(Tiếp theo kỳ trước)
Nếu không kể những tác phẩm chưa được in thành sách thì, tính từ năm 1965 tới năm 1974, nhà văn Lê Xuyên đã có tất cả 10 đầu sách xuất bản.
Mặc dù gần đây, ở hải ngoại, một nhà văn viết về Lê Xuyên, đã xếp tiểu thuyết của ông vào loại văn chương giải trí; nhưng ngay từ trước tháng 4-1975, nhà báo lão thành Nguyễn Ngu Í đã liệt họ Lê vào danh sách “Tam kiệt” - - Những nhà văn thuộc dòng văn chương Nam bộ; hiểu theo nghĩa ngôn ngữ, khí hậu, phong cách dựng truyện, nhất là đối thoại trong tác phẩm của họ phản ảnh cực nét đặc tính Nam Bộ từ thời miền Nam còn trong giai đoạn khẩn hoang và, đã tương đối định hình. Hai người kia là các nhà văn Hồ Biểu Chánh và Lê Văn Trương.
Sự kiện này, được nhà văn Nguyễn Ngọc Chính, tác giả của nhiều bài viết công phu về một số văn nghệ sĩ thuộc 20 năm VHNT miền Nam ghi nhận như sau:
“Văn chương miền Nam, khoảng từ 1950 đến 1975, có 4 nhà văn nổi tiếng được mệnh danh là Tứ Đại Văn Hào Nam Bộ: Hồ Hữu Tường, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và Lê Xuyên. Đó là theo nhà thơ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, nhưng theo Nguyễn Ngu Í, Tứ Đại Văn Hào chỉ còn là Tam Kiệt: Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương và Lê Xuyên.
“Dù là Tứ Đại hay Tam Kiệt, họ đã chiếm một chỗ đứng quan trọng trên văn đàn với phong cách viết hoàn toàn Nam Bộ, từ lời ăn tiếng nói đến cách suy nghĩ và hành động. Văn phong của họ khác hẳn với các nhà văn “di cư” từ miền Bắc vào Nam năm 1954 vốn mang nặng hình thức văn chương hoa mỹ theo phong cách Tự Lực Văn Đoàn và dĩ nhiên lập trường chính trị của họ cũng khác hẳn.
(…)
“Điểm nổi bật là trong cả Tứ Đại lẫn Tam Kiệt đều có mặt nhà văn kiêm nhà báo Lê Xuyên, điều này cho thấy vai trò không kém phần quan trọng của Lê Xuyên trong văn học miền Nam hay nói một cách khác cụ thể hơn là trong “văn chương miệt vườn”. Người đọc văn Lê Xuyên có thể là giới bình dân, lao động, thợ thuyền, nông dân nhưng bên cạnh đó cũng phải kể đến giới trí thức miền Nam, kể cả những người Bắc ‘di cư’ vào Nam năm 1954…”
Họ Nguyễn giải thích thêm rằng: Đầu thập niên 1960, truyện kiếm hiệp của Kim Dung, đã tạo một cơn sốt trên báo hàng ngày tại miền Nam với những tiểu thuyết “feuilleton” đăng nhiều kỳ trên một số nhật báo. Nổi tiếng nhất là “Cô Gái Đồ Long” với bản dịch của Tiền Phong Từ Khánh Phụng được đăng trên báo Đồng Nai năm 1961.
Trong bối cảnh văn chương kiếm hiệp của Kim Dung đang thu hút người đọc vào thời đó thì sự xuất hiện của Lê Xuyên với tác phẩm đầu tay Chú Tư Cầu đã tạo được tiếng vang trên mặt báo dưới dạng tiểu thuyết nhiều kỳ viết theo kiểu “feuilleton” hàng ngày. Một đằng Kim Dung viết theo lối kiếm hiệp được dịch ngay từ nguyên bản đăng trên Hồng Kông Minh Báo… Một đằng là chuyện sông nước miền Tây với những tình tiết éo le và đối thoại mộc mạc, “rặc” kiểu Nam Bộ.
Nhật báo Sài Gòn Mai đăng Chú Tư Cầu trong suốt hai năm liền, từ tháng 2/1961 đến tháng 2/1963. Sau đó Chú Tư Cầu được xuất bản thành sách lần đầu tiên vào tháng 3/1963 tại Sài Gòn. (6) Đến tháng 4/2006, với sự đồng ý của bà quả phụ Lê Xuyên, nhà xuất bản Tiếng Vang tái bản Chú Tư Cầu tại hải ngoại…
Trong “Lời Tựa” mở vào tác phẩm “Chú Tư Cầu của Lê Xuyên, nhà văn Mai Thảo (1922-1998) viết:
“Hiện tượng của truyện dài viết từng đoạn, đăng từng kỳ nơi trang trong các nhật báo, như chúng ta đang thấy lan rộnq thành một lan rộng bao trùm toàn diện, đẩy hầu hết những cây bút sáng tác chuyên nghiệp hiện nay tới kiếm tìm một văn thể mới, áp dụng một bút pháp mới. Kỹ thuật được mệnh danh là kỹ thuật viết tiểu thuyết cho báo hàng ngày, ở mỗi người viết, phơi bày thành một phong cách biểu hiện khác nhau, nhưng mục đích muốn tới và dụng tâm cuối cùng thì giản đơn và sáng rõ là một.
(…)
“Ở ngòi bút Lê Xuyên và tiểu thuyết Lê Xuyên, vì cũng viết ra trước hết cho báo hàng ngày, chúng ta cũng thấy thấp thoáng sự nhập nội vào văn thể những kỹ thuật ấy. Nhưng Lê Xuyên không chỉ giới hạn khả năng trước tác của mình vào xử dụng kỹ thuật tiểu xảo. Và tiểu thuyết Lê Xuyên thật đông người đọc, tất còn phải chứa đựng, một sắc thái độc đáo nào? Câu trả lời là có. Đó là không khí, cảnh trí, những khuôn mặt điển hình, những cuộc đời đặc biệt những danh từ địa phương, cùng lối miêu tả sự việc bằng đối thoại cực kỳ linh dộng chỉ thấy ở tiểu thuyết Lê Xuyên. (7)
Nhận định về nghệ thuật đối thoại trong truyện của nhà văn Lê Xuyên, tác giả “Đêm Giã Từ Hà Nội” cho rằng, nhiều người cho truyện Lê Xuyên hay nhất ở những phần đối thoại. Đối thoại có chuyên chở sự việc, có phân tích tâm lý, nghĩa là có thuật có tả ở trong. Nhận xét trên đúng, và cũng dễ hiểu.
Vẫn theo nhà văn Mai Thảo thì, ngôn ngữ tiểu thuyết Lê Xuyên là thứ ngôn ngữ nói chuyện không biến hình bằng những bút pháp chuốt lọc hay văn hoa bay bướm hơn, cho nên cái khó nhất của nghệ thuật viết chuyện là đối thoại thì, Lê Xuyên lại thành công tốt đẹp nhất.
Là người từng viết feuilleton cho một vài tuần báo, nhật báo Saigon trước tháng 4-1975, tôi thấy, không cần phải được mách bảo, những người nhận viết truyện từng ngày cho các báo đều biết rằng, để “ăn gian” cột báo, nhất là khi tới giờ phải nộp bài cho nhà in sắp chữ thì, cách tốt nhất là kéo dài phần đối thoại của các nhân vật trong truyện. Cũng vì viết hàng ngày, lại không có thời gian đọc lại, nên cảnh nhân vật này “biến hình” thành nhân vật kia, thậm chí có nhân vật đã chết hoặc không biết từ đâu, thình lình hiện ra trong câu chuyện như những bóng ma… trở về từ cõi chết… là “tai nạn” hay xẩy ra cho một số tác giả viết loại truyện này.
Cũng chính vì sự cố tình kéo dài đối thoại đôi khi nhàm chán và, vô nghĩa, nên các nhà phê bình chỉ cần liếc qua một cuốn tiểu thuyết được xuất bản, khi thấy phần đối thoại chiếm số trang lớn trong sách, đã có thể kết luận, thường không sai lắm, về sự thiếu hay, không có tính văn chương, nghệ thuật của cuốn sách ấy.
Nhưng, ở trường hợp của nhà văn Lê Xuyên thì, ngược lại. Đọc tất cả các tuyện của Lê Xuyên, người ta thấy hầu như ông chỉ quan tâm tới tâm lý trai gái miệt vườn trong quan hệ tình cảm của họ mà, không quan tâm nhiều tới phần mô tả cảnh vật thiên nhiên, thời tiết, con người…
Điển hình như ngay chương đầu tiên mở vào truyện “Chú Tư Cầu”, đã là những đối thoại liên tiếp:
“Trời đã chạng vạng tối...
“Tư Cầu mới về tới nhà lấy thêm lúa cho vịt ăn. Nói chuyện bá láp một hồi mà trời sụp tối lúc nào không hay! Đến chừng nghe thiếm Hai má của anh ta hối, anh ta mới hay:
“- Ủa Cầu, mày tính ở đây nói chuyện dần lân riết rồi không chịu đem lúa vô trỏng hả! Bộ mầy không vô gom ba con vịt lại hả?
“- Tui có gởi con Phấn nó coi chừng dùm rồi mà!
“- Ừ gởi! Để tía mầy về ổng thấy ổng đả cho mầy một trận rồi mầy kêu trời!
- Thì đi đây nè...”
Sau một vài mô tả sơ sài, mục đích để chuyển đoạn vào phần đối thoại kế tiếp, họ Lê viết:
“… Chống gần tới chòi giữ vịt của Phấn, một cô gái chăn vịt ở gần đó, Tư Cầu dừng sào lại lấy hơi hú:
- Ì ì... ì ì ì!
Phấn nghe vội chạy ra:
- Sao đợi chừng nầy mới vác mặt ra hả?
- Chừng này chớ chừng nào nữa!
- Nói nghe sướng hông! Gom dùm bầy vịt của anh mệt thấy mồ!
Tư Cầu cười:
- Nhờ có một chút vậy mà cũng rên!
- Vậy mà còn nói một chút nữa! À hồi nẫy vịt của tui có một con bị lươn rút ngất ngư, tui làm thịt nấu cháo ở trỏng, một chút anh qua ăn nghen!
- Ừ qua thì qua, nhưng để dìa coi sóc ba con vịt đã.
- Tui nói tui gom về đủ hết rồi mà!
- Gom thì gom chớ cũng phải dìa coi lại cái đã. Còn un muỗi cho con Sấm nữa chi!
(Kỳ sau tiếp)
_________
Chú thích:
(6) Một tư liệu khác, ghi “Chú Tư Cầu” xuất bản năm 1965. Nđd.
(7) Nđd.
http://dutule.com/D_1-2_2-105_4-7686_15-2/le-xuyen-tam-kiet-cua-dong-van-chuong-nam-bo-ky-2.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét