Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

CHƠI FLYCAM: ĐAM MÊ VÀ TÌNH YÊU ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI

Nhật Thanh

(PCWorldVN) Mong muốn của mình là khi xem video clip 'Việt Nam qua góc nhìn Flycam', bạn sẽ yêu đất nước mình hơn, thương người dân mình hơn để cùng chung tay giúp họ có được cuộc sống tốt hơn.
Không là phải là dân chuyên nghiệp  về nhiếp ảnh, quay phim, và cũng không kinh doanh du lịch, nhưng Bùi Minh Tuấn lại dựng lên nhiều video clip rất ấn tượng về phong cảnh, đất nước Việt Nam. Tất cả là từ niềm  đam mê công nghệ, và hơn hết là tình yêu đối với đất mước, con người Việt Nam.
DJI Phantom 4, phiên bản hiện đại và gọn nhất được anh Tuấn lựa chọn cho các chuyến đi
Vốn là Kỹ sư tự động hóa tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, sau đó lấy thêm bằng Quản trị kinh doanh ĐH Kinh tế, Tuấn đã trải qua những vị trí công việc tại các công ty lớn, kể cả công ty nước ngoài. Nhưng rồi cuối cùng anh đã trở về Quảng Trị, quê nhà của mình để thỏa sức với đam mê và thực hiện những ước mơ ấp ủ.
Bùi Minh Tuấn, hay “Yamaha Trung tá”, là cái tên được rất nhiều người biết đến. Bỏ qua những scandal bản quyền gây ồn ào trong một thời gian, thì điều chúng ta quan tâm hơn cả là những sản phẩm giá trị mà anh đã tạo ra bằng chính sức lao động và sáng tạo của mình.
Bùi Minh Tuấn – “Yamaha trung tá” trong các chuyến đi “săn”cảnh đẹp
Giới chơi drone, và rất nhiều người khác đều biết Tuấn là một tay chơi flycam có “số” thông qua các bức ảnh, video clip do anh tạo ra bằng những flycam và kinh nghiệm của mình. Không chỉ chơi, sưu tầm và khám phá drone như một fan cuồng của công nghệ, Tuấn còn dùng những thiết bị bay này như một công cụ để ghi lại những hình ảnh, khoảng khắc ấn tượng từ trên cao, điều mà ít người có thể làm được, phục vụ cho ước mơ lâu dài của mình. Tuấn đến với flycam với lý do rất đơn giản: Được chụp hình toàn cảnh từ trên cao về quê hương, đất nước, các sự kiện… và chia sẻ cho mọi người cùng xem như là thú vui. Lúc chưa có flycam, để chụp hình toàn cảnh từ trên cao, ngoài việc kiếm địa điểm để leo trèo, anh đã từng thuê một chiếc xe cẩu với giá 2 triệu đồng. Sau đó anh thuyết phục cơ quan chức năng để được đến gần khu vực diễn ra chương trình, chỉ để chụp được một bức hình toàn cảnh rồi về. Đó chính là lý do anh phải tìm tòi và nghiên cứu để “kết duyên” cùng thiết bị camera bay này.
“Ngày thì kinh doanh, đêm làm cái mình thích, cày chỏng đầu!”, Tuấn đã chia sẻ khi nói về công việc hàng ngày. Anh đã làm việc cật lực để nuôi dưỡng đam mê và mơ ước của mình. “Ở đâu làm ra tiền được rồi, đâu cần danh. Mình làm ra tiền, nuôi được đam mê của mình”, Tuấn đã cho thấy một phần lý do tại sao anh đã bỏ công việc ở các công ty lớn để về quê lập nghiệp, mở công ty kinh doanh xe gắn máy.
Nhân chuyên đề về drone, PC World đã có dịp trò chuyện với Bùi Minh Tuấn, hay “Yamaha Trung tá”, tác giả của video clip “Việt Nam qua góc nhìn Flycam”. Đây là những chia sẻ, hình ảnh của anh về flycam, đề tài mà anh có thể “chém gió” bất cứ lúc nào, ở đâu. Đến nay, những người yêu thích flycam và còn lạ lẫm khi tìm hiểu liên lạc, anh luôn giải đáp thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệm nhiệt tình. “Đây có phải nghề kiếm cơm manh áo của em đâu anh, chỉ là thú chơi nên Tuấn chia sẻ hết! Lúc còn là sinh viên, em là fan cuồng của PC World, hồi đó mà cầm được cuốn PC World trong tay, mặt cứ vênh lên!”, anh vui vẻ cho biết.
Để sở hữu một thiết bị bay điều khiển từ xa, hay drone, theo anh phải lưu ý những điều gì khi mua, cũng như khi sử dụng. Anh có những kinh nghiệm gì trong việc này có thể chia sẻ cho những người quan tâm?
Drone hay còn gọi là thiết bị bay điều khiển từ xa, ở đây chúng ta sẽ bàn về thiết bị bay có gắn camera (cũng gọi là drone) nhưng tên chính xác của nó là Flying Camera, viết tắt là Flycam.
Để sở hữu một chiếc flycam, chắc chắn trước tiên bạn phải cần đến tiền để mua nó. Tất nhiên cũng phải cần tiền để sửa chữa hoặc mua mới, bởi vì rủi ro khi sử dụng Flycam là rất cao. Ngoài thị trường, có rất nhiều loại flycam và giá cũng rất khác nhau tùy chất lượng và tính năng.
Nhưng đối với dân chuyên nghiệp, cái rẻ nhất để sử dụng được cũng phải có giá trên 30 triệu (đồng Việt Nam), chưa kể những đồ phụ kiện đi theo nó, ngót nghét cũng trên dưới 40 tr là điều bình thường. Những bản cao cấp thì rất đắt, lên đến vài trăm triệu. Hãy tưởng tượng khi chiếc flycam của bạn rơi thì coi như bạn mất trắng số tiền đó, sửa chữa được là xác suất cực hiếm. Do vậy, thú chơi flycam không dành cho những người hạn hẹp về khả năng tài chính, cũng như các tay mơ!
Phòng làm việc, các thiết bị và một Studio quay phim nhỏ có trị giá tới 1,5 tỷ VNĐ
Việc thứ 2 cần khi sở hữu flycam là bạn phải hiểu rõ về “Nghị định số 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ: Về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ”. Tất nhiên là đa số những người sử dụng flycam đều hoạt động không xin phép, chỉ số ít hoạt động đúng quy định, xin trực tiếp các Cơ quan đơn vị có thẩm quyền.
Đối với những thiết bị flycam chuyên nghiệp từ hãng DJI, bản thân trong phần mềm điều khiển DJI Go đã xác định sẵn khu vực NoFly-Zone (khu vực cấm bay). Ở các khu vực này, trên màn hiển thị sẽ hiện ra kí hiệu cấm bay (vòng tròn bọc dấu gạch ngang), và khi bay qua đây thì Flycam bị mất kiểm soát và ​không thể điều khiển được, rủi ro rơi là rất lớn. Nếu không có kinh nghiệm điều khiển khi mất sóng hoặc GPS định vị, rơi ở chỗ đông người sẽ rất nguy hiểm.
Khu vực cấm bay tại Nhà hát lớn Hà Nội (nguồn: Bùi Minh Tuấn)
Hình minh họa bên dưới cho thấy Khu vực cấm bay khi điều khiển flycam tại Nhà hát lớn Hà Nội. Cho dù có Giấy phép bay, nhưng để điều khiển được flycam thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm.
Việc thứ 3: Đó là phải tập luyện bay. Mình cần nhắc lại: PHẢI TẬP BAY, không những tập mà phải tập liên tục; địa điểm tập là phải những sân rộng, chỗ vắng người, tránh vùng cấm bay. Người điều khiển giỏi là người tiếp thu nhanh, có mắt nhìn nhận góc bay và đặc biệt là có nhiều giờ bay. Thường thì càng giỏi bay, đòi hỏi kỹ thuật cao, góc quay đẹp thì rủi ro và thiệt hại rất lớn.

Anh đã dùng flycam để chụp ảnh, quay video từ trên cao và đã tạo ra nhiều tác phẩm ấn tượng. Anh đã thực hiện điều này như thế nào?
Mình là một người kinh doanh tại gia đình, không liên quan đến công việc quay phim và nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Tuy nhiên, mình có niềm đam mê về quay phim và nhiếp ảnh. Những sản phẩm mình khổ công tạo ra được dùng để phục vụ miễn phí cho bà con trong nước và quốc tế chứ không sử dụng để trao đổi và mua bán.
Mình đã thực hiện niềm đam mê đó trong nhiều năm. Vào năm 2010, thiết bị quay phim flycam (máy quay trên không) xuất hiện trên thị trường, mình đã mua một số flycam về âm thầm tập luyện quay phim suốt 6 năm qua.Trong quá trình đó, mình đã tạo ra nhiều tác phẩm có ích phục vụ cho bà con, cho quê hương.
Tháng 4 năm 2015, với ước mơ mang đến một hình ảnh đẹp cho đất nước, du lịch Việt Nam, mình đã tự bỏ công và chi phí thực hiện 1 video clip xuyên Việt Nam mang tên là: “Việt Nam qua góc nhìn Flycam”. (Liên kết: https://www.youtube.com/watch?v=ygqR5qMXN7Y).3
Flycam được sử dụng trong hành trình xuyên Việt
Mình làm ra video clip này với mục đích giới thiệu và chia sẻ những cảnh đẹp của Việt Nam đến mọi người, kể cả người dân trong nước và nước ngoài. Để hoàn thành video clip hơn 12 phút này, mình đã thực hiện hành trình xuyên Việt từ Bắc vào Nam (Từ Lũng Cú, Hà Giang đến Đất mũi Cà Mau) hơn 1 tháng trời. Thật sự, công trình này đã tiêu tốn rất nhiều chi phí, thời gian và công sức của mình, thậm chí có lúc đã bất chấp nguy hiểm cho bản thân.
Nội dung của video clip này là những cảnh làng quê, ruộng đồng, núi non rất đẹp, thơ mộng và hùng vĩ của đất nước chúng ta, những nơi mà cuộc sống của người dân còn khó khăn, thiếu thốn. Mình đã đến tận nơi chứng kiến cuộc sống của họ, và tham gia làm từ thiện gần 10 địa điểm trong chuyến đi. Mình mơ ước được chung tay, góp phần công sức mời gọi khách du lịch đến với những mảnh đất này. Bản thân, khi đi du lịch, thấy dân Việt Nam mình nghèo, cuộc sống thiếu thốn nên mình rất xúc động, và thường chia sẻ với họ những gì mình có. Nhiều lần chẳng còn tiền trong túi, mình phải mượn tiền bạn bè để đổ xăng xe đi về. Mong muốn của mình là khi xem video clip này, nhất là đi du lịch, bạn sẽ yêu đất nước mình hơn, thương người dân mình hơn để cùng chung tay giúp họ có được cuộc sống tốt hơn.
Mình bắt đầu chơi flycam từ năm 2010 với một chiếc flycam mua ở nước ngoài, khi đó flycam tại Việt Nam còn hiếm. Như nhiều người mới bắt đầu, mình cũng trải qua những bước tập tễnh ban đầu, tập dần rồi mới nuôi ước mơ đi hết Việt Nam này.
Flycam thương mại có gắn sẵn camera, nhưng hồi đó tụi mình thường tháo bỏ đi vì chất lượng video dở. Sau đó gắn camera khác vào, loại xịn hơn, chẳng hạn loại camera hành động (action camera) GoPro, khi cần có thể nâng cấp lên loại tốt hơn.
Lắp camera vào flycam không đơn giản, toàn phải tự độ. Và do cũng chưa có bộ chống rung nên chỉ dùng flycam chụp ảnh là chủ yếu. Khi có bộ chống rung rồi thì mới dám quay video. Cho đến bây giờ, mình vẫn dùng camera hồi đó để quay video live stream, chất lượng hình ảnh vẫn rất căng và no màu sắc.
Ai chơi flycam lâu năm thì hơn kinh nghiệm và góc quay cũng hơn những anh em chơi sau. Những góc quay tay bằng flycam ngày trước rất đẹp, xứng tầm với những máy hiện đại bây giờ phải bay bằng chế độ tự động
Với các flycam xịn, điều khiển flycam và điều khiển camera độc lập với nhau, và có thể cần tới 2 người: Một điều khiển đường bay flycam, lạng lách;còn người kia điều khiển camera quay các góc. Để có kết quả tốt, hai người phải rất ăn ý với nhau, thời gian tập luyện sẽ rất nhiều. Nhiều người muốn quay video mà không có điều kiện thì phải thuê, cả flycam và người điều khiển.
Để có những quay góc đẹp thì người điều khiển flycam phải lạng lách, đánh võng, và do đó rủi ro rơi máy là cực cao. Đó là lý do dân chơi flycam phân ra “phi công già và phi công trẻ”. Phi công trẻ thì chủ yếu lên xuống, qua lại, đi lui tới, hoặc nếu có tiền thì mua 1 con flycam thật xịn, nhưng giá thuê thì thấp. Còn phi công già thì kinh nghiệm, đường bay, góc ngắm khác, và tất nhiên là giá cao hơn, 1 buổi bay có thể mất 1.000 – 2.000 USD, nhưng xác suất rủi ro rất cao, 1 ăn 1 đền do rơi máy. Với phi công già, họ có thể thể hiện tất cả mọi góc quay khó theo ý đồ đạo diễn chỉ với flycam. Tính ra chi phí vẫn rẻ hơn nhiều so với thuê máy bay hoặc sử dụng cần cẩu Boom để thực hiện, lại di chuyển gọn gàng.
Chiếc flycam đắt tiền bị rơi gãy phải mua mới toàn bộ
Đối với flycam hiện nay, lúc sạc đầy pin chỉ có thể bay trong vòng 15p. Thiết bị cũ hồi trước mình sử dụng thì chỉ bay trong vòng 10 p là phải sạc lại. Ở thành phố và những nơi có điện thì việc sạc pin quá đơn giản. Nhưng đối với những nơi vùng núi cao, khó kiếm nơi có điện thì bắt buộc phải có sự chuẩn bị từ trước, đó là:
Kinh nghiệm bay lâu năm, điều khiển tốt, tiết kiệm thời gian pin.
Kinh nghiệm quan sát đường bay và góc nhìn, để khi đến nơi là có thể quay luôn đỡ mất thời gian di chuyển.
Lượng pin dự trữ phải nhiều, mình thường mang theo 4 viên cho mỗi lần đi.
Ba lô chứa flycam kèm theo 7 viên pin
Sạc pin cho flycam khá lâu, thường mất hơn 1 tiếng cho mỗi lần sạc đầy pin. Do di chuyển ban ngày, ban đêm phải sạc pin. Vì vậy trong hơn 1 tháng trời, mình có giấc ngủ chập chờn, cứ hẹn đồng hồ 1h30p lại phải thức dậy rút và cắm sạc tiếp cục khác, cũng như sạc các thiết bị dưới đất, thiết bị hỗ trợ quay phim còn lại, chuẩn bị cho ngày thực hiện mới.
Cho đến nay, số lượng flycam của mình bị rơi và phải mua mới là 9 con, tất cả đều do rủi ro và ham cảnh đẹp, cũng như muốn góc quay đẹp nên bị thất lạc, va chạm hoặc rơi vỡ. Mình chọn và thường dùng DJI Phantom do nhỏ gọn, dễ di chuyển và du lịch, 1 người cũng có thể điều khiển được vì mình thường trải nghiệm 1 mình. Còn lại góc quay đẹp hay không là do kinh nghiệm điều khiển.
Chung lại tất cả, để làm được, điều trước tiên cần là: Đam mê và ước mơ được mang cảnh đẹp Việt Nam đến với mọi người. 1 giây của clip là cả quá trình phải di chuyển đến địa điểm cần quay với bao khổ cực, vạ vật, xuyên rừng, ngủ ngoài sân nhà dân, ham quay, té ngã chảy máu là điều hết sức bình thường...
Các video đều được cập nhật tại kênh Youtube của Yamaha Trung Tá: https://www.youtube.com/user/yamahatrungta. Bạn có thể để chia sẻ cho bà con xem.

Drone sẽ là xu hướng lớn trong thời gian tới, nhất là các ứng dụng thương mại. Bạn có dự tính, hay mong muốn một kế hoạch nào đó của mình trong lĩnh vực này?
Flycam nói riêng và drone nói chung hiện nay đang là xu hướng mới hiện nay và trong thời gian tới. Trước mắt, flycam được sử dụng để quay những cảnh từ trên cao, cảnh bay lượn đẹp mắt mà xưa nay chúng ta cần phải có máy bay chuyên dụng hoặc cần cẩu Boom để thực hiện với kinh phí cực cao. Đối với người chơi flycam có kinh nghiệm, có thể thực hiện những góc quay lạ mắt và rất đẹp với những cảnh khó quay ở tầm thấp. Những cảnh đẹp, ấn tượng trong các phim bom tấn của nước ngoài đều được hỗ trợ rất nhiều bằng flycam. Việt Nam trong năm gần đây bắt đầu sôi động lĩnh vực này.
Tiếp tục lên đường cho những cảnh quay
Ngoài việc quay phim chụp ảnh ra, drone còn được sử dụng trong các công việc khó mà con người không thể làm được như thám hiểm những nơi hiểm trở, tìm kiếm cứu nạn, vận chuyển hàng hóa (với loại lớn)... và rất nhiều lĩnh vực kỹ thuật cần đến drone.
Mình đã hoàn thành các cảnh quay về quê hương Quảng Trị  rồi và bước đầu thực hiện các cảnh quay xuyên Việt Nam xong, Tuấn sẽ tiếp tục thực hiện lại những nội dung mới về đất nước  chúng ta để chia sẻ cho mọi người. Thời gian tới,  Tuấn sẽ cố gắng thực hiện các cảnh quay ở các nước bạn, ước mơ mình ấp ủ lâu nay và đang thực hiên. Hi vọng sẽ thành công.
Bài viết sử dụng tư liệu và hình ảnh do Bùi Minh Tuấn cung cấp.

PC WORLD VN, 08/2016 
http://www.pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/song-va-cong-nghe/2016/09/1249457/choi-flycam-dam-me-va-tinh-yeu-dat-nuoc-con-nguoi/?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+articles%2Fcong-nghe+%28PCWorldVN+-+C%C3%B4ng+ngh%E1%BB%87%29&utm_content=Netvibes





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét