. Ma Tâm rất hiểu về các loài voi, hiểu về tâm lí của
voi và các thời kì của voi. Hàng ngày, Ma Tâm trực tiếp chăm sóc Bun
Khăm, cùng Bun Khăm đi khắp vùng Bản Đôn.
Voi Bun Khăm và Ma Tâm
Ma Tâm chăm sóc Bun Khăm
Tạm biệt vườn quốc gia Yok Đôn, tôi tới thăm mộ của vua voi Ama Kông, ông là một huyền thoại và là biểu tượng sức mạnh của người đàn ông vùng đất Tây Nguyên hung vĩ.
Mộ vua voi Ama Kông - Ama Kông là người dân tộc M’Nông, sinh năm 1910
(theo lời gia đình và khai sinh thì ghi sinh năm 1917), tại bản Đôn, xã
Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, là một người săn voi và thuần
dưỡng voi rừng nổi tiếng của Việt Nam. Ama Kông là người săn được nhiều
voi nhất ở Việt Nam (298 con). Ông từng tặng voi cho vua Thái Lan, vua
Lào cũng như từng đi săn voi với Hoàng đế Bảo Đại và từng tặng một con
voi trắng cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, sau đó ông được tặng lại 3 khẩu
súng và rất nhiều tiền bạc. Ama Kông cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi
giấy khen kèm khoản tiền thưởng 50 nghìn đồng, do thành tích góp voi cho
kháng chiến vào năm 1954.
Lăng mộ vui voi Ama Kông. Rạng sáng ngày 3/11/2012, Ama Kông mất ở tuổi 103. Ông có 4 vợ, 21 người con, 118 cháu, chắt.
Câu chuyện về voi được tiếp tục khi tôi tới thăm khu du lịch Buôn Đôn.
Tại đây có rất nhiều voi đang được nuôi dưỡng để phục vụ cho việc khai
thác du lịch. Tất cả voi ở đây đều đã được thuần dưỡng để chuyên chở
khách, mỗi lần cưỡi voi các du khách phải trả từ 200-550 ngàn đồng tùy
số lượng người cưỡi và thời gian cưỡi khác nhau.
Kết thúc chuyến thăm quan, tôi quay trở lại trạm cứu hộ với rất nhiều
câu chuyện thú vị về voi, những băn khoăn trăn trở về cuộc sống hiện tại
của chúng, mọi thứ hỗn độn và làm tôi suy tư rất nhiều.
Những nụ cười rạng rỡ của nhân viên và tình nguyện viên.
Cuộc sống của chúng ta vẫn đang tiếp diễn, ngày lại ngày. Cuộc sống của
voi cũng thế. Sau chuyến khám phá và tìm hiểu về voi, về những con người
đang ngày đêm sống cùng voi tại Buôn Đôn, bản thân tôi thấy trưởng
thành hơn rất nhiều. Ngoài việc thu nhận được nhiều kiến thức, biết được
nhiều câu chuyện thú vị tôi còn được gặp gỡ những chú voi, những con
người đặc biệt tại đây. Dẫu biết hiện tại cuộc sống và công việc, nhiệm
vụ của tất cả con người và đàn voi nơi đây là vô cùng khó khăn nhưng tất
cả đều lạc quan hướng tới một tương lai tốt đẹp cho những chú voi và
chính bản thân mình. Cầu chúc cho tất cả đều bình an và tốt đẹp.
Buôn Đôn tháng 5/2018.
Tạm biệt và hẹn gặp lại với nhiều hy vọng và yêu thương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét