Lời mời ông Moon Jae-in bước qua đường biên giới của lãnh đạo Triều Tiên khiến những người chứng kiến không khỏi ngạc nhiên.
Khi ông Kim Jong-un xuất hiện ở Panmunjom, Tổng thống Hàn Quốc Moon
Jae-in đã chờ sẵn ở gờ bê tông phân cách hai miền. Hai lãnh đạo đứng ở
hai bên đường phân chia giới tuyến, bắt tay và chào hỏi nhau trong
khoảng 30 giây, đồng thời quay mặt về phía các phóng viên để chụp ảnh.
"Tôi rất vui được gặp ngài", ông Moon nở nụ cười chào đón ông Kim, trước
khi lãnh đạo Triều Tiên bước chân qua gờ bê tông, trở thành nguyên thủ
đầu tiên của Triều Tiên đặt chân lên đất Hàn Quốc kể từ năm 1953. Theo
kế hoạch, hai lãnh đạo sau đó sẽ cùng nhau tiến tới Nhà Hòa bình trên
lãnh thổ Hàn Quốc để tiến hành hội đàm, nhưng bất ngờ đã xảy ra.
Lúc ông Moon giơ tay mời ông Kim bước về phía Nhà Hòa bình, lãnh đạo
Triều Tiên bất chợt quay người lại, đưa tay ngỏ ý mời Tổng thống Hàn
Quốc bước qua ranh giới để đi vào lãnh thổ Triều Tiên. Sau vài lời trao
đổi, ông Kim nắm tay ông Moon cùng bước qua gờ bê tông để trở lại bên
kia giới tuyến trong sự ngỡ ngàng của nhiều người chứng kiến. Hai lãnh
đạo tiếp tục bắt tay nhau trong khoảng 10 giây trên đất Triều Tiên và
tiếp tục chụp ảnh.
Theo một người phát ngôn của ông Moon, đây là quyết định "ngẫu hứng" của
hai lãnh đạo. Phát ngôn viên này cho biết Tổng thống Moon hoan nghênh
"dũng khí" của ông Kim khi bước qua biên giới Hàn Quốc. Khi ông Moon hỏi
rằng liệu ông có thể tới thăm Triều Tiên hay không, ông Kim trả lời:
"Có lẽ đây là thời điểm thích hợp để ngài bước vào lãnh thổ Triều Tiên".
Theo giới quan sát, đây là động thái cho thấy ông Kim Jong-un nắm rất rõ
những nghi thức "có qua có lại" trong ngoại giao. Việc đặt chân lên
lãnh thổ Hàn Quốc, sau đó mời Tổng thống Hàn Quốc trở lại đất Triều Tiên
cho thấy ông Kim muốn thể hiện vai trò "ngang hàng" với ông Moon, đồng
thời cho thế giới thấy mình là người đứng đầu của một quốc gia có chủ
quyền.
Ông Kim Jong-un (áo đen) và ông Moon Jae-in gặp nhau ở Panmunjom. Ảnh: Yonhap.
|
Động thái này cũng có thể phát đi thông điệp hòa giải giữa hai miền
Triều Tiên, xóa đi những nghi kỵ, thăm dò dù là nhỏ nhất, nhằm cho thấy
sự cởi mở, chân thành của cả hai bên trước khi ngồi vào bàn đàm phán.
Ông Kim Jong-un sau đó viết trong sổ lưu niệm tại Nhà Hòa bình rằng đây
là "một trang sử mới... tại điểm khởi đầu của lịch sử và kỷ nguyên hòa
bình".
"Ông Kim có thể muốn tận dụng cuộc gặp thượng đỉnh để cho thấy rằng ông,
với tư cách là lãnh đạo một quốc gia bình thường, mới là người đưa ra
sáng kiến thực sự nhằm mở ra chương mới hòa bình trên bán đảo bằng sự
cởi mở và hòa hợp", Ahn Chan-il, giám đốc Viện Nghiên cứu Triều Tiên Thế
giới, nhận định.
Khi ông Moon cùng các quan chức cấp cao chào đón phái đoàn Triều Tiên
trước Nhà Hòa bình, bất ngờ lại tiếp tục xảy ra. Được ông Moon chào hỏi,
hai quan chức quân sự cấp cao trong đoàn Triều Tiên là Tổng tham mưu
trưởng Ri Myong-su và Bộ trưởng Quốc phòng Pak Yong-sik đều giơ tay chào
Tổng thống Hàn Quốc theo nghi thức nhà binh. Tuy nhiên, các tướng lĩnh
Hàn Quốc lại không có động thái tương tự với ông Kim Jong-un.
Khoác trên mình bộ quân phục không quân, tướng Jeong Kyeong-doo, chủ
tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, chỉ bắt tay với ông
Kim mà không đưa tay lên vành mũ theo điều lệnh hay cúi đầu chào. Bộ
trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo cũng chỉ khẽ cúi đầu khi đối
mặt và bắt tay với ông Kim.
Ông Moon Jae-in bắt tay các tướng quân đội trong phái đoàn Triều Tiên. Ảnh: Korea Herald.
|
Sự khác biệt trong cách chào của các quan chức quân sự hai nước cho thấy
một thực tế là Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến
tranh về mặt kỹ thuật, bởi cuộc chiến cách đây 65 năm mới chỉ kết thúc
bằng một hiệp định ngừng bắn, chưa phải là hiệp ước hòa bình.
Với việc Triều Tiên tiếp tục coi Hàn Quốc là "kẻ thù chủ yếu", dường như
các quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng việc giơ tay chào lãnh
đạo Triều Tiên theo nghi thức nhà binh là không phù hợp, theo Yonhap.
Điều này cũng làm nổi bật một thực tế rằng lãnh đạo hai miền sẽ còn đối
mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình đàm phán để thu hẹp
những bất đồng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Nhiều người kỳ vọng một hiệp
ước hòa bình chính thức chấm dứt chiến tranh sẽ được lãnh đạo hai nước
ký kết trong sự kiện trọng đại này.
Bình An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét